Nỗ lực xoá bỏ những loài cây ‘độc’

11/12/2018 14:57

Mặc dù diện tích tái trồng cây thuốc phiện giảm nhanh nhưng chưa bền vững, tình hình trồng cây có chứa chất ma túy có những diễn biến phức tạp và tinh vi cả về đối tượng, phương pháp, địa bàn trồng.

Lực lượng chức năng phá nhổ cây thuốc phiện được trồng trái phép. Ảnh minh họa

Những năm qua, tình hình trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn tỉnh Lai Châu (chủ yếu là cây thuốc phiện và cây cần sa) diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Do đồng bào tái trồng cây có chứa chất ma túy phân tán ở các khe núi cao, xa xôi hẻo lánh, trong rừng sâu, trồng xen, trồng gối vụ, người ở địa phương này sang trồng ở địa phương khác nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, tỉnh đã đẩy mạnh các biện pháp xóa bỏ cây có chứa chất ma túy.

Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện xóa bỏ cây có chứa chất ma túy rất đa dạng với nhiều thông tin, nội dung và hình thức phù hợp với các đối tượng như tập trung tuyên truyền sâu rộng trong thanh thiếu niên và học sinh đồng bào vùng sâu, vùng xa, bằng các tiếng phổ thông, tiếng Mông, Thái, Hủ, Mảng… trong vùng đồng bào trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy, tạo ra phong trào sâu rộng "Toàn dân nói không với cây có chứa chất ma túy"…

Hàng năm, các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra, rà soát diện tích trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn các xã, huyện có nguy cơ trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy. Địa bàn kiểm tra thường là các vùng sâu, vùng xa, vùng cao biên giới, vùng giáp ranh với các tỉnh bạn, vùng trọng điểm như xã Tà Tổng, huyện Mường Tè và xã Khoen On, huyện Than Uyên.

Từ năm 2014-2018, toàn tỉnh Lai Châu đã xóa bỏ được 363.506 m2 cây có chứa chất ma túy, diện tích xóa bỏ năm sau thấp hơn năm trước, năm 2014 triệt phá được trên 106.000 m2, năm 2017 xóa bỏ được trên 73.000 m2 (giảm 33.000 m2 so với năm 2014), năm 2018 triệt xóa được 16.000 m2 (giảm 57.000 m2 so với năm 2017). Tại những địa bàn xóa bỏ cây có chứa chất ma túy, các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã không còn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

Tuy địa bàn trọng điểm về trồng cây có chứa chất ma túy tại tỉnh Lai Châu đã được kiểm soát nhưng diện tích trồng và tái trồng vẫn diễn biến phức tạp. Việc kiểm tra, phát hiện và triệt phá cũng gặp nhiều khó khăn do đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng, địa bàn tái trồng ở vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh. Nhận thức của cán bộ, người dân ở một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, sâu sắc.

Hàng năm, nguồn kinh phí phân bổ cho việc kiểm tra, rà soát, tuyên truyền, vận động người dân không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy rất ít nên số đợt kiểm tra, tuyên truyền, vận động còn chưa nhiều, dẫn đến hiệu quả chưa cao; không có nguồn vốn riêng hỗ trợ cho đồng bào không tái trồng cây có chứa chất ma túy để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà chủ yếu là vốn lồng ghép từ các chương trình khác nên việc hỗ trợ chưa được chủ động, thường xuyên…

Tại tỉnh Đắk Nông, thống kê từ năm 2011 đến nay, đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chỉ tổ chức được 11 lớp tập huấn, cấp phát 625 cuốn tài liệu liên quan đến phòng, chống ma túy. Đặc biệt, trong 2 năm 2016 và 2017, toàn tỉnh không có hoạt động tập huấn nào liên quan đến nội dung này. Việc tuyên truyền chưa sâu, rộng, nhất là vùng sâu, vùng xa cũng là một trong những nguyên nhân làm cho tỉnh có nhiều xã được cơ quan chuyên môn xác định có nguy cơ về trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy.

Theo đó, ở nhiều xã có đông người dân di cư từ phía Bắc vào thường có hủ tục sử dụng thuốc phiện trong tang lễ, cưới hỏi, lễ hội nên rất khó triệt bỏ nguy cơ trồng cây có chứa chất ma túy. Trong đó, các vụ phát hiện các loại cây này chủ yếu là trồng xen với các loại cây khác trong vườn rẫy nên rất khó khăn cho lực lượng chức năng, địa phương trong phát hiện, tố giác của nhân dân. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công an xã, thôn còn chưa được cập nhật thông tin nhiều về việc trồng các loại cây nguy hiểm này nên càng khó trong việc phòng, chống.

Cũng theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong năm 2018, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện một số vụ trồng cây cần sa, thuốc phiện trái phép tại địa bàn các xã như: Đắk R’măng (Đắk Glong), trồng 1.015 cây cần sa; Nâm N’Jang (Đắk Song) trồng 31 cây thuốc phiện; Quảng Phú (Krông Nô) trồng hơn 1.000 cây cần sa...

Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 10 năm qua, nhờ sự triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là công tác tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế tăng thu nhập, diện tích tái trồng cây có chứa chất ma túy có xu hướng giảm dần, từ 69,6 ha niên vụ 2008-2009 xuống còn 3,82 ha niên vụ 2017-2018.

Mặc dù, diện tích tái trồng cây thuốc phiện giảm nhanh nhưng chưa bền vững, tình hình trồng cây có chứa chất ma túy diễn biến phức tạp và tinh vi cả về đối tượng, phương pháp, địa bàn trồng. Đối tượng trồng không chỉ là người nghiện hút mà cả đối tượng vì mục tiêu kinh tế, lợi nhuận; phương pháp trồng nhỏ lẻ, trồng tại các vùng sâu, vùng xa. Đối với cây thuốc phiện mặc dù đã xác định được địa bàn trọng điểm nhưng vẫn khó kiểm soát, luôn tiềm ẩn nguy cơ tái trồng. Địa bàn tái trồng cây thuốc phiện chủ yếu ở một số tỉnh vùng Tây Bắc, Đông Bắc và Tây Nghệ An.

Trong khi đó, cây cần sa đang có nguy cơ bùng phát. Năm 2010, phát hiện có trồng cây cần sa tại 5 tỉnh, đến năm 2014 phát hiện tại 28 tỉnh, thành phố. Các địa phương trồng cây cần sa chủ yếu tại Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí trong một số thành phố nhiều nơi còn trồng theo quy trình công nghệ hiện đại, trồng dưới hầm hoặc trong nhà kính nên rất khó phát hiện.

Trước thực trạng trên, thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền vận động người dân không trồng cây có chứa chất ma túy; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình tái trồng và giúp các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng; lồng ghép các chương trình, dự án tập trung vốn tại các xã vùng trọng điểm tái trồng, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn người dân ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật và sản xuất, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm tăng thu nhập cho nông dân; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an-Cơ quan thường trực chương trình thực hiện nhiệm vụ xóa bỏ, thay thế cây có chất ma túy…

Top