Những bài học ứng phó với COVID-19 từ đại dịch HIV

24/04/2020 13:54

Hội chứng phổi cấp tính nặng của SARS-CoV-2 và HIV khác nhau. Nếu người nhiễm HIV không được điều trị thường dẫn đến tử vong; còn SARS-CoV-2 gây tử vong chỉ là thiểu số. Các hành vi cần thay đổi để làm chậm lây truyền là khác nhau: Hành vi tình dục và dùng chung bơm kim tiêm trong HIV, khoảng cách vật lý và rửa tay trong SARS-CoV-2. Thời gian đầu, các ca nhiễm HIV tăng gấp đôi sau 6 - 12 tháng, với SARS-CoV-2 khoảng thời gian được xem từng ngày.

32 triệu người đã tử vong vì HIV/AIDS

Hiện ngành Y tế vẫn chưa tìm ra vaccine cho cả virus HIV và SARS-CoV-2, trong những năm đầu các nhà khoa học cũng không có thuốc đặc trị cho HIV, do đó hành vi của cộng đồng đã quyết định đại dịch.

Tính đến 10h sáng ngày 24/4, dịch COVID-19 đã lan rộng ở 212 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, với 2.725.344 trường hợp mắc, 745.818 ca đã khỏi bệnh và 191.055 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2. Dịch COVID-19 vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, làm ảnh hưởng, suy thoái nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt đối với các nước thu nhập thấp và trung bình (LMICs) với hệ thống y tế yếu là một viễn cảnh rất nghiêm trọng.

Cách đây 44 năm, trường hợp nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện tại Cộng hòa Congo vào năm 1976. Thủ phạm đã cướp đi sinh mạng những thanh niên trẻ tuổi, sung sức bằng cách phá hoại hệ miễn dịch vốn đang khỏe mạnh của họ. Khi đó, HIV dường như là một thảm họa đáng sợ, xuất hiện bất ngờ và không rõ nguồn gốc.

HIV lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục không an toàn, qua việc truyền máu từ nguồn đã bị nhiễm bệnh, qua dùng chung kim tiêm với người nhiễm và lây từ mẹ sang con, trong giai đoạn mang thai, khi sinh hoặc khi cho con bú.

Theo số liệu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố cuối năm 2019, kể từ khi dịch HIV/AIDS bùng phát, 75 triệu người đã nhiễm HIV và khoảng 32 triệu người đã tử vong vì virus gây chết người này. Tính đến cuối năm 2018, thế giới có 37,9 triệu người đang phải chung sống với HIV. Ước tính, hiện có khoảng 0,8% người ở độ tuổi 15-49 trên toàn cầu nhiễm HIV. Châu Phi là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Cứ trong 25 người trưởng thành tại châu Phi thì lại có một người nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV tại “lục địa đen” chiếm hơn 2/3 tổng số ca nhiễm trên thế giới.

Đến nay, HIV vẫn là vấn đề y tế cộng đồng lớn của toàn thế giới. Tuy nhiên, nhờ có các biện pháp ngăn chặn, chẩn đoán, điều trị và chăm sóc người nhiễm HIV hiệu quả, thế giới có thể kiểm soát tốt hơn đại dịch này và người nhiễm HIV có cơ hội sống khỏe mạnh và lâu hơn. Dù vẫn chưa tìm ra phương pháp điều trị dứt điểm cho người nhiễm HIV nhưng các nhà nghiên cứu đã sáng chế loại thuốc ARV có khả năng làm giảm sự sinh sôi, nảy nở của HIV trong cơ thể người.

Nhìn từ đại dịch HIV đã xảy ra, chúng ta cần phải nhanh chóng xác định, đưa ra được những bài học quan trọng để kịp thời ứng phó với đại dịch COVID-19.

Khó khăn trong bất bình đẳng giới và y tế

Dịch HIV lây truyền tăng nhanh trong hệ thống kết nối tốt và di biến động, nhưng gánh nặng lại chuyển sang người nghèo và nước nghèo, phụ nữ trẻ và các nhóm yếu thế.

