Nghiện ma túy: Quan điểm khoa học thần kinh về những hành vi sai lệch

25/12/2014 09:40

Các nghiên cứu gần đây cho thấy việc sử dụng ma túy nhiều lần dẫn đến những thay đổi trường diễn trong não bộ dẫn đến khả năng kiềm chế bản thân của người nghiện bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khám phá này cũng như những kiến thức mới về các ảnh hưởng từ môi trường, tính di truyền và kinh nghiệm thực tế … có thể kết luận nếu muốn cải thiện có hiệu quả tình trạng nghiện, chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận về vấn đề nghiện ma túy.

Nhân viên y tế cấp phát thuốc Methadone điều trị cho người bệnh. (Ảnh: TTXVN)

Nghiện là một hội chứng rối loạn gia tăng

Biểu hiện nghiện ma túy thể hiện bằng hành vi sử dụng ma túy mang tính bất chấp các hậu quả nghiêm trọng. Thường thì hành vi này được coi là một sự lựa chọn tự nguyện, thiếu khôn ngoan của người nghiện. 

Các nghiên cứu hình ảnh não của một người nghiện ma túy cho thấy sự nhiễu loạn trong các phần của bộ não điều khiển về động lực, khả năng kiểm soát hành vi…đã chứng minh rằng hội chứng nghiện ma túy là một bệnh của bộ não và các hành vi bất thường kèm theo hội chứng này là hệ quả của sự rối loạn chức năng não bộ, cũng giống như bệnh tim là một bệnh về rối loạn huyết áp và là kết quả của sự rối loạn chức năng cơ tim. Vì vậy, mặc dù lần sử dụng đầu tiên là hoàn toàn tự giác, nhưng một khi đã nghiện thì khả năng kiểm soát đã bị ảnh hưởng ngay lập tức.

Quá trình gây nghiện ma túy đòi hỏi người nghiện phải tiếp xúc thường xuyên với ma túy, trong đó bao gồm cả những yếu tố sinh học và môi trường phức tạp. Vì vậy tìm hiểu hội chứng nghiện ma túy thuần túy từ góc độ môi trường hay sinh học đều không cho kết quả thỏa đáng. Một số kết quả nghiên cứu gần đây về tác dụng của ma túy lên gene, các chuỗi protein và các mạch thần kinh đã khiến chúng ta hiểu nhiều hơn về hội chứng nghiện ma túy và thay đổi nhận thức  trong việc phòng, chống và điều trị nghiện ma túy.

Một số giai đoạn có nguy cơ nghiện ma túy cao hơn những giai đoạn khác: Giai đoạn thử nghiệm ma túy thường bắt đầu ở tuổi dậy thì, và tiếp xúc với ma túy ở tuổi dậy thì cũng làm tăng nguy cơ nghiện ma túy sau này, do bộ não sẽ xây dựng cơ chế phản ứng thần kinh khác với ma túy.

Khoa học thần kinh về lạm dụng ma túy

Nhiều loại chất dẫn truyền thần kinh tham gia vào tác động của ma túy đến não bộ, trong đó nổi bật là dopamine. Ma túy làm tăng nồng độ dopamine ngoài tế bào ở vùng limbic của não, đặc biệt là ở nucleus accumbens (NAc), là phần phụ trách động lực, tự sướng (tự thưởng)  và vì thế bộ não liên hệ  ngay việc sử dụng ma túy như một hành động tích cực. Hiệu ứng này ở ma túy còn mạnh hơn các kích thích tự nhiên khác như ma túy và sex. Các loại ma túy có thể ức chế sự tái hấp thụ dopamine ở các chất vận chuyển dopamine hoặc tăng nồng độ dopamine gián tiếp bằng cách tác động lên các neurons thần kinh để giải phóng thêm dopamine.

Dopamine không có quan hệ trực tiếp đến phần động lực, tự sướng, mà liên hệ với dự đoán về phần tự thưởng và nhận định về những gì nổi bật, mới lạ. Vì thế, người sử dụng ma túy xây dựng phản ứng có điều kiện tiếp tục mua ma túy dù họ cảm nhận được việc sử dụng ma túy là tốt hay xấu. Vì ma túy tăng nồng độ dopamine nên các kích thích trung tính từ môi trường liên quan đến việc sử dụng ma túy cũng dần chuyển thành các “kích thích tích cực”; điều này dễ khiến cho người nghiện ma túy tái nghiện khi gặp những môi trường quen thuộc nơi người này đã từng sử dụng ma túy.

Các kích thích tự nhiên cũng làm tăng nồng độ dopamine nhưng không gây nghiện vì lượng dopamine giải phóng ít hơn nhiều và thời gian cũng ngắn hơn. Ngoài ra, bộ não cũng dần thích ứng với các kích thích tự nhiên trong khi kích thích từ ma túy không trải qua quá trình này.

