Vì sao bất bình đẳng giới góp phần làm lây lan HIV?

20/02/2018 12:09

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong các chỉ số bình đẳng giới quốc tế, và đã thông qua luật và chính sách giải quyết tình trạng bất bình đẳng của phụ nữ, Việt Nam vẫn là một nước theo chế độ phụ hệ và phụ nữ vẫn bị thiệt thòi.

Điều này có thể được thấy trong tỉ lệ đại diện thấp của phụ nữ trong hệ thống chính trị, tiếp cận các nguồn lực và cơ hội, tỉ lệ bạo lực bạn tình cao, và sự ưa chuộng con trai.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Những bất lợi mang tính cấu trúc này làm tăng tình trạng dễ tổn thương của phụ nữ với bạo lực giới và HIV, và ảnh hưởng tới các quyền tình dục, sinh sản, xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế của phụ nữ.

Báo cáo Đánh giá giới trong ứng phó với HIV tại Việt Nam do UN Women và Cục Phòng, chống AIDS thực hiện cho thấy, trên toàn cầu, trong thập kỷ qua, sự thừa nhận và cam kết giải quyết các nhân tố mang tính cấu trúc làm tăng tình trạng dễ tổn thương của phụ nữ với lây nhiễm HIV cũng như ghi nhận khác biệt giới trong trải nghiệm HIV ngày càng tăng. Giải quyết vấn đề bất bình đẳng giới được xem như là một cấu phần quan trọng của bất kỳ chương trình HIV nào - ở mức độ toàn cầu, khu vực, quốc gia và địa phương. Có nhiều nguồn lực hữu ích để hỗ trợ các chương trình quốc gia về HIV xác định các khía cạnh giới trong dự phòng, điều trị và chăm sóc.

Là một quốc gia thành viên ký kết nhiều công ước và tuyên bố quốc tế khác nhau, Việt Nam tiếp tục cho thấy sự lãnh đạo và cam kết chính trị với các nỗ lực phát triển toàn cầu. Một dấu hiệu cho thấy sự nghiêm túc của các cam kết này là việc chính phủ đã báo cáo rất cẩn thận vấn đề này, cũng như có  một số tiến bộ đạt được trong các mục tiêu quốc tế là rất đáng khuyến khích.

Tuy nhiên, Chiến lược Quốc gia Phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 với Tầm nhìn đến năm 2030 chưa giải quyết đầy đủ các khía cạnh về giới của dịch HIV/AIDS ở Việt Nam, và cũng không đề cập đến tác động không cân xứng của HIV đối với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm phụ nữ và trẻ em gái trong nhóm quần thể chính và các bạn tình nữ của nam có quan hệ tình dục đồng giới hoặc nam giới tiêm chích ma túy.

Hầu hết các chương trình ứng phó với HIV đều mù giới, điều đó có nghĩa là các chương trình này không tính đến những trải nghiệm và thực tế sống khác nhau giữa nam giới và phụ nữ, trẻ em trai và trẻ em gái, và cũng không giải quyết được các lớp yếu tố dẫn đến sự dễ bị tổn thương mà bắt nguồn từ sự giao thoa của các lớp yếu tố này.

Bất bình đẳng giới góp phần làm lây lan HIV. Nó có thể làm tăng tỷ lệ lây nhiễm, và làm giảm khả năng ứng phó với dịch bệnh của phụ nữ và trẻ em gái. Thông thường, phụ nữ và trẻ em gái ít được tiếp cận đến thông tin về HIV và có ít nguồn lực hơn để có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa.

Do bất bình đẳng về quyền lực so với nam giới, phụ nữ và trẻ em gái thường gặp phải những rào cản trong việc thương lượng về tình dục an toàn. Bạo lực đối với phụ nữ và việc lo sợ bị bạo lực làm gia tăng nguy cơ lây truyền HIV. Bằng chứng cho thấy rằng hôn nhân có thể là một yếu tố nguy cơ chính, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái. Rất nhiều phụ nữ sống chung với HIV đang phải vật lộn với sự kỳ thị và bị bỏ mặc, và vấn đề thường bị trầm trọng hóa do phụ nữ thiếu tiếp cận đến các quyền của mình. Phụ nữ góa bụa do chồng mất bởi AIDS hoặc sống chung với HIV có thể phải đối mặt với các tranh chấp về tài sản với gia đình nhà chồng, vấn đề trở nên phức tạp do những  phụ nữ này thường thiếu tiếp cận đến công lý để bảo vệ các quyền của họ.

Bất kể họ có đang sống chung với HIV hay không, phụ nữ thường phải chịu gánh nặng không cân xứng trong việc chăm sóc cho những người khác mà bị AIDS hoặc sắp chết vì AIDS, cũng như phải chăm sóc trẻ mồ côi bị bỏ lại. Điều này có thể làm giảm triển vọng về cơ hội được giáo dục và có việc làm.

