Người chuyển giới mong sớm ban hành Luật Chuyển đổi giới tính

13/12/2018 08:44

Việt Nam hiện có khoảng 300 nghìn người chuyển giới. Đa số người chuyển giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, kỳ thị và phân biệt đối xử trong giáo dục, việc làm và sử dụng dịch vụ y tế. Đáng lưu ý, người chuyển giới có nhiều nguy cơ về sức khỏe và những thông tin về người chuyển giới còn nhiều hạn chế.

 Những người chuyển giới cho biết, họ vẫn đang gặp các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý. Ảnh: Thùy Chi

Hiến pháp sửa đổi năm 2013 trên cơ sở tôn trọng quyền con người đã mở đường cho phong trào kêu gọi quyền của những người chuyển giới. Bộ Luật Dân sự sửa đổi năm 2015 đã đặt một mốc quan trọng đối với phong trào của người chuyển giới bằng việc thừa nhận quyền của người chuyển đổi giới tính, mặc dù Luật này chưa có các quy định cụ thể về các quyền ở các lĩnh vực khác nhau của người chuyển đổi giới tính. Hiện nay Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính đang tiếp tục được Bộ Y tế lấy ý kiến, dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019.

TS Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, Bộ Y tế được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, xây dựng, soạn thảo dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính. Dự thảo Luật gồm 7 chương 29 điều quy định cụ thể về điều kiện đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính; điều kiện đối với cá nhân, tổ chức thực hiện xác định tâm lý, can thiệp y học để chuyển đổi giới tính, công nhận đã can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; quy định chuyên môn về thực hiện xác định tâm lý và can thiệp y học để chuyển đổi giới tính; hồ sơ, thủ tục liên quan để can thiệp y học để chuyển đổi giới tính...

Dự thảo Luật nêu rõ chuyển đổi giới tính là quá trình thực hiện các can thiệp y học thay đổi giới tính của một người đã có giới tính sinh học hoàn thiện phù hợp với bản dạng giới của họ. Giới tính sinh học hoàn thiện là giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể. Bản dạng giới là cảm nhận bên trong của một người về việc họ là nam hay là nữ. Bản dạng giới của một người có thể phù hợp hoặc không phù hợp với giới tính khi sinh ra của họ.

Dự thảo Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm như phân biệt, kỳ thị, xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với cá nhân yêu cầu chuyển đổi giới tính, người chuyển đổi giới tính; cản trở, gây khó khăn đối với việc can thiệp y tế để chuyển đổi giới tính hợp pháp; bắt buộc người chuyển đổi giới tính nghỉ học, thôi việc vì lý do người đó chuyển đổi giới tính...

Tuy nhiên, theo TS Quang, vì một số lý do mà Bộ Y tế đề nghị chưa đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018, cụ thể: Cần tăng cường hơn nữa công tác truyền thông để “Hiểu biết về người chuyển giới” nhằm tạo sự đồng tình, ủng hộ trong nhân dân, bộ, ngành, chính phủ, Quốc hội khi trình Dự án Luật này. Ngoài ra, cần chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng hơn về các điều kiện để bảo đảm tính khả thi sau khi Luật được thông qua, như: Bác sĩ tâm lý, bác sĩ phẫu thuật, hooc-môn…

Trong thời gian gần đây, quyền của người chuyển giới đã được quan tâm nhiều hơn, nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Chuyển giới đã được các cơ quan, ban ngành lien quan tổ chức. Để hiểu rõ hơn về những khó khăn, hạn chế mà người chuyển giới đang gặp phải, Dự án VUSTA (Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS và Văn phòng Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình Đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN WOMEN) tại Việt Nam cũng đã tài trợ khảo sát nghiên cứu về quyền học tập, việc làm, khám chữa bệnh, kỳ thị và phân biệt đối xử với người chuyển giới.

Người chuyển giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, kỳ thị

PGS.TS Hồ Thị Hiền – Trưởng nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Y tế công cộng cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 300 nghìn người chuyển giới. Đa số người chuyển giới phải đối mặt với nhiều khó khăn, kỳ thị và phân biệt đối xử trong giáo dục, việc làm và sử dụng dịch vụ y tế. Đáng lưu ý, người chuyển giới có nhiều nguy cơ về sức khỏe và những thông tin về người chuyển giới còn nhiều hạn chế.

