Kết quả ban đầu trong triển khai thí điểm Toà ma tuý tại Việt Nam

12/10/2018 15:51

Toà ma tuý được hy vọng là một giải pháp làm giảm tình trạng tái nghiện và phạm tội hình sự sau cai nghiện. Tuy nhiên, trong triển khai thí điểm mô hình này tại Việt Nam hiện nay còn đang vấp phải một số khó khăn, thách thức như: Do đây là mô hình mới nên nảy sinh tâm lý ngại thay đổi; thiếu nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ; dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy chưa đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với các nhóm đối tượng...

* Tập huấn về mô hình tòa ma túy

* Tòa ma túy - cách tiếp cận mới cho Việt Nam trong điều trị người nghiện ma túy

* Cơ sở nào áp dụng Toà ma tuý ở Việt Nam?

Vận hành và 10 thành tố cơ bản của Tòa ma túy

Chương trình Tòa ma túy được vận hành theo mô hình đặc biệt, ở đó, thẩm phán, công tố viên, luật sư bào chữa, cán bộ quản chế, cán bộ hành pháp, nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, cán bộ xã hội và cán bộ điều trị cùng làm việc với nhau để giúp đỡ những đối tượng phạm tội phi bạo lực (như tàng trữ ma túy bất hợp pháp, trộm cắp, lừa đảo) do tác động của việc lạm dụng ma túy để họ được điều trị, phục hồi và trở thành những công dân có ích.

Do có sự khác nhau về luật pháp và văn hóa giữa các bang ở Hoa Kỳ nên chính sách và thủ tục đối với các Tòa ma túy không thống nhất. Mặc dù vậy, tất cả các Tòa ma túy tại Hoa Kỳ đều hướng tới ba mục tiêu chính là: Giảm việc sử dụng ma túy, giảm tỷ lệ tái phạm và phục hồi chức năng xã hội của người tham gia.

Hầu hết các chương trình Tòa ma túy kéo dài từ 12 đến 18 tháng và được chia ra làm 4 giai đoạn, đó là: Ổn định ban đầu (60 ngày); ổn định về y tế (90 tuần); tái hoà nhập xã hội (120 ngày); tiếp tục chăm sóc (120 ngày).

Hình ảnh một phiên Toà ma tuý. Ảnh: NBC News

Ông Terrence Walton, Giám đốc điều hành Hiệp hội chuyên gia Toà ma tuý Hoa Kỳ (NADCP) cho biết, những người tham gia chương trình Toà ma tuý phải trải qua các cuộc kiểm tra ma túy thường quy hoặc ngẫu nhiên và thường xuyên tham gia các buổi xét xử tại Tòa để thẩm phán kiểm điểm lại quá trình tuân thủ điều trị của họ và có thể đưa ra các phán quyết tùy thuộc vào sự tiến bộ của người tham gia. Các phán quyết này do thẩm phán đưa ra trước tòa sau khi hội ý với các thành viên trong nhóm về từng trường hợp.

Nếu người tham gia thất bại trong chương trình của Tòa ma túy thì họ sẽ bị xét xử và có thể nhận hình phạt tù hoặc các hình phạt nghiêm khắc khác từ Tòa án hình sự.

Mỗi cá nhân có thể có kế hoạch điều trị khác nhau. Ngoài việc điều trị nghiện ma túy còn có chăm sóc sức khỏe tâm thần, tư vấn gia đình, tư vấn hướng nghiệp dạy nghề, hỗ trợ về giáo dục, nhà ở và chăm sóc y tế. Bên cạnh đó, người quản lý trường hợp hay cán bộ xã hội có thể hỗ trợ người tham gia tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, hỗ trợ tài chính hay các dịch vụ xã hội khác mà họ được hưởng theo quy định.

Năm 1997, Hiệp hội chuyên gia Tòa ma túy Hoa Kỳ (NADCP) đã xây dựng nên 10 thành tố quan trọng có thể được ứng dụng để cho phù hợp với các nhu cầu cụ thể của cộng đồng, đó là:

1. Cần có sự lồng ghép giữa dịch vụ điều trị nghiện với hệ thống xét xử của tòa án.

2. Kết hợp vai trò tố tụng của công tố viên, biện hộ của luật sư và tư vấn của tư vấn viên để có hình thức quản lý phù hợp đảm bảo an toàn cho cộng đồng nhưng đồng thời cũng bảo vệ các quyền lợi chính đáng của người tham gia chương trình.

3. Các đối tượng thuộc diện xét xử của Tòa ma túy cần sớm được xác định và và kịp thời đưa vào chương trình.

4. Tòa ma túy tạo điều kiện tiếp cận thường xuyên với các dịch vụ cai nghiện và phục hồi cho người nghiện ma túy cũng như các dịch vụ điều trị và phục hồi khác.

5. Thường xuyên xét nghiệm kiểm tra tình trạng không sử dụng các chất kích thích.

6. Tòa ma túy có chiến lược phối hợp để quản lý việc tuân thủ của đối tượng.

7. Phải thường xuyên tham gia các phiên xử ở Tòa ma túy.

8. Có biện pháp giám sát và đánh giá hiệu quả và kết quả đạt được của các mục tiêu chương trình đã đề ra.

9. Tiếp tục đào tạo nâng cao hiệu quả lập kế hoạch, triển khai và điều hành Tòa ma túy của các thành viên.

10. Xây dựng quan hệ đối tác giữa Tòa ma túy, các cơ quan hữu quan và các tổ chức tại cộng đồng để huy động sự hỗ trợ của địa phương và nâng cao hiệu quả chương trình.

