Hành trình cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho người đồng tính

21/10/2014 16:37

Cuộc đấu tranh giành quyền lợi cho người đồng tính ở một số nơi trên thế giới đã gây những hiệu ứng trái ngược ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Không chỉ ở phương Tây, mà còn cả ở châu Mỹ Latinh, Trung Quốc… cũng đã làm thay đổi những phân biệt đối xử, kỳ thị với người đồng tính.

 

Quan hệ tình dục đồng tính bị coi là bất hợp pháp ở 78 quốc gia- Ảnh minh họa

Mới đây, Tòa án Tối cao của Mỹ đã ủng hộ hôn nhân đồng tính bằng việc từ chối đưa ra tòa 5 vụ hôn nhân đồng tính, tạo điều kiện cho những cặp đồng giới ở các lãnh thổ Irginia, Indiana, Utah, Oklahoma và Wisconsin được phép kết hôn.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại 5 quốc gia có những hành quyết “ghê rợn” cho những người đồng tính. Như ở Iran, xử phạt người đồng tính với hình thức treo cổ; Ả Rập Saudi (Ảrập Xêút) phạt ném đá cho đến chết...

Quan hệ tình dục đồng tính bị coi là bất hợp pháp ở 78 quốc gia và một số nước gần đây đã thông qua các đạo luật chống lại người đồng tính, làm cho cuộc sống của họ trở nên khó khăn hơn.

Những bước nhảy trong đấu tranh đòi quyền lợi

Bước nhảy vọt trong đấu tranh đòi quyền lợi của người đồng tính đã diễn ra với tốc độ “chóng mặt”. Trong thập niên 50 của thế kỷ trước, quan hệ tình dục đồng tính là bất hợp pháp gần như ở khắp mọi nơi. Tại Anh, theo lệnh Bộ trưởng Bộ Nội vụ - người tuyên bố “tiêu diệt” quan hệ đồng giới bằng cách bắt giam những người đàn ông đồng tính và đưa họ vào tù.

Ở Trung Quốc, vào thập niên 80, người đồng tính bị gom lại và đưa đến các trại lao động mà không cần xét xử. Tại thời điểm này, những người đồng tính trên toàn thế giới phải sống một cách lén lút và đầy sợ hãi.

Tuy nhiên, tính đến nay quan hệ tình dục đồng tính là hợp pháp ở ít nhất 113 quốc gia. Hôn nhân đồng tính hay kết hợp dân sự được ghi nhận ở vài chục nước khác. Trong hầu hết các phương Tây, việc kỳ thị người đồng tính đã không còn được xã hội chấp nhận.

Nhiều quốc gia và nhiều thành phố lớn bây giờ coi đồng tính là hợp pháp. Tại Mỹ Latinh thậm chí còn thoáng hơn với 74% dân số của Argentina và 60% người Brazil tin rằng, xã hội phải chấp nhận đồng tính luyến ái.

Người Thái cũng đã thoải mái hơn với những người chuyển giới so với xã hội phương Tây. Hiến pháp của Nam Phi thì đã ủng hộ người đồng tính một cách đáng kể. Giới thanh thiếu niên thường là những người đi đầu, mặc dù chỉ có 16% người Hàn Quốc hơn 50 tuổi nghĩ rằng, tình dục đồng giới nên được chấp nhận và có tới 71% người Hàn trong lứa tuổi từ 18 đến 29 chấp nhận điều này.

Mặc dù vậy, vẫn còn có những nơi trên thế giới được coi là không an toàn cho người đồng tính. Bị đánh đập ngoài vòng pháp luật và giết người phổ biến đến mức báo động ở phần lớn các châu Phi và một số các quốc gia Hồi giáo. Các băng nhóm Phi coi đồng tính nữ là đối tượng cần được “hiếp dâm sửa sai”.

Bên cạnh đó, một số nước đã tăng cường đàn áp, chẳng hạn như Nigeria và Uganda đã thông qua luật chống đồng tính hà khắc. Nga và một số nước khác đã cấm các hành vi quảng bá đồng tính luyến ái. Đây là một phần phản ứng với sự lây lan của quyền cho người đồng tính ở phương Tây.

Thế nhưng, nhờ có toàn cầu hóa, những người sống ở những nơi coi đồng tính luyến ái là một sự “ghê tởm” có thể nhìn thấy hình ảnh của cuộc diễu hành của những người đồng tính tại Sydney hoặc những người đàn ông kết hôn với nhau ở Massachusetts. Họ cho rằng, đây là một điều rất đáng kinh ngạc.

Các nước mới nổi ở châu Á và Mỹ Latinh thì cũng đã có cái nhìn thiện cảm hơn cho những người đồng tính khi họ trở nên giàu có hơn, cởi mở hơn và dân chủ hơn. Nhiều người hy vọng rằng, khi châu Phi và thế giới Ả Rập bắt kịp nhịp độ phát triển, họ cũng sẽ làm như vậy.

Quen thuộc tạo nên khoan dung

Tôn giáo là một rào cản đối với sự khoan dung. Tôn giáo càng có ảnh hưởng lớn trong xã hội thì sự “nhiệt tình” đối với cộng đồng người đồng tính càng ít. Tuy nhiên, điều này không phải là không thể vượt qua. Bằng chứng cho thấy, ngày nay nhiều quốc gia sùng đạo như Philippines, Mỹ đều đã trở nên thân thiện hơn với người đồng tính.

Đám cưới của người đồng tính- Ảnh minh họa

Điều gì có thể giúp sự khoan dung được truyền bá? Bài học lớn lao trong nửa thế kỷ qua, đó chính là bản thân những người đồng tính là nguồn lực chủ chốt. Nếu cộng đồng người đồng tính luôn chứng tỏ được bản thân trong cuộc sống, là người có  ích cho xã hội thì trong mắt mọi người họ sẽ trở nên bình thường như bao người khác.

Ngày nay, 75% người Mỹ cho biết, họ có những người bạn hoặc đồng nghiệp là người đồng tính, tăng từ 24% vào năm 1985. Điều này chứng tỏ ngày càng có nhiều người đồng tính công khai giới tính thật của mình. Tuy nhiên, sẽ rất khó để công khai giới tính ở một đất nước có những quy định khắt khe với những người đồng tính.

Đối với những người tin vào sự tiến bộ, rất khó để tin rằng lòng khoan dung sẽ không lan rộng. Suy cho cùng, những người đồng tính không đòi hỏi được quan tâm và chăm sóc đặc biệt. Điều họ cần là quyền tự do, không bị phân biệt đối xử, kỳ thị, được yêu người họ có tình cảm và được sống, kết hôn với người mà họ yêu thương.
Top