Nhiều khó khăn trong phòng, chống ma túy trên tuyến biển

01/07/2015 14:23

Dường như đã trở thành quy luật, khi công tác đấu tranh với tội phạm ma túy trên đất liền ngày càng quyết liệt thì đối tượng buôn “cái chết trắng” lại lựa chọn con đường vận chuyển an toàn hơn là đường biển. Với địa hình biển cả bao la, rộng lớn, tàu thuyền hiện đại, dễ dàng phi tang nếu gặp lực lượng chức năng kiểm tra, nên công tác đấu tranh với loại tội phạm ma túy trên tuyến biển là không dễ.

Tuyên truyền về tác hại của ma túy cho bà con ngư dân

Khó khăn không nhỏ

Theo Đại tá Nguyễn Địch Nam, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công An), trên các tuyến đường bộ hiện nay, tội phạm ma túy (TPMT) bị truy quét quyết liệt, nên đang có xu hướng tìm cách lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy từ các tỉnh biên giới vào sâu trong đất liền, thông qua hệ thống sông, ngòi, kênh rạch rộng khắp ở nước ta và lợi dụng chính sách mở cửa hội nhập quốc tế để vận chuyển trái phép chất ma túy vào cảng biển Việt Nam, quá cảnh chuyển đi nước thứ ba.

Trong những năm qua, trên tuyến đường biển, hiệu quả về đấu tranh phòng, chống ma túy đạt rất thấp, do các lực lượng chức năng đấu tranh, phòng chống tội phạm (PCTP) ma túy bố trí lực lượng trên các tuyến cảng biển quá mỏng, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác, công tác điều tra cơ bản trên các tuyến đường biển chưa có, nên việc nắm tính hình địa bàn, nắm đối tượng liên quan đến hoạt động tội phạm ma túy không kịp thời.

Trong khi đó, Cảnh sát các nước đã bắt tại các cảng biển ở nước bạn có vụ lên tới hàng trăm kg heroin, các vụ bắt giữ này đều liên quan đến đường biển Việt Nam (ở trong nước, vụ điển hình nhất là ngày 12/5/2008, tại Quảng Ninh, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã phối hợp với lực lượng Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển bắt giữ 5 đối tượng người Trung Quốc, thu giữ 8,8 tấn nhựa cần sa cất giấu trong container hàng hóa vận chuyển bằng đường biển).

Theo phân tích của Đại tá Phạm Văn Nam, Trưởng phòng Phòng chống tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, ở trên biển không phải tàu nào cũng dừng để kiểm tra được, mà nếu dừng để kiểm tra được thì ma túy cũng dễ cất giấu mà không có phương tiện hiện đại thì không thể kiểm soát được, đặc biệt là loại tội phạm này thường cải hoán các thiết bị trên tàu để giấu ma túy.

Tang vật được cất giấu và ngụy trang bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt là những thách thức đối với lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam phải vượt qua trong công tác đấu tranh với loại tội phạm ma túy trên biển.

Khi là tận dụng tàu biển thiết kế đặc biệt có nhiều lớp đáy, lớp thân vỏ, có nhiều ngăn, khoang bí mật; trong khoang chứa nước ngọt, bình chứa chất cứu hỏa để cất giấu ma túy; giả làm ngư dân giấu ma túy trong bụng cá, khoét rỗng thân cây gỗ làm chỗ chứa ma túy; hay chứa ma túy trong các contenner có vỏ bọc ngăn được việc soi, chiếu.

Bên cạnh việc liên tục thay đổi hành trình, thay đổi màu sơn, số hiệu cùng các loại giấy tờ liên quan, tội phạm còn sử dụng tàu nhỏ, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu vận chuyển ma túy vào nơi tiêu thụ. Chứa ma túy vào các thùng kim loại kín nước, thả xuống biển rồi thông báo tọa độ cho đối tác đến trục vớt; thậm chí sẵn sàng thả ma túy xuống biển nếu bị kiểm tra, sau đó sẽ đi thuyền nhỏ ra để câu lại đang là một trong những mánh khóe mới được những tên tội phạm ma túy sử dụng trong thời gian gần đây.

