Người chuyển giới vẫn “ngoài vùng phủ sóng”

19/06/2015 17:07

Người chuyển giới ở Việt Nam đã tồn tại và được ghi nhận từ khá sớm với nhiều cách gọi, hiểu khác nhau theo lịch sử. Trong xã hội hiện đại, người chuyển giới Việt Nam ngày càng hiện diện rõ ràng hơn nhưng vẫn chưa được công nhận, chưa có quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính.

 

Người đẹp chuyển giới Trâm Anh - Ảnh minh họa

Như người vô hình…

Sử sách nước ta đã ghi nhận một số trường hợp chuyển giới như Đại Việt Thông Sử đã ghi nhận trường hợp “con gái Nghệ An biến thành con trai” vào năm 135, hay con trai trưởng của Vua Hiến Tông là “thông minh, học rộng, sức lực hơn người, nhưng tính ngang bướng, thích mặc áo phụ nữ”. 

Trong xã hội ngày nay, người chuyển giới mặc dù đang tồn tại nhưng thực chất họ sống “ngoài vùng phủ sóng”, như người vô hình, không được công nhận, nếu ra nước ngoài phẫu thuật chuyển đổi giới tính thì khi trở về Việt Nam cũng không được thay đổi giấy tờ nhân thân, hộ tịch...

Bản thân người chuyển giới (dù chưa phẫu thuật) gặp nhiều khó khăn trong đời sống, việc làm (thường chỉ có thể đi hát quán bar, hát đám ma, thậm chí phải hành nghề mại dâm…), tiếp cận y tế, an sinh xã hội, bị chính gia đình, xã hội kỳ thị, thậm chí bị chính gia đình đối xử bạo lực, hành hạ về thể xác cũng như tinh thần... Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ, nhất là hỗ trợ pháp lý, chưa thực sự hoàn thiện.

Đáng buồn nữa là một số trường hợp đã phẫu thuật chuyển giới bị xâm hại nhưng không được bảo vệ thích đáng. Thực tế cho thấy, một số người đã được phẫu thuật chuyển giới có hình dạng bên ngoài và cơ quan sinh dục là nữ nhưng trên chứng minh nhân dân, hộ chiếu và giấy khai sinh, hộ khẩu của họ vẫn ghi là “nam” và ngược lại. 

Vì vậy, đã xảy ra việc một người phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ bị một người nam giới khác thực hiện hành vi giao cấu trái phép gây nên những khó khăn trong việc xử lý hình sự, cho đến nay vẫn chưa được bảo vệ quyền lợi thỏa đáng. Nếu chúng ta chính thức thừa nhận người chuyển giới và cho phép họ được thay đổi giới tính thì sẽ tránh được những vướng mắc này và tranh luận không cần thiết khi định tội danh đối với những hành vi nêu trên.

Khó khăn trong thực thi pháp luật tố tụng hình sự

Cũng xuất phát từ việc không được công nhận quyền phẫu thuật chuyển đổi giới tính như trên, việc thực thi pháp luật tố tụng hình sự đối với những người đã phẫu thuật chuyển giới tính gặp không ít khó khăn. Khi tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự hay trong quá trình thi hành án hình sự, có một số biện pháp cưỡng chế mà việc thực hiện cần căn cứ vào giới tính của đối tượng áp dụng như khám người, tạm giữ, tạm giam trong tố tụng hình sự; thi hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân trong tố tụng hình sự. 

Qua thực tiễn áp dụng các biện pháp này đối với người chuyển giới đã phát sinh một số khó khăn nhất định và có thể xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm và quyền tự do của họ. 

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, khi khám người thì nam khám nam, nữ khám nữ và phải có người cùng giới chứng kiến. Đối với những người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính (từ nam thành nữ hoặc từ nữ thành nam) nhưng trên các giấy tờ nhân nhân vẫn ghi giới tính cũ của họ, nếu chúng ta để người khám và người chứng kiến đều là người cùng giới với giới tính cũ của họ sẽ xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người bị khám. 

Pháp luật tố tụng hình sự và pháp luật về thi hành án hình sự còn quy định, khi tạm giữ, tạm giam hoặc thi hành hình phạt tù, chúng ta bố trí, phân loại khu vực giam giữ bị can, bị cáo, người phạm tội theo giới tính: nam giam, giữ riêng; nữ giam, giữ riêng. Trong trường hợp này, đối với người đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính gây khó khăn cho các cơ quan. Có thể nhận thấy việc giam giữ chung người chuyển giới với phạm nhân bình thường có thể gây ức chế tâm sinh lý, làm ảnh hưởng sinh hoạt của tất cả mọi người. 

Thời gian qua cũng đã có vụ việc một người chuyển giới bị các phạm nhân bình thường tẩy chay không chịu cho ở chung. Trên giấy tờ tùy thân của phạm nhân này là nam nhưng thực tế thì đã phẫu thuật chuyển đổi giới tính thành nữ. Khi lực lượng chức năng đưa người này vào phòng giam nam thì bị các can phạm nam tẩy chay, không cho ở chung. 

Sau đó lực lượng chức năng chuyển sang phòng giam nữ, các can phạm nữ cũng cương quyết không chịu. Công an quận 11 đành chuyển người này đến Trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) nhờ giải quyết. Điều may mắn là ở đây có một phòng giam toàn các phụ nữ đã lớn tuổi, thấu hiểu hoàn cảnh nên chấp nhận cho phạm nhân nói trên ở cùng.
Top