Phòng, chống HIV/AIDS: Cần tăng cường hành động

12/12/2018 14:18

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, mặc dù công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức đang tồn tại, vì vậy chúng ta cần tăng cường hành động, để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS.

 Truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS, tạo sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm và bệnh nhân AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát

Hiện nay, vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện đặc biệt tại các khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại.

Bên cạnh đó, lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm MSM trẻ tuổi. Sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp và sự thay đổi về tổ chức, cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế làm ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho hay, kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương.

Định mức chi cho một số hoạt động khó tạo động lực cho triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng. Ví dụ, định mức chi cho một tuyên truyền viên đồng đẳng tối thiểu 500.000 đồng/tháng, mức chi này không khuyến khích các đồng đẳng viên đi lại nhiều lần để tiếp cận với những người có nguy cơ cao. Mức chi cho xét nghiệm HIV chỉ 52.000 đồng/ xét nghiệm cũng rất thấp cho triển khai xét nghiệm tại cộng đồng. Với mức chi này chi phí mua sinh phẩm xét nghiệm khoảng 35.000-40.000 đồng, do đó công xét nghiệm và chi phí đi lại để tiếp cận được một người nguy cơ cao là không thể khuyến khích cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV.

Trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa bảo đảm tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Mặt khác, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguy cơ bùng phát dịch HIV/AIDS nếu chúng ta không có những giải pháp khắc phục.

Nghiện ma túy tổng hợp làm gia tăng nhiễm HIV

Sử dụng ma túy tổng hợp nói chung và các chất kích thích dạng Amphetamine (ATS) nói riêng đang là một vấn đề khá phức tạp ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Với xu hướng ra đời liên tục của nhiều loại ma túy tổng hợp mới cũng như sự gia tăng số người lạm dụng ma túy tổng hợp đã ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh sức khỏe và xã hội, ảnh hưởng đến sự ổn định về mặt xã hội, kinh tế và chính trị.

Việc lạm dụng ATS không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh, gia đình, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng và xã hội và đặc biệt là làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục. Một số người bệnh có rối loạn tâm thần và đó cũng là những tác động tiêu cực dễ thấy và là nguyên nhân của tình trạng bệnh và tử vong cao ở người lạm dụng ATS.

Báo cáo mới nhất của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho thấy, tình trạng nghiện ma túy tổng hợp làm gia tăng nhiễm HIV qua quan hệ tình dục trong giới trẻ, đây là vấn đề cấp bách cần phải giải quyết. Để kịp thời can thiệp đến nhóm này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp.

PGS. TS Nguyễn Hoàng Long cho biết: Có thể nói đây là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì vậy trong thời gian qua, Cục đã mời các chuyên gia quốc tế đến để chia sẻ các can thiệp hiệu quả cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp. Nhiều cuộc hội thảo đã được tổ chức. Cục cũng đã nhờ các tổ chức quốc tế mời các chuyên gia có kinh nghiệm để tập huấn cho cán bộ y tế hoạt động trong lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, Cục cũng được các tổ chức quốc tế hỗ trợ cử cán bộ tham gia đào tạo về vấn đề ma túy tổng hợp nước ngoài. “Với những hiểu biết ban đầu, chúng tôi cũng đã cùng các chuyên gia trong nước và quốc tế xây dựng Hướng dẫn quốc gia can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine – Loại ma túy tổng hợp sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Chúng tôi cũng đang phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng kế hoạch tổng thể trung hạn can thiệp lạm dụng ma túy trong thời gian tới. Song song đó là vận động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để xây dựng và triển khai các dự án thí điểm can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp tại các cơ sở y tế và cộng đồng”, ông Long cho hay.

Can thiệp ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp vì kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, các loại ma túy tổng hợp mới hàng năm ra đời ngày một nhiều, can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi. Chưa có thuốc nào tỏ ta hiệu quả trong điều trị. Điều này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của không chỉ người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng.