Gánh nặng toàn cầu của COVID-19 có thể đánh mạnh vào người già và nhóm dễ bị tổn thương ở các nước nghèo. Chúng ta phải theo dõi tình trạng kinh tế xã hội và giới của những người bị ảnh hưởng đó và mở rộng nỗ lực này để theo dõi các tác động kinh tế.

Đối với đại dịch HIV/AIDS, các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc cam kết rằng “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Cam kết này cũng phải được tôn trọng trong đáp ứng toàn cầu với COVID-19. Tuy nhiên, khi tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn hiện hữu, thì HIV vẫn khó có thể ngăn ngừa được vì sự bất bình đẳng giới và người dễ bị tổn thương khó thực hiện chuyển đổi hành vi.

Tương tự như vậy, đối với dịch COVID-19, làm theo hướng dẫn rửa tay và giữ khoảng cách vật lý sẽ khó khăn nhất đối với người sống trong nghèo đói. Các sáng kiến y tế công cộng phải vượt qua hàng rào ngăn cản này để tiếp cận được với người nghèo, thậm chí hiện tại dường như họ ít bị ảnh hưởng bởi virus.

Những tiến bộ mới thường mang lại lợi ích nhanh nhất tốt hơn và cũng làm tăng sự bất bình đẳng. Các nước giàu đang ưu tiên tìm kiếm vaccine cho người dân của họ. Trong khi hàng triệu người nơi khác đã chết do thiếu điều kiện tiếp cận với thuốc kháng virus để được cứu sống và xu hướng này có thể lại xẩy ra với COVID-19. Chính sách toàn cầu là phải ưu tiên tiếp cận các giải pháp mới cho tất cả mọi người có nhu cầu nhất. COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến mọi người như nhau. Nỗ lực của chúng ta là nhận biết sự bất bình đẳng này và hạn chế nó.

Tạo môi trường bảo đảm hỗ trợ thay đổi hành vi

Trong giai đoạn dịch bệnh, sự quyết  liệt, quyết đoán nhanh chóng của các nhà lãnh đạo chính phủ, chính trị là rất quan trọng. Đóng cửa trường học và các biện pháp kiểm dịch là việc làm rất cần thiết. Nhìn bài học từ đại dịch HIV, việc trước mắt cần làm là hỗ trợ các hành vi an toàn, quan hệ tình dục an toàn như phân phối bao cao su để kiểm soát HIV. Còn đối với SARS- CoV-2, cần đáp ứng dựa vào thực tế như là phân bổ nhanh chóng xà phòng, chất khử trùng và dụng cụ bảo hộ cá nhân…

Các phương pháp  hiện đại để dự phòng HIV là theo hướng mô hình sinh thái xã hội. Sự tham gia tích cực của cộng đồng sẽ giúp hình thành các chuẩn mực xã hội mới. Xây dựng dựa vào xã hội, tin tưởng và gắn kết cộng đồng sẽ kích thích tăng tác động của các thông điệp sức khỏe, và có thể được khuyến khích bởi sự ủng hộ của lãnh đạo địa phương. Những động lực này đã làm tăng kiểm soát HIV trong những người đồng tính nam ở Mỹ, người mại dâm ở Ấn Độ và Thái Lan, và các cộng đồng khác.

Tuy nhiên, đối với đối tượng chịu ảnh hưởng dịch của COVID-19 còn bao gồm người già, người có bệnh nền và nhóm yếu thế. Để giải quyết được dịch bệnh, những hậu quả xã hội ngoài ý muốn cần phải được tránh. Các quy định luật pháp tao ra quy lỗi trong xã hội dẫn đến thành kiến, chính các quy định đó đã gây cản trở nỗ lực kiểm soát HIV. Nếu những người nhiễm SARS-CoV-2 bị kỳ thị, thì những người tiếp xúc gần vớ bệnh nhân sẽ e ngại việc cách ly/kiểm dịch. Tương tự, biến động kinh tế toàn cầu diễn ra tác động mạnh mẽ, làm trầm trọng thêm các điều kiện lây nhiễm SARS-CoV-2, dẫn đến biến động xã hội.

