Phòng chống tội phạm, ma tuý: Phụ nữ vào cuộc

08/03/2019 09:37

Phòng chống tội phạm, ma tuý từ gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình, khi gia đình bền vững sẽ là pháo đài chống lại các tệ nạn xã hội, vai trò của người phụ nữ ngày càng được coi trọng trong việc vận động người thân, giáo dục con em mình tránh xa tệ nạn ma túy, cũng như các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Cảm hoá những mảnh đời lầm lỗi

Năm 2016, chị Nông Thị V., xã Niêm Sơn (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) được trở về địa phương sau thời gian dài thi hành án phạt tù về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy với tâm lý lúc nào cũng mặc cảm, tự ti. Hội LHPN xã Niêm Sơn đã phối hợp với Công an huyện Mèo Vạc kịp thời đến thăm hỏi, động viên và nắm bắt tâm tư, nguyện vọng nhằm hỗ trợ, giúp đỡ chị Va trong phát triển kinh tế gia đình; đồng thời tuyên truyền pháp luật, phòng ngừa tái phạm tội.

Theo chia sẻ của chị V., sau một thời gian được sự giúp đỡ, động viên của Hội Phụ nữ và người thân, chị đã xóa bỏ được mặc cảm, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc và tham gia các hoạt động xã hội. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục  pháp luật cho người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng là một trong các nội dung quan trọng trong công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội của Hội Phụ nữ các cấp tỉnh Hà Giang.

Hội viên Phụ nữ tham khảo các tài liệu về phòng, chống ma tuý, tệ nạn xã hội trong buổi truyền thông “Thắp lửa trên đường về” do Hội LHPN tỉnh Thái Nguyên tổ chức tại huyện Định Hoá

Tại xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, một thời gian dài, tình hình an ninh trật tự khu vực thôn Chùa có diễn biến phức tạp, tệ nạn trộm cắp, rượu chè, cờ bạc, ma túy thường xuyên xảy ra khiến nhân dân bức xúc. Trước thực tế đó, Chi hội phụ nữ thôn Chùa đã tham mưu với Hội phụ nữ và Công an xã cho thành lập Câu lạc bộ phòng chống tệ nạn xã hội và mô hình “Thôn Chùa không có ma túy”.

Với lòng nhiệt tình và tâm huyết, phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” đã được các thành viên Câu lạc bộ nghiêm túc thực hiện để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của từng đối tượng, từ đó có biện pháp can thiệp, giáo dục, cảm hóa phù hợp. Nhờ đó, từ một địa bàn luôn là điểm nóng về ma túy, đến nay, 100% các gia đình trong thôn Chùa đều không có con em vướng vào tệ nạn xã hội, tình hình an ninh trật tự luôn ổn định.

Tại Hà Nội, với phong trào “Phòng chống ma tuý từ gia đình”, các cấp Hội phụ nữ Hà Nội đã khẳng định hiệu quả hoạt động của nhiều mô hình, trong đó có Câu lạc bộ (CLB) phòng chống ma túy - tệ nạn xã hội (PCMTTNXH) từ gia đình phố Quán Gánh, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín.

Sinh hoạt theo từng chủ đề, từng quý giúp các thành viên CLB PCMTTNXH từ gia đình gần nhau hơn trong công tác giáo dục con em mình và tích cực tham gia phòng, chống TNXH tại địa phương. Chị em phụ nữ nơi đây đã và đang dùng tình cảm chân thành của mình để cảm hóa những người lạc lối, quay trở lại với cộng đồng.

Được thành lập từ tháng 12/2003 với 44 thành viên, qua hơn 14 năm hoạt động đến nay, CLB đã có 135 thành viên tham gia, chia làm 5 tổ theo địa giới sinh hoạt của xóm trên địa bàn khu dân cư Quán Gánh. 10 năm trở lại đây, CLB đã tổ chức được 38 buổi sinh hoạt với gần 2.000 lượt thành viên tham gia (trong đó có 5 đối tượng cai nghiện tại gia đình) với nội dung tuyên truyền, cảm hóa các đối tượng nghiện trên địa bàn. Qua đó, đã động viên, giúp đỡ kịp thời đối tượng cai nghiện và cai nghiện thành công không tái nghiện. Trong số 9 đối tượng nghiện trên địa bàn khu dân cư đến nay đã có 5 đối tượng cai nghiện thành công, 3 đối tượng vẫn đang tiếp tục cai nghiện tại gia đình và một đối tượng cai nghiện bắt buộc tại trung tâm.

