Ngăn chặn cung đường vận chuyển ma tuý xuyên quốc gia trên biển

09/09/2019 16:33

Bộ Công an nhận định, hiện tại vùng biển nước ta đã hình thành các đường dây vận chuyển, buôn bán, sản xuất ma túy xuyên quốc gia với những thủ đoạn mới hết sức tinh vi. Do đó, sự phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau trong công tác phòng, chống ma túy trên biển giữa các lực lượng trong và ngoài nước góp phần quan trọng trong việc đấu tranh ngăn chặn. * ASEAN: Hợp tác ứng phó tội phạm ma túy tuyến đư

 Thượng tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an (giữa) và đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội thảo Tổ công tác ASEAN về phòng, chống ma tuý tại cảng biển lần thứ 4

Tội phạm lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu bằng container

Tháng 3/2019, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an đã cung cấp thông tin cho lực lượng phòng chống ma túy Philippines phối hợp bắt giữ 276 kg ma túy đá trong những bao hạt nhựa được vận chuyển bằng đường biển xuất phát từ cảng Cát Lái, TPHCM.

Trong thời gian qua, trong khi lực lượng chức năng đánh mạnh ở đường bộ, đường hàng không thì tội phạm chuyển hướng lựa chọn cung đường khác an toàn hơn là đường biển và vận chuyển với số lượng lớn. Đáng chú ý, trong năm 2018 và 9 tháng đầu năm 2019, nhiều đối tượng buôn bán vận chuyển ma túy đã kết hợp khéo léo cả 3 cung đường để vận chuyển ma túy.

Trên tuyến biển, tội phạm ma túy tiếp tục lợi dụng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bằng container đi đường biển để vận chuyển ma túy trái phép với sự chỉ đạo, cấu kết của các đối tượng mua bán, vận chuyển. Ma túy đã được trà trộn cùng các mặt hàng khác. Nhiều đường dây ma túy đều che giấu hành vi bằng cách mượn một công ty hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa làm bình phong cho hoạt động buôn bán, vận chuyển ma túy…

Đặc biệt, ma túy được trung chuyển qua nhiều nước để tới điểm đích, điều này gây khó khăn cho cơ quan chức năng các nước trong việc điều tra, xác định các đường dây và các đối tượng cầm đầu.

Từ thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, lực lượng Công an và Cảnh sát biển Việt Nam hiện đã xác định rõ các khu vực biển trọng điểm về ma tuý như vùng biển Đông Bắc, vùng biển Bắc miền Trung, vùng biển miền Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

Phức tạp nhất vẫn là vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Tại đây những đối tượng thường vận chuyển ma tuý sang Trung Quốc và vận chuyển ma túy tổng hợp, ma túy đá được điều chế từ Trung Quốc về Việt Nam và đi các nước thứ 3 để tiêu thụ.

Nhận định được tình hình phức tạp của tội phạm ma túy lãnh đạo Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Công an trên cả nước phát huy hơn nữa vai trò chủ công, đẩy mạnh công tác phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm ma túy.

Thiết lập đường dây nóng kịp thời trao đổi thông tin

Hội thảo Tổ công tác ASEAN về phòng, chống ma tuý tại cảng biển lần thứ 4 do Bộ Công an tổ chức vào ngày 9/9, tại Hà Nội đã đưa ra các giải pháp chính, đó là: Các nước thành viên củng cố cơ chế trao đổi nhanh thông tin hiện có (qua phần mềm whatsapp); bên cạnh đó, thiết lập đường dây nóng giữa các nước để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp kiểm soát, truy bắt các đối tượng vận chuyển ma tuý trên tuyến đường biển;

Lập các chuyên án điều tra chung, trao đổi thông tin, phối hợp truy bắt các đối tượng trong đường dây mua bán trái phép ma túy ở các nước khác nhau; thường xuyên trao đổi thông tin, phương thức thủ đoạn mới của tội phạm ma túy trên tuyến đường biển, thông tin về các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy bất hợp pháp; khuyến nghị các nước đối tác hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm; và trang bị phương tiện, hỗ trợ nâng cao năng lực kiểm soát ma túy qua tuyến đường biển.

