Nhìn lại 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm

24/12/2014 17:07

Qua hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh, hầu hết các lĩnh vực trong hoạt động phòng, chống mại dâm đã được luật hoá, tạo cơ sở pháp lý và chuẩn mực hoạt động phòng, chống mại dâm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

 

Xóa bỏ tệ nạn mại dâm để góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội - Ảnh minh họa

Điều chỉnh toàn diện công tác phòng, chống mại dâm

Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm được ban hành ngày 17/3/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2003 là văn bản pháp lý quan trọng điều chỉnh một cách toàn diện công tác phòng, chống mại dâm, thể chế hoá chủ trương, chính sách của Đảng về công tác phòng, chống mại dâm. Đồng thời, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng, chống tệ nạn xã hội ở nước ta.

Các quy định về xử lý các hành vi vi phạm, công tác phối hợp liên ngành được tăng cường đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động phòng, chống mại dâm. Công tác phòng ngừa với các biện pháp kinh tế, xã hội được các ngành, các cấp địa phương được đẩy mạnh.

Cũng nhờ Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã có những chỉ đạo mạnh mẽ trong công tác phòng, chống mại dâm, làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, chỉ đạo xử lý nghiêm các địa bàn để không xảy ra tình trạng mại dâm, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân... đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, hàng năm xây dựng, triển khai kế hoạch liên ngành về phòng, chống mại dâm; hướng dẫn, giao các địa phương thực hiện cụ thể về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; tổ chức các đoàn công tác do lãnh đạo cấp Bộ và thủ trưởng các cơ quan chuyên trách làm trưởng đoàn, kiểm tra công tác chỉ đạo, điều hành, đầu tư kinh phí và giám sát việc thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố.

Từ những hoạt động đó, các đoàn công tác đã nắm bắt tình hình ở địa phương, phát hiện các mô hình hiệu quả cần nhân rộng và khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ những tồn tại, tiếp tục yêu cầu địa phương khắc phục, giải quyết và đề nghị các bộ ngành có liên quan xem xét thực hiện các kiến nghị hoặc trình cấp có thẩm quyền.

Để góp phần xóa bỏ tệ nạn mại dâm, Bộ Công an đã có nhiều văn bản hướng dẫn và công điện chỉ đạo đơn vị nghiệp vụ, lực lượng chức năng và công an các địa phương tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý tội phạm về mại dâm, trong đó tập trung giải quyết có hiệu quả tình hình phức tạp về hoạt động mại dâm ở địa bàn trọng điểm, khu du lịch, nghỉ mát; triệt phá các tụ điểm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm lớn, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.

Các bộ ngành, đoàn thể trong phạm vi chức năng nhiệm vụ được giao đã tích cực chỉ đạo ngành dọc và địa phương thực hiện công tác phòng ngừa, giáo dục, quản lý địa bàn lồng ghép trong nhiệm vụ thường xuyên của ngành, đoàn thể đã góp phần thực hiện toàn diện các biện pháp phòng, chống mại dâm với kết quả nhất định.

Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố đã ban hành gần 300 văn bản (Chỉ thị, Nghị quyết, Quyết định) về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống tệ nạn mại dâm; chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội ở địa phương xây dựng Kế hoạch thực hiện Pháp lệnh, đưa ra chỉ tiêu về quản lý địa bàn, xây dựng xã, phường, giáo dục chữa trị cho đối tượng; xây dựng các mô hình về giảm tác hại, kết hợp công tác phòng, chống mại dâm với phòng, chống HIV/AIDS.

Nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống mại dâm

Việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Pháp lệnh phòng, chống mại dâm đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, thực hiện. Nội dung Pháp lệnh và các văn bản liên quan đã được đưa vào chương trình hành động phòng, chống tệ nạn xã hội của các cấp uỷ Đảng và tổ chức quán triệt sâu rộng tới đội ngũ cán bộ cơ sở, người dân ở cộng đồng, góp phần nâng cao nhận thức, hành động trong hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Qua công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các cấp, các ngành và người dân được tiếp cận với các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm, giúp họ hiểu và chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, hạn chế các vi phạm pháp luật về phòng, chống mại dâm.