Điển hình là trường hợp của bạn M.A (Nghệ An), bạn M.A cho biết đã từng bị phân biệt đối xử ngay tại trường học, chỗ làm việc và ngay cả khi ở môi trường xung quanh. Lúc nhỏ khi đi học, bạn M.A luôn bị các bạn bè trêu chọc, chế giễu, nói những lời gièm pha làm bạn cảm thấy tự ti, buồn chán. Có lần M.A còn chứng kiến một bạn của mình bị các bạn khác lột đồ, khiến bạn ấy hoảng sợ bỏ chạy về nhà khóc. Khi đến tuổi đi làm, M.A cũng rất khó khăn để xin việc vì thể hiện giới khác với giới tính sinh học của mình.

“Người ta nhìn vào giấy tờ tùy thân, vào chứng minh thì khác so với bên ngoài nên người ta từ chối khéo không nhận mình vào làm. Ngoài ra, nếu có việc làm thì ảnh hưởng tới sự thăng tiến”, M.A cho hay.

Ngoài ra, những người như M.A còn bị phân biệt đối xử, kỳ thị ngày trong xã hội. Trường hợp của một bạn chơi với M.A, khi bố mẹ bạn này biết con mình đồng tính, lúc đầu đã chấp nhận bạn. Tuy nhiên, bị hàng xóm, bên ngoài gièm pha, khiến mọi người trong gia đình thay đổi. Bố mẹ bạn này đã hắt hủi, quát mắng bạn, khiến bạn ấy, bắt bạn ấy phải sống đúng là giới tính của mình.

“Ngoài ra, còn có một bạn chuyển giới nữ học cấp 3. Một hôm bạn ấy về bộc lộ với gia đình, thì ngay tối hôm đấy bố bạn ấy chở bạn ấy lên Hà Nội khám ở khoa tâm thần”, M.A chia sẻ. Chứng kiến rất nhiều trường hợp bị phân biệt đối xử, kỳ thị, M.A mong muốn dự thảo Luật chuyển giới sẽ được thong qua sớm, để các bạn có thể hòa nhập với cộng đồng, được bảo vệ quyền lợi giống như những người bình thường khác.

Vấn đề, nguy cơ về sức khỏe cũng là vấn đề cần bàn tới, “hiện nay chúng em dùng chủ yếu hooc-môn chui, nguồn hooc-môn trôi nổi trên thị trường và bọn em kiếm được qua sự giới thiệu của bạn bè, của những người trong giới và đi trước. Bọn em không biết chất lượng thế nào mà chỉ biết là dùng được thôi. Ngoài ra, một số bạn dùng hooc-môn không đươc sự chỉ dẫn của bác sĩ mà chi tự đi mua về dùng, không qua hướng dẫn của bác sĩ. Về phẫu thuật thì hiện tại em biết là có cơ sở làm được nhưng hiện tại người ta không dám làm tại vì người ta chưa có được cho phép nên người ta chưa dám làm. Nên bọn em chủ yếu sang Thái Lan hoặc Singapore để làm, chi phí lên cao và gặp phải nhiều khó khăn, rủi ro”, M.A cho hay.

Không chỉ dừng lại ở đây, sau khi phẫu thuật xong, có những trường hợp bị biến chứng. Có trường hợp không có điều kiện quay lại Thái Lan thì phải đi khám lại ở Việt Nam. Tuy nhiên, “khi giấy tờ tùy thân khác với thể hiện giới bên ngoài của chúng em thì kể cả khi khám chữa bệnh hoặc xin việc rất là khó khăn. Có những bạn muốn mua bảo hiểm thì cơ quan bán bảo hiểm thấy hình hài khác thì không bán. Họ bắt về nhà có người thân đi bảo lãnh thì mới được mua bảo hiểm”, M.A nói.

Các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt người chuyển giới trở thành nhóm dễ bị tổn thương. Họ bị bắt nạt, kỳ thị và phân biệt đối xử ở chính gia đình và cộng đồng. Cơ hội tiếp cận việc làm và y tế của họ cũng bị giới hạn. Trong khi các dịch vụ y tế, pháp lý và xã hội cho người dân nói chung đang ngày càng cải thiện, nhưng dịch vụ cho người chuyển giới hầu như không có.

