Tòa ma túy - một khái niệm mới ở Việt Nam

16/05/2014 08:00

Để đối phó với tình hình sử dụng cocain gia tăng, Tòa ma túy ra đời nhằm phá vỡ chu kỳ nghiện và phạm tội “để dành” chỗ trong nhà tù cho những tội phạm nguy hiểm và đưa những người nghiện vi phạm pháp luật vào điều trị.

Thẩm phán Jackson giới thiệu về hoạt động của Tòa ma túy Thủ đô Washington với đoàn công tác của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (8/2013). Ảnh: Nguyễn Đức

Tòa ma túy là gì?

Tòa ma túy là tòa xử đặc biệt trong hệ thống tòa án để hỗ trợ điều trị người nghiện ma túy và cho họ các công cụ để thay đổi cuộc đời.

Tòa ma túy còn được gọi là Tòa giải quyết vấn đề, được vận hành theo mô hình đặc biệt mà ở đó thẩm phán, công tố viên, luật sư bào chữa, cán bộ quản thúc, cán bộ hành pháp, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, cán bộ xã hội và cán bộ điều trị cùng làm việc với nhau để giúp đỡ những đối tượng phạm tội phi bạo lực (như tàng trữ ma túy bất hợp pháp, trộm cắp, lừa đảo) do tác động của việc lạm dụng ma túy để họ được điều trị, phục hồi và trở thành những công dân có ích.

Tòa ma túy đầu tiên được ra đời ở Miami, Florida, Hoa Kỳ vào năm 1989 để đối phó với tình hình sử dụng cocain gia tăng của thành thị. Vào thời điểm đó, tòa án và nhà tù bị quá tải, như điểm dừng chân tạm thời cho những người nghiện mà sau đó họ lại bị bắt giữ vì tái phạm các tội mới liên quan đến ma túy.

Chương trình Tòa ma túy nhằm phá vỡ chu kỳ nghiện và phạm tội này, “để dành” chỗ trong nhà tù cho những tội phạm nguy hiểm và đưa những người nghiện vi phạm pháp luật vào điều trị. Đến nay đã có hơn 2.800 Tòa ma túy ở Hoa Kỳ và khoảng 40 Tòa ma túy ở 23 quốc gia khác trên thế giới như Achentina, Úc, Bỉ, Canada, Anh, Niu Dilan…

Hầu hết các chương trình tòa ma túy kéo dài từ 12 đến 18 tháng, đôi khi cũng có những người cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành chương trình. Để tốt nghiệp, những người tham gia chương trình cần phải cai nghiện ma túy hoàn toàn trong một khoảng thời gian, thông thường là 6 tháng hoặc dài hơn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện về điều trị và giám sát, đã chi trả đầy đủ các khoản tiền phạt, chi phí điều trị, hoàn thành nghĩa vụ công ích hoặc đã bồi thường cho nạn nhân.

Những người tham gia chương trình này phải trải qua các cuộc kiểm tra ma túy hàng tuần và thường xuyên tham gia các buổi xét xử tại tòa, tại đây thẩm phán kiểm điểm lại quá trình tuân thủ điều trị của họ và có thể đưa ra các phán quyết tùy thuộc vào sự tiến bộ của người tham gia.

Những phán quyết này có thể là lời khen ngợi, động viên, nới lỏng giám sát hay một món quà nhỏ cho người tham gia; thay đổi kế hoạch điều trị như chuyển sang mô hình điều trị tích cực hơn hay áp dụng các hình phạt như viết bản kiểm điểm, lao động công ích hay giam giữ ngắn hạn.

Các phán quyết này do thẩm phán đưa ra trước tòa sau khi hội ý với các thành viên trong nhóm về từng trường hợp. Họ chia sẻ thông tin theo khía cạnh chuyên môn về sự tiến bộ trong quá trình tham gia chương trình và có thể đưa ra những kiến nghị xử lý phù hợp. Tuy nhiên, thẩm phán là người cuối cùng ra phán quyết sau khi xem xét, cân nhắc tất cả các thông tin và trao đổi các vấn đề liên quan với người tham gia chương trình.

Mỗi cá nhân có thể có kế hoạch điều trị khác nhau. Ngoài việc điều trị nghiện ma túy còn có chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn gia đình, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở và chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, người quản lý trường hợp hay cán bộ xã hội có thể hỗ trợ người tham gia tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính hay các dịch vụ xã hội khác mà họ được hưởng theo quy định.        

10 thành tố quan trọng của Tòa ma túy

Tòa ma túy hoạt động theo mô hình rất đặc biệt kết hợp giám sát tư pháp chặt chẽ, thử ma túy bắt buộc, tăng dần hình phạt và điều trị để hỗ trợ những người nghiện ma túy bị phạm tội phá vỡ vòng liên kết giữa nghiện và tội phạm. Năm 1997, Hiệp hội Tòa ma túy Hoa Kỳ đã xây dựng nên 10 thành tố quan trọng có thể được ứng dụng để cho phù hợp với các nhu cầu cụ thể của cộng đồng:

1. Cần có sự lồng ghép giữa dịch vụ điều trị nghiện với hệ thống xét xử của tòa án.

2. Kết hợp vai trò tố tụng của công tố viên, biện hộ của luật sư và tư vấn của tư vấn viên để có hình thức quản lý phù hợp đảm bảo an toàn cho cộng đồng nhưng đồng thời cũng bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người tham gia chương trình.