Như vậy, phương thức vận hành và yêu cầu đối với một Tòa ma túy ở Hoa Kỳ là một chương trình được thiết kế khoa học nhằm phát huy tối đa các nỗ lực của người tham gia dựa trên sự giám sát chặt chẽ và tương tác toàn diện của các thiết chế công - tư trong cuộc chiến chống lại ma túy.

Tâm lý ngại thay đổi

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Cửu Đức, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ), trong triển khai thí điểm mô hình Toà ma tuý tại Việt Nam hiện nay còn đang vấp phải một số khó khăn, thách thức mà trước hết bởi đây là mô hình mới nên nảy sinh tâm lý ngại thay đổi. Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ như thẩm phán, cán bộ quản lý trường hợp, cán bộ quản chế…; dịch vụ điều trị, cai nghiện ma túy chưa đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với các nhóm đối tượng.

Ngoài ra, còn có khó khăn trong đào tạo, tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật liên quan; vẫn còn quan điểm khác nhau về cách xử lý đối với người nghiện ma túy cũng như kinh phí triển khai.

Ông Nguyễn Cửu Đức, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã (Văn phòng Chính phủ) trong buổi tập huấn về mô hình Toà ma tuý do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức tại Hà Nội, tháng 10/2018

Trong 5 năm qua, một số công việc liên quan đến mô hình này đã được triển khai tại Việt Nam, trong đó phải kể đến chuyến thăm cấp cao và khảo sát về Tòa ma túy và cai nghiện dựa vào cộng đồng tại Washington DC vào năm 2013 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (khi đó là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Chủ tịch UBQG phòng, chống AIDS, ma tuý và mại dâm).

Ngày 23/10/2015, Chánh án TANDTC đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-TANDTC về việc thành lập Ban chủ nhiệm và Tổ giúp việc thành lập đề án Tòa ma túy ở Việt Nam do Chánh án TANDTC là Chủ nhiệm Đề án, các thành viên gồm đại diện Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan liên quan của Chính phủ.

Tổ nghiên cứu đề án Tòa ma túy ở Việt Nam đã dự và tiến hành khảo sát Tòa ma túy tại Hoa Kỳ; tổ chức tọa đàm lấy ý kiến đối với dự thảo báo cáo tổng quan về sự cần thiết thành lập toà ma tuý ở Việt Nam (TANDTC, tháng 4/2017); hội thảo về Tiền xét xử (Bộ LĐTB&XH, tháng 6/2017); khảo sát, làm việc tại địa phương.

Trong chương trình công tác năm 2018 của Uỷ ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma tuý và mại dâm, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, TAND tối cao, UBND TP. Hà Nội, TPHCM khảo sát nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý và phối hợp với TAND xây dựng Đề án Toà ma tuý.

Qua đó, đã các định và khảo sát địa điểm dự kiến thí điểm Toà ma tuý tại Hà Nội, TPHCM. Cụ thể, tại Hà Nội là quận Nam Từ Liêm và Long Biên; tại TPHCM là quận Bình Thạnh và quận 4. Đồng thời, tiến hành tập huấn về mô hình Toà ma tuý cho các cán bộ tại Hà Nội, TPHCM.

Theo ông Nguyễn Cửu Đức, thông qua nhiều nghiên cứu và khảo sát cho thấy, khi áp dụng mô hình Toà ma tuý tại Việt Nam sẽ được gọi tên là “Chương trình hỗ trợ, tư vấn, chuyển gửi, điều trị, cai nghiện ma túy có sự tham gia của Tòa án”. Đây sẽ là một Chương trình tổng hợp kết hợp/kết nối giữa các giải pháp tư pháp, y tế, xã hội để hỗ trợ, giám sát người nghiện ma túy tuân thủ điều trị nhằm đạt được mục đích cao nhất là cai nghiện thành công, giảm tỷ lệ tái nghiện và tái phạm tội có liên quan đến ma túy.

Trong đó, đối tượng tham gia gồm: Đối tượng nghiện ma túy, đối tượng tiếp nhận theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và hiện tại không bị bắt buộc cai nghiện, có nguy cơ tái nghiện cao. Sau khi được cơ quan cảnh sát khu vực, cán bộ quản lý ca tư vấn, họ tự nguyện tham gia vào Chương trình và tuân thủ kế hoạch quản lý trường hợp đã đề ra với từng cá nhân.

Một cá nhân sẽ KHÔNG đủ điều kiện tham gia Chương trình nếu phạm tội nghiêm trọng bị truy tố hoặc phạm tội có bạo lực hoặc có tiền sử phạm tội gây bạo lực.

Chương trình được xác định nhiệm vụ là: Tiếp nhận, đánh giá tình trạng nghiện ma túy; lập kế hoạch điều trị; giáo dục và tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm; dạy nghề, tạo việc làm và giới thiệu, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ khác; tư vấn dự phòng tái nghiện; kết nối, chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ xã hội trong cộng đồng và xây dựng kế hoạch phục hồi.

Trước những thành công của mô hình Tòa ma túy ở Hoa Kỳ cũng như bối cảnh thực tiễn và cơ sở pháp lý tại Việt Nam, việc xây dựng mô hình Tòa ma túy ở nước ta có thể coi là rất cần thiết nhằm tạo ra những đột phá, mang lại hiệu quả thiết thực đối với công tác cai nghiện. Song với điều trị nghiện ma túy, không có giải pháp nào là hoàn hảo và tuyệt đối. Do vậy, việc thiết kế và vận hành Tòa ma túy trước tiên cần tập trung xóa bỏ sự phân biệt, kỳ thị của xã hội và phát huy nội lực của toàn hệ thống chính trị.

Top