Tính cho đến thời điểm hiện tại, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm các cấp theo Nghị định 178/2004/NĐ-CP ngày 15/10/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, Thông tư 05/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Đội kiểm tra liên ngành 178/CP). Các tỉnh, thành phố chỉ đạo Đội kiểm tra liên ngành 178/CP  thực hiện rà soát các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm nhằm chấn chỉnh quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, cấp giấy phép, hợp đồng lao động,…; tổ chức ký cam kết không vi phạm tệ nạn mại dâm đối với các cơ sở này.

Lực lượng công an cũng đã tăng cường công tác truy quét ổ nhóm, đường dây tổ chức hoạt động mại dâm có quy mô lớn, phức tạp, trá hình ở các khách sạn, nhà hàng, quán bar, vũ trường,… ở nhiều địa phương, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng,... Tệ nạn mại dâm tại địa bàn công cộng và ở các vũ trường đã được giải quyết có hiệu quả.

Đặc biệt, từ năm 2010 đến nay, các hoạt động điều tra, khảo sát thu thập thông tin, đấu tranh và xử lý các tụ điểm mại dâm công cộng và khu vực biên giới, cửa khẩu được xử lý quyết liệt hơn. Tính đến tháng 9 năm 2014, đã truy quét, triệt phá 11.676 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 47.350 đối tượng (người bán dâm: 14.598; người mua dâm: 12.900; chủ chứa, môi giới: 9.179 đối tượng).

Lồng ghép hiệu quả các chương trình phòng, chống

Công tác phòng ngừa tệ nạn mại dâm được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện, lồng ghép với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp với việc quản lý chặt chẽ địa bàn của các lực lượng chức năng. Chương trình xoá đói giảm nghèo được phát triển sâu rộng, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 14,2% (năm 2010) xuống còn 11,76% (năm 2011), 9,6% (năm 2012) và 7,8% năm 2013.

Các chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, chương trình việc làm, bảo hiểm y tế cho người nghèo, hỗ trợ học bổng cho trẻ em nghèo, cho vay vốn ưu đãi để con em gia đình nghèo đi lao động ngoài nước,… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn không để phụ nữ, trẻ em gái vì thiếu việc làm và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị lôi kéo vào tệ nạn mại dâm được nhiều địa phương chú trọng triển khai.

Đặc biệt, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội phụ nữ các cấp đã giúp hàng trăm ngàn chị em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn tín chấp, tạo việc làm, ổn định và phát triển kinh tế gia đình với số tiền hàng nghìn tỷ đồng. Nhiều mô hình lồng ghép phòng ngừa và hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ cao như mô hình “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phát triển làng nghề”, “Hội viên làm kinh tế giỏi”, “Tổ hợp tác”,… đang được phổ biến, nhân rộng ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Long,...

Ngoài ra, các mô hình hỗ trợ dựa vào cộng đồng cũng được triển khai thí điểm ở 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, huy động được sự tham gia của nhiều tổ chức Phi Chính phủ, tổ chức phát triển cộng đồng tham gia, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, giảm tác hại từ hoạt động mại dâm, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng xã hội. Các mô hình trên bước đầu đã phát huy được hiệu quả, tính riêng năm 2013 và 9 tháng năm 2014 đã hỗ trợ cho 5.552 người, trong đó dạy nghề 1.206 người, tạo việc làm cho 922 người, hỗ trợ hòa nhập cộng đồng 2.375 người, hỗ trợ vay vốn sản xuất kinh doanh cho 1.049 người với số tiền hơn 4 tỷ đồng.

Những giải pháp khắc phục...

