Hàng nghìn nạn nhân bị mua bán mỗi năm: Họ là ai?

08/10/2018 08:28

Từ năm 2011-2015, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Ngành Lao động–Thương binh và Xã hội các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 2.213 nạn nhân bị mua bán có nhu cầu trở về hòa nhập cộng đồng. Các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho nhiều nạn nhân là: Quảng Ninh 468 nạn nhân; Lào Cai 454 nạn nhân; Hà Giang 413 nạn nhân; Lai Châu 358 nạn nhân.

Giai đoạn 2016-2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, trên 50% số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ dịch vụ liên quan như: Trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho nạn nhân vay vốn với lãi suất thấp, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

96,92% nạn nhân là phụ nữ

Kết quả tổng điều tra, rà soát toàn quốc về nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác theo Kế hoạch số 279/KH-BCA-BLĐTBXH của Bộ Công an và Bộ Lao động–Thương binh và Xã hội, từ ngày 16/11/2014 đến ngày 15/5/2016, toàn quốc có 2.596 trường hợp (trong đó có 1.162 nạn nhân bị mua bán, 1.434 người nghi bị mua bán và 26 người chưa thành niên đi cùng nạn nhân bị mua bán trở về).

Nạn nhân mua bán người đa phần là phụ nữ thuộc các dân tộc thiểu số. Ảnh: Báo Thanh niên

Qua phân tích 2.596 trường hợp cho thấy: Nam giới là 80 người (3,08%), nữ giới 2.516 người (96,92%); dân tộc Kinh 501 người (19,3%), dân tộc khác 2.095 người (80,7%); về trình độ học vấn: Không biết chữ (37,25%), tiểu học, trung học cơ sở (56,82%), phổ thông trung học (5,47%), đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, học nghề (0,46%); về nghề nghiệp: Học sinh, sinh viên (6,86%), làm ruộng (71,46%), buôn bán (0,92%), nghề khác (20,76%); về hoàn cảnh kinh tế: Khá giả (0,27%), trung bình (15,83%), nghèo (83,90%); về tình trạng hôn nhân: Chưa lập gia đình (68,41%), đã lập gia đình (31,59%).

Phân tích 1.162 nạn nhân bị mua bán, dưới 18 tuổi chiếm 38%, từ 18 đến 30 tuổi chiếm 48,31%, trên 30 tuổi chiếm 13,69%; địa bàn bị mua bán: Trong nước 1,13%, ngoài nước 98,87%; mục đích bị mua bán: Cưỡng bức lao động 3,87%, bóc lột tình dục 35,37%, ép kết hôn 42,43%, mục đích khác 18,33%; hình thức nạn nhân trở về, tự trở về 40,39%, trao trả 28,17%, giải cứu 31,34%.

Từ kết quả tổng điều tra, rà soát nạn nhân bị mua bán và các đối tượng khác có liên quan cho thấy, nạn nhân đa số là nữ (chiếm gần 97%), độ tuổi thanh thiếu niên dưới 30 tuổi chiếm 86,31%; đa số chưa lập gia đình (chiếm tren 68%). Nạn nhân phần lớn có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, diện nghèo chiếm gần 84%, chủ yếu người dân làm ruộng hoặc không có nghề nghiệp (chiếm trên 71%), không biết chữ chiếm 37,2%; học sinh tiểu học, trung học cơ sở chiếm 56,8% nên thiếu hiểu biết xã hội và kỹ năng sống, nhẹ dạ cả tin. Một số nạn nhân do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội, lười lao động, thích ăn chơi đua đòi nên bị đối tượng phạm tội lừa bán.

Nhà nhân ái, Nhà tạm lánh: Những gia đình thứ hai

Hiện nay, tại các địa phương đang thực hiện nhiều hình thức hỗ trợ nạn nhân của nạn mua bán người. Hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp. Dịch vụ hỗ trợ chủ yếu là cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình.

Tại cộng đồng, nạn nhân mua bán người được hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

Tại Trung tâm, Nhà tạm lánh dành cho nạn nhân (thông qua dự án tại Lào Cai, Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, An Giang), các trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về được cung cấp nơi ăn nghỉ, tư vấn tâm lý xã hội và được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh theo nhu cầu và khả năng của đối tượng. Các nạn nhân được hưởng các dịch vụ này đạt tỷ lệ cao về hòa nhập cộng đồng.

Nhiều mô hình hỗ trợ nạn nhân ở các địa phương được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Ảnh tư liệu/PLXH

Tiêu biểu là mô hình Nhà nhân ái tại tỉnh Lào Cai. Mô hình được thành lập theo Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 5/5/2010 của UBND tỉnh Lào Cai. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội là đơn vị trực tiếp quản lý Nhà nhân ái, với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ Tổ chức Vòng tay Thái Bình.

Mô hình Nhà nhân ái tỉnh Lào Cai hỗ trợ nạn nhân theo 5 bước: Tiếp nhận ban đầu; hỗ trợ phục hồi; kết nối các dịch vụ chuẩn bị hòa nhập cộng đồng; đánh giá nhu cầu chuẩn bị chuyển tuyến; giám sát quá trình hòa nhập cộng đồng, chuyển giao và kết thúc. Thời gian nạn nhân lưu trú tại Nhà nhân ái là từ 12 tháng trở lên, đến khi học xong phổ thông, học nghề, có việc làm thì hồi gia.

Sau gần 9 năm triển khai hoạt động, Nhà nhân ái Lào Cai đã tiếp nhận và hỗ trợ cho hơn 200 nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng, gia đình an toàn. Trong đó, 100% được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế, được tư vấn giáo dục kỹ năng sống, được học hết văn hóa phỏ thông; 80% được học nghề, có việc làm ổn định; 70% đã xây dựng hạnh phúc gia đình, ổn định cuộc sống; nhiều em đã tự tin trở thành người truyền thông trực tiếp bằng tiếng dân tộc mình trước các phiên chợ vùng cao và tại các trường học.

Ngoài ra, còn có các hoạt động lồng ghép, phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng tại xã, phường, thị trấn như: Tổ chức các lớp dạy nghề cho phụ nữ, trẻ em thuộc diện hộ nghèo, hỗ trợ tạo việc làm để có mức thu nhập ổn định; hỗ trợ vay tín dụng, cấp phát học phí, học bổng gắn với các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về phòng, chống mua bán người.

Một kênh hỗ trợ quan trọng khác đã được triển khai thông qua các mô hình do các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật như: Mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt dộng mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng.

Các mô hình này đã được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. Sự thành công của các mô hình bước đầu đã giúp đỡ được những nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, thông qua việc sử dụng đồng vốn sinh kế hiệu quả, đem lại thu nhập ổn định cuộc sống, được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ hòa nhập cộng đồng bền vững./.

Top