Phối hợp hỗ trợ tín dụng cho người yếu thế

11/01/2018 12:08

Nhờ sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể, việc triển khai Quyết định 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 (Quyết định 29) của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương tại tỉnh Lào Cai đã được triển khai có hiệu quả, mang lại niềm hy vọng cho nhóm người yếu thế tại địa phương.

Tập trung tuyên truyền hướng đến đối tượng đích

Để thực triển khai hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi, Ngân hành Chính sách xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai đã ban hành các kế hoạch và hướng dẫn UBND các huyện, thành phố và cơ quan, đơn vị có liên quan phối hợp triển khai thực hiện. UBND các huyện, thành phố đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp hướng dẫn UBND cấp xã, Đội công tác xã hội tình nguyện, Cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone tổ chức truyền thông tới các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với gia đình và bản thân người nghiện, người mại dâm, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, bệnh nhân tham gia điều trị bằng thuốc Methadone về chương trình vay vốn theo Quyết định 29. Trên cơ sở đó các hộ gia đình đăng ký nhu cầu vay vốn với Tổ tín dụng, UBND cấp xã tổng hợp gửi Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội huyện, thành phố và Phòng LĐTB&XH cấp huyện.

Tuyên truyền về Quyết định 29 trong buổi gặp mặt bệnh nhân Methadone tại Lào Cai

UBND xã, phường, thị trấn giao cho cán bộ văn hóa truyền thông trên loa phát thanh, Đội công tác xã hội tình nguyện, các tổ chức được ủy thác (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên) tuyên truyền nội dung của chính sách, hướng dẫn người sau cai nghiện, người đang điều trị methadone, người nhiễm HIV là những đối tượng được thụ hưởng nguồn vốn vay, tiếp cận nguồn vốn thông qua việc tham gia Tổ tín dụng. Tổ tín dụng là những thành viên mong muốn được vay vốn, hỗ trợ cùng nhau trao đổi kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh, chăn nuôi, tạo quỹ trả lãi, tiết kiệm, từ đó giúp các thành viên có thêm phương hướng đầu tư vốn khả thi nhất cho mình, lập phương án đầu tư, kinh doanh đề xuất được vay vốn.

Ngoài ra, cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone xã hội hóa (thuộc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội) đã cử cán bộ tư vấn xuống tận xã, phường tuyên truyền, phổ biến về chính sách, trình tự, thủ tục, tiêu chuẩn và mức vốn được vay đến bệnh nhân và hộ gia đình đang điều trị tại Cơ sở.

Hàng tháng, cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các Hội, đoàn thể làm ủy thác vốn vay, Tổ Tiết kiệm và vay vốn làm tốt công tác bình xét cho vay, kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay, đánh giá chất lượng. Bên cạnh đó, Đội công tác xã hội tình nguyện luôn giám sát chặt chẽ, động viên, chia sẻ tư vấn và hỗ trợ đối tượng vay vốn sử dụng đầu tư tốt số vốn được vay, trả lãi đúng định kỳ.

Những kết quả khả quan

Tính đến hết tháng 12/2017, tỉnh đã cho 52 cá nhân và hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy, người đang điều trị thay thế bằng Methadone từ nguồn vốn theo Quyết định số 29 với tổng số tiền đã giải ngân là hơn 1,5 tỷ đồng trong tổng số 2 tỷ đồng. Trong đó, 24 hộ gia đình có người đang điều trị bằng thuốc methadone, 24 hộ có người sau cai nghiện ma túy, 4 cá nhân người đang điều trị sau cai nghiện.

Qua đánh giá của UBND các xã, phường, thị trấn, sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện Quyết định số 29, các hộ gia đình được vay vốn đã phát huy tốt hiệu quả nguồn vốn, không có hộ gia đình nào sử dụng vốn sai mục đích, hay thất thoát vốn. Với số tiền được vay, các hộ gia đình đã mở rộng sản xuất, tạo ra việc làm mới, có thu nhập ổn định do đó sức khỏe, tinh thần được tốt hơn, góp phần giảm tỷ lệ tái nghiện, nhiều cá nhân được công nhận hoàn thành chương trình cai nghiện, không sử dụng ma túy.

