Quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất

04/02/2019 11:14

Trong năm 2018, nhiều vụ án sản xuất ma túy được lực lượng Công an triệt phá đã cho thấy, việc quản lý tiền chất ma túy của các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay chưa được chặt chẽ. Chỉ bằng các tiền chất này, các đối tượng trong vụ án trên đã thiết lập được cả phân xưởng sản xuất cho "ra lò" hàng nghìn viên ma túy tổng hợp mỗi ngày.

Tăng cường kiểm soát xuất nhập khẩu các loại tiền chất. Ảnh nguồn: Internet

Thất thoát tiền chất sẽ gây hiểm hoạ không lường

Ngày 15/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2018/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất, thay thế Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ ban hành các danh mục chất ma túy và tiền chất và Nghị định số 126/2015/NĐ-CP ngày 9/12/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung danh mục các chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ.

Tại Nghị định số 73/2018/NĐ-CP, hàng trăm chất ma tuý đã được bổ sung vào các danh mục. Cụ thể: 515 chất ma tuý được phân vào 3 Danh mục và 44 tiền chất chia làm 2 nhóm; trong khi đó, con số này trước đây là 250 chất ma tuý và 43 loại tiền chất.

Qua công tác thu thập thông tin từ Phòng Kiểm soát ma túy (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), hoạt động nhập khẩu tiền chất chủ yếu qua khu vực cảng biển, nơi tập trung các khu công nghiệp (như Hà Nội, Bắc Ninh TPHCM, Hải Phòng, Bình Dương, Vũng Tàu, Đồng Nai…).

Tiền chất nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu gồm 2 loại: Tiền chất sử dụng trong công nghiệp và tiền chất sử dụng trong y tế. Tuy nhiên, hiện có rất nhiều loại hóa chất bày bán tràn lan tại các chợ, trong đó có rất nhiều loại tiền chất.

Theo đại diện Phòng Kiểm soát ma tuý, nếu hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tiền chất không được quản lý chặt chẽ thì hiểm họa sẽ khôn lường. Cho đến nay chưa có cơ quan nào quản lý định mức tiêu hao sử dụng tiền chất trong hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có trường hợp doanh nghiệp, mặc dù có nhập khẩu tiền chất nhưng không phục vụ sản xuất mà chỉ nhằm mục đích kinh doanh, buôn bán. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra việc doanh nghiệp nhập khẩu có bán đúng đối tượng hoặc đối tượng này thuộc quản lý của các bộ, ngành hay không?

Ở khâu nhập khẩu, cơ quan Hải quan đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các kỹ thuật hiện đại để phục vụ cho công tác quản lý của mình. Đặc biệt, xác định được sự cần thiết trong công tác quản lý chặt chẽ các hoạt động xuất nhập khẩu các loại tiền chất, trong năm 2017, Cục Điều tra chống buôn lậu đã tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan ra văn bản số 5809/TCHQ-ĐTCBL ngày 31/8/2017 về việc tăng cường công tác kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất.

Ngay trong quy trình thủ tục hải quan, lực lượng Hải quan áp dụng quản lý rủi ro (thu thập thông tin, phân tích, đánh giá rủi ro) đối với các doanh nghiệp, mặt hàng trọng điểm, trong đó có các doanh nghiệp nhập khẩu tiền chất. Từ đó, lực lượng Hải quan các cấp đã chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các sai phạm ngay tại cửa khẩu. Hàng năm, Tổng cục Hải quan cũng chủ động phối hơp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra tình hình xuất nhập khẩu, tạm nhập tái xuất tiền chất tại các cục hải quan tỉnh, thành phố trọng điểm. Vì vậy, năm 2018 nhìn chung các sai phạm của doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu tiền chất đã giảm hẳn, mục tiêu quản lý hoạt động xuất nhập khẩu tiền chất, hoá chất đã đạt được.

“Khoanh vùng” kiểm soát

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lịch, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, công tác kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là các loại tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp cũng như Y tế của ngành Hải quan vẫn còn có một số khó khăn, vướng mắc.

Thực chất tiền chất nhập khẩu phải có giấy phép (do Bộ Công Thương, Bộ Y tế cấp phép). Tuy nhiên, hiện nay, chưa triển khai xây dựng được cơ chế kết nối mạng cơ sở dữ liệu tội phạm ma túy giữa lực lượng kiểm soát ma túy Hải quan với lực lượng Công an để nắm tình hình, thu thập thông tin phục vụ công tác kiểm soát ma túy, tiền chất; nối mạng cơ sở dữ liệu quản lý tiền chất giữa Hải quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Y tế để theo dõi, quản lý tình hình xuất nhập khẩu tiền chất.

Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế và Cơ quan Hải quan trong việc xác định những loại thuốc có chứa các thành phần tiền chất. Trên thực tế tên thương mại của các loại thuốc thường xuyên thay đổi, cơ quan Hải quan không được cung cấp danh mục các loại thuốc có chứa tiền chất để quản lý cũng như ngăn chặn việc nhập khẩu các loại thuốc này.

Ngoài ra, trình độ hiểu biết về các loại hóa chất, tiền chất sử dụng trong lĩnh vực công nghiệp, y tế của cán bộ, công chức hải quan còn hạn chế do đó rất khó khăn trong công tác kiểm tra thực tế hàng hóa, lấy mẫu, giám định. Các loại tiền chất ma túy mới phát hiện nhiều nhưng chưa được đưa vào danh sách quản lý do Chính phủ quy định, chưa có chế tài xử lý dẫn đến khó khăn cho công tác xử lý.

Theo ông Nguyễn Văn Lịch, bản chất việc cấp phép giống như “con dao hai lưỡi”, vừa đảm bảo quản lý, nhưng cũng phần nào cản trở quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Chính vì vậy, cơ quan quản lý cần phải xem xét kỹ càng trước khi ban hành danh mục tiền chất được cấp phép nhập khẩu.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan phải luôn chú trọng kiểm soát chặt từ khâu tiếp nhận tờ khai nhập khẩu, trong trường hợp cần thiết sẽ đưa vào Danh mục quản lý rủi ro, phục vụ phân luồng nhằm giám sát kiểm tra hàng hóa.

Các lực lượng cần tăng cường hơn nữa các đoàn kiểm tra liên ngành (gồm: Công an, Y tế, Công Thương, Hải quan) theo định kỳ hàng tháng, hàng quý. Trong đó, “khoanh vùng” kiểm soát tất cả các doanh nghiệp đã nhập khẩu tiền chất từ khâu nhập khẩu đến các hoạt động sản xuất, bảo quản, quản lý tiền chất… tránh để tiền chất thất thoát ra thị trường.

Đồng thời công tác phối hợp giữa cơ quan Hải quan với các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) cần thường xuyên, liên tục, không dừng lại ở viêc phối hợp xử lý các vụ việc phát sinh. Các lực lượng cần phối hợp kiểm soát (sổ sách chứng từ theo dõi sử dụng tiền chất, kho bảo quản, sản xuất…) để làm tốt công tác quản lý.

 

 

 

 

 

 

 

Trong năm 2018, toàn ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 216 vụ vi phạm liên quan đến chất ma túy, thuốc gây nghiện hướng thần và xuất nhập khẩu tiền chất (tăng 115 vụ, tương đương tăng 113,86% so với cùng kỳ năm 2017); thu giữ 54.021,81g và 444 bánh heroin; 128.166,87g, 364.258 viên và 185 túi, gói ma túy tổng hợp; 176.176g ma túy đá; 104.833 kg cocain; 2.500 lá khát; 3.800 kg tiền chất…

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Top