Thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi trên tuyến biển

05/08/2020 13:40

Tội phạm ma túy (TPMT) lợi dụng tuyến biển để mua bán, vận chuyển trái phép không phải là vấn đề mới mà đang diễn ra với thủ đoạn ngày càng tinh vi trên các vùng biển nước ta. Trong khi đó, công tác phòng ngừa, đấu tranh của các lực lượng chức năng còn gặp nhiều khó khăn.

Lực lượng chức năng kiểm tra các khối đá có chứa ma túy tại cảng Cát Lái

Lợi dụng sự thông thoáng xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container

Theo Cục CSĐT tội phạm về ma túy (Bộ Công an), Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.200 km trải dài từ Vịnh Bắc Bộ tới Vịnh Thái Lan với 45 cảng biển, 283 bến cảng, 18 khu neo đậu, tổng chiều dài khoảng 89.000m cầu cảng. Hàng năm, lượng hàng hóa xếp dỡ trên 500 triệu tấn.

Do tác động của tình hình ma túy và tội phạm ma túy quốc tế, khu vực và trong nước; sự đa dạng và thuận lợi của loại hình vận tải biển cùng với siêu lợi nhuận thu được từ việc buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, nên tình hình tội phạm ma túy vận chuyển qua đường biển ở Việt Nam vẫn tiếp tục phức tạp và tiềm ẩn khó lường.

Tội phạm lợi dụng sự thông thoáng của hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy. Lực lượng phòng, chống ma túy tại Việt Nam đã bắt giữ trong nội địa một số vụ vận chuyển số lượng ma túy lớn có nguồn gốc từ khu vực Tam giác vàng chuẩn bị đi đường biển vận chuyển sang nước khác.

Đáng chú ý, các đối tượng chủ hàng không trực tiếp đứng ra làm thủ tục xuất nhập khẩu mà làm hợp đồng ủy thác xuất nhập khẩu hàng hóa lòng vòng qua nhiều công ty khác nhau, thậm chí sử dụng công ty “ma” không có trong thực tế để thực hiện xuất nhập khẩu các container có cất giấu ma túy đi và đến Việt Nam.

Thủ đoạn cất giấu hết sức tinh vi, khi bọn chúng giấu các túi ma túy trong container hàng sắt thép phế thải, thức ăn chăn nuôi, hạt nhựa, đưa vào khoang rỗng của trục rulo máy ép bao bì, cất giấu trong các loa thùng, đế giày dép, đá granit… Bọn chúng nhập ma túy “đá”, heroin từ vùng Tam giác vàng; cocain từ các nước Nam Mỹ về Việt Nam rồi đi nước khác. Sau đó, tuyến xuất từ Việt Nam – Philippines; Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc); Việt Nam – Australia và mới đây lực lượng chức năng phát hiện thêm địa bàn xuất sang là Hàn Quốc.

Như rạng sáng 19/7, tại khu vực cảng Cát Lái, lực lượng chức năng đã tiến hành khám xét khẩn cấp container 20 feet có trọng lượng gần 30 tấn (khai báo hàng hóa là đá granite) đang chuẩn bị để đưa xuống tàu tới cảng Incheon của Hàn Quốc, thu giữ 40kg ma túy tổng hợp được giấu trong các khối đá granite. Đối tượng cầm đầu được xác định là Kim Soon Sik (sinh năm 1960, quốc tịch Hàn Quốc, từng là cảnh sát).

Trên cơ sở mở rộng điều tra, đầu tháng 8, lực lượng chức năng chia thành nhiều tổ công tác, thực hiện khám xét 11 địa điểm (trong đó có 9 điểm trên địa bàn TPHCM, hai điểm ở Đồng Nai). Lực lượng chức năng đã thu giữ 19 bánh heroin, 120kg ma túy các loại; bắt giữ 15 đối tượng, thu giữ nhiều tang vật khác.

Ngoài ra, còn xuất hiện tình trạng ma túy trội dạt vào bờ biển, điển hình như từ ngày 30/11-3/12/2019, tại khu vực ven biển các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, ngư dân đã thu gom được số lượng ma túy lớn từ ngoài khơi dạt vào bờ và giao nộp cho các đơn vị chức năng đóng trên địa bàn.

Đoàn Đặc nhiệm phòng chống tội phạm ma túy số 2 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt đối tượng Hoàng Minh Tâm cùng tang vật chuyên án

Tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp TPMT trên tuyến biển, đảo

Trong thời gian qua, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã quán triệt sâu sắc nội dung, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh, ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập vào nước ta trên tuyến biển.

