HIV/AIDS luôn là vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng

30/11/2015 17:24

Hiện nay, HIV/AIDS vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở Việt Nam. Số lũy tích HIV dương tính tiếp tục tăng cao, 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thường xuyên, liên tục, suốt đời.

Mỗi năm có khoảng 12.000 người  được phát hiện nhiễm HIV mới và có tới  từ 2.000 đến 3.000 người  tử vong do HIV/AIDS. Nhóm người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cao như tiêm chích ma túy, sử dụng ma túy tổng hợp, mua bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới vẫn ở mức cao… Tất cả những điều trên tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch HIV/AIDS, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Khoảng 227.000 người nhiễm HIV cần được chăm sóc, điều trị thuốc kháng ARV - Ảnh minh họa
Trong khi đó, mức độ bao phủ của dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế do thiếu nguồn lực. Nguồn lực các chương trình can thiệp giảm tác hại như trao đổi bơm kim tiêm, chương trình bao cao su, chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, chương trình điều trị ARV đều chỉ đạt được xấp xỉ 50% các yêu cầu và chỉ tiêu đề ra.

Kinh phí cho công cuộc PC HIV/AIDS bị cắt giảm nghiêm trọng

Từ hơn 10 năm qua, 80% chi phí cho công tác phòng chống AIDS ở Việt Nam dựa vào viện trợ quốc tế. Nguồn tài trợ này đang kết thúc dần và chỉ còn tồn tại cho đến năm 2017. Bên cạnh đó ngân sách quốc gia dành cho công cuộc phòng chống AIDS cũng bị giảm dần gừ 245 tỷ đồng năm 2013 xuống còn 85 tỷ đồng 2014 và được nâng lên chút ít (120 tỷ đồng) vào năm 2015.

Trong khi đó, Chính phủ dự định trong tương lai chuyển chi trả cho điều trị từ bao cấp thông qua viện trợ quốc tế sang bảo hiểm y tế, thì cho đến nay, theo báo cáo của ngành y tế mới có khoảng 30% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế.

Năm 2016, phòng chống HIV/AIDS không còn được Chính phủ đưa vào là chương trình mục tiêu quốc gia nên không được ưu tiên đầu tư như những năm trước đây. Chính vì vậy, vấn đề nguồn đầu tư kinh phí đang trở thành vấn đề sống còn của công cuộc phòng chống AIDS ở nước ta hiện nay. Thiếu nguồn kinh phí chắc chắn toàn bộ các vấn đề về điều trị ARV, điều trị thay thế bằng Methadone, các chương trình can thiệp giảm tác hại sẽ bị ảnh hưởng. Dịch HIV/AIDS có nguy cơ bùng phát trở lại.

Những thành công bước đầu về phòng chống HIV/AIDS thời gian qua làm cho nhiều cấp uỷ Đảng và chính quyền có nhận thức là công tác phòng chống HIV/AIDS không còn cấp bách, không còn là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài nên đã lơ là việc lãnh đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng chống HIV/AIDS, khoán trắng công tác phòng chống HIV/AIDS cho ngành y tế, cho cơ quan thường trực phòng chống AIDS. Đặc biệt, trong thời gian hiện nay khi mà Đại hội Đảng các cấp đang diễn ra, tiến tới đại hội lần thứ XII của Đảng thì hàng loạt cán bộ từ trung ương đến tận cơ sở đã thay đổi những người mới, những người tuy rất trẻ, rất hăng hái nhiệt tình nhưng hầu như kiến thức về HIV/AIDS và kiến thức lãnh đạo công tác phòng chống AIDS chưa được trang bị, điều đó dễ dẫn đến ảnh hưởng đến công tác phòng chống AIDS.

