Nên xử lý hình sự đối với những lái xe uống rượu bia

29/01/2019 13:57

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thảm khốc nguyên nhân do bia rượu, để ngăn ngừa những vụ tai nạn thương tâm như vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên xử lý hình sự đối với những lái xe uống rượu bia, kể cả chưa gây tai nạn.

Trong số đó, nguyên nhân phần lớn do ý thức chủ quan của lái xe, đặc biệt là việc điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia. Để ngăn ngừa những vụ tai nạn thương tâm như vậy, nhiều ý kiến cho rằng nên xử lý hình sự đối với những lái xe uống rượu bia, kể cả chưa gây tai nạn.

Nhiều vụ tai nạn liên quan đến rượu bia đã để lại hậu quả xã hội quá lớn

Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ (nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, trong khi pháp luật còn quá nhiều khoảng trống để giải quyết vấn nạn người tham gia giao thông say xỉn nhưng vẫn lái xe thì mỗi ngày lại có hàng chục người ra đi mà không trở về, trong đó rất nhiều vụ tai nạn liên quan đến rượu bia, để lại hậu quả xã hội quá lớn.

 CSGT kiểm tra đo nồng độ cồn với người lái xe

Hiện nay nhiều người lái xe nhưng lại sử dụng rượu bia rất tùy tiện. Tuy nhiên, hầu như chỉ khi xảy ra tai nạn, cảnh sát tiến hành đo nồng độ cồn mới phát hiện được. Trong khi đó, chế tài lại quá nhẹ nên dường như người ta vẫn cứ vô tư điều khiển xe sau khi đã uống rượu bia. Thực tế này cũng phần nào thể hiện ý thức xem thường các quy định pháp luật, thậm chí xem thường chính tính mạng của bản thân mình.

Hiểm họa khôn lường từ những người uống rượu bia lái xe là thế, nhưng khi Nghị định 46 có hiệu lực, mức xử phạt cao nhất được nâng lên 17 triệu đồng, tước GPLX 5 tháng, vẫn có rất nhiều người kêu rằng phạt như vậy là quá nặng. Tuy nhiên, theo tôi mức phạt này vẫn còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Cần tăng mức phạt lên 50 triệu đồng, thậm chí nghiên cứu sửa luật để bỏ tù những người đã uống rượu bia vẫn lái xe, dù chưa gây tai nạn. Vì rõ ràng pháp luật đã nghiêm cấm việc này, mà anh vẫn cố tình vi phạm phải xử thật nặng. Còn tù bao nhiêu lâu, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu cụ thể. Phải có những quy định nghiêm khắc, ngặt nghèo mới mong kéo giảm được TNGT do rượu bia gây ra.

Luật sư Trương Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho ý kiến, văn hóa rượu bia ở Việt Nam được xem trọng, trong rất nhiều dịp như lễ, Tết, liên hoan, hội họp... và việc nhậu xong vẫn lái xe được coi như là chuyện bình thường. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu uống ít rượu bia vẫn có thể tham gia giao thông.

Thực tế cho thấy, tại bất cứ thời điểm nào, việc lái xe sau khi đã dùng rượu bia, có nồng độ cồn trong máu cao có thể gây hệ lụy khôn lường không chỉ cho bản thân người điều khiển phương tiện mà còn làm liên lụy tới những người tham gia giao thông khác.

Trong khi đó, chế tài với người điều khiển phương tiện khi đã uống rượu bia ở ta vẫn còn quá nhẹ so với nhiều quốc gia trên thế giới. Chúng ta vẫn chưa hình sự hóa các trường hợp điều khiển phương tiện sau khi uống rượu, bia mà chưa có hậu quả xảy ra. Tuy nhiên, trước thực tế liên tiếp các vụ tai nạn giao thông do sử dụng bia rượu thời gian qua, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này.

“Không thể nhẹ tay, nương tay với những hành vi điều khiển xe mà trong người có nồng độ cồn cao. Chúng ta có thể nghiên cứu và tiếp thu có chọn lọc pháp luật của một số nước trên thế giới để quản lý và xử lý nghiêm, việc này là cần thiết và nên sớm được bổ sung vào luật. Cần nghiên cứu quy định xử lý hình sự đối với các tài xế uống rượu bia điều khiển phương tiện, kể cả khi chưa gây ra tai nạn giao thông. Giờ nếu bảo uống rượu lái xe sẽ bị bỏ tù, chắc ai cũng sẽ sợ mà không dám vi phạm”, Luật sư Trương Anh Tú nói.

Cần nghiên cứu áp dụng hình thức xử phạt

Cho ý kiến về việc xử lý hình sự những lái xe uống rượu bia, Luật sư Trần Anh Tú (Đoàn luật sư TP Hà Nội), nếu hình thức phạt tù được áp dụng tại Việt Nam ngay bây giờ thì bắt buộc phải đưa ra tòa án để tòa giải quyết. Đối với số lượng vi phạm như hiện nay, chắc chắn tòa án giải quyết không xuể. Bên cạnh đó, hiện nay chỉ có các hành vi bị truy tố về hình sự mới được đưa ra tòa án.

