Sự thật bất ngờ về cần sa tổng hợp

20/02/2015 15:03

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều quảng cáo về các loại cần sa tổng hợp với giá thành rẻ, độ phê mạnh, không chứa chất gây nghiện, bán dưới dạng hợp pháp (legal). Vậy đâu là sự thật đằng sau những lời quảng cáo này?

Cần sa tổng hợp - sát nhân thầm lặng

Cần sa tổng hợp (synthetic canabinoid/ synthetic marijuana) là một chất bị lạm dụng tương đối mới và vẫn còn ít thông tin về tác hại của chúng trên các phương tiện truyền thông đại chúng ở Việt Nam. Mặc dù trên bao bì có cảnh báo “not for human consumption” (không sử dụng cho người), tuy nhiên vẫn có nhiều người bất chấp khuyến cáo thản nhiên sử dụng. Thậm chí có tiệm bánh còn dùng cần sa trộn vào bánh mỳ. Đầu năm 2015, 40 người nhập viện sau khi ăn bánh mỳ ở tiệm Cholula’s Bakery tại Santa Ana, Mỹ. Kết quả xét nghiệm của cảnh sát cho thấy, cần sa tổng hợp có trong bánh mì.  Ramirez - một khách hàng 26 tuổi cho biết anh đã đặt mua một loại bánh đặc biệt ở cửa hàng này. Sau khi ăn bánh tẩm cần sa, anh trở nên chóng mặt, mất kiểm soát, tim đập nhanh...

Cần sa tổng hợp trong bánh ngọt (Nguồn ảnh: bc7.com)

Tháng 1/2015, hai người đàn ông ở bang Queensland, Australia đã tử vong sau khi sử dụng loại cần sa tổng hợp với nhãn hiệu Full Moon. Cảnh sát Queensland cho biết, một trong số hai nạn nhân đã mua Full Moon trong cửa hàng đồ chơi tình dục.

Full moon - sát thủ gây ra cái chết (Ảnh abc.net.au)

Năm 2013, cần sa tổng hợp được cho là nguyên nhân khiến 221 người bị bệnh ở Colorado, sự kiện xảy ra trong thời gian bùng phát kéo dài một tháng. Các chuyên gia đã thực hiện nghiên cứu 127/221 trường hợp đã đi đến kết luận: 64% bị áp huyết cao, 32% nói họ bị khích động, 25% cho biết bị rối loạn tinh thần.

Trước đó, tháng 3/2011, Cục quản lý Dược phẩm Hoa Kỳ (US Drug Enforcement Administration - DEA) lập danh sách 5 loại cần sa tổng hợp trong danh sách kiểm soát cấp 1 gồm: JWH-018, JWH-073, JWH-200, CP-47 và canabicyclohexanol.

 Là hóa chất chỉ dùng thí nghiệm trên cơ thể động vật

Trong bài phỏng vấn do tờ Huffing Post thực hiện, đại diện của DEA cho rằng, cần sa tổng hợp xuất phát từ các phòng thí nghiệm từ những năm 1978 ở Mỹ nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, từ năm 2009 cần sa tổng hợp bắt đầu bị lạm dụng ở Mỹ, đặc biệt tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng rất lớn. Nhằm qua mặt cơ quan chức năng, cần sa tổng hợp thường ngụy trang dưới mác gia vị, hương liệu, trà thảo mộc… trong các bao bì màu mè, dưới nhiều tên gọi khác nhau như: Kronic, Magic Dragon, Spice, Black Mamba, K2, Fake Marijuana, Sexy Monkey, Blue Night, Full Moon... Một số loại cần sa tổng hợp như K2/Spice có thành phần gồm hỗn hợp các loại thảo mộc khô, gia vị và hoa phun với các hợp chất tổng hợp hoặc hóa học tương tự như THC (tetrahydrocannabinol) được tìm thấy trong cần sa và được bán như loại hương liệu (để hít).

Cần sa tổng hợp (Nguồn: huffingtonpost)

Bà Barbaba Carrenno, người phát ngôn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (Food and Drug Adminnistration - FDA) cho rằng có hơn 40 loại cần sa tổng hợp, có nguồn gốc từ Trung Đông, Ấn Độ, đặc biệt phần lớn đến từ các công ty hóa chất ở Trung Quốc.