Khoa học thần kinh về nghiện ma túy

Các nhà khoa học Nora D. Volkow và Ting-Kai Li cho rằng nghiện ma túy được gây ra bởi những thay đổi trong hệ thống dopamine của người bệnh khiến người này nhạy cảm hơn với liều lượng dopamine vượt quá mức bình thường do ma túy gây ra và chai lì dần với mức độ dopamine bình thường trong cơ thể.

Xét về góc độ tế bào thì ma túy thay đổi một số nhân tố phiên mã cũng như một loạt các protein tham gia vào các hoạt động truyền tin giữa các vùng não được điều hành bởi dopamine. Các thay đổi lâu dài ở các nhân tố phiên mã δ FosB và các protein nhạy cảm với cAMP có tác động trực tiếp đến tính dẻo của các khớp nối (synapse) thần kinh. Vì thế khi tiếp xúc thời gian dài với ma túy thay đổi cấu trúc của các neuron trong các mạch dopamine và có thể nâng cao giá trị động lực khi sử dụng ma túy.

Ở mức độ các chất dẫn truyền thần kinh, ma túy không chỉ ảnh hưởng đến dopamine, mà còn tác động lên glutamate, GABA, opiates, serotonin và một số peptide thần kinh, khiến người sử dụng ma túy bắt buộc phải sử dụng, nhận được sự thỏa mãn sau khi sử dụng, đồng thời khiến người sử dụng ma túy tái sử dụng khi tiếp xúc với ma túy, stress, hay các kích thích từ môi trường khác.

Các yếu tố  ảnh hưởng đến nguy cơ nghiện ma túy

Yếu tố di truyền

Yếu tố di truyền chiếm khoảng 40-60% nguy cơ nghiện ma túy. Ở cả động vật và người một số gene đã được xác định có  ảnh hưởng đến việc gây nghiện. Ở người, gene ADH1B là ALDH2 có khả năng chống nghiện rượu, gene P-450 2D6 ngăn ngừa nghiện nicotine và gene P-450 2D6 giảm khả năng nghiện codeine.

Ngoài ra cũng có một số gene tăng nguy cơ gây nghiện như nhóm gene CHRNA5/A3/B4 với nicotine và gene GABRG3 và GABRA2 với rượu. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của yếu tố di truyền tới hội chứng nghiện vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường quan trọng ảnh hưởng đến khả năng nghiện là tình trạng kinh tế xã hội thấp, thiếu sự quan tâm của gia đình và mức độ sẵn có của ma túy. Stress là một yếu tố có mặt xuyên suốt trong nhiều yếu tố xã hội. Hiện chúng ta vẫn chưa rõ cơ chế ảnh hưởng cụ thể của stress, nhưng đã có bằng chứng chứng minh stress gây ra các phản ứng trong hệ thần kinh ảnh hưởng đến quá trình gây nghiện.

Chúng ta đã bắt đầu sử dụng các kỹ thuật hình ảnh để nghiên cứu các ảnh hưởng môi trường đến khả năng nghiện. Ví dụ ở các loài linh trưởng, các con có địa vị cao hơn trong đàn có thêm nhiều D2 receptor (chất nhận dopamine D2) thì luôn tỏ ra miễn cưỡng khi tiêm cocaine, trong khi các con có địa vị thấp hơn, ít D2 receptor hơn luôn sẵn sàng sử dụng cocaine.

Các bệnh tâm thần đồng mắc

Nguy cơ nghiện với những người có các bệnh tâm thần đồng mắc cao hơn hẳn so với những người khác. Tuy nhiên yếu tố nguy cơ này cũng trùng với nhiều yếu tố khác về môi trường, di truyền và thần kinh.

Phương pháp đấu tranh chống nghiện

Phòng chống nghiện

Vị thành niên có nguy cơ lạm dụng và nghiện ma túy cao hơn nhiều nên phòng chống tiếp cận ma túy từ sớm là một chiến lược quan trọng. Các nghiên cứu về dịch tễ học cho thấy tỉ lệ nghiện ma túy trong giới vị thành niên trong 30 năm qua đã có xu hướng  giảm, điều này được cho là kết quả của giáo dục về những nguy cơ của ma túy. Ở Mỹ, tỉ lệ hiện nghiện cần sa đã giảm từ 50% năm 1979 xuống 20% năm 1992. Như vậy mặc dù đặc thù của lứa tuổi vị thành niên là chấp nhận rủi ro, các chương trình giáo dục về nguy cơ của ma túy vẫn có tác dụng rõ rệt.

Tuy nhiên, để các chương trình giáo dục thành công, người thực hiện cần tính đến các yếu tố về kinh tế xã hội, văn hóa, độ tuổi và giới tính của những người tham gia.

