Ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào trại giam: Từ cách làm của trại Tân Lập

02/10/2015 15:59

Sau song sắt trại giam, nhiều phạm nhân vẫn không chịu hoàn lương, vẫn có hành vi câu kết với người nhà và các đối tượng bên ngoài để tuồn ma túy và điện thoại di động, các vật cấm vào trại giam với mục đích chống đối hoặc thu lợi nhuận bất chính.

Kiểm tra phạm nhân trước khi vào phòng giam. Ảnh: Internet

Theo số liệu của Bộ Công an, trên toàn quốc hiện có 51 trại giam và 70 trại tạm giam (66 trại tạm giam do Công an các tỉnh, thành phố, 4 trại tạm giam do Bộ Công an quản lý) thuộc Bộ Công an và 697 nhà tạm giữ.

Các đối tượng bị bắt đưa vào nhà tạm giữ, trại tạm giam phục vụ điều tra, truy tố, xét xử chiếm tỷ lệ khoảng 40% phạm các tội phạm về ma túy và liên quan đến ma túy trong đó phạm nhân phạm các tội về ma túy hiện nay chiếm tỷ lệ cao (31%), phạm nhân sử dụng các chất ma tuý (19,6%), nhiều đối tượng nhiễm HIV/AIDS; những người nghiện ma túy chiếm tỷ lệ cao có nhiều tiền án tiền sự, tái phạm và phạm các tội đặc biệt nghiêm trọng là những khó khăn gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác quản lý giam giữ và tổ chức cai nghiện.

Phạm nhân có ma túy vào trại buôn bán sử dụng thông qua nhiều nguồn. Chúng lợi dụng các mối quan hệ làm ăn buôn bán trước đây, qua người thân trong gia đình, bạn bè và cả những quan hệ bạn tù khi ra trại do đã ở tù nên nắm bắt quy luật, địa bàn rất kỹ luôn tìm cách mang ma túy vào trại giam bằng nhiều thủ đoạn như cất giấu kỹ vào các vật phẩm gửi qua đường bưu điện, qua con đường thăm gặp gửi quà tiếp tế, qua quan hệ tiếp xúc với dân ở gần khu lao động sản xuất, lợi dụng chính sách nhân đạo khi phạm nhân ốm đưa đi khám và điều trị tại các bệnh viện, lập ra những hộp thư chết trong trại giam và ngoài hiện trường lao động. Cá biệt có những vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép chất ma túy vào trại giam đối tượng đã móc nối lôi kéo mua chuộc cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ bao che dung túng cho chúng tự do tàng trữ, mua bán trong trại giam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Từ “bản giao ước thi đua”

Từ một “điểm nóng” về việc phạm nhân đưa ma túy vào trại giam, gần 2 năm trở lại đây, Trại giam Tân Lập (Tổng cục VIII - Bộ Công an), thuộc địa bàn hai huyện Yên Lập, Hạ Hoa (Phú Thọ) đã từng bước ngăn chặn và đẩy lùi được tình trạng này.

Để làm được điều này, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy C47 - Bộ Công an, Công an huyện Yên Lập, huyện Hạ Hòa phối hợp với trại giam Tân Lập và chính quyền 3 xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, xã Vô Tranh đã tăng cường nhiều biện pháp thiết thực, nhiều cách làm hay để đấu tranh, triệt xóa với hành vi góp phần mang lại môi trường lành mạnh cho phạm nhân yên tâm cải tạo. Trong đó, xác định phòng ngừa là yếu tố then chốt; phòng, chống ma túy không chỉ trong trại giam Tân Lập mà cả khu vực các xã xung quanh để giảm thiểu thẩm lậu ma túy vào trại giam.

Trại giam Tân Lập có 5 phân trại. Tổng số phạm nhân được cải tạo tại Trại giam Tân Lập hiện tại khoảng hơn 3.600 phạm nhân, số phạm nhân phạm tội về ma túy chiếm gần 62% (trong đó 2/3 số người phạm tội về ma túy là rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng.

Từ năm 2010 đến giữa năm 2013, lực lượng chức năng đã phát hiện 52 vụ liên quan đến ma túy trong đó tại cổng Trại giam phát hiện 72 vụ, gửi qua bưu phẩm phát hiện 10 vụ, phát hiện phạm nhân tàng trữ trái phép chất ma túy trong Trại giam 15 vụ. Có vụ phát hiện đối tượng ngoài xã hội gửi ma túy vào trại giam theo con đường gửi bưu phẩm được ngụy trang tên, địa chỉ người gửi, người thân nên gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra xử lý.

Cụ thể như Chuyên án VA-713 ngày 17/7/2013 truy tố 51 bị can có hành vi cấu kết móc nối để vận chuyển, mua bán ma túy từ ngoài xã hội đưa vào Trại giam Tân Lập và bán lẻ ma túy giữa các phạm nhân với nhau. Trong tổng số 51 bị can có 43 bị can là phạm nhân đang cải tạo ở Trại giam Tân Lập, 8 bị can là các đối tượng ngoài xã hội. Số lượng ma túy các bị can khai báo đã mua đưa vào trại giam gần 1,2 kg, tổng số tiền thu lợi bất hợp pháp là 500 triệu đồng.

Trước thực trạng phức tạp đó, Bộ Công an đã yêu cầu lực lượng Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng về pháp luật phòng chống ma túy, tác hại của ma túy đến nhân dân các xã xung quanh, các công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn; xây dựng mối quan hệ giữa nhân dân với Trại giam Tân Lập nhằm đảm bảo giữ vững tình hình an ninh trật tự xã hội trên địa bàn. Cục C47 phối hợp với Công an huyện Hạ Hòa, Yên Lập, phòng PC47 Công an tỉnh tổ chức điều tra cơ bản, áp dụng đồng loạt các biện pháp nghiệp vụ lập án đấu tranh, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy vào trại; phối hợp với Tổng cục VIII tuyên truyền, giáo dục cán bộ chiến sĩ của trại nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, bắt giữ các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy vào trại...

