Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc - Nhận diện và ứng phó

23/11/2018 14:50

Khi nam giới vẫn coi những cái “sờ eo”, những cái vỗ mông, những ánh nhìn, bình phẩm khiếm nhã về các bộ phận trên cơ thể phụ nữ thì vấn nạn quấy rối tình dục sẽ chẳng bao giờ giải quyết được. Quấy rối tình dục không phải là vấn đề của phụ nữ mà chính nam giới là nhân tố quan trọng giúp ngăn ngừa tình trạng này.

Quấy rối là “đặc ân”?

Chia sẻ tại Tọa đàm "Phòng chống quấy rối tình dục nơi làm việc - Nhận diện và ứng phó" do Trung tâm CSAGA kết hợp cùng với Tổ chức CARE tại Việt Nam, Đại sứ quán Canada, Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức sáng 23/11, em Đào Thị Tuệ Linh, một sinh viên ngành báo cho biết, em thấy vấn đề quấy rối tình dục khá phổ biến tại trường học, công sở. Nam giới thường không nghĩ đó là quấy rối mà chỉ nghĩ đó là hành vi trêu đùa. Bản thân Linh cũng từng là nạn nhân của quấy rối tình dục khi bị người khác giới khoác vai, chạm vào vùng eo. Khi em tỏ thái độ không thích, khó chịu vì những hành động quấy rối thì bị cho là ‘chảnh’ vì theo họ, con gái có hấp dẫn, có sức hút thì mới “được” đụng chạm, phải hãnh diện coi như là “đặc ân” dành cho mình.

 Sinh viên chia sẻ những trải nghiệm xấu khi bị quấy rối tình dục

Một sinh nữ khác thì chia sẻ trải nghiệm xấu khi bị lôi các đặc điểm cơ thể ra làm trò đùa.

“Trong một lần đi xe khách, em có mang theo 2 quả bưởi, khi lên xe em bị phụ xe đùa là ‘bưởi của em to thế’ kèm cái nhìn chằm chằm vào cơ thể khiến cả xe cười ầm lên. Lúc đó em vừa ngượng ngùng xấu hổ, vừa cảm thấy bất mãn khó chịu”, nữ sinh viên tên Trang kể.

Và không chỉ nữ giới mà cả nam giới cũng bị quấy rối tình dục. Kiên, một sinh viên ngành xã hội học, Học viện Báo chí và Truyên truyền, cho biết trong một lần tham gia dự án tại Ninh Bình, em đã bị một người đàn ông đã có gia đình gạ gẫm đi nhà nghỉ.

“Chưa bao giờ em nghĩ là nam giới cũng bị quấy rối tình dục cho đến khi chính bản thân mình bị gạ gẫm. Người đàn ông đó là một công chức, đã có vợ và hai con nhưng là người đồng tính nên muốn tìm một bạn tình nam. Lúc đó em chỉ muốn đánh cho người đó một trận nhưng phải kiềm chế vì không muốn làm hỏng dự án”, Kiên chia sẻ.

Theo nghiên cứu của Tổ chức Action Aid tại Việt Nam, có tới 87% phụ nữ tại 2 thành phố là TPHCM và Hà Nội từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng; 67% người chứng kiến đã không có hành động gì. Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Plan Quốc tế tại Việt Nam cho thấy, 31% em gái vị thành niên và thanh niên đã từng bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng và trên các phương tiện giao thông công cộng, 11% học sinh tại 30 trường phổ thông của Hà Nội từng bị xâm hại, quấy rối tình dục.

Nhận diện quấy rối tình dục

Bà Cao Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Nữ Doanh nhân Việt Nam cho biết, Bộ luật Lao động năm 2012 là văn bản đầu tiên quy định quấy rối tình dục tại nơi làm việc tại các Điều: 8, 37, 182, 183. Đây cũng chính là những quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đặc biệt, năm 2015, được sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO, Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam xây dựng “Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc”. Đây được coi như một khuyến nghị mạnh mẽ, rõ ràng hướng dẫn cho người sử dụng lao động cùng với người lao động xây dựng, lồng ghép vào nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm cơ sở cho việc phòng chống hành vi quấy rối tình dục.

Bà Cao Thị Hồng Vân

Theo Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam, quấy rối tình dục là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới. Đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý, làm xúc phạm đối với người nhận và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.

Quấy rối tình dục “trao đổi” (nhằm mục đích đánh đổi) diễn ra khi người sử dụng lao động, người giám sát, người quản lý hay đồng nghiệp thực hiện hay cố gắng thực hiện nhằm gây ảnh hưởng đến quy trình tuyển dụng, thăng chức, đào tạo, kỷ luật, sa thải, tăng lương hay các lợi ích khác của người lao động để đổi lấy sự thỏa thuận về tình dục. Hình thức tồi tệ nhất của hành vi quấy rối tình dục là những hành vi tấn công có tính chất tình dục hoặc hiếp dâm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính hoặc pháp luật hình sự.

