Phòng ngừa tận gốc tình trạng lái xe sử dụng ma túy

17/03/2020 08:24

Việc tổng kiểm soát theo kế hoạch chỉ là hoạt động mang tính giải pháp, quan trọng nhất vẫn là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng: lực lượng CSGT, Bộ GTVT, ngành Y tế để phòng ngừa tận gốc tình trạng lái xe sử dụng ma túy.

Hiện trường vụ tai nạn do lái xe Mercedes đâm vào xe máy khiến 2 người thương vong ngày 30/1

Áp dụng chế tài mạnh

Theo báo cáo của Bộ Công an, năm 2019 toàn quốc đã phát hiện 621 trường hợp lái xe dương tính với ma túy, tập trung ở độ tuổi từ 22-35.

Ba tháng đầu năm 2020 cũng đã xảy ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng do lái xe sử dụng ma túy gây nên. Điển hình như khoảng 5h30' ngày 30/1, Nguyễn Trần Hồng Phong (SN 1988, TPHCM) điều khiển xe Mercedes BKS 51G - 902.57 tông vào xe máy ở đường Hồng Hà, phường 9, quận Phú Nhuận. Hậu quả vụ tai nạn khiến ông T. (64 tuổi, trú tại quận Tân Phú, là tài xế Grabbike) tử vong; chị H. (30 tuổi, trú tại quận Phú Nhuận, là tiếp viên của 1 hãng hàng không) bị thương nặng. Sau khi gây tai nạn Phong bỏ trốn lên Đà Lạt. Ngày 1/2, được gia đình vận động, tài xế đã tới cơ quan công an trình diện. Kết quả kiểm tra nhanh Phong dương tính với ma túy. Dù không có giấy phép lái xe nhưng người đàn ông trên vẫn lái phương tiện và gây tai nạn. Để thuê xe, Phong sử dụng giấy phép lái xe của một người quen, rồi dùng hình thẻ của mình dán vào đó.

Trước thực trạng lái xe điều khiển phương tiện giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đã tăng mức xử phạt đối với tài xế ô tô hoặc xe máy điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.

Cụ thể, người lái ô tô sẽ bị phạt từ 30-40 triệu đồng, người lái xe máy sẽ bị phạt từ 6-8 triệu đồng; đồng thời cả 2 trường hợp này tài xế đều bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) từ 22-24 tháng. Trong khi đó, mức phạt cũ được xác định là 16-18 triệu đồng đối với ô tô, còn xe máy là 3-4 triệu đồng.

Trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, chất ma túy của người thi hành công vụ, người lái ô tô bị phạt từ 30-40 triệu đồng, người lái xe máy sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng. Đồng thời, cả hai trường hợp trên đều bị tước GPLX từ 22 - 24 tháng.

Mới đây, ngày 20/2, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ông Nguyễn Quang Đức (SN 1990, ở  khóm Vĩnh Bắc, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) điều khiển xe ô tô 74A-071.07 lưu thông trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; không mang theo Giấy phép lái xe (GPLX) và Giấy đăng ký xe.

Theo quyết định xử phạt, ngoài mức tiền phạt 35 triệu đồng, do đã thực hiện hành vi vi phạm điều khiển xe ô tô trên lưu thông trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, quy định tại điểm c, khoản 10, điều 5, Nghị định 100/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, Đức bị phạt 350.000 đồng về hành vi điều khiển xe ô tô mà không mang theo GPLX và bị phạt 350.000 đồng, do điều khiển xe ô tô mà không mang theo Giấy đăng ký xe. Ông Đức bị tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng, kể từ ngày 20/2.

Cũng trong ngày 20/2, UBND tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với ông Trần Nhật Tiến (SN 1995, ở TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị). Theo đó, ông Tiến bị mức tiền phạt 35 triệu đồng, do đã thực hiện hành vi vi phạm là điều khiển xe ô tô 74A - 067.86 lưu thông trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy; ông Tiến cũng bị phạt bổ sung là tước quyền sử dụng GPLX 23 tháng, kể từ ngày 20/2.

Dùng công nghệ để quản lý, bổ sung phương tiện kiểm tra ma tuý nhanh

Theo đại diện Cục Cảnh sát Giao thông, kiểm tra nồng độ cồn, ma túy đối với lái xe điều khiển phương tiện trên đường là một trong những khâu quan trọng trong quản lý lái xe, nhất là lái xe đường dài. Khi tai nạn xảy ra, việc kiểm tra nồng độ cồn và ma túy là nội dung pháp lý cơ quan điều tra phải tiến hành để xét hành vi cấu thành tăng nặng trong xử lý vi phạm.

