Truyền thông và dự phòng lạm dụng chất gây nghiện

12/11/2018 10:11

Trong thế giới số, truyền thông phòng chống ma tuý đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận người dân với chi phí tối thiểu, đặc biệt là đối với giới trẻ. Các chương trình dự phòng lạm dụng chất gây nghiện dựa trên truyền thông chỉ có hiệu quả khi ứng dụng với khoa học dự phòng và khoa học về sức khỏe hành vi.

Chi 1 USD để tiết kiệm 10 USD

Theo Chương trình Dự phòng toàn cầu về sử dụng chất (UPC) được phát triển bởi Cơ quan Hành pháp và kiểm soát ma tuý quốc tế thuộc Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ (INL) và Colombo Plan, mục tiêu chính của dự phòng sử dụng chất gây nghiện là để giúp mọi người, đặc biệt là những người trẻ, tránh hoặc làm chậm việc bắt đầu sử dụng các chất gây nghiện, hoặc nếu người dùng đã sử dụng thì để tránh sự phát triển của các rối loạn (ví dụ: sự phụ thuộc).

Mục đích chung của dự phòng sử dụng chất gây nghiện còn rộng hơn nữa, đó chính là phát triển sự lành mạnh và an toàn của trẻ em, thanh thiếu niên nhận ra tiềm năng của bản thân và trở thành thành viên để đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

Theo ông Brian Morales, Giám đốc Trung tâm điều phối các chương trình phòng, chống ma túy, Vụ các vấn đề về ma túy và hành pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dự phòng lạm dụng chất gây nghiện đóng một vai trò rất quan trọng để giải quyết vấn đề xã hội, thể chất, sức khỏe tâm thần liên quan trực tiếp đến ma túy. Dự phòng được thực hiện ở nhiều nơi, từ gia đình, trường học cho tới toàn xã hội. Chi phí thực hiện công tác dự phòng cũng rẻ so với các biện pháp can thiệp khác.

Ông Brian Morales, Giám đốc Trung tâm điều phối các chương trình phòng, chống ma túy, Vụ các vấn đề về ma túy và hành pháp quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Ảnh: Hoàng Anh

“Các chương trình dự phòng không chỉ tránh việc lạm dụng các chất gây nghiện mà còn là một cách tiết kiệm chi phí. 1 USD chi cho dự phòng lạm dụng chất gây nghiện sẽ tiết kiệm được 10 USD cho các chi phí để khắc phục những hậu quả về mặt xã hội hay kinh tế nếu không đầu tư cho dự phòng”, ông Brian Morales cho biết thông tin này trong Hội thảo “Những vấn đề mới đặt ra trong truyền thông phòng ngừa lạm dụng chất gây nghiện” tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Brian Morales, năm 2013, được coi là năm cột mốc đánh dấu công tác dự phòng nghiện chất, bởi đây là lần đầu tiên, Cơ quan phòng chống tội phạm và ma tuý của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xây dựng được tiêu chuẩn về dự phòng nghiện chất. Tiêu chuẩn này đã được cập nhật trên website của UNODC. Đây là cuốn tài liệu tập hợp những kinh nghiệm, công trình nghiên cứu dựa trên bằng chứng, tập trung vào 6 mô hình của can thiệp dự phòng dựa vào bằng chứng gồm: Gia đình, trường học, cộng đồng, truyền thông, nơi làm việc, môi trường chính sách.

Tạo sự thuyết phục trong dự phòng dựa trên truyền thông

Đối với dự phòng dựa trên truyền thông, ông Brian Morales nhấn mạnh, các chương trình dự phòng chỉ có hiệu quả khi ứng dụng với khoa học dự phòng và khoa học về hành vi sức khoẻ để tạo được thông điệp thuyết phục. Tuy nhiên, vấn đề là bằng chứng cũng như hiệu quả của dự phòng truyền thông hiện nay lại thấp nhất trong tất cả các kênh dự phòng.

Trước đây, Mỹ đã tốn hàng trăm triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tới thanh thiếu niên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy việc tuyên truyền này không những không có tác dụng mà còn làm tăng sự tò mò, quan tâm về ma túy của thanh thiếu niên.

Yếu tố quan trọng trong lĩnh vực dự phòng, là tăng cường nhận thức đúng đắn cho mỗi cá nhân trong cộng đồng; trang bị kiến thức và kỹ năng giúp họ chủ động đối mặt với những khó khăn cám dỗ từ cuộc sống. Ví dụ, trong lĩnh vực ma túy cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của việc sử dụng ma túy, để có biện pháp can thiệp tận gốc. Ngoài việc có ma túy ở trong môi trường, thì điều gì khiến người ta tìm đến sử dụng – do buồn chán, do bốc đồng, hay do bị ép buộc sử dụng…

Vì vậy, không chỉ giáo dục đơn thuần về tác hại của ma túy mà còn cần đào tạo cho phụ huynh, giáo viên trong việc trò chuyện với con em mình, giải quyết các xung đột, dạy trẻ biết kiểm soát cảm xúc.

Theo ông Brian Morales, khi xây dựng các chiến dịch truyền thông cần đảm bảo 2 yếu tố là: Các thông điệp phải dễ nhớ và phải mang tính thuyết phục để thay đổi hành vi của người tiếp nhận thông tin. Hơn nữa, chúng ta cũng cần kết hợp dự phòng và điều trị, chứ không thể nào thực hiện đơn lẻ từng công việc.