Cảnh sát biển thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng phối hợp tham mưu xây dựng, tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống ma túy sửa đổi, bổ sung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam và các văn bản hướng dẫn thi hành qua đó tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác phòng ngừa, đấu tranh.…

Bên cạnh đó phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, hải quan trong việc hỗ trợ cán bộ trang bị, phương tiện kỹ thuật trong đấu tranh bắt giữ đối tượng phạm tội về ma túy; hợp tác trao đổi thông tin, điều tra, xác minh đối tượng nghi vấn tham gia điều hành đường dây ma túy hoạt động trên tuyến biển; hỗ trợ kiểm tra, kiểm soát tàu thuyền nước ngoài đi vào vùng biển Việt Nam có biểu hiện nghi vấn vận chuyển trái phép chất ma túy.

Trong các vụ ma túy trôi dạt vào bờ biển miền Trung, lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động gửi Thư trao đổi, thông báo tình hình và đã nhận được phản hồi tích cực, sự đánh giá cao từ cảnh sát biển các nước trong khu vực.

Các đơn vị cảnh sát biển đầu tư xây dựng, biên soạn nội dung tuyên truyền phong phú, phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác TPMT trên tuyến biển, đảo. Lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống ma túy trong Chương trình “Em yêu biển, đảo quê hương” cho học sinh và người dân các địa phương.

Từ năm 2017-6/2020, lực lượng cảnh sát biển đã trực tiếp và phối hợp với các đơn vị công an, biên phòng, hải quan đấu tranh thành công 698 vụ án, bắt giữ 1.125 đối tượng phạm tội về ma túy, trong đó trực tiếp điều tra, khởi tố 303 vụ, 414 đối tượng. Thu giữ 387,6 kg heroin, 204 kg ma túy tổng hợp, 108,8 kg cần sa, 11 khẩu súng, 91 viên đạn cùng nhiều vật chứng liên quan. Trong đó, có nhiều chuyên án, vụ án diễn biến phức tạp, thu giữ khối lượng ma túy lớn, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương ghi nhận, đánh giá cao.

Điển hình, ngày 5/6, tại địa bàn ven biển huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, Đoàn Đặc nhiệm phòng, chống TPMT số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đấu tranh thành công chuyên án, bắt quả tang đối tượng Hoàng Minh Tâm về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ 02 bánh heroin, 01 kg ketamin, 01 kg ma túy "đá", 6.000 viên ma túy tổng hợp. Số ma túy trên có nguồn gốc từ Lào do đối tượng đưa qua biên giới về Diễn Châu, rồi tiếp tục vận chuyển đi các địa phương khác tiêu thụ.

Để chủ động phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả, thời gian tới, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành các cấp, nhất là cấp cơ sở xác định phòng chống ma túy là nhiệm vụ trọng tâm gắn với trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp. Triển khai đồng bộ các hình thức tuyên truyền phòng chống ma túy, hướng tới nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên, ngư dân, xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả gắn với nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn ma túy từ nước ngoài xâm nhập nước ta qua đường biển. Quản lý chặt chẽ phương tiện thủy nước ngoài nghi vấn phạm tội về ma túy hoạt động trên vùng biển trọng điểm, các tuyến hàng hải quốc tế. Tổ chức các cao điểm tấn công trấn áp TPMT trên tuyến biển, đảo. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy của công an, biên phòng, hải quan trong kiểm soát tàu thuyền ra vào cảng, trao đổi thông tin phục vụ xác lập, tổ chức đấu tranh bắt giữ các đường dây ma túy hoạt động trên tuyến biển.

Huy động, sử dụng có hiệu quả sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong công tác phòng chống ma túy trên biển. Tổ chức thực hiện tốt các cam kết quốc tế, nhất là với các nước có vùng biển tiếp giáp, các nước có ký kết hiệp định, biên bản ghi nhớ về phòng chống ma túy.

Ngoài ra, tăng cường trao đổi thông tin với cảnh sát biển các nước, đồng thời tham mưu Bộ Quốc phòng các nội dung, quy định về hợp tác quốc tế trong kiểm soát ma túy trên biển. Rà soát để tham mưu các bộ, ngành trình Chính phủ, Quốc hội kịp thời sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật còn chồng chéo theo hướng đồng bộ, thống nhất với luật pháp quốc tế và thực tế công tác đấu tranh chống TPMT ở nước ta hiện nay.

Top