Tình thân vỡ tan vì “hàng đá”

30/01/2015 10:26

Những vụ án mạng liên tiếp xảy ra gây kinh hoàng dư luận trong thời gian qua, không ai ngờ rằng các nạn nhân chính là người ruột thịt hằng ngày kề cận bên hung thủ.

Hiện nay, “bão đá” như một cơn lốc ngầm hoành hành trong xã hội. Thậm chí, cứ có một vụ cướp - giết nào xảy ra, người ta lập tức đặt câu hỏi nghi vấn: có lẽ nào lại ngáo? Một bộ phận thanh niên thiếu hiểu biết cho rằng, đá không gây nghiện, thích thì chơi, nếu muốn có thể ngừng bất cứ lúc nào. Trên thực tế, bập vào đá giống như trèo lên lưng hổ, đã ngồi lên thì khó có cơ hội xuống an toàn. Trả lời phỏng vấn báo chí, PGS.TS Trịnh Hòa Bình - Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng, những kẻ ngáo đá giết người thân vì có có hội để thể hiện hơn, sự phòng bị của người thân ít hơn, sự tin cậy đã có rồi khiến họ không đề phòng nữa. Những va chạm diễn ra trong phạm vi những người gần cạnh trước. Đôi khi tác động của những người cộng dồn, ức chế trong đời sống thường ngày khiến họ bột phát và ra tay với những người máu mủ ruột thịt...

Mẹ ngáo đá giết 7 con, 1 cháu

Tháng 11/2014, dư luận dậy sóng trước thảm án kinh hoàng ở nước Úc. Warria, bà mẹ 37 tuổi ở thành phố Cairns, đã dùng dao và siết cổ 7 người con và 1 người cháu đến chết trong cơn phê ma túy đá. Bà Warria được xác định là mẹ của 7 đứa trẻ, trong khi đó nạn nhân còn lại là 1 bé gái 14 tuổi và là cháu gái của bà.

Bà Warria (ảnh: dailytelegraph)

Ở nước ta, trong thời gian qua, có rất nhiều vụ án mạng nghiêm trọng mà do các đối tượng “ngáo đá” gây ra. Khi đã chìm trong ảo giác, họ không điều khiển được hành vi của mình, như “ma đưa lối quỷ dẫn đường”, đến lúc tỉnh ngộ thì mọi thứ đã quá muộn.

Đâm chết chị vợ, chém trọng thương cháu nhỏ

Mới đầu năm 2015, dư luận vô cùng bàng hoàng trước vụ giết người, chém trọng thương cháu nhỏ ở tỉnh Nghệ An khi lên cơn “ngáo đá”. Theo thông tin từ cơ quan điều tra, ngày 3/1, Phạm Văn Tuấn (36 tuổi) đến nhà chị vợ ở cùng xóm là Đặng Thị Vân để hỏi xin số điện thoại của vợ mình (đã ly thân từ 2 năm nay). Nhưng chị Vân nói không biết số. Sau đó 2 chị em đã xảy ra cãi vã, Tuấn tức giận rút dao thủ sẵn trong người tấn công chị Vân. Bị Tuấn đuổi chém, chị Vân bế con bỏ chạy ra đường kêu cứu. Tuấn đuổi kịp và dùng dao đâm chị Vân gục trên đường. Đứa con trên tay chị Vân rơi xuống đường. Tuấn nhẫn tâm cầm dao chém vào trán cháu bé khiến cháu trọng thương.