Nhưng cũng đã có đề xuất cần áp dụng chế tài “phạt tù” ngắn ngày trong pháp luật về xử phạt hành chính để áp dụng cho các trường hợp uống rượu lái xe. Trường hợp đó, có thể phải sửa quy định của Bộ luật Hình sự. Đối với người tham gia giao thông thì họ đều là người lao động, bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động. Nếu họ bị gián đoạn công việc do bị xử phạt hành chính hoặc hình sự liên quan đến một vi phạm nào đó, người sử dụng lao động đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động đối với họ. Với đặc điểm này, những người sử dụng rượu, bia mà lái xe thì chỉ cần xử phạt giam giữ 7 đến 10 ngày và thông báo cho người sử dụng lao động để xem xét chấm dứt hợp đồng lao động thì những người sử dụng rượu, bia sẽ không còn dám vi phạm.

Việc giam giữ từ 7-10 ngày có thể được xây dựng thành một chế tài trong pháp luật về hành chính mà không phải là vi phạm hình sự cũng có thể giải quyết được vấn đề “không hình sự hóa” vi phạm giao thông mà chưa gây hậu quả.

Luật sư Trần Văn Toàn (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đối với xe ô tô con và xe gắn máy thì việc dừng xe đo nồng độ cồn là không dễ vì số lượng phương tiện rất lớn. Việc canh tại các quán nhậu để đo nồng độ cồn cũng đã được thực hiện nhưng gây ra phản ứng và không hiệu quả.

Ai cũng biết, việc giảm tai nạn do rượu, bia thì phải nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện. Nhưng trong bối cảnh mà tình trạng sử dụng rượu bia bị lạm dụng như hiện nay, việc kiểm soát khó khăn. Giải pháp căn cơ tôi muốn nói chính là phải giảm tình trạng lạm dụng rượu bia nói chung.

Bên cạnh đó, cần có sự thay đổi căn bản về chế tài xử phạt mà điều này liên quan đến việc thay đổi chính sách xử phạt VPHC với các hình thức xử phạt mới, không chỉ là phạt tiền. Thực tế, một số quốc gia đã xử phạt hành vi uống rượu khi điều khiển phương tiện bằng hình phạt giam giữ và đã xử lý khá triệt để vấn nạn này. Tôi nghĩ, trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cần phải nghiên cứu áp dụng chế tài này.

Để đủ sức răn đe, theo đã đến lúc phải nghiên cứu, sửa đổi luật, bổ sung việc phạt tù đối với những người đã uống rượu bia nhưng vẫn cố tình điều khiển phương tiện. Đây cũng là quy định nhiều nước trên thế giới đã làm chứ không phải là mới mẻ gì.

Tại Nhật có khung hình phạt nghiêm khắc vào loại nhất thế giới. Trong khi ở Việt Nam vi phạm mức 0,4 mg/lít khí thở mới bị xử phạt 17 triệu, tước bằng lái 5 tháng thì ở Nhật, chỉ cần với nồng độ cồn từ 0,15 mg/lít khí thở (tương đương với 1 ly bia), người điều khiển xe bị phạt tù lên tới 3 năm và 500.000 Yen (khoảng 4.500 USD hay 104 triệu đồng). Còn ở mức nặng hơn, người vi phạm có thể bị phạt tù tới 5 năm.

Tại Singapore cũng có hình phạt tù, phạt tiền và lao động công ích đối với hành vi lái xe sau khi sử dụng đồ uống có cồn. Nếu bị phát hiện có nồng độ cồn trên 0,35 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền lên đến 5.000 SGD (tương đương 3.600 USD hay 85 triệu đồng) và đối diện với 6 tháng tù giam.

Ở Anh, thậm chí một người sẽ bị phạt ngay nếu sau khi uống rượu bia mà có ý định điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Mức phạt tù người uống rượu lái xe từ 3 đến 6 tháng tù, phạt tiền từ 2.500 bảng (khoảng 3.100 USD hay 74 triệu đồng) và tước bằng lái một năm (hoặc 3 năm nếu tái phạm). Khi bị kết tội liên quan đến các hành vi lái xe uống rượu, người lái xe rất khó được nhập cảnh vào các nước khác ở châu Âu hay đến Mỹ.

Tương tự, tại Hàn Quốc, với nồng độ cồn vượt mức 0,05 mg/lít khí thở, người lái xe sẽ bị quy vào tội hình sự và có thể ngồi tù 3 năm và phạt 10 triệu won (khoảng 8.800 USD hay 206 triệu đồng).
Top