Khó khăn trong công tác quản lý người nghiện ma túy đá

30/09/2015 17:28

Liên tiếp trong thời gian qua, nhiều vụ án nghiêm trọng xảy ra đều do đối tượng sử dụng ma túy “đá". Loại ma túy này gây tác hại kinh khủng bởi người sử dụng nó sẽ trở nên nguy hiểm vì không kiểm soát được hành vi của bản thân. Trong khi đó, công tác quản lý các đối tượng này lại đang gặp nhiều khó khăn.

Một đối tượng "ngáo đá" ra tay giết hại người thân

Hành vi “điên cuồng” từ ma túy đá

Cách đây không lâu, tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đã xảy ra vụ án đối tượng bị “ngáo đá” trong cơn cuồng loạn đã lao vào một gia đình, sau đó khống chế cháu bé 14 ngày tuổi khiến dư luận chưa hết bàng hoàng thì mới đây lại xảy ra vụ án man rợ hơn ở tỉnh Nam Định. Thủ phạm chính là người con trai trong gia đình, sau khi sử dụng loại ma túy gây ảo giác dẫn đến cơn “cuồng điên”. Chất kích thích “ma mị” ấy đã  khiến y ra tay sát hại chính bố mẹ đẻ.

Thảm án đau lòng ở Nam Định vẫn còn đang xôn xao dư luận thì tại Hải Phòng, vào sáng 15/9, người dân sống ở khu tập thể 5 tầng phường An Dương, quận Lê Chân, bị một phen hoảng loạn khi thấy một nam thanh niên luôn miệng la hét, trên người không mảnh vải che thân cầm dao đuổi theo người dân dọa chém vì y nghiện ma túy đá.

Trước đó, vào năm 2014, một MC không chuyên đã giết chết người yêu mình vì nghĩ người yêu bị “quỷ” ám, hay trường hợp xảy ra tại bệnh viện Xanh Pôn, người em trai cưa chân chị gái vì nghĩ chị mình là “ma”, là “yêu tinh”...

Theo các cơ quan an ninh, những người nghiện ma túy đá thường rơi vào trạng thái mất nhận thức, ảo giác hay “ngáo đá” và thời gian này sẽ kéo dài trong vài ngày. Do đó, đây là thời điểm các con nghiện gây lên những hành vi mất nhân tính, trở thành mối nguy hại cho cả cộng đồng.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Trung ương cho biết, triệu chứng của người nghiện ma túy đá chủ yếu là rơi vào trạng thái hoang tưởng. Nó không làm cho con nghiện vật vã như heroin nhưng một khi đã dính vào ma túy đá, con nghiện sẽ vô tình bị lệ thuộc. Đây chính là lý do rất nguy hiểm mà người sử dụng không nhận ra dẫn tới rất nhiều người sử dụng, lạm dụng và nghiện lúc nào không biết.

Hàng loạt vụ án giết người man rợ gần đây do những con nghiện ngáo đá gây khiến dư luận không khỏi hoang mang về sự nguy hại của ma túy đá cũng như về công tác quản lý những con nghiện ngoài cộng động.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có khoảng 72% người sử dụng ma túy đá từ 18-30 tuổi; 26% trên 30 tuổi; 2% dưới 18 tuổi. Số người nghiện ma túy đá đang tăng hàng năm. Nếu không có biện pháp quản lý thì những đối tượng này vẫn tung  hoành ngoài xã hội và có thể gây hại cho bất kỳ ai xung quanh.

Khó khăn trong quản lý người nghiện ma túy đá

Một vấn đề khiến ma túy đá trở nên khó kiểm soát là khó khăn trong công tác quản lý người sử dụng chất “ảo giác” này. Việc xác định những đối tượng này là người nghiện không dễ dàng, nên chưa thể đưa họ vào các cơ sở điều trị tập trung.

Theo các cơ quan an ninh, việc quản lý các đối tượng nghiện ma túy đá không hề đơn giản, bởi chủ yếu những người nghiện thường sống lang thang. Những người nghiện lại được xác định là người bệnh, cần điều trị và chỉ bắt giam khi vi phạm pháp luật hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng. Chính những tồn tại này đã gây khó khăn trong công tác quản lý, giáo dục,  tuyên truyền, vận động cai nghiện chữa bệnh. Trong khi đó, lại chưa đủ cơ chế để đưa họ đi cai nghiện bắt buộc theo quy định hiện hành.

Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết, theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 và Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA, người có thẩm quyền xác định tình trạng nghiện ma túy là bác sỹ hoặc y sỹ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh, có chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện do Sở Y tế tổ chức tập huấn. Tuy nhiên, thực tế, Bộ Y tế chưa tổ chức tập huấn hết cho số y bác sỹ này, nên việc kiểm tra ký xác nhận người nghiện rất khó khăn. Một số y, bác sỹ sợ trả thù không dám ký xác nhận người nghiện.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 2, Luật Phòng, Chống ma túy, người nghiện ma túy là người sử dụng chất ma tuý, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và bị lệ thuộc vào các chất này. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong việc quản lý người nghiện ma túy đá hiện nay là theo quy định của Bộ Luật hình sự sửa đổi đã bãi bỏ Luật xử lý hình sự đối với những người sử dụng trái phép chất ma túy.

Hiện, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, đang phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất giải pháp, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định tình trạng nghiện cũng như quản lý, điều trị người nghiện, đặc biệt là nghiện ma túy đá trong triển khai Nghị định số 221/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Giải pháp trước mắt để đẩy lùi tệ nạn ma túy, đặc biệt là tình trạng sử dụng ma túy đá, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng chức năng thì rất cần sự chung tay, vào cuộc của cộng đồng. Trong đó, việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho giới trẻ hiểu rõ tác hại do ma túy gây ra là điều tiên quyết.

Top