Tình trạng sử dụng vũ khí “nóng” ngày càng nhiều; tính chất hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị phát hiện và bắt giữ.

Tăng cường nhiều biện pháp

"Đánh" án ma túy ở đất liền đã khó, trên biển còn gian nan hơn nhiều. Kể từ khi được thành lập đến nay (từ ngày 29/11/2001), Lực lượng Chuyên trách phòng chống tội phạm ma túy Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) trực tiếp tiến hành điều tra nhiều địa bàn, tuyến biển trọng điểm như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Nghệ An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Cà Mau; phối hợp điều tra xác minh hàng trăm đối tượng đưa vào diện quản lý nghiệp vụ, có nghi vấn hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, đường biển vào nội địa.

Từ năm 2001 đến hết năm 2014, lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phối hợp với Cục C47, Bộ Công an và Công an các địa phương bắt giữ, khám phá 929 chuyên án, vụ án; bắt giữ hơn 1,7 nghìn đối tượng, tang vật thu giữ hơn 461 bánh heroin, 8,16 tấn nhựa cần sa, 33 khẩu súng, 711 viên đạn các loại; 144 bộ sử dụng ma túy; hơn 9 tỷ đồng cùng nhiều tang vật, tài sản khác có liên quan đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và trang bị vũ khí.

Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, đòi hỏi sự mưu trí, dũng cảm của lực lượng trinh sát. Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động nghiệp vụ trên các vùng biển được phân công, lực lượng Cảnh sát biển cần chủ động phối hợp với các lực lượng công an, biên phòng, hải quan và chính quyền các địa phương ven biển để nắm bắt tình hình tội phạm về ma túy, nâng cao hiệu quả điều tra, bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy trên biển.

Trong đó, công tác tuyên truyền được đặc biệt đẩy mạnh. Theo Phòng PCTP ma túy, Cảnh sát biển, cho biết: Trong nhiều năm qua, lực lượng chuyên trách PCTP ma túy đã tiến hành hằng trăm đợt tuyên truyền, qua đó phát tờ rơi, tranh ảnh về các loại cây chứa chất ma túy và các chất ma túy thường gặp, sách pháp luật về phòng chống ma túy... Đối tượng tuyên truyền mà lực lượng Cảnh sát biển hướng tới là ngư dân làm ăn, sinh sống trên vùng biển, đảo tại các địa phương như: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang...

Nội dung tập trung tuyên truyền là chức năng, nhiệm vụ của lực lượng chuyên trách PCTP ma tuý Cảnh sát biển; Luật Phòng, chống ma tuý; nguyên nhân, tác hại của ma tuý đối với gia đình và cộng đồng... Cùng với đó, lực lượng chuyên trách còn thường xuyên vận động nhân dân tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm ma tuý; xây dựng các cơ sở theo dõi, kịp thời cung cấp thông tin với lực lượng chức năng của cảnh sát biển. Đây là một biện pháp đấu tranh được đẩy mạnh trong thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp của công tác phòng chống ma túy trên biển, về phía Bộ Công An, mới đây, Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an đã cho ra mắt Phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về ma túy trên đường biển, đường hàng không thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công an).

Theo Thiếu tướng Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng C47 - Bộ Công an, đây sẽ là lực lượng chuyên trách tiến hành các biện pháp nghiệp vụ chuyên sâu đấu tranh PCTP về ma túy trên tuyến biển và hàng không. Trên tuyến biển, lực lượng này sẽ phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát biển tổ chức công tác nắm tình hình, nghiên cứu phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy để chủ động phòng ngừa phát hiện, điều tra, xử lý; đồng thời tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi thông tin với Cảnh sát các nước để phục vụ hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, không bỏ lọt tội phạm ma túy trên tuyến đường biển.

Top