Điển hình như tại Cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone xã hội hóa đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, các xã, phường của thành phố Lào Cai cho 20 bệnh nhân vay vốn, mỗi hộ được vay 30 triệu đồng. Trong suốt quá trình vay vốn các hộ gia đình đều được cán bộ tư vấn của cơ sở tư vấn, hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, gia đình hạnh phúc, con cái được quan tâm, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cùng với đó, bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt hơn, kết quả điều trị được cải thiện, từng bước giảm liều và dừng điều trị. Đến hết tháng 6/2017, cơ sở điều trị methadone xã hội hóa đã cấp giấy chứng nhận hoàn thành quá trình điều trị bằng thuốc Methadone cho 14 bệnh nhân hoàn thành xuất sắc quy trình điều trị.

Một trường hợp khác như hộ gia đình bệnh nhân Nguyễn Bá Thuật, thường trú tại Tổ 14, phường Phố Mới, TP.Lào Cai, gia đình kinh doanh buôn bán nhỏ mặt hàng mỹ phẩm. Anh Nguyễn Bá Thuật sử dụng ma túy từ năm 2006. Năm 2016, gia đình anh được vay 30 triệu đồng từ nguồn Quyết định 29/2014/QĐ-TTg. Với số vốn được vay gia đình anh đã mở rộng cơ sở làm bánh trung thu và giao hàng trên địa bàn thành phố. Cuộc sống gia đình từ khi được vay vốn, mở rộng sản xuất đã được cải thiện hơn trước, sức khỏe, tinh thần được cải thiện rõ rệt nhờ có việc làm tăng thêm thu nhập, tránh xa các tệ nạn xã hội. Anh Thuật đang trong giai đoạn giảm liều điều trị, anh đã lấy lại được lòng tin của gia đình, hàng xóm, láng giềng.

Anh Phạm Ngọc Ninh, thường trú tại phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai đã hoàn thành xuất sắc điều trị bằng thuốc Methadone, được cấp giấy hoàn thành điều trị bằng thuốc Methadone. Hoàn cảnh của anh Ninh rất khó khăn do cả hai bố con cùng nghiện ma túy và đều đang điều trị tại Cơ sở methadone xã hội hóa. Anh Ninh vào điều trị từ tháng 2/2014, trong suốt quá trình điều trị anh đã được cán bộ, nhân viên cơ sở Methadone tư vấn, chăm sóc, điều trị, anh đã chấp hành tốt quy trình điều trị, không sử dụng ma túy, từng bước giảm liều điều trị.

Năm 2016, anh được tiếp cận, vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn theo Quyết định 29 để đầu tư nâng cấp cơ sở làm bánh phở của gia đình bằng bộ nồi nấu bằng điện và thay cho bếp than tổ ong. Mỗi tháng gia đình anh có thu nhập trung bình hơn 10 triệu đồng. Có việc làm, thu nhập ổn định anh Ninh càng tuân thủ điều trị tốt hơn. Đến tháng 5/2017, anh có đơn xin dừng uống thuốc Methadone và xin ra khỏi Chương trình điều trị. Đến nay, anh đã được Trưởng cơ sở điều trị cấp giấy chứng nhận hoàn thành quy trình điều trị Methadone và được UBND phường Duyên Hải công nhận hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy, đưa ra khỏi danh sách người nghiện ma túy. Cuộc sống gia đình anh Ninh tràn ngập niềm tin, tiếng cười.

Đề xuất hỗ trợ cơ sở sử dụng người sau cai vào làm việc

Theo Sở LĐTB&XH Lào Cai, có được những thành công bước đầu kể trên là nhờ sự quan tâm của nhà nước đối với hộ gia đình, cá nhân người yếu thế qua các chính sách ưu đãi vay vốn, mạnh dạn cho họ vay, qua đó đã tạo thêm nguồn động viên, tạo động lực để các hộ và cá nhân vay vốn phát triển kinh tế cải thiện cuộc sống và quyết tâm cai nghiện.

