Nghiên cứu hình thức xử lý mại dâm đồng giới, chuyển giới, bảo kê mại dâm

19/05/2017 18:10

Các quy định pháp luật hiện nay về phòng, chống mại dâm chưa thực sự đồng bộ, còn nhiều sơ hở so với việc gia tăng của những loại hình mại dâm như mại dâm đồng giới, chuyển giới hay chưa có quy định về xử lý bảo kê mại dâm…

Ảnh minh họa

28 địa bàn trọng điểm về mại dâm

Theo thống kê của công an các địa phương, tính đến tháng 12/2016, cả nước có 84.614 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, tăng 11.614 cơ sở so với năm 2011. Trong đó, có 2.892 cơ sở nghi hoạt động mại dâm, tăng 114 cơ sở nghi hoạt động mại dâm so với năm 2011.

Trong giai đoạn 2011-2016, lực lượng Công an các cấp đã phát hiện, khám phá 6.969 vụ với 29.332 đối tượng liên quan đến hoạt động mại dâm.

Căn cứ vào tình hình thực tế cũng như báo cáo của một số Công an các địa phương cho thấy tệ nạn mại dâm chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn, các địa bàn giáp ranh, các khu du lịch, resort, các tuyến đường, tuyến phố tập trung nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ như khách sợn lớn, nhà nghỉ, nhà trọ và xung quanh các khu công nghiệp lớn, các khu chế xuất, nơi tập trung đông dân cư.

Cục Cảnh sát Hình sự đã xác định 28 địa bàn trọng điểm về mại dâm gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Long An, An Giang, Tây Ninh, Lâm Đồng.

Thành phần người bán dâm có xu hướng ngày càng trẻ hoá, chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 18 đến 30 (chiếm khoảng 88%). Đa số người bán dâm xuất thân từ nhiều vùng nông thôn có điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập, trình độ học vấn thấp. Tuy nhiên, thời gian gần đây, theo kết quả điều tra khám phá của lực lượng Cảnh sát Hình sự cả nước cho thấy đã xuất hiện một số người bán dâm là người mẫu, diễn viên, ca sĩ và sinh viên một số trường đại học, hoặc thậm chí có cả người nước ngoài. Khác với những người bán dâm có học vấn thấp, đây đều là những người có đầy đủ nhận thức về hành vi mại dâm của mình.

Chưa có biện pháp xử lý mại dâm đồng giới, chuyển giới

Theo Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an, các quy định của pháp luật còn nhiều sơ hở như chưa có biện pháp xử lý đối với hành vi mại dâm đồng giới, chuyển giới dẫn đến tình trạng những loại hình mại dâm này gia tăng trong khi công tác phòng, chống vẫn bị động.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chưa chặt chẽ khiến công tác đấu tranh phòng, chống hoạt động mại dâm trong các cơ sở kinh doanh có điều kiện gặp nhiều khó khăn như việc một số cơ sở kinh doanh đã bị xử lý về hành vi có liên quan đến hoạt động mại dâm, bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự nhưng khi cơ sở thay đổi đại diện theo pháp luật thì cơ sở đó lại được cấp giấy phép chứng nhận đăng ký kinh doanh mới.

Tình trạng mại dâm qua mạng Internet ngày càng phố biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn mang tính căn bản. Các đối tượng hiện nay thường sử dụng mạng Internet, các trang mạng xã hội, các thiết bị di động thông minh để mời chào, quảng cáo, thoả thuận mua, bán dâm. Các website đồi truỵ là nơi các đối tượng sử dụng môi giới mại dâm qua internet xuất hiện ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, việc ngăn chặn các loại hình này gặp nhiều khó khăn do việc kiểm soát các trang mạng xã hội cần có sự phối hợp của nhiều ban ngành. Ngoài ra, các website này thường có máy chủ đặt tại nước ngoài; nếu bị chặn sẽ đổi những tên, miền khác mà vẫn giữ được nội dung, các đối tượng điều hành chính đều không ở Việt Nam do đó hiệu quả công tác đấu tranh, ngăn chặn hình thức mại dâm này còn hạn chế.

Ngoài ra, công tác tổ chức tái hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm còn gặp nhiều khó khăn về nơi cư trú, việc làm, đời sống, nhất là số đã nhiễm HIV/AIDS. Theo quy định hiện nay, người bán dâm có nhu cầu hỗ trợ việc làm phải là người hoàn lương, có địa chỉ thường trú rõ ràng, có đơn xin hỗ trợ và được chính quyền địa phương xác nhận với mức hỗ trợ học nghề là 2 triệu đồng/người và tìm việc làm là 1 triệu đồng/người. Trên thực tế, mức hỗ trợ trên không đủ để học nghề và tạo việc làm ổn định cho họ. Cùng với đó, xã hội vẫn tồn tại cái nhìn không tốt, coi thường những người bán dâm nên đây vẫn là rào cản đối với họ trong việc tiếp cận những hỗ trợ.

Nghiên cứu hình thức xử lý bảo kê mại dâm

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mại dâm, Tổng cục Cảnh sát đề nghị các cơ quan chức năng sớm nghiên cứu, ban hành Luật Phòng, chống mại dâm. Theo đó, cần nghiên cứu hình thức xử lý đối với các hành vi tổ chức hoạt động mại dâm, bảo kê mại dâm vì mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi này cũng tương đương hành vi chứa và môi giới mại dâm nhưng chưa có quy định cụ thể về xử lý các hành vi này; bổ sung các quy định xử lý hành vi khiêu dâm, kích dục với người trực tiếp thực hiện hành vi này do hiện nay chỉ có thể xử lý chủ kinh doanh cơ sở để xảy ra hoạt động trên; đồng thời, nghiên cứu các quy định, biện pháp quản lý người bán dâm tại cộng đồng sau khi có hành vi vi phạm, quy định chặt chẽ hơn về việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, đặc biệt là các cơ sở đã từng để xảy ra hoạt động mại dâm, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho công tác đấu tranh phòng, chống mại dâm.

Tăng cường phòng ngừa

Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm về phi hình sự hóa mại dâm của New Zealand” do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức tại Hà Nội vào tháng 9/2016, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng Đàm cho biết, ở Việt Nam, các hoạt động mại dâm đều bị cấm và bị xử phạt, tuy nhiên, các chính sách phòng, chống mại dâm cũng đang hướng tới tiếp cận dựa trên quyền con người và hỗ trợ để giảm tác hại của mại dâm đến xã hội.

Theo đó, định hướng nghiên cứu, xây dựng chính sách pháp luật về mại dâm tại nước ta đặt các vấn đề ưu tiên, đó là phải tăng cường phòng ngừa; xây dựng khung pháp lý cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp giảm hại trong phòng, chống mại dâm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới đối với nhóm người bán dâm. Đồng thời, xây dựng hệ thống dịch vụ xã hội phù hợp, thân thiện, tạo điều kiện cho người bán dâm dễ dàng tiếp cận, sử dụng khi họ có nhu cầu thay đổi công việc, thay đổi cuộc sống.
Top