Một trong những vấn đề cần các ứng phó hiện nay là việc công nhận bất bình đẳng giới có liên quan đến HIV như thế nào: Chính sách, luật pháp và chiến lược để giải quyết HIV và AIDS cần phải được củng cố bằng cách tiếp cận mạnh mẽ dựa trên các quyền mà có trọng tâm là bình đẳng giới và công bằng giới, đồng thời chú ý đến phụ nữ và trẻ em gái sống chung với HIV ở tất cả các nhóm khác nhau và xem xét tác động của bất bình đẳng giới đến việc làm cho phụ nữ và trẻ em gái dễ bị tổn thương với HIV. Một thiếu sót quan trọng khác là xu hướng xem phụ nữ và trẻ em gái là đồng nhất và tập trung vào phụ nữ mang thai trong khi loại trừ phụ nữ ở những nhóm khác. Mặc dù phụ nữ nói chung là ít được bình đẳng so với nam giới, nhưng có một số yếu tố chủ quan hoặc các nhận dạng nhất định đẩy phụ nữ vào nhóm bị tổn thương hơn nữa ví dụ như chủng tộc, màu da, tầng lớp, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, tình trạng giới tính.

Việc có các thông tin, chính sách và thực tiễn rõ ràng hơn nữa về phụ nữ là cần thiết thông qua việc thu hút phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng chính như phụ nữ tiêm chích ma túy, phụ nữ lao động tình dục, phụ nữ là bạn tình của nam giới có nguy cơ cao, phụ nữ chuyển giới, phụ nữ trẻ, phụ nữ sống chung với HIV và phụ nữ dân tộc thiểu số để xem xét tác động của sự giao thoa và các lớp yếu tố dễ bị tổn thương có tác động lên nguy cơ mắc HIV, kinh nghiệm và hành vi của họ trong việc tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như thế nào.

Ngoài ra, khung pháp lý giám sát và đánh giá quốc gia hiện tại không yêu cầu dữ liệu được phân tách theo tuổi tác hoặc giới tính. Các dữ liệu phân tách theo độ tuổi và giới tính là thiết yếu để hiểu được tỷ lệ nhiễm HIV ở những phụ nữ bị ảnh hưởng chính và các chương trình ứng phó của quốc gia đã tiếp cận được đến nhóm dân số bị tổn thương như thế nào ở Việt Nam.

Vào năm 2015, nhóm Chuyên đề về Giới đã tiến hành đánh giá giới trong các ứng phó quốc gia với HIV nhằm xem xét làm thế nào để có thể lồng ghép giới vào các chương trình ứng phó với HIV, và đặc biệt xem xét các nhu cầu và trải nghiệm của phụ nữ và trẻ em gái đã được đáp ứng như thế nào. Nhóm Chuyên đề về Giới do Cục Phòng, chống HIV/AIDS chủ trì với sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, đại diện từ xã hội dân sự thúc đẩy các quyền của phụ nữ và các nhóm đại diện cho phụ nữ sống chung với HIV và các nhóm phụ nữ bị ảnh hưởng chính, cũng như cơ quan Liên Hợp Quốc. Nghiên cứu bao gồm rà soát tài liệu, và phỏng vấn những nhóm đối tượng chính ở ba tỉnh, ba thảo luận nhóm tập trung với phụ nữ sống chung với HIV và phụ nữ trong các nhóm quần thể bị ảnh hưởng chính, và một cuộc họp kiểm chứng nhằm thảo luận các phát hiện và khuyến nghị chính của báo cáo.

Đầu ra chính của đánh giá này là nhằm cung cấp các khuyến nghị nhằm tăng cường những nỗ lực giải quyết vấn đề giới trong ứng phó với HIV ở Việt Nam. Các công cụ quốc tế phân tích giới trong các ứng phó với HIV đã được sử dụng trong phân tích này. Định nghĩa của Công ước CEDAW về bình đẳng thực chất-để đảm bảo bình đẳng về kết quả-được sử dụng trong suốt nghiên cứu này như là cơ sở để xem xét những nỗ lực quốc gia trong việc giải quyết bất bình đẳng giới.

Cách tiếp cận đến HIV có tính đến yếu tố giới cần cung cấp thông tin cho chính sách và thực tiễn, và phải giải quyết các yếu tố mang tính cấu trúc mà có tác động đến bối cảnh kinh tế-xã hội và chính trị trong đó phụ nữ và trẻ em gái đang sinh sống. Vì vậy, trọng tâm của phân tích này là sự cần thiết phải  có chính sách và chương trình mà: giảm tình trạng tổn thương của phụ nữ với việc lây nhiễm HIV bằng cách thay đổi bất bình đẳn giới; dựa trên nghiên cứu và bằng chứng nhấn mạnh hoàn cảnh thực tế của phụ nữ ở Việt Nam, bao gồm nhưng không giới hạn ở những phụ nữ trong nhóm quần thể chính; giải quyết các rào cản trong tiếp cận với các dịch vụ dành cho nhóm quần thể chính; và bối cảnh pháp lý và chính sách khiến họ dễ bị tổn thương với HIV; giải quyết các vấn đề và rào cản cụ thể mà phụ nữ trong nhóm có nguy cơ nhiễm HIV phải đối mặt, nhưng thường chưa được các nhà làm luật biết đến; và dựa trên các nguyên tắc về quyền con người của phụ nữ.

Top