Hiện nay, không chỉ tập trung vào giáo dục và truyền thông mà các chiến dịch phòng chống ma túy còn hướng cộng đồng vào các hoạt động sáng tạo và có ích.

Điều trị nghiện

Những tác động của ma túy lên não bộ là lâu dài, vì vậy nghiện ma túy cần được coi là một bệnh mãn tính cần được điều trị dài ngày. Từ góc nhìn này, chúng ta phải hiểu việc không được điều trị sớm rất có thể dẫn đến tái nghiện, và tái nghiện không phải là điều trị đã thất bại, mà chỉ là một giai đoạn tạm thời trong quá trình điều trị do thiếu sự tuân thủ quy trình điêu trị hoặc do độ dung nạp chưa phù hợp. Trên thực tế, tỉ lệ tái nghiện và khôi phục của quá trình điều trị nghiện ma túy tương tự như với các bệnh mãn tính khác.

Các biện pháp điều trị không nên chỉ tập trung vào việc làm giảm động lực sử dụng ma túy của người nghiện mà nên bao gồm cả các biện pháp nâng cao giá trị của các kích thích tự nhiên khác (kể cả sự động viên từ xã hội), nâng cao khả năng tự kiểm soát, giảm phản ứng sử dụng ma túy có điều kiện, và cải thiện tâm lý. Một biện pháp tiếp cận đa chiều dễ thấy nhất là kết hợp can thiệp hành vi và can thiệp về mặt y tế thông qua việc sử dụng thuốc.

Can thiệp y tế

Các loại thuốc điều trị có thể chia làm 2 loại: các loại thuốc làm giảm cảm giác thỏa mãn khi sử dụng ma túy và các loại thuốc chống lại các thay đổi trong não bộ do quá trình sử dụng ma túy gây ra. Hiệu quả của một số loại thuốc đã được khoa học và thực tế chứng minh.

Can thiệp hành vi – nhận thức

Tương tự như can thiệp về mặt y tế, can thiệp hành vi cũng có thể chia làm 2 loại: nâng cao khả năng tự kiểm soát, cung cấp các lựa chọn khác nhau, và nâng cao khả năng nhận thức nói chung. Trước đây các biện pháp điều trị chỉ tập trung vào các triệu chứng của nghiện ma túy nhưng các kết quả nghiên cứu gần đây đã bắt đầu chuyển hướng điều trị vào các nguyên nhân sâu xa hơn.

Điều trị các bệnh đồng mắc

Các bệnh đồng mắc cần được điều trị đồng thời với điều trị nghiện ma túy. Cách tiến hành này cũng bổ sung cho nhau giúp quá trình điều trị hiệu quả hơn.

Thách thức về mặt xã hội

Một thử thách lớn trong việc điều trị là giảm các định kiến xã hội về hội chứng nghiện. Điều này chỉ có thể thực hiện thông qua việc tác động từ nhiều mặt chẳng hạn những chính sách về hệ thống hành pháp, thất nghiệp với tình trạng nghiện và vai trò của gia đình… Kết quả bước đầu của một thử nghiệm kết hợp điều trị nghiện ma túy trong nhà tù ở một số nước trên thế giới rất tích cực, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề cần xem xét như các bước điều trị cụ thể, sự không cân xứng giữa thời gian ngồi tù và thời gian điều trị, và các quy định về giam giữ nên thay đổi thế nào cho phù hợp với người nghiện.

Việc nhận thức hội chứng nghiện ma túy như một bệnh ảnh hưởng đến não bộ có thể thúc đẩy mạnh mẽ việc phòng chống và điều trị cần có sự tham gia tích cực và sáng tạo của cộng đồng y học. Điều này sẽ giúp phát hiện các trường hợp lạm dụng chất gây nghiện từ sớm và quản lý tốt hơn các bệnh có thể chịu ảnh hưởng từ việc sử dụng ma túy như những loại bệnh mãn tính khác. Tuy nhiên, hiện nay những người hoạt động trong ngành y tế vẫn chưa được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực các chất gây nghiện và nghiện nên việc triển khai nhiều khi còn nhiều bất cập, hiệu qủa thấp.

Một vấn đề nữa là việc các Quỹ bảo hiểm y tế thường từ chối bảo hiểm cho các bệnh nhân điều trị nghiện, khiến người sử dụng ma túy thiếu sự lựa chọn điều trị và tăng định kiến, kỳ thị về nghiện ma túy. Ngoài ra, phải nói đến việc các công ty dược phẩm vẫn chưa thực sự tham gia tích cực vào lĩnh vực nghiên cứu thuốc điều trị nghiện ma túy.

Điều trị nghiện ma túy là một vấn đề vừa mang tính y học lại vừa mang tính xã hội, vì thế cần sự chung tay góp sức cả của các nhà khoa học, các cơ quan chức năng cũng như cả cộng đồng nói chung.   

Top