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 355.000 lái xe tải và hơn 110.000 lái xe container đang hoạt động. Cũng có thời điểm xe tải đăng ký tăng đến 400%/năm và xe container tăng 500%. Chính vì thế, áp lực về thời gian, doanh thu của các doanh nghiệp khiến lái xe không đủ sức kham nổi khối lượng công việc lớn, dẫn đến việc lái xe sử dụng chất kích thích để tạo cảm giác hưng phấn.

Với công tác xử lý vi phạm của lực lượng công an thì chỉ mang tính tình thế, với các chế tài hiện hành như: Phạt tiền, tước GPLX. Để công tác kiểm soát sức khỏe lái xe, trong đó có lái xe sử dụng chất kích thích, ma túy phải có sự phối hợp quyết liệt giữa các cơ quan chức năng.

Phía y tế phải kiểm tra chặt chẽ khâu khám sức khỏe bởi có những doanh nghiệp vận tải có cho lái xe đi khám nhưng không phải khám đột xuất mà khám định kỳ, trong quá trình đó, tài xế vẫn đối phó để khi kiểm tra không bị phát hiện dương tính với ma túy. Vì thế, cần thiết doanh nghiệp vận tải phải cho tài xế đi khám đột xuất, kiểm tra thường xuyên. Bên cạnh đó, đơn vị chức năng của Bộ GTVT cần kiểm soát chặt chẽ mảng đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, nâng cao nhận thức của lái xe.

Bản thân lực lượng phòng chống tội phạm cần ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn bán chất ma túy. Lực lượng CSGT cần nâng cao việc kiểm tra thường xuyên trong quá trình tuần tra chứ không chỉ kiểm tra theo chuyên đề.

Quá trình tuần tra kiểm soát, nhất là kiểm tra đối tượng lái xe lạm dụng, sử dụng chất ma túy, lực lượng làm nhiệm vụ trên đường đã tiến hành các bước thử nhanh như thử nước tiểu và thử máu. Tuy nhiên, quá trình làm việc, lực lượng gặp không ít khó khăn, nhiều lái xe tỏ rõ sự chống đối, vài tiếng sau mới cho thử nước tiểu. Thời gian tới, các cấp chức năng cũng cần xem xét, đầu tư thêm phương tiện, thiết bị kiểm tra nhanh, hỗ trợ cho các lực lượng, đáp ứng việc thử được nhanh và chính xác nhất việc sử dụng/lạm dụng chất kích thích, ma túy của người lái xe.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), Tổng cục Đường bộ sẽ xây dựng phần mềm quản lý người lái xe trọn đời, tức quản lý từ khi đăng ký đi học, thi sát hạch cho đến mọi hoạt động bên ngoài. Sau khi phần mềm được đưa vào khai thác, Tổng cục sẽ cung cấp tài khoản truy cập cho lực lượng công an, các sở GTVT theo dõi, doanh nghiệp cũng sẽ cập nhật thông tin lái xe lên hệ thống. Với phần mềm này sẽ không còn tình trạng người không đủ điều kiện vẫn đi học, đi thi sát hạch; không còn lái xe nghiện ma túy, lái xe không đủ điều kiện sức khỏe bị loại ở doanh nghiệp này rồi lại sang doanh nghiệp khác làm việc.

* Ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn, ma túy và xe mô tô

Từ ngày 16/3-15/4, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc sẽ ra quân, tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý theo chuyên đề vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và xe mô tô.

Đối tượng mà lực lượng CSGT xử lý sẽ là những lái xe ô tô chở khách, ô tô vận tải container và xe mô tô trên các tuyến giao thông đường bộ, tập trung vào những tuyến quốc lộ trọng điểm, đường cao tốc, các tuyến đường đô thị, đường liên tỉnh, liên huyện, liên xã. Địa bàn kiểm soát, xử lý vi phạm tập trung tại các khu vực có đường quốc lộ đi qua, các khu công nghiệp tiếp giáp với đường quốc lộ, nhà hàng, quán ăn; khu vực quán bar, vũ trường, phức tạp về an ninh, trật tự, ma túy...

Theo kế hoạch, khi xử lý các trường hợp dương tính với chất ma túy phải thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật phòng chống ma túy.

Thông qua hoạt động tuần tra kiểm soát, chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ như cướp, cướp giật, đối tượng có lệnh truy nã; vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại, chống người thi hành công vụ…

Top