Tòa ma túy- một mô hình hiệu quả trong điều trị nghiện ở Hoa Kỳ

01/10/2015 14:16

Tòa ma túy được ra đời để giải quyết vấn đề quá tải trong các nhà tù, trại giam, nhưng quan trọng hơn cả là xử lý tận gốc nguyên nhân phạm tội do nghiện ma túy gây ra. Đây được coi là bước phát triển trong nền Tư pháp Hoa Kỳ.

Tòa ma túy đầu tiên được ra đời ở Miami, bang Florida, Hoa Kỳ năm 1989. Đến nay đã có trên 2.800 Tòa ma túy hoạt động ở Hoa Kỳ và hơn 40 Tòa ma túy ở 23 quốc gia khác nhau trên thế giới như Canada, Úc, Bỉ… Hơn 1,3 triệt lượt người đã tham gia Tòa ma túy trong 25 năm qua.

Ảnh minh họa

Tòa ma túy được ra đời để giải quyết vấn đề quá tải trong các nhà tù, trại giam, nhưng quan trọng hơn cả là xử lý tận gốc nguyên nhân phạm tội do nghiện ma túy gây ra. Đây được coi là bước phát triển trong nền Tư pháp Hoa Kỳ. Thay vì xét xử những người nghiện ma túy phạm tội phi bạo lực (tàng trữ ma túy bất hợp pháp, trộm cắp, cướp giật, lái xe nghiện…) tại Tòa hình sự thông thường, người phạm tội được Cơ quan tiền xét xử căn cứ trên các tiêu chí phân loại (phạm tội lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng, tiền sử nghiện ma túy…) tư vấn để tham gia Chương trình Tòa ma túy (hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ người nghiện điều trị nghiện ma túy) với sự tham gia của thẩm phán, cảnh sát, dịch vụ tư vấn điều trị nghiện, tư vấn tâm lý, tư vấn xã hội và giám sát cộng đồng để giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội, bảo đảm tối đa quyền của người nghiện ma túy, nhưng đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu họ không tuân thủ quyết định điều trị nghiện của Tòa ma túy.

Những cán bộ, nhân viên tham gia các phiên tòa của Tòa ma túy đều phải trải qua một khóa đào tạo Quốc gia, được cấp chứng chỉ hành nghề mới đảm bảo điều kiện hoạt động. Việc đào tạo cán bộ, nhân viên làm về lĩnh vực Tòa ma túy đảm bảo hết sức nghiêm túc, bài bản và trình tự. Ngoài kiến thức chung đã có (tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành nói chung) còn phải tham gia khóa đào tạo nghiệp vụ trị liệu tâm lý đối với người nghiện ma túy và loạn thần đồng diễn, tư vấn xã hội, pháp luật, dạy nghề, tạo việc làm bền vững cho người nghiện ma túy.

Cơ quan tiền xét xử (PSA) là một cơ quan độc lập thuộc Cơ quan giám sát tội phạm và dịch vụ tòa án liên bang. PSA có nhiệm vụ tư vấn về quyền lợi, nghĩa vụ và pháp luật cho những người phạm tội trước khi xét xử tại Tòa án; sàng lọc, phân loại các đối tượng phạm tội do nghiện ma túy để tư vấn chuyển sang chương trình Tòa ma túy nếu những người này tình nguyện tham gia; giám sát việc tuân thủ các quyết định của Tòa án; lựa chọn liên kết với các đơn vị điều trị nghiện để cung cấp dịch vụ điều trị nghiện có hiệu quả cho người tham gia vào Tòa ma túy. PSA cũng cung cấp những thông tin xác thực cho thẩm phán để đưa ra các phán quyết phù hợp như: trả tự do sau khi người nghiện hoàn thành quá trình cai nghiện, các hình thức thưởng đối với người chấp hành tốt, phạt đối với người không tuân thủ phán quyết của Tòa án. PSA gồm nhiều bộ phận khác nhau: tư vấn, giám sát, xét nghiệm ma túy, quản lý chương trình điều trị nghiện, tư vấn xã hội…

Các nhân viên công tác xã hội làm nhiệm vụ tư vấn, giám sát của PSA có vai trò hết sức quan trọng. Họ hiểu rõ về từng người nghiện (nghiện loại ma túy gì, hoàn cảnh gia đình, sức khỏe, nghề nghiệp, tiền sử phạm tội.v.v…), từ đó, họ tư vấn để đảm bảo người nghiện chọn và quyết định có tham gia Tòa ma túy không hoặc bắt buộc chấp hành các hình phạt khác. Khi chưa có ý kiến của nhân viên công tác xã hội thì Tòa chưa thể quyết định các hình thức cai nghiện phù hợp.