Qua 10 năm thực hiện Pháp lệnh phòng, chống mại dâm, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, tổng kết, đánh giá cho thấy, đến nay, một số quy định trong hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm vẫn còn đó những bất cập, không thể đáp ứng yêu cầu của công tác này trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Mặt khác, từ năm 2003 đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật phòng, chống HIV/AIDS, Luật phòng, chống mua bán người, Luật Xử lý vi phạm hành chính…. Các văn bản pháp luật trên đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách về phòng, chống mại dâm (cho phép thực hiện biện pháp can thiệp giảm hại đối với người bán dâm; tăng cường xử lý đối với đối tượng mua bán người vì mục đích mại dâm; không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người bán dâm….).

Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã nhấn mạnh đến việc đảm bảo các quyền con người trong xây dựng và hoạch định các chính sách pháp luật, nhất là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương. Vì vậy, trong thời gian tới, công tác phòng, chống mại dâm cần tập trung vào một số nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất, nghiên cứu, làm rõ các vấn đề bất cập trong hệ thống pháp luật về phòng, chống mại dâm hiện hành; cần thống nhất quan điểm, nhận thức ngay trong quá trình nghiên cứu, đề xuất các chính sách, pháp luật phù hợp với tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay. Chú trọng đến việc hoàn thiện các chế tài hình sự, hành chính nhằm xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến mại dâm, đặc biệt là các hành vi tiếp tay, bao che hoặc thiếu trách nhiệm của cán bộ được giao thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của các quy định của pháp luật về phòng, chống mại dâm với việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại về HIV/AIDS; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm giúp người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm. Công tác tuyên truyền cần tập trung phản ánh những địa phương có cách làm sáng tạo, hiệu quả, có mô hình tốt, đồng thời phê phán những địa phương yếu kém để tệ nạn mại dâm gia tăng. Hình thức, nội dung tuyên truyền phải phù hợp và đến được các đối tượng cần tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội trong công tác phòng, chống mại dâm.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp; phân công nhiệm vụ, phân công địa bàn phụ trách cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo; xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành; tăng cường công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới. Duy trì chế độ họp, hội nghị sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm theo quy định.

Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và trách nhiệm quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác phòng, chống mại dâm. Trong đó, xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng các cơ quan liên quan khi để phát sinh tệ nạn mại dâm trên địa bàn quản lý; coi hiệu quả công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một trong những chỉ tiêu thi đua, đánh giá hàng năm đối với tổ chức và cá nhân. Giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý kiên quyết những cán bộ, đảng viên có hành vi bao che, dung túng, tham gia tệ nạn mại dâm.

Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát, đánh giá, nắm chắc thực trạng tình hình tệ nạn mại dâm trên địa bàn, thực hiện đồng bộ các hoạt động, giải pháp theo Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015. Tăng cường trấn áp tội phạm liên quan đến mại dâm, triệt phá các tụ điểm, "khu vực", đường dây tổ chức hoạt động mại dâm ở các thành phố lớn, khu du lịch, nghỉ mát….; điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh các tội phạm liên quan đến mại dâm.

Ngoài ra, cũng cần thành lập, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành về phòng, chống tệ nạn mại dâm các cấp (Đội kiểm tra liên ngành 178) theo Nghị định số 178/2004/NĐ-CP ngày 15 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ, các địa bàn trọng điểm.

Xây dựng các mô hình hỗ trợ tại cộng đồng đối với người bán dâm để có thể cung cấp kịp thời các dịch vụ tư vấn tâm lý, pháp lý, khám, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục; kỹ năng sống, trợ giúp xã hội, hỗ trợ học nghề, việc làm, tiếp cận các nguồn vốn nhằm tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi công việc, hòa nhập cộng đồng bền vững.

Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chuyên trách phòng, chống tệ nạn xã hội các cấp về chuyên môn nghiệp vụ quản lý nhà nước, công tác xã hội để làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tổ chức triển khai nhiệm vụ phòng, chống mại dâm ở địa phương; huy động sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội và người dân trong đấu tranh phòng, chống mại dâm, xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội.
Top