Mô hình đèn giao thông

Tại Việt Nam, trong thời đại công nghệ phát triển nhanh như hiện nay, công tác thông tin tuyên truyền, cổ động cũ được đánh giá là không còn phù hợp, đáp ứng yêu cầu.

Theo biên tập viên Minh Hằng, Đài Truyền hình Việt Nam, những tít kiểu như “Hãy tránh xa ma túy”, “Ma túy - không được thử dù chỉ một lần”- những thông điệp này sẽ khó có hiệu quả khi mà các phương tiện truyền thông nở rộ. Để công tác truyền thông phòng, ngừa lạm dụng chất gây nghiện có hiệu quả, biên tập viên Minh Hằng cho rằng, chúng ta nên áp dụng thuyết phản kháng, đó là hạn chế không dùng ngôn ngữ áp đặt như: "cấm, không được, tránh xa…" thay vào đó nên dùng các ngôn từ đơn giản, mang tính gợi mở giải pháp.

Còn theo TS.Nguyễn Cửu Đức, Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ, chúng ta cần có sự thay đổi nhận thức trên cơ sở khoa học. Tức là, xóa bỏ những nhận thức cũ kĩ, lạc hậu, sai lệch như “con nghiện thì mãi là con nghiện”, “nghiện là suy đồi đạo đức”, “cai nghiện là việc làm vô ích”... Thay vào đó, cần tuyên truyền việc sử dụng ma túy có thể phòng ngừa được, phục hồi là một quá trình lâu dài, sử dụng ma túy là vấn đề y tế.

Ông Nguyễn Cửu Đức đưa ra “mô hình đèn giao thông” để tiếp cận với 3 nhóm đối tượng khác nhau, gồm: Người chưa có vấn đề về ma túy cần được giáo dục, tuyên truyền tránh xa; đối với những người chớm có vấn đề về ma túy cần được phát hiện sớm và tư vấn hỗ trợ; đối với những người đã nghiện ma túy cần được chuyển gửi điều trị, cai nghiện và hỗ trợ phục hồi.

Do đó, truyền thông phòng chống ma tuý cần hướng vào từng nhóm đối tượng; cần tăng cường chia sẻ, trao đổi, định hướng thông tin hơn nữa. Đồng thời, tăng thời lượng, chuyên mục về phòng chống ma túy, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu trong nhà trường và thực tiễn, đào tạo chuẩn quốc tế về phòng ngừa ma túy. Cùng với đó, nghiên cứu, tiếp cận và áp dụng kinh nghiệm quốc tế về phòng ngừa ma túy.

Trách nhiệm của nhà báo

Trong dự phòng lạm dụng chất gây nghiện dựa trên truyền thông, không thể thiếu được vai trò cũng như trách nhiệm của nhà báo.

PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo. Ảnh: Hoàng Anh

Theo PGS.TS.Nguyễn Thành Lợi (Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm Báo) cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế trong tác nghiệp về tệ nạn xã hội. Nhà báo phải "lặn ngụp" trong góc khuất của xã hội, tiếp xúc với nhiều thành phần nên luôn gặp những khó khăn và thách thức nhất định. Vẫn còn tồn tại việc sử dụng hình ảnh phản cảm, gây nghiêm trọng đến đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, nguồn đề tài, tư liệu, thông tin bất tận nhưng có sự “ô tạp” thông tin trong thời đại số. Nhiều nhà báo dễ dãi lấy nguồn thông tin trên Facebook rồi thêm bình luận, đánh giá, nhận xét hoặc bổ sung thêm một số thông tin để làm thành một bài báo.

"Thực tế, vẫn còn tình trạng nhà báo đăng tải nguyên hoặc gần như nguyên vẹn thông tin, hình ảnh từ Facebook, sử dụng ngôn ngữ mô tả tỉ mỉ, gây hiểu lầm về tác hại của ma túy. Đặc biệt, không ít bài báo chính thống hóa thông tin trên mạng xã hội, vi phạm đời tư cá nhân hoặc phân tích quá kỹ lưỡng các loại ma túy vô hình trung quảng bá ma túy và cách sử dụng”, ông Nguyễn Thành Lợi cho hay.

Nói về trách nhiệm của báo chí truyền thông, ông Nguyễn Thành Lợi cho rằng, khi tác nghiệp nhà báo cần quan sát một cách toàn diện, cần lắng nghe các ý kiến đa chiều, phỏng vấn từ hai phía. Đặc biệt, nhà báo không phát tán tin đồn trên mạng xã hội, tạo khoảng trống về mặt thông tin.

Theo ông Nguyễn Thành Lợi, các cơ quan báo chí cần chuyên nghiệp hóa cách thức thu thập và xử lý thông tin. Việc tìm được thông tin trên Internet là một vấn đề khó, thẩm định nguồn tin này còn khó khăn hơn. Thông tin cần có liều lượng nhất định, không bị mạng xã hội “dẫn dắt”, không tạo ra hiệu ứng ngược bằng việc giật gân, câu khách. Sự thật là sinh mệnh của báo chí nhưng không phải vấn đề nào cũng được đưa lên mặt báo. Nhà báo phải chịu trách nhiệm đến cùng đối với sản phẩm của mình. Bởi vậy, mỗi nhà báo cần tỉnh táo, sáng suốt để lựa chọn thông tin.

Top