Nổ lực đa ngành là cần thiết

Các mô hình dịch tễ học có thể dự báo sự biến động của dịch SARS-CoV-2. Nhưng nỗ lực đa ngành là cần thiết để thiết kế, mô tả đặc điểm và đánh giá các biện pháp can thiệp và định hình hành vi. Các yếu tố cải cách trong đáp ứng HIV bao gồm huy động cộng đồng theo cấu trúc, bảo vệ xã hội có mục tiêu, và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe khác biệt. Tiếp cận khoa học cho phép thực hiện nghiên cứu kịp thời các mô hình mới về chăm sóc sức khỏe và cung cấp xã hội.

Các nước thu nhập thấp và trung bình phải tiếp cận được trang thiết bị bảo vệ và vệ sinh trước khi dịch bùng phát. Các chương trình xét nghiệm phải bắt đầu khẩn cấp và điều tra dịch tễ học là rất quan trọng. Nhưng sự đổi mới và thích ứng là cần thiết để làm cho các nỗ lực này có hiệu quả trong những hoàn cảnh mới.

Việc truyền tải thông điệp của chính phủ đến cộng đồng bằng các tin nhắn là việc làm cũng rất cần thiết, dẫn đến những hành động cụ thể để giảm sự lây lan của virus. Trong hình thức này, lý thuyết xã hội và hành vi có liên quan để bổ sung cho lý thuyết dịch tễ học trong các mô hình.

Như nhiều nước đã tiếp cận khác nhau để kiểm soát đại dịch, chúng ta phải định rõ những thứ cần đo lường đang diễn ra trong thực tế, đánh giá cách mọi người phản ứng và cảnh giác với các tác động ngoài ý muốn. Cũng như người điều hành chương trình phải bảo vệ dự đoán của họ, còn các nhà hoạt động chính sách nên làm rõ chứng cứ và lý thuyết làm cơ sở cho các can thiệp hành vi.

Bên cạnh đó, tính minh bạch tạo điều kiện cho việc đánh giá và khuyến khích xem xét các giả định, dẫn đến thực hành tốt hơn và khai thác các ý tưởng từ các ngành khoa học.

Đối với những lãnh đạo chính phủ, bộ ngành, những người đưa ra quyết định, quyết sách cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh cần phải được bảo vệ, phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh một cách tối đa, vì họ chính là yếu tố quyết định dịch bệnh có kết thúc được hay không.

Cuối cùng, các nước thu nhập thấp và trung bình cần được hỗ trợ để tăng cường toàn bộ hệ thống y tế như trong chương trình nghị sự về mục tiêu phát triển bền vững. Việc đánh giá sức khỏe cộng đồng cần ngay lập tức được xây dựng dựa trên những nguyên tắc bảo đảm sức khỏe cộng đồng, và điều quan trọng nhất đó chính là hành động.

Tại Việt Nam, với tinh thần đoàn kết toàn dân “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đang kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Mặc dù là nước được đánh giá có nguy cơ rất lớn, dân số đông nhưng đến thời điểm hiện tại Việt Nam chưa có người tử vong, số người nhiễm đứng thứ gần 80 trên thế giới.

Trên thế giới dịch bệnh vẫn đang diễn biến rất nhanh, hết sức phức tạp, khó lường. Nhiều nước có nền y tế, kinh tế phát triển hơn chúng ta nhiều lần nhưng đã hàng chục nghìn người nhiễm bệnh, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tử vong. Bệnh dịch đã và đang đe doạ sức khoẻ, tính mạng của mọi người, không kể màu da, quốc tịch, tuổi tác, giới tính, ở nông thôn hay thành thị.

Bệnh dịch không phải ở đâu xa mà đã ở ngay sát mọi người, mọi quốc gia. Bất cứ ai cũng có thể bị nhiễm bệnh và trở thành nguồn lây bệnh cho người khác nếu không thực hiện nghiêm, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước, hướng dẫn của ngành y tế. Ngược lại, nếu thực hiện tốt thì mỗi người sẽ không bị lây nhiễm và đất nước sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh.
Top