Không phân biệt khám chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV

21/11/2018 14:02

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, để tránh kỳ thị những người nhiễm HIV điều trị ARV, hiện Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã hướng dẫn các cơ sở điều trị HIV/AIDS bình thường hóa khám chữa bệnh BHYT như các bệnh khác, không có sự phân biệt.

 Để giữ vững kết quả điều trị, người bệnh cần thiết phải tham gia BHYT đầy đủ. Ảnh: Thùy Chi

Nhiều bệnh nhân HIV/AIDS tự "kỳ thị" bản thân

Mặc dù Chính phủ đã có phương án chuyển dần nhiệm vụ điều trị bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS từ nguồn lực của các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của quỹ BHYT. Tuy nhiên, nguy cơ giảm số người điều trị ARV vẫn còn, bởi khi chuyển sang phương án này thì bệnh nhân HIV/AIDS sẽ phải tham gia BHYT thì mới được điều trị thuốc ARV. Trong khi đó, kinh tế người nhiễm HIV rất khó khăn và họ thường có xu hướng tự kỳ thị.

"Không phải bệnh nhân HIV/AIDS nào cũng sẵn sàng đăng ký làm thẻ BHYT để điều trị bệnh bằng ARV. Bởi nhiều trường hợp bệnh nhân họ sợ bị lộ danh tính và tự kỳ thị chính bản thân họ", TS. Nguyễn Hoàng Long nói.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, những người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gia hộ gia đình mà chỉ cần thông qua các Trung tâm hỗ trợ các cơ quan phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh, các cơ sở điều trị để lập danh sách, tổng hợp lại. Qua đó, hỗ trợ người nhiễm HIV làm thẻ BHYT, nhằm phấn đấu tất cả bệnh nhân HIV/AIDS đều có thẻ BHYT.

Nhằm giải quyết những lo ngại của bệnh nhân điều trị HIV/AIDS, Bộ Y tế đã triển khai Chỉ thị số 11 của Bộ về tránh kỳ thị, phân biệt đối xử ở các cơ sở y tế. Hiện 63 tỉnh, thành phố đang triển khai Chỉ thị này nên các vấn đề liên quan đến biểu hiện gây ra kỳ thị, bí mật thông tin của người bệnh, công tác điều trị chuyên môn và thanh toán… ngành Y tế đều giải thích để những người nhiễm HIV hoàn toàn yên tâm. Người nhiễm HIV sẽ khám chung luồng bệnh nhân với các bệnh nhân khác, không có sự tách biệt.

Thời gian tới, Cục Phòng chống HIV/AIDS sẽ tiếp tục tuyên truyền để người nhiễm HIV hiểu sự cần thiết của việc điều trị thuốc ARV qua Quỹ BHYT. Đồng thời, tiếp tục huy động các nguồn tài chính, trong đó có nguồn ngân sách của địa phương, nguồn dự án để hỗ trợ người nhiễm HIV.

Những người nhiễm HIV có điều kiện cần tham gia BHYT. Những người nhiễm còn khó khăn, chưa có điều kiện tham gia BHYT thì sẽ có sự hỗ trợ của địa phương. Theo đó, sẽ lập danh sách những người nhiễm HIV điều trị bằng phương pháp ARV mà chưa có thẻ BHYT gửi cho cơ quan bảo hiểm để thẩm định và có nguồn kinh phí hỗ trợ cho bệnh nhân.

Đối với người nhiễm HIV không có giấy tờ tùy thân, hộ khẩu đã được giải quyết trong Thông tư 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế thông qua hình thức phát hành thẻ bảo hiểm y tế có ảnh.

Đặt mục tiêu của người bệnh lên hàng đầu

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược và Vật tư Y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) cho biết, việc bảo đảm quyền lợi cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT sẽ được thực hiện tốt nhất, cố gắng không bị gián đoạn việc điều trị khi chuyển từ nguồn điều trị từ viện trợ sang điều trị BHYT.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế, cam kết với Chính phủ sẽ mua thuốc tốt nhất, điều trị phù hợp nhất, bảo đảm những người nhiễm HIV tham gia BHYT yên tâm trong quá trình điều trị.

Ông Lê Văn Phúc nói: “Với mục tiêu điều trị tốt nhất cho người nhiễm HIV có thẻ BHYT, không vì mục tiêu thuốc giá rẻ hay quản lý quỹ mà phải đặt mục tiêu của người bệnh lên hàng đầu”.

Để quản lý thông tin bệnh nhân điều trị ARV, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng cơ sở dữ liệu bệnh nhân điều trị ARV phục vụ cho việc theo dõi thanh toán thuốc ARV nguồn BHYT và thiết lập hệ thống thông tin quản lý đến từng bệnh nhân tham gia điều trị ARV.

Theo số liệu thống kê từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, năm 2015, tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có thẻ BHYT chỉ đạt 30%. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 89% vào thời điểm này. Như vậy, vẫn còn 11% bệnh nhân HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT. Từ năm 2019, thuốc kháng ARV và chi phí xét nghiệm cho người nhiễm HIV sẽ không còn được cấp phát miễn phí, mà chuyển qua thanh toán thông qua BHYT, do các nguồn viện trợ bị cắt giảm. Vì vậy, để giữ vững kết quả điều trị, người bệnh cần thiết phải tham gia BHYT đầy đủ.
Top