Vũ Hoàng Mai Châu (Trưởng ban điều hành mạng lưới Người chuyển giới Việt Nam) cho biết: Bất kể người chuyển giới nào đều găp vấn đề về kì thị hay với những rào cản nhất định. Có những điểm tương đồng giống nhau cũng như khác nhau. Bản thân em cũng là người chuyển giới, em hiểu là tất cả cộng đồng chúng em đang có một tiếng nói chung mong muốn Luật Chuyển giới được ban hành. Do những cái rào cản hoặc vướng mắc nên hiện Luật đó đang dài hơn so với dự định, nên Mai Châu hy vọng Luật Chuyển giới sẽ sớm được thông qua.

Hàng trăm nghìn người chuyển giới vẫn tiếp tục chờ…

Dự thảo dự kiến trình Quốc hội vào năm 2019. Nếu được thông qua, dự thảo luật này sẽ tạo được hành lang pháp lý cho hàng trăm ngàn người chuyển giới ở nước ta. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay hàng trăm nghìn người chuyển giới vẫn tiếp tục phải chờ đợi và trì hoãn được hưởng các quyền công dân căn bản. Do đó, chỉ khi có hành lang pháp lý, những người chuyển đổi giới tính mới có cơ hội sống bình đẳng, có quyền kết hôn và có quyền được hưởng hạnh phúc trong một xã hội mà họ được công nhận.

TS Nguyễn Huy Quang cho biết, ba vấn đề mà thực trạng nếu như không có luật thì chúng ta không giải quyết được. “Đầu tiên không có luật thì các dịch vụ chui không có luật, trong đó có điều trị nội tiết tố, hooc-môn, phẫu thuật... sẽ dẫn tới những hậu quả về sức khỏe, tính mạng và kinh tế. Thứ 2 là quyền của người chuyển giới chưa được luật hóa, tức là chưa có luật cho nên vấn đề về kì thị phân biệt đối xử, về học tập, việc làm, y tế vẫn thế. Thứ 3 là nếu không có luật thì chúng ta không có thừa nhận về mặt pháp luật, luật hộ tịch thay đổi giới tính hoặc thay đổi tên”.

Chính vì thế, TS. Quang cho rằng, cần phải có thêm các chứng cứ cho xây dựng luật. Trước tiên, cần phải tiếp tục truyền thông mạnh mẽ những nhận thức về người chuyển giới tạo sự ủng hộ của người dân, cơ quan pháp lý để giảm định kiến phân biệt đối xử, kì thị, giúp người chuyển đổi giới tính có cuộc sống tốt hơn và giúp đưa Luật Chuyển đổi giới tính vào chương trình xây dựng luật của pháp lệnh năm 2020 của quốc hội; xây dựng các dự thảo luật chuyển đổi giới tính với các liên ngành; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đáp ứng nhu cầu của người chuyển giới như các dịch vụ về tâm lý, can thiệp về y học trong đó có điều trị nội tiết tố và phẫu thuật trên cơ thể người chuyển đổi giới tính.

Theo dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, người chuyển giới được công nhận là chuyển đổi giới sau khi kiểm tra tâm lý, đã sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 2 năm trở lên). Một phương án khác là họ cần được kiểm tra tâm lý, sử dụng hormone trong một thời gian liên tục (khoảng 1 năm) hoặc đã phẫu thuật một phần (thay đổi ngực hoặc bộ phận sinh dục). Phương án còn lại chỉ cần được kiểm tra tâm lý, không có can thiệp về y tế (sử dụng hormone hay phẫu thuật). Dự án luật cũng quy định điều kiện để người chuyển giới được can thiệp y học là trên 18 tuổi, độc thân, có đủ sức khỏe và không chống chỉ định điều trị nội tiết tố sinh dục.

Trên thế giới, hiện có khoảng 70 quốc gia cho phép thực hiện chuyển đổi giới tính. Trong đó, 38 quốc gia (62%) ở châu Âu và một số nước ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Philippines… yêu cầu người có mong muốn được công nhận chuyển đổi giới tính phải trải qua phẫu thuật, sau đó mới được công nhận về mặt giấy tờ nhân thân. Một số nước và vùng lãnh thổ cho phép công nhận giới tính mới mà không phải trải qua phẫu thuật như: Hàn Quốc, Đài Loan, Nam Phi, Israel...
Top