Những người nghiện ma túy tham gia chương trình Tòa ma túy cần phải cai nghiện trong một khoảng thời gian, thông thường là 6 tháng hoặc dài hơn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về điều trị và giám sát, chi trả đầy đủ các khoản tiền phạt, chi phí điều trị, hoàn thành nghĩa vụ công ích hoặc đã bồi thường cho nạn nhân. Ngoài ra, họ cũng phải trải qua các cuộc kiểm tra ma túy hàng tuần và thường xuyên tham gia các buổi xét xử tại tòa. Tại đây, Thẩm phán kiểm điểm lại quá trình tuân thủ điều trị của họ và có thể đưa ra các phán quyết tùy thuộc vào sự tiến bộ của người tham gia. Những phán quyết này có thể là lời khen ngợi, động viên, nới lỏng giám sát hay một món quà nhỏ cho người tham gia; thay đổi kế hoạch điều trị như chuyển sang mô hình điều trị tích cực hơn hay áp dụng các hình phạt như viết kiểm điểm, lao động công ích hay giam giữ ngắn hạn. Các phán quyết này do thẩm phán đưa ra trước Tòa sau khi hội ý với các thành viên trong nhóm về từng trường hợp.

Mỗi cá nhân được điều trị theo một kế hoạch khác nhau. Ngoài việc điều trị nghiện ma túy còn có chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn gia đình, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở và chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, người quản lý trường hợp hay cán bộ xã hội có thể hỗ trợ người tham gia tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính hay các dịch vụ xã hội khác mà họ được hưởng theo quy định.

Hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ tư vấn, cai nghiện đều do tư nhân đảm nhiệm là chính. Họ cung cấp dịch vụ theo tiêu chuẩn của Nhà nước và Nhà nước trả tiền để sử dụng các dịch vụ này. Thông thường, cứ 3 năm một lần tại tổ chức đấu thầu để lựa chọn các cơ sở cung cấp dịch vụ cho việc cai nghiện ma túy. Các cơ sở có nhiệm vụ tư vấn, chữa trị cho người nghiện. Một cơ sở có thể có nhiều chức năng như: điều trị nội trú, bán thời gian, ngoại trú, tư vấn tại cộng đồng và trong nhà tù…

Trong 25 năm qua, các nghiên cứu về Tòa ma túy, bao gồm hơn 100 đánh giá chương trình và ít nhất 5 tổng hợp phân tích khoa học nghiêm ngặt đã cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng Tòa ma túy giảm đáng kể tình trạng phạm tội và lạm dụng chất gây nghiện và tiết kiệm chi phí. Tòa ma túy cũng làm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tái tội phạm trong và sau khi hoàn thành chương trình điều trị; nâng cao sức khỏe và đời sống cho người nghiện ma túy; tiết kiệm kinh phí trong quá trình truy tố, thi hành án, phạt tù và các chi phí liên quan đến tòa án khác. Đồng thời, đem lại các lợi ích xã hội như giảm tình trạng sử dụng ma túy về lâu dài, tăng tỷ lệ có việc làm, gia đình hòa thuận.

Cùng với những tác động đã được chứng minh về tình hình tội phạm, Tòa ma túy cũng đã được chứng minh có hiệu quả kinh tế. Những nghiên cứu gần đây đã tính toán được chi phí tiết kiệm trung bình từ 3.000 USD đến 13.000 USD trên mỗi khách hàng ở Hoa Kỳ do giảm được chi phí giam giữ tập trung, giảm chi phí bắt giữ và xét xử các đối tượng tái phạm tội cũng như những tổn hại khác do những người này gây ra nếu không tham gia Tòa ma túy. Hàng năm, khoảng 120.000 người tham gia Tòa ma túy ở Hoa Kỳ, tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD mỗi năm.

Từ những kết quả đã đạt được của mô hình Tòa ma túy Hoa Kỳ, Văn phòng Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục nghiên cứu, hợp tác với Hiệp hội Tòa ma túy Hoa Kỳ, Cơ quan điều trị nghiện chất Hoa Kỳ, Cơ quan hành pháp và phòng, chống ma túy quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để trình Chính phủ triển khai áp dụng thí điểm Tòa ma túy cho phù hợp với điều kiện và thực tiễn tại Việt Nam.

Nguyễn Xuân Lập

Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTBXH

Top