3. Các đối tượng thuộc diện xét xử của Tòa ma túy cần sớm được xác định và và kịp thời đưa vào chương trình.

4. Tòa ma túy tạo điều kiện tiếp cận thường xuyên với các dịch vụ cai nghiện và phục hồi cho người nghiện ma túy cũng như các dịch vụ điều trị và phục hồi khác.

5. Thường xuyên xét nghiệm kiểm tra tình trạng không sử dụng các chất kích thích.

6. Tòa ma túy có chiến lược phối hợp để quản lý việc tuân thủ của đối tượng.

7. Phải thường xuyên tham gia các phiên xử ở Tòa ma túy.

8. Có biện pháp giám sát và đánh giá hiệu quả và kết quả đạt được của các mục tiêu chương trình đã đề ra.

9. Tiếp tục đào tạo nâng cao hiệu quả lập kế hoạch, triển khai và điều hành Tòa ma túy của các thành viên.

10. Xây dựng quan hệ đối tác giữa Tòa ma túy, các cơ quan hữu quan và các tổ chức tại cộng đồng để huy động sự hỗ trợ của địa phương và nâng cao hiệu quả chương trình.

Tòa ma túy mang lại hiệu quả kinh tế, giảm tội phạm và tái nghiện

Trong 25 năm qua, các nghiên cứu về Toà ma túy, bao gồm hơn 100 đánh giá chương trình và ít nhất năm tổng hợp phân tích khoa học nghiêm ngặt, đã cho thấy bằng chứng rõ ràng rằng Tòa ma túy làm giảm đáng kể tình trạng phạm tội và lạm dụng chất gây nghiện và tiết kiệm chi phí hơn bất kỳ hình thức giam giữ hoặc biện pháp tư pháp nào khác.

Tòa ma túy làm giảm tình trạng sử dụng ma túy và tái phạm tội trong và sau khi hoàn thành chương trình điều trị; Nâng cao sức khỏe và đời sống cho đối tượng; Tiết kiệm chi phí trong quá trình truy tố, thi hành án, phạt tù và các chi phí liên quan đến tòa án khác; Đem lại các lợi ích xã hội như giảm tình trạng sử dụng ma túy về lâu dài, tăng tỷ lệ có việc làm, giáo dục và gia đình hòa thuận.

Cùng với những tác động đã được chứng minh về tình hình tội phạm, Tòa ma túy cũng đã được chứng minh có hiệu quả kinh tế. Những nghiên cứu gần đây đã tính toán được chi phí tiết kiệm trung bình từ 3.000 đô la đến 13.000 đô la Mỹ trên mỗi khách hàng ở Hoa Kỳ do giảm được chi phí giam giữ tập trung, giảm chi phí bắt giữ và xét xử các đối tượng tái phạm tội cũng như các tổn hại khác do những người này gây ra nếu không tham gia chương trình này. Hàng năm có khoảng 120.000 người tham gia Tòa ma túy ở Hoa Kỳ, tiết kiệm được hơn 1 tỉ đô la mỗi năm.

Nghiên cứu, áp dụng trong tình hình thực tiễn ở Việt Nam

Ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Công an, đến hết năm 2013, cả nước có trên 181.000 người nghiện, trong đó số người nghiện đang ở cộng đồng chiếm tỷ lệ 64,5%, số người đang cai nghiện trong các cơ sở Chữa bệnh, Giáo dục, Lao động xã hội là 22,4%, số đang trong các Trại giam, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ chiếm 13,1%. Khoảng 50% trong số người nghiện ma túy có các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thể chất, 38% đã có tiền án, tiền sự.

Công tác cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mô hình cai nghiện tại trung tâm tốn nhiều kinh phí, hiệu quả hạn chế, tỷ lệ tái nghiện cao, từ 70 - 95%, bên cạnh đó còn chịu nhiều sự chỉ trích của các tổ chức quốc tế về cách thức đưa người nghiện vào Trung tâm cai nghiện bắt buộc, cũng như về cơ sở khoa học điều trị nghiện trong trung tâm.

Ngày 27 tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ở Việt Nam đến năm 2020 với mục tiêu đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy và kiềm chế sự gia tăng người nghiện mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử l‎í hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Nghị định số 02/2014 ngày 10/01/2014 quy định chế độ áp dụng, thi hành biện pháp xử lí hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và cơ sở giáo dục bắt buộc. Ngày 20 tháng 01 năm 2014, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Đây là những văn bản pháp lý quan trọng làm cơ sở để nghiên cứu mô hình Tòa ma túy trên thế giới nhằm xây dựng một mô hình có chức năng, nhiệm vụ tương tự, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và điều trị nghiện ma túy, giảm tỉ lệ tái phạm tội, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân theo tinh thần cải cách tư pháp.

 ---------------------

1.      Bộ Công an (2014), Báo cáo công tác phòng, chống ma túy năm 2013, Hội nghị trực tuyến toàn quốc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.

2.      Douglas B. Marlowe, J.D., Ph.D., West Huddleston, 2011, Painting the Current Picture: A National Report on Drug Courts and Other Problem-Solving, National Drug Court Institute.

3.      Douglas B. Marlowe, J.D., Ph.D., Judge William G. Meyer (Ret.), 2011, The Drug Court Judicial Benchbook, National Drug Court Institute.

4.      UNODC, 2010, From coercion to cohesion: Treating drug dependence through health care, not punishment, United Nations, New York.

Top