Cần đổi mới tư duy truyền thông phòng, chống HIV/AIDS

Hơn 30 năm đương đầu với HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được trong phòng, chống HIV/AIDS, tuy nhiên tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao cũng như những người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS. Đây cũng là rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, lao động ... đã được pháp luật các quốc gia quy định.

Tháng 6/2011, Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo trên thế giới họp tại Hoa Kỳ đã cam kết một mục tiêu có tính tầm nhìn “Ba không” tức là hướng tới không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Đây là những mục tiêu đầy thách thức.

Ở nhiều nơi trên thế giới cũng như ở nước ta hiện nay, sự kỳ thị và phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi và biểu hiện công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị, ở nhiều hoàn cảnh khác nhau, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Có nhiều nguyên nhân gây ra kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, nhưng chủ yếu vẫn là do thiếu hiểu biết hoặc hiểu biết không đúng, không đầy đủ về HIV/AIDS. Nhiều người vẫn cho rằng, HIV/AIDS là bệnh rất dễ lây, kể cả qua tiếp xúc thông thường; HIV có thể tồn tại lâu trong môi trường…

Việc chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với những người nhiễm HIV/AIDS là việc làm cần thiết và rất cần đến các giải pháp truyền thông phù hợp, thích ứng để ngày càng có nhiều người nhiễm HIV được tiếp cận chăm sóc, điều trị và tham gia xây dựng cuộc sống không có HIV/AIDS.

Theo PGS. TS Nguyễn Hoàng Long, để làm được điều này, trước hết cần đổi mới tư duy về truyền thông. Chuyển từ truyền thông hù dọa sang truyền thông giải thích dựa trên các cơ sở khoa học và thực tiễn. Chuyển từ việc nhấn mạnh vào con đường lây nhiễm sang nhấn mạnh hơn con đường không lây. Từ việc coi người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ là đối tượng sang coi họ là chủ thể của truyền thông. Chuyển từ đưa tin, hình ảnh tiêu cực về người nhiễm HIV sang đưa tin, hình ảnh tích cực về họ, cải thiện hình ảnh, tiến tới bình thường hóa sự có mặt của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Với tư duy đổi mới, nội dung, thông điệp truyền thông sẽ tập trung giải thích để mọi người hiểu về khả năng lây truyền của HIV, nhất là làm rõ rằng HIV không lây truyền qua các tiếp xúc thông thường. Giải thích về các tác hại của kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và gia đình họ, trong đó nhấn mạnh các tác hại đối với cộng đồng, với sự phát triển kinh tế - xã hội và làm cho dịch HIV lây lan nhanh hơn.

Từ đó, phương pháp truyền thông sẽ được đổi mới với những công việc cụ thể như rà soát, kiên quyết thay thế các thông điệp, hình ảnh, nhất là các pano, áp phích có nội dung hù dọa hoặc gây nhầm lẫn HIV/AIDS với tệ nạn xã hội. Biên soạn lại các tài liệu, ấn phẩm truyền thông theo hướng loại bỏ các nội dung có thể dẫn đến tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử.

Đồng thời, đa dạng hóa các phương pháp truyền thông. Lồng ghép nội dung chống kỳ thị, phân biệt đối xử vào tất cả các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS. Tổ chức nhiều hoạt động truyền thông với sự tham gia của người nhiễm HIV và tạo điều kiện để các nhóm người nhiễm HIV/AIDS tổ chức các hoạt động truyền thông trong cộng đồng, trong trường học, tại nơi làm việc…

Truyền thông tích cực sẽ nâng cao nhận thức của cộng đồng về HIV/AIDS đồng thời tạo ra sự cảm thông, chia sẻ và tiến tới xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS. Khi đó, mọi người sẽ cùng nhau làm việc vì người nhiễm HIV cũng như  những người bệnh, được như vậy, chúng ta sẽ chiến thắng được sự sợ hãi và tìm ra được những giải pháp có hiệu quả để đối phó với căn bệnh thế kỷ này.

Tính đến hết tháng 9/2018, số người nhiễm HIV hiện được báo cáo đang còn sống là 208.750 trường hợp, lũy tích người nhiễm HIV tử vong được báo cáo là 98.519 trường hợp. Dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng.
Top