Một năm nhìn lại công tác phòng, chống ma tuý

26/12/2018 19:51

Công tác phòng, chống ma tuý thời gian qua luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, có nhiều biện pháp đồng bộ và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình hình vẫn còn nhiều thách thức, đòi hỏi công tác phòng, chống tội phạm ma tuý và cai nghiện ma tuý cần quyết liệt hơn.

Theo đánh giá của thường trực Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, trong năm 2018, các lực lượng chức năng đã điều tra bắt giữ và xử lý nghiêm nhiều vụ ma tuý lớn, đường dây tội phạm ma tuý theo pháp luật, từng bước làm chuyển biến tình hình ở một số điểm nóng; hoạt động kiểm soát ma tuý trong đó có việc quản lý các loại tiền chất, chất gây nghiện đã được đẩy mạnh; tình trạng tái trồng cây có chứa chất ma tuý đã giảm rõ rệt.

Chương trình điều trị Methadone tiếp tục được triển khai, thực hiện có hiệu quả. Công tác cai nghiện đã chuyển biến tích cực theo hướng tăng cai nghiện tự nguyện, giảm bắt buộc; công tác tiếp nhận người nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội để điều trị, cắt cơn và phân loại đã được thực hiện tương đối tốt…

  Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma tuý, nghiện ma tuý trên thế giới và trong nước đang diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của Bộ Công an, tỷ lệ người sử dụng ma tuý tổng hợp đang gia tăng nhanh, nhất là ở các tỉnh phía Nam, xuất hiện nhiều loại ma tuý tổng hợp mới, nguy hiểm ở Việt Nam và trên thế giới chưa có biện pháp tối ưu để kiểm soát, dự phòng và điều trị.

Trách nhiệm của một số Bộ, ngành, cơ quan, địa phương nhất là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao. Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức, có nơi còn buông lỏng không chú trọng công tác này, nên đã để xảy ra việc người cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện ở một số địa phương phá cơ sở, bỏ trốn tập thể gây tâm lý hoang mang lo lắng trong nhân dân.

Hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn chưa đồng bộ; một số văn bản hướng dẫn còn chậm. Công tác phối hợp chưa thường xuyên, chặt chẽ, chưa đi vào thực chất, công tác thống kê người sử dụng, người nghiện ma tuý chưa được thực hiện thống nhất trong toàn quốc. Nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu, chưa huy động được nhiều nguồn lực xã hội.

Công tác tuyên truyền chưa phát huy hiệu quả trong nhóm đối tượng có nguy cơ cao một bộ phận nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ tác hại của ma tuý đặc biệt là ma tuý tổng hợp; ý thức chấp hành pháp luật về phòng chống ma tuý và cai nghiện ma tuý còn hạn chế.

Còn tồn tại nhiều “điểm nóng”

Theo Bộ Công an, tuyến biên giới Việt-Lào tiếp tục được đánh giá là tuyến trọng điểm, phức tạp về mua bán, vận chuyển ma túy. Đáng chú ý là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Lào tăng mạnh (trong khi trước đây ma túy từ Lào vận chuyển về Việt Nam chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp dạng đá chủ yếu thẩm lậu từ Trung Quốc); giá “giao dịch” ma túy tổng hợp dạng đá tại khu vực biên giới này thấp hơn nhiều so với từ Trung Quốc; nhiều đường dây đã vận chuyển ma túy tổng hợp dạng đá từ Lào vào Việt Nam tiêu thụ hoặc tiếp tục vận chuyển sang các nước. Lực lượng chức năng liên tục bắt giữ các vụ mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lớn.

Đặc biệt, trên tuyến này còn tồn tại nhiều “điểm nóng” về ma túy như: huyện Điện Biên Đông (Điện Biên); huyện Vân Hồ (Sơn La); huyện Mai Châu (Hòa Bình); huyện Mường Lát, Quan Hóa (Thanh Hóa); huyện Tương Dương, Quế Phong, Kỳ Sơn (Nghệ An)...

Tại các “điểm nóng” này, hoạt động của tội phạm ma túy hết sức manh động, chúng sẵn sàng sử dụng vũ khí để chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt. Hoạt động của các toán, nhóm có vũ trang vận chuyển ma túy từ Lào vào sâu trong nội địa thuộc địa bàn huyện Vân Hồ, Mộc Châu, tỉnh Sơn La có giảm về tần suất nhưng còn diễn biến rất phức tạp và có xu hướng chuyển sang địa bàn biên giới các tỉnh Điện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An. Riêng ở địa bàn một số xã như Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, xã Hang Kia và Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đang tồn tại một số đường dây ma túy lớn; ở khu vực biên giới hình thành các điểm tập kết ma túy diễn biến rất phức tạp.

