Phân biệt đối xử, kỳ thị: Thách thức từ thái độ của xã hội

04/03/2016 17:50

Bị anh em họ hàng xa lánh, người thân ghẻ lạnh, hắt hủi, bạn bè, đồng nghiệp kỳ thị …Những phận đời bất hạnh mang trong mình “căn bệnh thế kỷ” đang phải sống trong sự phân biệt đối xử, kỳ thị rất cần cả xã hội quan tâm, chung tay để xóa bỏ kỳ thị, phân biệt đối xử.

“Cô độc” trong chính ngôi nhà của mình

Với những giọt nước mắt lăn dài, kèm theo tiếng nấc nghẹn ngào, em Nguyễn Thanh X, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang không tránh khỏi xúc động khi bày tỏ về thảm cảnh trớ trêu của mình. X nhiễm HIV và mồ côi cha mẹ từ nhỏ, sống với bà ngoại từ nhỏ. Khi biết em nhiễm HIV, những người sống xung quanh đều cấm con cái của họ chơi với em. Thậm chí, chính người cậu ruột của em cũng hắt hủi cô cháu gái tội nghiệp. Lúc nào cũng dặn các con phải “giữ khoảng cách” với em. Em phải đối mặt với sự kỳ thị của chính người thân. Khi đi học X cũng bị các bạn xa lánh, hắt hủi.

Em N.T.X luôn bị dằn vặt, đau khổ và thấy mình bị “cô độc” trong chính căn nhà của mình - Ảnh Thùy Chi

“Con luôn phải sống lủi thủi trong ánh mắt kỳ thị của mọi người. Nhiều lúc, chính con cũng thấy khiếp sợ căn bệnh trong người mình...”, X bộc bạch trong dòng nước mắt.

Thoạt nhìn, không ai nghĩ rằng, cô bé người nhỏ nhắn, gương mặt thân thiện đã bước sang tuổi 18. Gần 20 năm sống chung với HIV, X luôn bị dằn vặt, đau khổ và thấy mình bị “cô độc” trong chính căn nhà của mình.

Từ khi bà ngoại mất, X càng trở nên bơ vơ, không nơi nương tựa, thậm chí có nhà mà không được về. May mắn thay, hoàn cảnh của em được những thành viên trong Mạng lưới những người sống với HIV Việt Nam (VNP ) biết đến và giúp đỡ. Hiện tại, X đang sống nhờ trong nhà của một thành viên của tổ chức này.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, X cho biết, em sẽ ôn tập thật kỹ để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đại học sắp tới. Mong muốn của em là được trở thành sinh viên của trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội và được sống hòa đồng cùng mọi người.

Bị “gạch tên” khỏi hộ khẩu vì nhiễm HIV

Cùng chung hoàn cảnh bị phân biệt, đối xử giống như X là trường hợp của chị T, Bắc Giang. Câu chuyện của T cũng đau lòng không kém. Trước kia T cũng có một công việc làm ổn định, khi biết mình nhiễm HIV, chị đã cố giấu mọi người tình trạng bệnh tật của mình, nhưng khi thấy ngày nào chị cũng phải uống thuốc vào giờ đó, mọi người thắc mắc nhiều nên chị đã phải bỏ việc.

Khi biết hai vợ chồng của chị T bị nhiễm HIV, bố mẹ chồng chị đã không chia sẻ, động viên mà bỏ rơi, từ mặt hai vợ chồng chị, không thèm quan tâm. Chị T đã phải lận đận đi tìm nhiều công việc khác, nhưng sự kỳ thị, phân biệt đối xử khiến chị phải tự kiếm công việc bán hàng vất vả để nuôi sống bản thân, gia đình.

Tệ hơn khi sau khi chồng chị T chết, bố chồng chị đã nhờ người tư vấn sang tên, đổi chủ ngôi nhà, đuổi mẹ con chị ra ngoài đường. Được nghe tư vấn, từ năm 2013 chị T đã “mòn chân” đến các cơ quan chức năng để nhờ công lý bảo vệ, nhưng đều không được giúp đỡ. Trong khi đó, mẹ chồng chị luôn trì triết, “chúng mày đã làm ô uế thanh danh dòng họ, mày đi đến đâu tao sẽ ‘chơi’ với mày, không tha cho mày đâu…!”.

Sau quãng thời gian “đấu tranh” đòi quyền lợi cho con trai, cuối cùng công lý cũng mỉm cười với mẹ con chị T. Chị T đã được quay lại nhà chồng, con chị được quyền thừa kế số tài sản chồng chị để lại. Nhưng theo chị T, chữ “tình” vẫn quá xa vời với mẹ con chị, vì tuy thừa nhận về mặt pháp lý nhưng mọi người vẫn xa lánh và hắt hủi mẹ con chị. Đó là điều khiến chị T day dứt và suy nghĩ rất nhiều…

Thách thức từ thái độ của xã hội

Những trường hợp người nhiễm HIV bị kỳ thị, phân biệt đối xử như trường hợp của em X và chị T còn rất nhiều. Dù đã trải qua 25 năm phòng, chống AIDS với rất nhiều nỗ lực, nhưng HIV vẫn còn là một trong những vấn đề y tế công cộng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến thái độ của xã hội đối với người nhiễm HIV.

Kỳ thị, phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người nhiễm HIV, hoặc những người có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, mà còn khiến HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng. Những người nhiễm HIV sợ thái độ kỳ thị hoặc bị phân biệt đối xử sẽ tránh né xét nghiệm và không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Sợ hãi không dám xét nghiệm HIV đồng nghĩa với việc họ có thể vô tình làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng.

Thậm chí, với những người đã biết mình nhiễm HIV, do e ngại tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử còn tồn tại ở nhiều cơ sở y tế, trường học và trong cộng đồng, họ sẽ không dám tiết lộ tình trạng nhiễm của bản thân với vợ/chồng hay gia đình và bạn bè thân thiết. Đồng thời, họ cũng sẽ dễ trì hoãn hay thậm chí từ chối được đưa vào chăm sóc và điều trị HIV.

Không chỉ có vậy, kết quả của nghiên cứu mới đây, về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người sống với HIV đưa ra bằng chứng về rào cản trong việc hoàn thành mục tiêu 90-90-90 mà Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, để tiến tới chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử cao, đồng nghĩa với việc nhiều người nhiễm HIV giấu bệnh, chỉ đi làm xét nghiệm nhiễm HIV sau khi họ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Hậu quả kéo theo là họ được điều trị kháng virus ARV rất muộn, điều này không chỉ nguy hiểm cho sức khỏe người nhiễm HIV, mà từ góc độ y tế công cộng, còn không phát huy được lợi ích dự phòng của điều trị.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS hiện đang phải đối mặt với thách thức lớn về nguồn lực, kinh phí khi nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV đang giảm mạnh và tiến tới kết thúc sau năm 2017. Vì vậy, để giảm thiểu những gánh nặng, giải quyết những thách thức lớn trong công tác này, trước mắt cộng đồng hãy chung tay, xóa bỏ thách thức - tình trạng phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS, để có thể đạt được mục tiêu 90-90-90, tiến tới kết thúc đại dịch AIDS trên toàn cầu vào năm 2030.
Top