Năm 2014, Cục C47 Bộ Công an cùng với Công an huyện Yên Lập đã ký kết giao ước thi đua với mục đích ngăn chặn và giảm thiểu số vụ vi phạm, số phạm nhân trong Trại giam Tân Lập phạm tội liên quan đế ma túy.

Chuyển biến tích cực

Từ khi ký kết kế hoạch giao ước thi đua phối hợp phòng, chống ma túy đến nay, xác định rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma túy ở khu vực giáp ranh với các phân trại, lãnh đạo cục C47 - Bộ Công an, công an huyện Yên Lập, trại giam Tân Lập, cấp ủy chính quyền 3 xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, xã Vô Tranh chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền.

Tuyên truyền điểm về phòng, chống ma túy tại Yên Lập - Ảnh: Hoàng Anh

Các lực lượng chức năng đã tổ chức tuyên truyền trực tiếp thông qua hội nghị chuyên đề tại UBND huyện Mỹ Lương cho 175 đại biểu chủ chốt của hai huyện Yên Lập và huyện Yên Hòa; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh của xã Mỹ Lung, xã Mỹ Lương và xã Võ Tranh; tuyên truyền qua truyền thanh truyền hình huyện Yên Lập; tuyên truyền trong triển khai công tác phòng ngừa thông qua các khu hành chính, ban ANTT, tổ liên gia tự quản tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, công tác nghiệp vụ cơ bản trong lĩnh vực phòng chống ma túy. Kết quả, trong 2 năm, lực lượng chức năng đã bắt, xử lý 27 vụ, 31 đối tượng phạm tội liên quan đến ma túy, trong đó bắt khởi tố 11 vụ, 16 đối tượng liên quan đến ma túy.

Phòng 3 và Phòng 4 của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47)  là 2 đơn vị được lãnh đạo Cục C47 giao trách nhiệm thực hiện Kế hoạch giao ước thi đua với Công an huyện Yên Lập. Đại tá Lê Hồng Châu, Trưởng phòng 3 (C47), cho biết, sau 2 năm thực hiện, đã tạo nên cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trong công tác bảo vệ ANTT nói chung, phòng, chống ma túy nói riêng trên địa bàn trại giam Tân Lập và các xã giáp danh. Các mặt công tác trong phòng chống tội phạm đã đề ra trong kế hoạch được các đơn vị triển khai đồng bộ, đặc biệt là hiệu quả trong công tác phòng ngừa.

Những kết quả đã đạt được về công tác tuyên truyền và đấu tranh chuyên án có hiệu quả được lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và Ban Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ đánh giá cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Đây cũng là cách làm hay, mô hình điểm để các trại giam khác có thể thực hiện theo.

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Điệp, Phó Giám thị Trại giam Tân Lập cho biết, bên cạnh việc tham mưu các lực lượng nghiệp vụ thường xuyên làm tốt công tác điều tra cơ bản, nắm chắc các đối tượng sưu tra hình sự tại địa phương, đối với phạm nhân đang được quản lý, giam giữ tại đơn vị, lãnh đạo Trại giam thường xuyên chỉ đạo đội trinh sát làm tốt công tác đánh giá phân loại và tổ chức giam giữ theo từng loại riêng để nhận diện những đối tượng nguy hiểm, cần trinh sát kịp thời bóc tách để phân hóa triệt để các ổ nhóm, các phần tử có tư tưởng chống đối.

Thông qua công tác này, nhiều nguồn tin có giá trị được cung cấp, giúp ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến phạm nhân; đồng thời cũng tìm ra những phạm nhân và tập thể phạm nhân có hướng phục thiện để xây dựng thành phong trào, cổ vũ tinh thần cải tạo cho phạm nhân. Nhiều cán bộ trinh sát của trại có thành tích xuất sắc đã được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen.

Có những vụ việc phạm nhân đã tự giác giao nộp lại ma túy như vụ ngày 10/3/2014 tại bếp ăn phạm nhân thuộc phân trại số 3 Trại giam Tân Lập trong lúc lao động phạm nhân Giàng A Vá (sinh năm 1988) ở huyện Điện Biên Đông - tỉnh Điện Biên hiện hang chấp hành án tại Đội 1 - Phân trại số 3 - Trại giam Tân Lập đã giao nộp cho cán bộ trại giam Tân Lập 1 vỏ hộp sữa bên trong có gói cao su màu xanh chứa 4 gói ni lông đều chứa chất bột cục màu trắng, nghi là heroin. Theo giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, số chất bột cục do phạm nhân giao nộp là chế phẩm heroin có tổng trọng lượng là 7,090 gr. Sau đó, trại giam Tân Lập đã bàn giao hồ sơ, tài liệu có liên quan cho cơ quan CSĐT huyện Yên Lập tiến hành thụ lý điều tra theo thẩm quyền

Với việc sử dụng đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, cương quyết đấu tranh với các hành vi vi phạm nội quy trại giam nói chung và hành vi phạm tội về ma túy trong trại giam nói riêng, đến nay, ở Trại giam Tân Lập đã không còn tình trạng phạm nhân tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy.

Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền giáo dục kể cả ngoài xã hội và trong trại giam nhằm phòng ngừa ngăn chặn không để tệ nạn ma túy phát triển; tăng cường các hoạt động kiểm tra giám sát công tác trinh sát trong trại giam và ngoài xã hội, chủ động phát hiện đấu tranh triệt phá ngăn chặn nguồn ma túy xâm nhập vào địa bàn và trong trại giam.

Top