Việc ‘nhân bản’ que thử HIV có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng

11/12/2019 14:51

Vụ việc “nhân bản” que thử, cắt đôi thanh kit sẽ để lọt các trường hợp có tác nhân gây bệnh. Trường hợp nồng độ thấp sẽ bị bỏ sót, gây nên hiện tượng âm tính giả. Nếu tiếp tục, nguy cơ có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng lại cho ra kết quả âm tính.

 Test phát hiện nhiễm HIV là quá trình khám sàng lọc kháng thể virus có trong máu bệnh nhân - Ảnh internet

Theo phản ánh của VTV24, tại khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn xảy ra tình trạng làm ăn gian dối, bớt xét trang thiết bị trong quy trình xét nghiệm HIV và viêm gan B.

Cụ thể, mỗi bệnh nhân đến đây xét nghiệm HIV và viêm gan B sẽ được test nhanh, lấy mẫu máu xét nghiệm mang đi phân tích. Quá trình test nhanh với mỗi que thử không được thực hiện đúng quy trình mà được những nhân viên tại khoa Vi sinh dùng kéo cắt làm 2 với vệt kéo đúng vào vị trí giữa của vạch hóa chất xét nghiệm. Chỉ với thao tác như trên, 1 que thử đáng lẽ chỉ được sử dụng cho một người nay được “nhân bản” dùng cho 2 người, nhưng bệnh nhân vẫn phải đóng đủ tiền cho một quy trình đầy đủ.

Quy trình xét nghiệm HIV chuẩn

Chia sẻ về quy trình xét nghiệm HIV chuẩn, TS. Phạm Bá Hiền, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa cho biết: Test phát hiện nhiễm HIV là quá trình khám sàng lọc kháng thể virus có trong máu bệnh nhân. Sử dụng phương pháp khác nhau, chủ yếu test, kiểm tra mẫu máu bệnh nhân. Gồm 3 loại test với nguyên lý kháng nguyên để phát hiện ra những kháng thể đặc biệt.

Theo TS. Phan Bá Hiền, trong xét nghiệm chẩn đoán HIV, có nhiều cấp độ khác nhau. Thứ nhất là test nhanh thì độ nhạy rất cao nhưng độ đặc hiệu thấp. Tức là những trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV thì test nhanh có thể có phản ứng (nghi ngờ dương tính), tuy nhiên chưa thể khẳng định người đó đã nhiễm HIV. Bởi xét nghiệm này để sàng lọc chứ không khẳng định ai đó nhiễm HIV. Còn khẳng định thì phải ở các cấp độ xét nghiệm khác.

Quy định của Bộ Y tế cho thất, để chẩn đoán nhiễm HIV cho người từ 18 tháng tuổi trở lên, xét nghiệm cần làm là tìm kháng thể kháng HIV. Kháng thể này là những chất được hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo ra khi bị nhiễm HIV và phải có thời gian mới có thể phát hiện được. Khoảng thời gian này thường là từ 4-6 tuần đến 3 tháng sau khi nhiễm HIV, được gọi là giai đoạn cửa sổ.

TS. Phan Bá Hiền cho hay, nếu xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV được thực hiện sớm trong giai đoạn cửa sổ thì dù người đó đã nhiễm HIV nhưng kết quả vẫn có thể âm tính. Những trường hợp này, khi qua giai đoạn cửa sổ, kiểm tra lại sẽ có kết quả dương tính.

Vì thế, để chẩn đoán nhiễm HIV ở những người từ 18 tháng tuổi trở lên bằng xét nghiệm tìm kháng thể kháng HIV, Bộ Y tế quy định là phải có kết quả dương tính của cả 3 xét nghiệm trên cùng một mẫu máu. Phương pháp này sử dụng 3 loại sinh phẩm khác nhau, trong đó 1 loại sinh phẩm có độ nhạy cao và 2 loại sinh phẩm còn lại có độ đặc hiệu cao. Các phương pháp đó gồm: Test nhanh, xét nghiệm ag/ab elisa và xét nghiệm anti HIV elisa. Chỉ cần 1 trong 3 xét nghiệm đó âm tính thì không được khẳng định nhiễm HIV mà phải kiểm tra lại sau 14 ngày.

Xét nghiệm HIV có thể được thực hiện tại các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng và các viện khu vực đã được Bộ Y tế cấp phép. Chỉ có những cơ sở y tế được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV thì các kết quả xét nghiệm này mới được công nhận.

Cũng theo đánh giá của TS. Phạm Bá Hiền, việc cắt đôi mẫu test nhanh HIV tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là chưa đúng với quy định và rất có thể sẽ cho kết quả mẫu thử thiếu chính xác.

Dễ làm lọt người nhiễm bệnh HIV/AIDS

Lên tiếng về vụ việc cắt đôi que thử HIV, viêm gan B vừa bị phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, GS. TS. Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương nhận định: “Đây là sai sót rõ ràng và cố tình làm sai. Việc này có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng. Tôi rất bàng hoàng và choáng khi biết thông tin này”.

