Nhiều bất cập trong thi hành Luật Phòng, chống ma túy

01/10/2018 10:34

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cho đến nay bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với các quy định của các đạo luật cụ thể như: Mâu thuẫn với Hiến pháp năm 2013, và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Còn quy định chung chung

Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/6/2001, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (sau đây gọi chung là Luật Phòng, chống ma túy). Sau khi Luật Phòng, chống ma túy được ban hành, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định danh mục chất ma túy và tiền chất; hướng dẫn áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống ma túy trong một số lĩnh vực như: quản lý sau cai nghiện ma túy, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống ma tuý, hướng dẫn việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý ở trong nước, khen thưởng đối với cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức có thành tích trong phòng, chống ma tuý.

Những văn bản kể trên đã tạo cơ sở pháp lý và góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống ma túy, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở nước ta trong những năm qua và trên thực tế đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực: phổ biến, tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy; cai nghiện và quản lý sau cai cai nghiện ma túy; hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy; đấu tranh chống tội phạm về ma túy,…

Tuy nhiên, hiện nay tệ nạn ma túy ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp và nghiêm trọng, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy còn chưa bảo đảm phù hợp, đồng bộ với các Luật mới được ban hành; chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm của một số bộ, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống ma túy; các biện pháp và hình thức cai nghiện và thời gian, độ tuổi của các hình thức cai nghiện chưa bảo đảm phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa-xã hội, nhiều quan hệ xã hội mới nảy sinh liên quan đến việc phòng, chống ma túy nhưng Luật Phòng, chống ma túy chưa đáp ứng được mục đích đấu tranh phòng, chống.

Theo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa họccủa Viện KSNDTC, Luật Phòng, chống ma túy còn quy định chung chung, mặc dù có nhiều văn bản hướng dẫn nhưng mang tính đơn ngành (Nghị quyết, Thông tư, Công văn hướng dẫn,…) nhưng các văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của Luật Phòng, chống ma túy. Có văn bản đơn ngành nhưng tác động đến nhiều ngành, gây khó khăn khi áp dụng và đấu tranh phòng, chống (ví dụ: Công văn 234/TATC-HS ngày 17/9/2014 của ngành Tòa án nhân dân hướng dẫn về giám định hàm lượng ma túy).

Đơn cử như: Luật có tên gọi và phạm vi điều chỉnh là “phòng, chống ma túy” nhưng nội dung quy định chưa đầy đủ, chưa phân định rành mạch nội dung phòng ngừa với nội dung đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy. Điều 13 Luật Phòng, chống ma túy đã quy định cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy nhưng chưa đầy đủ, do những cơ quan chuyên trách nêu tại khoản 1 và khoản 2 Điều 13 chỉ là những cơ quan phòng ngừa tội phạm về ma túy, không có chức năng khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này.

Cũng từ năm 2011 đến nay, tỷ lệ ban hành văn bản tăng lên, nhiều văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và thực tiễn công tác phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật phòng, chống ma túy (giao Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 24, khoản 4 Điều 29) chưa được quan tâm hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cho đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với các quy định của các đạo luật mới được ban hành.

Chưa đồng bộ với các luật mới

Bà Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSNDTC, cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) cho đến nay bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với các quy định của các đạo luật cụ thể như: Mâu thuẫn với Hiến pháp năm 2013, và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012.

Theo đó, Luật Phòng, chống ma túy quy định Cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy thuộc Công an nhân dân được quyền yêu cầu cơ quan bưu điện mở bưu kiện, bưu phẩm để kiểm tra khi có căn cứ cho rằng trong bưu kiện, bưu phẩm đó có chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần [điểm đ, khoản 1 Điều 13].

Trong khi Hiến pháp năm 2013 quy định mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác [khoản 2 Điều 21]. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định khi cần thiết phải thu giữ thư tín, điện tín, bưu điện, bưu phẩm tại cơ quan, tổ chức bưu chính, viễn thông thì Cơ quan điều tra ra lệnh thu giữ. Lệnh này phải được Viện kiểm sát cùng cấp phê chuẩn trước khi thì hành. Trường hợp không thể trì hoãn việc thu giữ… thì Cơ quan điều tra có thể tiến hành thu giữ những phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp bằng văn bản kèm theo tài liệu liên quan đến việc thu giữ để xét phê chuẩn [khoản 1, 2 Điều 197].

Ngoài ra, Luật Phòng, chống ma túy quy định người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện [khoản 1 Điều 29]. Tuy nhiên, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên.