Trên tuyến biên giới Việt-Trung, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy diễn biến phức tạp theo hai chiều, heroin được mua bán, vận chuyển từ nước ngoài về Việt Nam rồi tiếp tục vận chuyển sang Trung Quốc, ngược lại các loại ma túy tổng hợp “dạng đá” được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam tiêu thụ. Thời gian gần đây, do lực lượng chức năng của Việt Nam và Trung Quốc tấn công, trấn áp mạnh nên hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp từ Trung Quốc về Việt Nam có giảm so với trước và đang có xu hướng dịch chuyển việc sản xuất ma túy tổng hợp đến khu vực “Tam giác vàng”, hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp “dạng đá” từ khu vực này qua Lào thẩm lậu vào Việt Nam tiếp tục sang Trung Quốc tăng mạnh.

Trên tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, các đối tượng người Campuchia móc nối với các đối tượng người Việt Nam thường xuyên qua lại biên giới làm ăn, buôn bán ở Campuchia và các đối tượng không nghề nghiệp, lao động tự do hoặc các đối tượng thường xuyên sang đánh bạc tại các casino của Campuchia gần khu vực biên giới, móc nối với nhau để vận chuyển nhiều loại ma túy về các tỉnh phía Nam hoặc đưa ra các tỉnh phía Bắc tiêu thụ.

Đáng báo động là việc các đường dây ma túy quốc tế lợi dụng tuyến đường biển để vận chuyển ma túy với số lượng rất lớn. Đây là tuyến vận chuyển khó kiểm soát, chưa có các điều kiện về con người và phương tiện để lực lượng cảnh sát ma túy triển khai thực hiện. Điển hình như vụ phát hiện, thu giữ 2,5 tấn lá Khat tại cảng Nam Hải (Hải Phòng) ngày 11/5/2018; vụ phát hiện, thu giữ 119kg cocain tại cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) ngày 24/7/2018.

Tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy thời gian qua tiếp tục được kiềm chế. Tuy nhiên, việc trồng và tái trồng cây thuốc phiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc và cây cần sa ở các tỉnh Miền Trung-Tây Nguyên và phía Nam vẫn chưa được giải quyết triệt để và bền vững. Mặc dù diện tích trồng và tái trồng phát hiện không lớn nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát.

Xuất hiện nhiều loại ma tuý tổng hợp mới

Cũng theo Bộ Công an, gần đây, các chất ma túy mới xuất hiện ngày càng đa dạng, nhiều loại, nhiều kiểu mẫu khác nhau để kích thích nhu cầu sử dụng và nhằm che dấu sự kiểm tra, giám sát và phát hiện của các cơ quan thực thi pháp luật.

Qua công tác thống kê các vụ giám định ma túy cho thấy: Số lượng chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên, bán tổng hợp (như thuốc phiện, heroin) giảm; tuy nhiên các chất ma túy tổng hợp (như thuốc lắc, hàng đá), những chất hướng thần mới (NPS) bị lạm dụng lại có xu hướng tăng cao hơn.

Nhằm tăng tác dụng kích thích, hưng phấn, gây nghiện, che dấu hành vi phạm tội, đạt được lợi nhuận cao nhất, tội phạm đã pha trộn các loại ma túy với nhau, pha trộn ma túy với các chất khác như: Chế cần sa thành các loại bánh kẹo; trộn chất ma túy với các loại thuốc tân dược có bán trên thị trường cùng với chất tạo màu, mùi để sản xuất ra viên nén ma túy tổng hợp,...

Một số chất ma túy được trộn lẫn với nhau dùng để pha vào đồ uống như trà sữa, cà phê hay các loại nước giải khát có ga, thường được dùng trong các quán bar, karaoke, sàn nhảy, qua công tác giám định đã phát hiện thấy thành phần các chất ma túy như Ketamine, Methammphetamine, MDMA, Nimetazepam... trong các loại mẫu này.

Đặc biệt, xu hướng lạm dụng các chất hướng thần mới NPS trở thành một trào lưu trong giới trẻ. Các đối tượng buôn bán quảng cáo chúng không chứa chất gây nghiện, không phải là ma túy, mua bán hợp pháp, không bị cấm mà lại có tác dụng mạnh gấp nhiều lần các chất ma túy thông thường như “Cỏ Mỹ” có thành phần chất ma túy thuộc nhóm cần sa tổng hợp; một số loại chất gây ảo giác mạnh như LSD, GHB... được tẩm lên các con tem nhỏ (gọi lóng là “bùa lưỡi”) hay hòa thành dung dịch, hoặc các loại thực vật chứa chất ma túy như “Nấm thức thần” có chứa Psilocine và Psilocybine đã từng được giao bán trên mạng xã hội. Có những chất ma túy hiện chưa nằm trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã phát hiện các đối tượng đã lợi dụng kẽ hở của pháp luật để sản xuất, mua bán các chất ma túy, chất hướng thần mới, trong đó có những chất chưa có trong danh mục chất ma túy, tiền chất của Chính phủ hoặc chưa từng xuất hiện tại nước ta. Đây là thủ đoạn lợi dụng việc các chất ma túy không có trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam hoặc lần đầu tiên xuất hiện để thực hiện các hành vi phạm tội: Sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép,... gây khó khăn cho công tác xử lý, đấu tranh đối với loại tội phạm này.

Vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao

Theo thống kê tính đến 15/11/2018, toàn quốc có 225.099 người có hồ sơ quản lý. Tuy nhiên, nếu thống kê cả người nghi nghiện, người sử dụng ma túy thì con số còn cao hơn nhiều lần và có chiều hướng gia tăng.

Trực tiếp thị sát tại nhiều cơ sở cai nghiện ở nhiều địa phương khác nhau, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, tình hình nghiện ma túy đang diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng nghiện ở thanh thiếu niên. Tỷ lệ những người vi phạm pháp luật do sử dụng ma túy, tỷ lệ tiền án, tiền sử trong người nghiện diễn biến phức tạp. Do đó cần đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý người nghiện, tăng cường cai nghiện tại cộng đồng, kết hợp giữa xã hội với gia đình, đồng thời chú trọng vào cai nghiện bắt buộc.

Cũng trong năm 2018, hàng loạt các vụ học viên bỏ trốn cơ sở cai nghiện xảy ra tại Tiền Giang, Đồng Tháp, Cà Mau do bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: Nhận thức của người quản lý, chính quyền địa phương chưa coi trọng đầu tư cho công tác cai nghiện, chưa nâng cấp phòng ở, phòng học; công tác phân loại đầu vào tại các cơ sở cai nghiện hiện nay chưa làm “đúng bài”... Thậm chí có địa phương muốn "làm trong sạch địa bàn" nên đưa hết người nghiện vào các cơ sở tập trung, gây quá tải.

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai nhiều biện pháp, tuy nhiên, một số địa phương chưa dành sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng cho vấn đề này. Để nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, cần kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, các địa phương cần phải coi hoạt động phòng, chống ma túy, tổ chức cai nghiện là nhiệm vụ quan trọng và dành sự quan tâm, đầu tư xứng đáng với nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các địa phương để xảy ra tình trạng học viên gây mất an ninh trật tự hoặc bỏ trốn khỏi cơ sở cai nghiện, người đứng đầu đơn vị, địa phương đó phải chịu trách nhiệm.

Chính phủ dành nhiều ưu tiên cho phòng, chống ma tuý

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Các, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an, trước những thách thức về vấn đề ma túy, Chính phủ hết sức quan tâm, chỉ đạo một cách quyết liệt và luôn dành nhiều ưu tiên cho công tác phòng, chống ma tuý bằng nhóm các giải pháp đồng bộ về giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại ma tuý; hoàn thiện hệ thống các văn bản quy pháp luật; tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế.

Trên tầm vĩ mô, Chính phủ đề ra Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy với mục tiêu dài hạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Tiến hành nghiên cứu, đánh giá việc thi hành Luật phòng, chống ma túy năm 2000 và đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm củng cố cơ sở pháp lý trong nước cho phù hợp với diễn biến tội phạm ma túy trong tình hình mới. Ban hành Nghị định quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất trong đó, cập nhật nhiều chất ma tuý và tiền chất mới như lá Khát, các chất cần sa tổng hợp... để đưa vào danh mục quản lý.

Trong nỗ lực giảm nguồn cung, Chính phủ chỉ đạo các lực lượng chức năng dành ưu tiên cao trong việc triển khai các giải pháp ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán và vận chuyển ma túy bất hợp pháp qua biên giới đường bộ, đường thủy và đường hàng không.

Song song với công tác đấu tranh giảm nguồn cung, Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai đồng bộ các giải pháp tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, đa dạng hóa và xã hội hóa các cơ sở cai nghiện cũng như triển khai hiệu quả các biện pháp giảm tác hại và phát triển thay thế cây có chứa chất ma túy.

Năm 2018, Việt Nam đã tổ chức hơn 1.500 sự kiện lớn nhỏ, tuyên truyền cho hơn 312.000 lượt người. Các tầng lớp nhân dân, nhất là các đối tượng học sinh, sinh viên, đồng bào các dân tộc thiểu số được phổ biến kiến thức, nâng cao hiểu biết về tác hại của ma túy và các kỹ năng phòng, chống ma túy.

Bên cạnh đó, chương trình điều trị thay thế bằng Methadone cho người nghiện, tính đến nay, đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố với 314 cơ sở điều trị cho hơn 54.000 bệnh nhân. Ngoài ra, các bộ, ngành đang tiến hành tổng rà soát, thống kê người nghiện, tình hình lạm dụng các chất ma túy để đưa ra các chính sách cai nghiện phù hợp…

Top