Phân tích về mức độ nghiêm trọng, GS. TS. Nguyễn Anh Trí nói: Thứ nhất, trong một thanh kit thử HIV, nhà sản xuất phải tính toán chiều rộng, sâu, dài và qua hàng vạn thử nghiệm mới đưa ra được thông số đó. Từ đó mới có đủ lượng kháng thể để phát hiện kháng nguyên trong mẫu máu, nếu ít hơn sẽ không thể được.

"Việc cắt đôi thanh kit sẽ để lọt các trường hợp có tác nhân gây bệnh. Trường hợp nồng độ thấp sẽ bị bỏ sót, gây nên hiện tượng âm tính giả. Nếu tiếp tục, nguy cơ có nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng lại có kết quả âm tính”, GS. TS. Trí khẳng định. 

Thứ hai, việc trộn 4 mẫu máu lại với nhau để làm xét nghiệm cũng là một sai sót. Khi trộn, lượng kháng nguyên gây bệnh được pha loãng. “Khi làm xét nghiệm, rất nhiều trường hợp đã nhiễm bệnh nhưng nồng độ để phát hiện ít quá nên không phát hiện được, tức âm tính giả. Hai cái sai phạm, tức vừa cắt đôi thanh kit vừa trộn máu nhiều người với nhau, phối hợp thì sẽ rất nghiêm trọng. Hành động này tôi đánh giá rất nguy hiểm, làm lọt người nhiễm bệnh, nhất là bệnh nhân HIV”, GS. TS Nguyễn Anh Trí nói.

Theo vị giáo sư đầu ngành Huyết học, để xảy ra vụ việc như vậy là do Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn đã buông lỏng công tác quản lý, gồm nhiều hoạt động mua sắm trang thiết bị, sử dụng thiết bị, đánh giá kết quả sử dụng hàng ngày và nhiều công tác khác…

“Rõ ràng có sự buông lỏng quản lý, không ai biết hoặc biết sai vẫn lơ đi. Hoặc có người đã làm sai mà không một ai nhắc nhở, cảnh báo để dừng lại. Chứng tỏ công tác huấn luyện đào tạo về chuyên môn, ý thức về xét nghiệm gần như là buông thả”, ông Trí nhận định. 

"Về việc nhiều bệnh nhân có nguy cơ đã nhận kết quả xét nghiệm sai do cắt đôi que thử xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn trong thời gian qua, việc đi xét nghiệm lại là rất cần thiết", ông Trí khẳng định. 

Trước thông tin việc trộn các mẫu máu trong xét nghiệm miễn dịch bán tự động (ELISA) từng được thực hiện trước đây ở nước ta trong thời kỳ khó khăn, nhằm tiết kiệm ngân sách, GS. TS. Nguyễn Anh Trí khẳng định: “Nếu bằng kỹ thuật ELISA, tuyệt đối không được phép trộn mẫu máu để làm xét nghiệm (pool)”.

Đánh giá sai phạm ở Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gây hậu quả nghiêm trọng, GS. TS Nguyễn Anh Trí cho rằng: “Về mặt chuyên môn, tôi thấy việc xẻ dọc thanh kit, trộn 4 mẫu với nhau để làm một lần rất dễ gặp và hay gặp ở các labo, nếu công tác quản lý chất lượng chưa tốt. Nếu có lòng tham, sẽ có việc này xảy ra”.

Cần làm rõ động cơ, mục đích thực hiện

Trước thông tin về vụ việc bớt xén vật tư y tế xảy ra tại Bệnh viện Xanh Pôn, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Cần thiết có sự vào cuộc của cơ quan điều tra để làm rõ các sai phạm xảy ra, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Anh Thơm cho rằng: Đạo đức nghề nghiệp là một phạm trù trong hệ thống đạo đức xã hội. Ngành Y là ngành đặc thù, cán bộ y tế mang sứ mệnh cứu người và thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Luật sư Nguyễn Anh Thơm nhận định, vụ việc xảy ra tại khoa Vi sinh, của Bệnh viện Xanh Pôn là rất đáng tiếc và không thể chấp nhận được. Vụ việc phản ánh sự xuống cấp về đạo đức, y đức của những cán bộ y tế khi bất chấp các quy định của ngành y khi phương pháp xét nghiệm này. Mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân ra về với kết quả trên tay mà không hề biết rằng chỉ có một nửa số vật tư y tế được sử dụng để các kỹ thuật viên làm xét nghiệm. Trong khi đó, số tiền xét nghiệm lại vẫn phải đóng đủ theo quy định.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, để xem xét trách nhiệm của những cá nhân có liên quan cần thiết có sự vào cuộc của cơ quan điều tra làm rõ các sai phạm xảy ra, động cơ, mục đích thực hiện hành vi vi phạm.

Đây là hành vi của những cá nhân có chức vụ, quyền hạn được phân công thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác khám chữa bệnh trong bệnh viện.

Nếu có căn cứ xác định những cá nhân này vì động cơ vụ lợi hoặc cá nhân đã lợi dụng công việc được giao gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân thì sẽ có dấu hiệu phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS.

Đây là tội phạm có cấu thành vật chất nên hậu quả gây thiệt hại là dấu hiệu bắt buộc. Nếu các cá nhân làm trái công vụ để vụ lợi từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo định khoản tăng nặng của Điều 356 BLHS.

Điều 356. Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ

1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại về tài sản từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại khác đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội 2 lần trở lên; c) Gây thiệt hại về tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Top