Cùng với các hoạt động tuyên truyền, cán bộ Hội từ xã đến các chi hội đã tích cực tham gia hòa giải, duy trì, thành lập các mô hình hay về giữ gìn ANTT như: CLB PCMTTNXH từ gia đình; 4 CLB Gia đình văn minh hạnh phúc với 160 thành viên; 1 CLB Phụ nữ với pháp luật với 33 thành viên; 5 tổ phản ứng nhanh thông tin tố giác tội phạm; 9 địa chỉ tin cậy tham gia phòng chống bạo lực gia đình… Đồng thời giúp đỡ, tạo điều kiện vay vốn tiết kiệm của các tổ nhóm, ngân hàng chính sách xã hội để thành viên các gia đình làm ăn chân chính, có điều kiện nuôi dạy con cái.

Duy trì các mô hình có hiệu quả tại cộng đồng

Theo Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, trong những năm qua, công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội trong các cấp Hội được triển khai trên phạm vi rộng, xuyên suốt, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tuyên truyền, vận động toàn dân nâng cao nhận thức về pháp luật và chấp hành pháp luật, nhất là các tội phạm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, tội phạm mới; có sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể nên công tác nắm bắt tình hình các vụ việc quan trọng liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội trong khu dân cư được giải quyết kịp thời, góp phần giữ vững an ninh trật tự và cuộc sống yên bình trong bà con nhân dân.

Bên cạnh các hoạt động truyền thông cho hội viên phụ nữ và người dân nói chung, một trong những đối tượng đặc thù được Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng tới đó là nữ phạm nhân. Trong năm 2018, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an tổ chức sự kiện “Khởi nghiệp chắp cánh tương lai” cho 1.200 phạm nhân nữ, phụ nữ hoàn lương tái hoà nhập cộng đồng tại trại giam Kim Sơn (Bình Định), trại giam Tống Lê Chân (Bình Phước) và trại giam Thanh Phong (Thanh Hoá). Cũng trong dịp này, Trung ương Hội tổ chức 3 cuộc toạ đàm bàn bạc giải pháp hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng cho nữ phạm nhân chấp hành xong án phát tù và khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của 300 phạm nhân nữ chuẩn bị cho quá trình tái hoà nhập cộng đồng.

Ngoài ra, Hội LHPN các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền về quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội. Thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý tại nhiều địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. Đồng thời hướng dẫn các đơn vị cơ sở lồng ghép nhiệm vụ PCMT vào quy định, quy ước thực hiện xây dựng đơn vị văn hoá, khu phố văn hoá và gia đình văn hoá; chú trọng xây dựng các mô hình, câu lạc bộ và các hoạt động hỗ trợ.

Triển khai nghiêm túc Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT về “Quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” gắn với việc đẩy mạnh phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong thời kỳ mới và Chiến lược quốc gia PCMT ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đến nay có 76 tổ “Phụ nữ tự quản về an ninh trật tự”, 102 mô hình/CLB “Phòng chống tệ nạn xã hội”, “Không có người thân nghiện ma tuý và vi phạm pháp luật”, “Xây dựng gia đình hạnh phúc gắn với không tệ nạn xã hội”, mô hình “Dòng họ tự quản về an ninh trật tự”, “Thôn bình yên không có tội phạm, tệ nạn xã hội”, “Thôn xóm bình yên, phát triển toàn diện”…

Hầu hết các cấp Hội đều có mô hình câu lạc bộ phòng, chống tệ nạn xã hội như Câu lạc bộ Đồng cảm. Thông qua các hoạt động này có hàng nghìn phụ nữ được tư vấn trực tiếp về bệnh tật, sức khoẻ, được giới thiệu khám, chữa bệnh, được xét nghiệm HIV/AIDS, cấp bao cao su, tài liệu truyền thông…

Một số mô hình tiếp tục được các tỉnh, thành Hội duy trì hiệu quả như: Hội LHPN Hà Nội với mô hình “Nhóm liên gia phòng, chống ma tuý” tại chi hội 4 phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, chi hội 2 Thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm; CLB “Lá chắn” tại Bình Dương; mô hình “Tổ phụ nữ vận động chồng, con, người thân cai nghiện và quản lý sau cai” ở TP. Quảng Ngãi. Hội LHPN tỉnh Vĩnh Long tiếp tục duy trì sinh hoạt 949 loại hình, mô hình CLB phòng, chống tội phạm với 26.278 thành viên tham gia như: Nữ tiểu thương phòng chống tội phạm; nữ chủ nhà trọ, phụ nữ bán vé số phòng, chống tội phạm; chi hội phụ nữ không ma tuý, hỗ trợ hoà nhập bền vững… Đây đều là các mô hình hoạt động có hiệu quả, góp phần giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn dân cư.

Top