Cháu Thái Thùy Linh đang được điều trị tại Bệnh viện sản nhi Nghệ An. (ảnh:Thanhnien.com)

Phê đá:nghịch tử giết hại mẹ ruột”

Trước đó, tháng 4 /2014 ở TP.HCM đã  xảy ra vụ con giết chết mẹ ruột và chém anh trai. Nạn nhân bị sát hại là bà Phạm Thị Hòa. Hung thủ là Tô Minh Nhật Hải (SN 1981, con ruột bà Hòa). Ngoài bà Hòa là nạn nhân tử vong trong vụ án, Hải còn chém anh trai mình thương tích nặng phải nhập viện cấp cứu. Sau khi đâm gục người mẹ và bị trói, Sỉn liên tục hét: 'Thả tao ra. Tao phải cứu mẹ khỏi người mặt trăng”. Được biết, bình thường khi lên cơn nghiện, gã hay gào khóc, kêu la thảm thiết đòi tự tử. Người mẹ xót lòng, mở cửa đưa tiền cho con trai đi mua thuốc thỏa cơn nghiện.

Giết bà vì không xin được tiền “đập đá”

Năm 2011, một vụ án gây rúng động dư luận xảy ra tại TP Vinh, Nghệ An, nạn nhân là bà cụ 84 tuổi. Bà cụ 84 tuổi bị đứa cháu nội dùng chày gỗ đánh cho đến chết chỉ vì hắn là tội đồ của ma túy "đá". Những đồng tiền lẽ bà Hồ Thị Lợi (82 tuổi) chắt chiu qua gánh bánh, hàng cháo ở chợ đều bị đứa cháu nội moi đi để “đập đá”. Oan nghiệt thay bà đã chết bởi đôi tay của đứa cháu mình. Sau những lần tụ tập “đập đá” với đám bạn xấu là về nhà Dũng cầm dao, cầm gậy chửi bới, đòi đánh đập những người trong gia đình vì không có tiền cho Dũng sử dụng ma túy hoặc vì ảo giác sau những lần “đập đá”.

Đối tượng Dũng (ảnh: anninhthudo)

Gia đình, nhà trường, xã hội phải bắt tay nhau thật chặt!

Khác với heroin, người nghiện ma túy đá không có biểu hiện vật vã khi lên cơn thèm thuốc, chính điều này đã “qua mắt” các ông bố bà mẹ, họ tin con em mình không nghiện. Nhiều bậc phụ huynh không có những kỹ năng cần thiết để nhận diện, ngăn chặn và xử lý các tình huống khi con bập vào hàng đá khiến nhiều hậu quả đau lòng xảy ra. Vì vậy gia đình phải chịu trách nhiệm về trong việc giáo dục, bảo vệ con trẻ khỏi tác động của  ma túy. Chính sự thiếu hiểu biết còn mơ hồ, hạn chế của bố mẹ và người thân là một phần nguyên nhân khiến ma túy đá đang xâm nhập và tàn phá giới trẻ. Cụm từ “ngáo đá” dường như là câu cửa miệng quá quen thuộc từ quán trà đá trước cổng trường đến các phiên chợ nhưng trong thực tế thử hỏi bao nhiêu bậc phụ huynh có kỹ năng nhận biết, phòng tránh loại ma túy cực độc này?

Theo ý kiến của chuyên gia, dưới góc độ luật pháp, “ngáo đá” dù gây hoang tưởng tâm thần nhưng không phải là tình tiết giảm nhẹ. Pháp luật nhất thiết không nên chiếu cố cho tội phạm “ngáo đá” để tránh việc kẻ xấu lách luật gây tội ác. Dưới góc độ khoa học, TS Ngô Văn Vinh, Viện trưởng Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương cho rằng, phải giám định thật kỹ các trường hợp ngáo đá để đánh giá được việc sử dụng ra sao, mức độ ảnh hưởng thần kinh đến đâu. Mặt khác, một khi pháp luật đã có quy định về trường hợp người phạm tội trong tình trạng say do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự, thì “ngáo đá” cũng không loại trừ. 

Điều quan trọng, để giải quyết bài toán về tỷ lệ tội phạm do ma túy đá gây ra cần phải có sự vào cuộc đồng bộ và thống nhất của gia đình - nhà trường - xã hội, cả ba phải bắt tay nhau thật chặt thì mới có hy vọng xóa được những bi kịch gia đình bắt nguồn từ “hàng đá”.

Top