Trao đổi với phóng viên bên lề Hội thảo, Thượng tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an cho biết, hiện nay, tội phạm ma tuý bằng nhiều phương thức, thủ đoạn đã lợi dụng tất cả các tuyến đường, phương tiện để có thể cất giấu, vận chuyển ma tuý. Tuyến đường biển là một trong những tuyến cuối cùng khi tội phạm ma tuý vận chuyển từ đất liền ra đến biển để đi các nước thứ 3.

Trong khi đó, công tác phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh rất khó khăn vì tuyến biển, cảng biển rộng lớn, mênh mông, nhiều phương tiện lớn vận chuyển…

Thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam thường xuyên trao đổi thông tin, xác minh đối tượng, hỗ trợ điều tra các vụ án ma túy với cơ quan chức năng của các nước bạn và tiếp nhận sự chia sẻ thông tin của các nước, nhất là các quốc gia có chung đường biên giới, các đối tác.

Theo Thượng tá Chu Văn Phú, điều quan trọng nhất trong đấu tranh phòng, chống ma tuý tuyến biển một cách hiệu quả là chia sẻ thông tin kịp thời, đồng thời hỗ trợ nhau trong đấu tranh, phá án.

Việt Nam đóng vai trò tích cực

Trao đổi với phóng viên, ông Ade Jun, Điều tra viên cấp cao của Cơ quan phòng chống ma tuý quốc gia Indonesia nhấn mạnh, công tác phòng, chống ma tuý qua đường biển hiện nay rất cam go và phức tạp, không nước nào có thể đơn lẻ giải quyết mà cần sự phối hợp nhuần nhuyễn với các nước, với cộng đồng quốc tế. Tại Đông Nam Á, hợp tác giữa các thành viên của ASEAN cùng các đối tác khu vực trong công tác này rất được chú trọng.

Đại diện Cơ quan phòng chống ma tuý quốc gia Indonesia đánh giá cao vai trò tích cực của Việt Nam trong phối hợp cùng các nước ASEAN để đấu tranh hiệu quả chống lại loại tội phạm này. Về phối hợp giữa Việt Nam và Indonesia, ông Ade Jun nói rằng hai nước thường xuyên chia sẻ thông tin về hoạt động của tội phạm ma tuý để từ đó đề ra những biện pháp đấu tranh hiệu quả.

Cũng theo ông Ade Jun, các nước ASEAN cần cải thiện hơn nữa hệ thống liên lạc, cơ chế phối hợp chung để đề ra những biện pháp chung hiệu quả trong đấu tranh chống lại các băng đảng tội phạm ma tuý từ khâu sản xuất, đến tàng trữ rồi vận chuyển qua các nước.

 * Tổ công tác ASEAN phòng, chống ma túy qua đường biển (ASITF) là sáng kiến của Indonesia, nhằm giúp lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy các nước ASEAN có cơ hội phối hợp chặt chẽ, kịp thời để đấu tranh có hiệu quả hơn với tội phạm ma túy trên tuyến đường biển trong khuôn khổ hợp tác đa phương.

Thông qua hoạt động của Tổ công tác ASITF, lực lượng hành pháp phòng, chống ma túy các nước ASEAN có điều kiện thuận lợi để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm thực tế trong công tác phòng, chống ma túy, cũng như phối hợp đấu tranh chống tội phạm ma túy qua đường biển.

Việc tham gia Tổ công tác còn thể hiện cam kết nhất quán, đoàn kết giữa các nước ASEAN để hợp tác phòng, chống ma túy trong khu vực, dựa trên nguyên tắc bình đẳng và hợp tác cùng có lợi.

 Trước đó, Hội thảo ASITF đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2016, 2017 và 2018 lần lượt tại Indonesia, Singapore và Thái Lan.

Top