Việt Nam là hình mẫu trong phòng, chống HIV/AIDS

01/12/2015 11:16

Việt Nam là một trong số ít quốc gia được Cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNAIDS) coi là hình mẫu trong phòng, chống và kiểm soát HIV/AIDS.

Tháng 12/1990 Việt Nam phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Trong thập niên cuối của thế kỷ trước từ năm 1990 đến năm 2000, dịch HIV lan nhanh trong cả nước. Đến năm 1998 HIV được phát hiện ở 100 % số tỉnh thành. Hình thái lây truyền chủ yếu trong giai đoạn này là thông qua việc tiêm chích chung kim trong nhóm đối tượng tiêm chích ma túy. Cùng với sự phát triển kinh tế trong giai đoạn này việc vận chuyển, buôn bán và sử dụng ma túy ngày càng khó kiểm soát. Giai đoạn từ 2000 đến 2007  tình hình lan nhiễm HIV tiếp tục gia tăng, có những năm như 2006 và 2007, mỗi năm phát hiện nhiễm HIV lên tới 32.000 ca.

Ảnh minh họa

Giai đoạn từ 2007 đến nay, nhờ những nỗ lực về việc tăng cường cam kết chính trị, sự phát huy tác dụng của Luật phòng chống HIV/ AIDS, Chỉ thị 54/2005- CTTW, Chiến lược Quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn 2030, sự hỗ trợ to lớn của viện trợ Quốc tế về tài chính, về kỹ thuật, về kinh nghiệm…, việc thực hiện điều trị ARV, việc can thiệp giảm thiểu tác hại,…đã làm biến chuyển tình hình dịch theo chiều hướng giảm thiểu sự lây lan của dịch HIV/AIDS tại Việt Nam.

Đến tháng 9/2015 cả nước đã  điều trị ARV cho 102.537 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS tại 312 phòng khám ngoại trú và 562 trạm y tế. Việc điều trị thay thế bằng thuốc Methadone được tiến hành cho hơn 38.424 bệnh nhân tại 203 cơ sở ở 54 tỉnh, thành phố, nhờ thế mà số người nhiễm HIV mới, số bệnh nhân AIDS và tử vong đã giảm liên tục trong vòng 10 năm qua. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong phòng chống HIV/AIDS khi mỗi năm vẫn có khoảng từ 12.000  đến 14.000 người nhiễm mới HIV; nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS còn thiếu thốn phải phụ thuộc vào tài trợ nước ngoài và chưa bền vững. 

Trong 9 tháng năm 2015, phát hiện 7.054 ca nhiễm HIV, 4.257 người đã chuyển qua giai đoạn  AIDS và 1.640  bệnh nhân đã tử vong do AIDS. Như vậy, kể từ đầu vụ dịch cho đến cuối tháng 9/2015, đã phát hiện tổng cộng 227.154 người nhiễm HIV, 83.538 bệnh nhân AIDS và 86.249 người đã chết do AIDS.

Hình thái dịch HIV/AIDS tại Việt Nam cũng đang có nhiều thay đổi: Tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV đang có chiều hướng gia tăng, nhất là khu vực đồng bằng Sông Cửu Long, có nơi phụ nữ nhiễm HIV chiếm trên 40% tổng số người nhiễm; Khoảng 80% người nhiễm HIV ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, độ tuổi có quan hệ tình dục mạnh mẽ, vì vậy sự lây truyền HIV qua đường tình dục gia tăng.

Điều đáng quan tâm là sự chuyển đổi hành vi an toàn trong một số quần thể còn chậm. Vẫn còn 13,01% người nghiện chích ma túy dùng chung bơm kiêm tiêm khi tiêm chích ma túy; 48.5% phụ nữ bán dâm (PNBD) không dùng bao cao su (BCS) thường xuyên; 62.9% những người có quan hệ đồng tính nam (MSM) khi quan hệ tình dục không dùng BCS thường xuyên. Sự lan nhiễm HIV/AIDS trong nhóm di biến động, dân chúng ở vùng sâu, vùng xa và miền núi còn đang diễn biến phức tạp. Đặc biệt nguy hiểm hiện nay là việc vận chuyển buôn lậu và sử dụng ma túy đang có chiều hướng gia tăng khốc liệt.

Trong khi đó, việc tổ chức điều trị nghiện ma túy theo đề án đổi mới do Chính phủ ban hành gặp không ít những lực cản về quan điểm chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Hiện nay, có nhiều người và thanh thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp đang đặt ra những vấn đề mới và nan giải trong việc kiểm soát hành vi, nhất là hành vi tình dục, vì vậy xu hướng lây nhiễm HIV qua đường tình dục gia tăng.

Đương đầu với HIV/AIDS tại Việt Nam – Những thành quả chính

Tuy phải đối mặt với thực trạng trên nhưng sau hơn hai thập kỷ đương đầu với HIV/AIDS tại Việt Nam chúng ta đã gặt hái được những thành công to lớn. Thành quả đầu tiên phải kể đến là chúng ta đã kiểm soát được tình hình dịch HIV, không để HIV phát triển thành đại dịch. Nhờ những biện pháp tổng hợp chúng ta đã khống chế dịch không để cho tình hình dịch phát triển như các nhà dịch tễ học và tổ chức Y tế thế giới dự báo vào năm 1993 là Việt Nam sẽ có 570.000 nhiễm HIV vào năm 1998. Sau 2 năm nỗ lực đương đầu với HIV, năm 1995, bằng các phương pháp khoa học, các nhà dịch tễ học quốc tế đã đưa ra dự báo mới sẽ có 380.000 người nhiễm HIV ở Việt Nam vào năm 2000.  Sau các dự báo này Đảng và Nhà nước ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp mạnh mẽ về cam kết chính trị, về luật pháp, về đầu tư, về các biện pháp tuyên truyền giáo dục, về chuyên môn y tế, về huy động cộng đồng… nên chúng ta đã ghìm được sự lây lan HIV không theo như dự báo.