Dưới một góc nhìn khác, Tiến sĩ Richard Kevin, trường Đại học Sydney - Australia, người đã từng làm nghiên cứu phân tích ảnh hưởng của cần sa tổng hợp lên cơ thể chuột nhận xét:  Không quá khó để điều chế ra cần sa tổng hợp, các sản phẩm này được sử dụng vào mục đích nghiên cứu ở các phòng thí nghiệm. Ban đầu, các hợp chất này được tạo ra nhằm mục đích nghiên cứu tác động của cần sa đến hệ thần kinh ở động vật, chứ không bao giờ có mục đích dành cho người sử dụng. Đồng thời Tiến sĩ  Richard cũng khẳng định: Hiện nay, không có một tiêu chuẩn, quy trình, hay kiểm tra chất lượng của các sản phẩm cần sa tổng hợp.  

Chính quá trình tổng hợp, điều chế rất dễ dàng, nên tội phạm ma túy thường “tung” các sản phẩm này ra thị trường với giá thành rẻ hơn nhiều so với các loại ma túy truyền thống. Hiện tại, người tiêu dùng không giới hạn độ tuổi có thể dễ dàng mua cần sa tổng hợp trên mạng hoặc các cửa hàng bán hương liệu, thảo dược…

Cơn lốc ngầm trong giới trẻ Việt

Mặc dù vào Việt Nam chưa lâu nhưng cần sa tổng hợp hiện đang “xâm thực” với tốc độ cao trong một bộ phận thanh thiếu niên. Theo tìm hiểu của chúng tôi, để phân biệt với cần tự nhiên, dân chơi thường gọi nôm na cần sa tổng hợp  là “cần tổng”. Đặc biệt, với tâm lý tò mò, nhiều bạn trẻ ban đầu chỉ hút cần tự nhiên sau đó đã thử chuyển sang cần tổng. Để tìm hiểu về loại ma túy đang rất phổ biến ở Việt Nam, chúng tôi đã làm quen với một số dân chơi cần. Khuôn mặt non choẹt nhưng Đ.Anh (17 tuổi, Đống Đa) đã có thâm niên chơi cần 2 năm, cậu kể: “ban đầu em hút cần ta (cần sa tự nhiên) thôi, rồi thằng bạn giới thiệu cái món “cần tổng” mới lạ này. Tính em vốn thế, có gì lạ “hàng mới” là phải thử cho bằng được. Em  ưa sáng tạo, một lần em thử trộn “cần tổng” với bánh kem, cứ nghĩ không phê. Nhưng ăn xong thấy ngứa mồm, lưng nóng rát, co giật liên tục, van lạy cào cấu đủ thứ nhưng không ăn thua... lần đó không nhờ mẹ đưa cấp cứu coi như đứt”.

Qua Đ.Anh, tôi có dịp trò chyện với Tiến, bạn cùng lớp với Đ.Anh, khi đề cập đến “cần tổng”, Tiến hoảng hốt: “Đau lắm chị ơi, em chơi mới được một hơi thôi, xong cứ nhảy từng bậc một trên cầu thang xuống vì tưởng biển! Loại này toàn hóa chất, hít vào chết là đúng”. Khi được hỏi về nguồn gốc của các loại “cần tổng” này, Đ.Anh chia sẻ: Mỗi ngày có hàng chục mẩu tin quảng cáo kèm hình ảnh các loại cần tổng trên facebook, chỉ cần chị inbox bao nhiêu chả có. Mặc khác, các chuyên gia cho rằng cần tổng hợp nguy hiểm hơn cần sa tự nhiên rất nhiều lần.

Theo BS CK II Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm Thần TP. HCM, cần sa tổng hợp chứa thụ thể đồng vận CP-47497 và JWH-018 có ái lực với thụ thể cannabinoid CB1 và CB2 cao hơn so với ái lực của thụ thể tetrahydrocannabiol (THC) có trong cần sa thiên nhiên. Chính khả năng gắn thụ thể cao này dẫn đến hậu quả xấu là xuất hiện các triệu chứng loạn thần, ngay cả khi xét nghiệm nước tiểu hết dương tính với cần sa.

Top