Nguồn vốn tín dụng cho người yếu thế vay vốn được hưởng lãi suất thấp và thời gian gian vay tương đối phù hợp đã tạo điều kiện cho các hộ vay có thời gian đầu tư để phát triển kinh tế, tạo thu nhập, ổn định đời sống; việc trả lãi hằng tháng giúp cho hộ gia đình chủ động trong sản xuất, dễ thực hiện, tránh nguy cơ thất thoát vốn.

Chương trình cho vay vốn theo Quyết định 29 đã nhận được sự chung tay chung sức của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể có liên quan, từ công tác chỉ đạo, triển khai, giám sát, trợ giúp người được vay vốn sử dụng vốn vay hiệu quả.

Bên cạnh đó, vẫn còn sự phân biệt, kỳ thị của cộng đồng và của Ngân hàng khi chưa đặt niềm tin trọn vẹn cho người yếu thế vay vốn. Bản thân người yếu thế còn nhiều mặc cảm, tự ti, đặc biệt người nhiễm HIV và người bán dâm hoàn lương dù biết có nguồn vốn vay nhưng không chủ động tiếp cận nguồn vốn vay, cho dù nhu cầu vay vốn cao, do đó, chưa tạo được phong trào vay vốn rãi đối với người yếu thế trong khi nguồn vốn cho vay còn dư.

Trình tự, thủ tục, hồ sơ cho vay vốn còn nhiều phức tạp, khó thực hiện, nhất là đối với việc xác nhận của UBND cấp xã đối với người mại dâm hoàn lương; người nhiễm HIV/AIDS.

Cán bộ cơ sở chưa được tập huấn, lúng túng trong việc hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục vay vốn. Quy định hồ sơ vay vốn phải thông qua sổ tiết kiệm vay vốn, đã tạo ra mặc cảm cho người vay, đặc biệt là người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, do đó, cản trở họ tiếp cận nguồn vốn.

Nhiều cá nhân có nhu cầu vay vốn nhưng Ngân hàng không cho vay do không có người thừa kế, không có người bảo lãnh. Ngoài ra, có một số hộ đã được vay theo chương trình xóa đói giảm nghèo nên ko được vay theo chương trình Quyết định 29.

Theo Sở LĐTB&XH Lào Cai, để triển khai Quyết định 29 có hiệu quả, trước hết cần làm tốt công tác tuyên truyền chính sách ưu đãi để đối tượng có nhu cầu vay vốn biết và tiếp cận nguồn vốn; cần có sự phối hợp nhịp nhàng, trách nhiệm giữa Theo Sở LĐTB&XH, Chi cục Phòng, chống TNXH với Ngân hàng Chính sách xã hội; Cơ sở điều trị Methadone - UBND cấp xã; giữa tổ chức được ủy thác với Tổ tín dụng và với đối tượng vay vốn.

Cùng với việc cho vay vốn, phải có sự hướng dẫn, giám sát quá trình sử dụng vốn bảo đảm nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không để thất thoát gốc; thường xuyên đôn đốc hộ gia đình vay vốn chấp hành tốt việc trả lãi hàng tháng theo quy định.

Sở LĐTB&XH Lào Cai Đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển khai, nhân rộng việc thực hiện Quyết định số 29 để ngày càng nhiều nhóm người yếu thế được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; nâng mức cho vay lên 30 triệu đồng/cá nhân và 50 triệu đồng/hộ gia đình; xem xét đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người yếu thế được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn, từ đó xuất hiện nhiều hơn những hộ vay vốn, phát triển sản xuất từng bước thoát khỏi khó khăn, thoát nghèo, ổn định cuộc cuộc tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Đồng thời đề nghị Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh được vay vốn khi sử dụng lao động là người sau cai nghiện, người đang điều trị bằng thuốc thay thế.

Top