Đến năm 2000 con số phát hiện nhiễm HIV trong toàn quốc là 23.348, thấp hơn dự báo năm 1993 trên 20 lần và thấp hơn dự báo 1995 là 16 lần. Với con số lũy tích phát hiện đến tháng 9 năm 2015 là 227.154 thì từ năm 2001 đến nay, theo mô hình tính toán của các nhà dịch tễ học Châu Á, với việc tiến hành các biện pháp can thiệp giảm tác hại, chăm sóc và điều trị ARV và các biện pháp tuyên tuyên truyền, giáo dục… chúng ta đã tránh nhiễm HIV cho hơn 400.000 người.

Thành quả thứ hai là công cuộc phòng chống AIDS tại Việt Nam đã thu hút sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, của toàn xã hội. Có thế thấy rằng, ở Việt Nam hiếm có bệnh tật nào được sự quan tâm to lớn như PC HIV/AIDS. Để lãnh đạo công tác PC AIDS, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành chỉ thị 52-1995/ CTTW vào tháng 3 năm 1995 về “Tăng cường lãnh đạo công tác Phòng chống AIDS” và chỉ thị 54-2005/TTW  về “tăng cường lãnh đạo công tác PC AIDS trong tình hình mới”.

Sau văn bản chỉ đạo của Đảng, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh PC HIV/AIDS vào tháng 5 năm 1995 và Pháp lệnh này sau khi tổ chức thực hiện có hiệu quả trong 10 năm, để phù hợp với tình hình mới đã được nâng lên thành Luật phòng chống HIV/AIDS vào năm 2006. Nhờ sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Trung ương Đảng, các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị xã hội …đã vào cuộc mạnh mẽ, tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Thành quả thứ ba là, ngay từ đầu vụ dịch trong những năm 90 của thế kỷ trước, chúng ta đã hết sức coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục, đưa các kiến thức về HIV/AIDS và nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS đến với mọi tầng lớp nhân dân. Tùy theo chức năng và nhiệm vụ của các cơ quan truyền thông và của các tổ chức chính trị, xã hội mà các phóng viên, biên tập viên báo đài và các cơ quan truyền thông đã được thường xuyên tập huấn, cập nhật tình hình dịch bệnh và các kỹ năng truyền thông phòng chống HIV/AIDS. Hàng vạn bài báo, hàng nghìn phóng sự phát thanh và truyền hình đã được đăng tải hàng năm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng các hình thức truyền thông khác nhau, thông tin về HIV/AIDS và các vấn đề có liên quan trong phòng chống AIDS đã góp phần làm cho sự chuyển đổi từ nhận thức đúng đến thực hành hành vi an toàn trong quan hệ tình dục, trong việc tiếp xúc với máu và dịch sinh học có nguy cơ lây nhiễm HIV, làm cho sự lan nhiễm HIV nhanh ra cộng đồng đã được ngăn chặn. 

Thành quả thứ tư là, ngay từ những năm cuối của thế kỷ trước chúng ta đã coi trọng công tác chăm sóc và điều trị. Chăm sóc và điều trị còn được coi là dự phòng tích cực. Nhờ tiến hành công tác chăm sóc và điều trị, người nhiễm HIV đã ngày càng tự tin hơn vào xã hội, vì vậy đã lôi cuốn họ tham gia tích cực vào công tác chăm sóc và điều trị và các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Trong bối cảnh nước ta việc tổ chức điều trị ARV cho hơn 100.000 bệnh nhân HIV/AIDS và điều trị thay thế cho gần 40.000 người bằng Methadone là một nỗ lực và thành công đáng ghi nhận.

Thành quả thứ năm, chúng ta đã coi việc chống lại sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS là một công việc của cả hệ thống chính trị. Việc chống kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS được chú trọng ngay tại gia đình người nhiễm, đến họ hàng, chòm xóm, khu dân cư đến cộng đồng. Các hoạt động chống kỳ thị phân biệt đối xừ liên quan đến HIV/AIDS được tiến hành ngay trong các nhà trường, các cơ quan, đơn vị, nơi làm việc, tại bệnh viện, ngay cả trong nhà tù, trung tâm 06 …

Tuy hiện nay tình trạng kỳ thị phân biệt đối xử vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, nhưng đã giảm rất nhiều về mức độ và tính chất. Chính nhờ vậy mà hàng vạn người nhiễm HIV đã tự bộc lộ mình, tham gia tích cực vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS và tham gia tích cực vào quá trình lao động sản xuất làm ra nhiều của cải vật chất, nuôi sống bản thân và gia đình…

Thành quả thứ sáu là, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt nNam đã thu hút sự hỗ trợ quốc tế to lớn. Là một quốc gia còn nghèo và đang phát triển, chúng ta đã mở rộng hợp tác quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS. Chung ta đã hợp tác với tất cả các nước có tiềm lực như Mỹ, Anh, Đức, Nhật, Úc , Canada, cộng đồng châu Âu… Chúng ta đã nhận được sự hỗ trợ to lớn về kinh phí, về kinh nghiệm và về đào tạo nguồn nhân lực. Các biện pháp can thiệp giảm tác hại như chương trình trao đổi bơm kiêm tim sạch, chương trình bao cao su, chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng mê tha đôn, điều trị ARV đã được sự hỗ trợ có hiệu quả của các chương trình Quĩ toàn cầu, chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa kỳ ( PEPFAR), của DFID, JICA…

(Còn tiếp)

Top