Hành vi không được coi là hành vi quấy rối tình dục: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận hoặc phù hợp về văn hóa, xã hội không bị coi là hành vi quấy rối tình dục. Hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi pháp luật cấm như giao cấu với trẻ em, giao cấu với người chưa vị thành niên…), tiếp nhận hay đáp lại đều không được xem là hành vi quấy rối tình dục.

3 hình thức quấy rối tình dục. Thứ nhất là quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính chất như tiếp xúc, hay cố tình sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.

Thứ hai là quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những chuyện cười ngụ ý về tình dục hay những những nhận xét về  trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này bao gồm cả những lời đề nghị và những lời yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.

Cuối cùng là quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói, gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đúng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.

Tuy nhiên, đây không phải là văn bản quy phạm pháp luật, do đó, độ ảnh hưởng và tác động chưa mạnh, chưa có tính bắt buộc, cưỡng chế mang tính quyền lực nhà nước mà chỉ dừng lại ở mặt khuyến khích. Bà Cao Thị Hồng Vân hy vọng, khi sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ đề cập rõ ràng hơn nội dung về quấy rối tình dục, có quy định rõ ràng về hành vi, chế tài và cơ chế xử phạt…

Nam giới tiên phong chống quấy rối tình dục

TS. Lưu Hồng Minh, Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, hầu hết các nạn nhân bị bạo lực trong đó có quấy rối tình dục thường không tìm kiếm sự hỗ trợ. Một trong những nguyên nhân là xã hội vẫn còn tâm lý đổ tội cho nạn nhân. Điều này gây ra nhiều hệ lụy:  Khiến nạn nhân xấu hổ sợ hãi bị đánh giá nên chịu đựng trong im lặng. Nạn nhân coi việc bị quấy rối là một trải nghiệm đáng xấu hổ mà không coi là một vấn đề xã hội cần tìm giải pháp. Sự đổ lỗi tạo ra môi trường thiếu sự cảm thông, khiến các nhà thực thi chính sách chưa đánh giá được đầy đủ mức độ nghiêm trọng của bạo lực đối với phụ nữ cũng như  trợ giúp kịp thời khi nạn nhân tìm sự hỗ trợ .

TS. Lưu Hồng Minh

Theo TS. Lưu Hồng Minh, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy văn hóa từ cấp độ cá nhân đến cộng đồng trong vấn đề đổ lỗi cho nạn nhân cũng như việc hoàn thiện khung chính sách là giải pháp quan trọng để tạo môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em.

TS. Lưu Hồng Minh cũng đưa ra lời khuyên khi bị quấy rối tình dục, ở cấp độ thấp nhất, trước hết người bị quấy rối phải có phản ứng tỏ thái độ rõ ràng và tìm kiếm sự giúp đỡ, hỗ trợ của những người chứng kiến sự việc. Nếu sự việc vượt quá giới hạn, khi có bằng chúng nạn nhân hoàn toàn có thể gửi đơn tố cáo đến cơ quan, đoàn thể, chính quyền.

Bà Sally Moyle, Giám đốc điều hành của tổ chức Care Australia cho biết, quấy rối tình dục có thể xảy ra ở mọi nơi với mọi đối tượng, đây là vấn đề không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới.

Là một trong những cá nhân trực tiếp tham gia khảo sát quốc gia đầu tiên của Australia về bạo lực với phụ nữ, bà Sally Moyle cho biết, 15 năm trước, cứ 3 phụ nữ Australia thì có 1 người chịu các hình thức bạo lực trong đó có quấy rối tình dục. Kết quả khảo sát quốc gia lần thứ 4 của Australia công bố tháng trước cho thấy, tình hình vẫn không cải thiện nhiều so với những nỗ lực mà Chính phủ bỏ ra, một số mặt tình hình diễn biến còn tệ hơn. Một số nghiên cứu cho thấy, 80% nữ làm việc trong ngành truyền thông nước này bị quấy rối tình dục. Nhiều phụ nữ đã phải từ bỏ công việc mình yêu thích vì không chịu được sự quấy rối, xâm hại. Điều đó cho thấy, mặc dù có hành lang pháp lý rõ ràng (Australia có luật phòng, chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái từ nhiều năm trước) nhưng nếu không thay đổi quan điểm về của người gây ra bạo lực thì rất khó giải quyết vấn đề.

“Vấn đề xúc phạm, quấy rối tình dục thường được cho là vấn đề của phụ nữ trong khi người gây ra thường là nam giới. Vai trò của nam giới thực sự quan trọng trong giải quyết vấn đề này”, bà Sally Moyle chia sẻ.

Giám đốc điều hành của tổ chức Care Australia đưa ra thông điệp kêu gọi nam giới không tham gia vào các hành động quấy rối, tiên phong lên tiếng và đứng lên chống lại các hình thức quấy rối.

Top