Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi): Sẽ thêm cơ chế quản lý người sử dụng ma túy

03/12/2019 10:37

Bên cạnh quy định về quản lý người nghiện ma túy như hiện nay thì cần phải có cơ chế để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, từ đó phòng ngừa, ngăn chặn hậu quả của việc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội.

 Ảnh minh hoạ

Theo Bộ Công an, ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định trong Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) bao gồm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tệ nạn ma tuý; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma tuý; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma tuý. Dự thảo Luật dự kiến mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy.

Hiện Bộ Công an đang kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội đưa dự án Luật phòng, chống ma túy vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 của Quốc hội khóa XIV; dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2020) và xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2021).

Tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng

Theo Bộ Công an, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 được Quốc hội thông qua ngày 9/12/2000, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2001 và được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008 (gọi chung là Luật Phòng, chống ma túy), đã tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống ma túy, góp phần quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Trong những năm qua việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống ma túy, đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy đi vào nề nếp và có hiệu quả; nhận thức của cán bộ, công chức các cấp và đông đảo người dân trong xã hội về tác hại của ma túy và trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân được nâng lên; công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy đã có sự đổi mới về nội dung đa dạng về hình thức, huy động được sự tham gia của nhiều cấp, nhiều ngành, đông đảo quần chúng, nhiều mô hình tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy có hiệu quả được triển khai, nhân rộng; từng bước đổi mới công tác cai nghiện ma túy, tổ chức tốt cai nghiện và quản lý sau cai.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy đạt được nhiều kết quả tốt, nhiều tổ chức, đường dây tội phạm vận chuyển, mua bán ma túy lớn trong nước và xuyên quốc gia được phát hiện bắt giữ; thu giữ lượng ma túy rất lớn. Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án ma túy được thực hiện nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật, tổ chức được nhiều vụ xét xử lưu động, góp phần quan trọng trong giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm ma túy. Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc thực hiện công tác phòng, chống ma túy.

Những kết quả triển khai Luật Phòng chống ma túy nêu trên đã giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Việc ban hành và thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống ma túy đã thể hiện trách nhiệm quốc tế của Việt Nam trong thực thi các Công ước quốc tế về phòng, chống ma túy cũng như các Nghị quyết liên quan của Liên Hợp Quốc.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thi hành, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã bộc lộ nhiều bất cập, như việc không thống nhất, đồng bộ với Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự, ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác này và đặt ra vấn đề cần sửa đổi Luật. Mặt khác, do sự phát triển nhanh và đa dạng của nền kinh tế, đời sống văn hóa – xã hội nên một số quan hệ xã hội mới liên quan đến phòng, chống ma túy đã xuất hiện nhưng chưa có quy định để điều chỉnh.

Đặc biệt, tình hình số người sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng gia tăng đặc biệt là sử dụng ma túy tổng hợp, hình thức sử dụng phong phú, đa dạng từ hút, hít sang tiêm chích, uống, ngậm (ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần).... . Tình hình sử dụng trái phép chất ma túy có xu hướng gia tăng đang diễn biến phức tạp, nhất là từ khi Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) có hiệu lực thi hành thì hành vi sử dụng trái phép chất ma túy không được coi là tội phạm, nhiều trường hợp gây ra tình trạng mất an ninh, trật tự ở nhiều nơi với nhiều vụ án, gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân, có những vụ đối tượng giết chính người thân của mình.

Trong khi đó, chưa có quy định của pháp luật về quản lý đối tượng này nên mặc dù thấy được tính chất nguy hiểm, hậu quả gây ra cho xã hội của các đối tượng này nhưng công tác quản lý đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy chưa được quan tâm một cách đúng mực dẫn đến hậu quả do những người sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội trong thời gian qua là vô cùng nghiêm trọng, gây bất an trong quần chúng nhân dân.

Bổ sung quy định khái niệm người sử dụng trái phép chất ma túy

Theo đó, dự thảo Luật Phòng, chống ma tuý mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh vể quy định cơ chế quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó, dự kiến sẽ quy định cụ thể về khái niệm người sử dụng ma túy, hình thức quản lý, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cộng đồng và gia đình trong quản lý người sử dụng ma túy.

Cụ thể, bổ sung quy định khái niệm người sử dụng trái phép chất ma túy: Người sử dụng trái phép chất ma túy là người bị bắt quả tang khi đang sử dụng trái phép chất ma túy, người có xét nghiệm dương tính với chất ma túy nhưng cơ quan Y tế không xác định được tình trạng nghiện.

Người sử dụng trái phép chất ma túy bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Quy định trách nhiệm của gia đình, lực lượng Công an cấp xã và các tổ chức đoàn thể địa phương trong giáo dục, quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy tại cộng đồng. Thời gian theo dõi người sử dụng trái phép chất ma túy trên địa bàn là 01 năm kể từ ngày phát hiện người đó sử dụng trái phép chất ma túy;

Người sử dụng trái phép chất ma túy phải đi xét nghiệm định kỳ theo yêu cầu của Công an cấp xã nơi người đó cư trú trong thời gian theo dõi, quản lý (6 tháng 1 lần); Người sử dụng trái phép chất ma túy được đưa ra khỏi danh sách thống kê nếu trong thời gian 1 năm kể từ ngày phát hiện người đó sử dụng trái phép ma túy mà không phát hiện thấy người đó sử dụng trái phép chất ma túy, tiến hành xét nghiệm ở cơ quan Y tế cấp xã không dương tính với ma túy...

Theo Bộ Công an, việc đưa ra biện pháp để quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy thì cả Nhà nước, người dân đều hưởng lợi; theo đó, tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn ma túy giảm, sức khỏe cộng đồng được nâng cao, các yếu tố làm suy thoái nòi giống không còn, an ninh, trật tự được bảo đảm, giảm ngân sách của Nhà nước trong phòng, chống ma túy, phòng ngừa tệ nạn ma túy.

Trong giai đoạn từ năm 2009 - 2018, trên phạm vi cả nước có 365.293 người sử dụng trái phép chất ma túy, trong số này có 56.122 người vi phạm pháp luật, phạm tội chiếm tỷ lệ 15,36%, có 5.337 người gây bất ổn về an ninh, trật tự trên địa bàn chiếm tỷ lệ 1,46%, có 27.655 người đang chấp hành án tại các trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ chiếm tỷ lệ 7,57%.
Top