Luật phòng, chống ma túy quy định người nghiện ma túy bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải đăng ký tự nguyện cai nghiện tại gia đình, cai nghiện tại cộng đồng thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng từ 06 đến 12 tháng. Nghị định số 111/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại xã, phường, thị trấn thì thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 03 đến 06 tháng. Nghị định số 94/NĐ-CP ngày 9/9/2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng thì thời gian cai nghiện lại từ 6 đến 12 tháng.

Luật phòng, chống ma túy quy định việc đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh [khoản 2 Điều 28]. Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định thẩm quyền này thuộc về Tòa án.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Phòng, chống ma túy chưa phù hợp với thực tiễn; có những vấn đề phát sinh trong thực tiễn công tác phòng, chống ma túy cần được pháp luật điều chỉnh nhưng chưa được Luật Phòng, chống ma túy quy định như: Quy định thông báo cho người nghiện về việc lập hồ sơ (Điều 103); quy định giao cho cơ sở xã hội quản lý người nghiện trong thời gian lập hồ sơ (Điều 131); quy trình xác định tình trạng nghiện, xác định nơi cư trú...

Thực tiễn đã xảy ra nhiều trường hợp phá, trốn khỏi trung tâm cai nghiện nghiện, cần nghiên cứu có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với các trường hợp này để răn đe, phòng ngừa chung.

Hơn nữa, người nghiện ma túy và gia đình của người nghiện ma túy không có tinh thần tự nguyện khai báo và đăng ký cai nghiện tự nguyện; không hợp tác với cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ cai nghiện; quy định về quy trình xác định người nghiện mới còn nhiều khó khăn; thực tế hiện nay số người nghiện ma túy nhóm ATS thường có kèm theo những biểu hiện về tâm thần (ảo giác), khi điều trị cai nghiện lại chưa có đủ bác sỹ có chuyên môn về điều trị tâm thần để hỗ trợ nên công tác cai nghiện có có hiệu quả thực sự.

Việc xác định tình trạng nghiện ma túy đối với người nghiện mới và người nghiện ma túy tổng hợp gặp nhiều khó khăn. Để xác định tình trạng nghiện thì người nghiện ma túy phải lưu lại cơ sở y tế để theo dõi hội chứng cai trong 3 ngày đối với nghiện ma túy nhóm Opiat và 5 ngày đối với người nghiện ma túy tổng hợp, nhưng hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để giữ người quá 24 giờ để theo dõi, chẩn đoán.

Công tác hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy chưa mang lại hiệu quả cao, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu đề ra trong quá trình giải quyết các vụ án về ma túy có đối tượng tham gia phạm tội là người nước ngoài.

Trong cuộc chiến đấu tranh phòng, chống ma túy hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, bởi tội phạm ma túy ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, liều lĩnh, mang động sẵn sàng chống đối quyết liệt với các lực lượng làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy. Do tính chất công việc nên hiện nay chưa thu hút được nhiều người tham gia vào công tác này, việc tuyển dụng, phân công, điều động công chức vào làm việc trong các đơn vị này rất khó khăn. Do vậy cần phải quy định về chế độ ưu đãi riêng đối với những người trực tiếp làm công tác đấu tranh phòng, chống ma túy như Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán và các lực lượng chuyên trách.

Cần sửa đổi, bổ sung

Theo Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSNDTC, qua thực tiễn áp dụng pháp luật cho thấy bố cục của Luật Phòng, chống ma túy chưa đảm bảo tính logic; chưa phù hợp quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tiêu đề các Chương chưa phù hợp với nội dung chương; điều luật không có tiêu đề, dẫn đến trùng lặp, chồng chéo…Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống ma túy là hết sức cần thiết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu bổ sung quy định về danh mục ma túy và tiền chất, nhất là các loại ma túy tổng hợp, ma túy dạng đá, ma túy mới du nhập từ nước ngoài về Việt Nam để có hành lang pháp lý rõ ràng trong quá trình áp dụng pháp luật.

Chính phủ cần ký kết các hiệp định, thỏa thuận với Chính phủ các nước có chung biên giới với Việt Nam nói riêng và các nước có mối quan hệ hợp tác quốc tế với Việt Nam nói chung về vấn đề hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy; đảm bảo việc xử lý triệt để tội phạm ma túy ngoài lãnh thổ Việt Nam. Đầu tư, hiện đại hóa các phương tiện nghiệp vụ cho các lực lượng chức năng; tiếp tục duy trì và tăng kinh phí cho các ngành, các địa phương, đáp ứng yêu cầu phòng, chống ma túy…

Top