Công tác truyền thông, giáo dục về HIV/AIDS chưa thường xuyên và chưa đủ sức tạo ra sự thay đổi hành vi. Mục tiêu của chiến lược quốc gia đến năm 2020 là làm cho 80% người dân từ 15 đến 49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS để người dân biết được những  nguy cơ lây nhiễm HIV và có thể tự ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Mục tiêu này khó đạt được vì công tác truyền thông chưa đến được với đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, chưa đến được với nhóm dân cư di biến động từ nông thôn ra thành thị, đến những vùng kinh tế mới, chưa đến với ngư dân đánh bắt xa bờ, đến với những người lái xe đường dài, người mua, bán dâm, những người quan hệ tình dục đồng giới…

Sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS vẫn là rào cản công cuộc phòng chống AIDS ở nước ta. Mặc dù đã có những bước tiến bộ trong việc làm giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS, nhưng cho đến nay người nhiễm và những người liên quan đến HIV/AIDS vẫn bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống thường nhật, trong công ăn, việc làm, trong học hành. Việc thực thi quyền con người của họ bị hạn chế, vì vậy đã làm giảm lòng tự tin, tự giác và tự lập của họ trong nhiều hoạt động của họ…

Vai trò của các tổ chức dựa vào cộng đồng trong phòng chống HIV/AIDS tuy có bước tiến so với trước đây nhưng vẫn còn những vướng mắc cần được tháo gỡ. Vướng mắc lớn nhất là tuy đã hoạt động tích cực hàng chục năm qua cho công tác phòng chống HIV/AIDS nhưng đến nay các tổ chức này vẫn chưa có tư cách pháp nhân để hoạt động. Họ thường hoạt động dựa trên sự bảo trợ của các tổ chức NGOs nên rất bị động, thiếu tính ổn định. Hoạt động phòng chống AIDS rất cần họ nhưng hàng năm khi lập kế hoạch hoạt động họ không được kết cấu công việc và kinh phí đi kèm. Hoạt động 10 năm qua họ chủ yếu dựa vào các dự án hỗ trợ quốc tế, hết dự án quốc tế, cũng hết hoạt động, các tổ chức này cũng tự giải thể…

 Hướng tới chấm dứt đại dịch vào năm 2030

Liên Hợp Quốc đã quyết tâm kết thúc đại dịch vào năm 2030 với mục tiêu “Ba không”. Mục tiêu đó bao gồm: Không còn người nhiễm HIV mới; không còn người chết do AIDS; và không còn sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS. Hàng loạt biện pháp cụ thể được đặt ra cho công cuộc phòng chống AIDS của loài người. Trong đó, sự cam kết chính trị của các chính phủ, những người đứng đầu các quốc gia, các nhà nước đóng vai trò quan trọng.

Bên cạnh đó, các biện pháp về chăm sóc, điều trị được tăng cường như việc điều trị sớm ngay từ khi phát hiện nhiễm HIV, làm giảm tải lượng virus là biện pháp hữu hiệu ngăn ngừa sự lan truyền HIV. Đặc biệt, Liên Hợp Quốc phấn đầu đến năm 2025 có nguồn tài chính 25 tỷ USD chi cho công cuộc phòng chống AIDS toàn cầu, trong đó một phần đáng kể dành hỗ trợ cho các nước nghèo ở châu Phi, dành cho việc phát triển vắc xin và thuốc điều trị.

Như vậy, ước tính để chấm dứt đại dịch, bình quân đầu người trên thế giới phải có được khoảng 4 USD/ một người/mộtnăm. Không có được nguồn kinh phí đó chúng ta không thể kết thúc đại dịch vào năm 2030 được. Để thực hiện mục tiêu chấm dứt đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030, Liên Hợp Quốc đưa ra mục tiêu 90-90-90, phấn đấu đến năm 2020 có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị thuốc ARV liên tục và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp và ổn định.

Tuy nhiên, theo ước tính Việt Nam mới phát hiện được khoảng 56% số người mới nhiễm HIV nên còn khá xa để đạt được mục tiêu 90-90-90 của UNAIDS. Vì vậy, cần ưu tiên các giải pháp: giám sát chủ động các ca bệnh; mở rộng mạng lưới xét nghiệm, phân cấp đến y tế cơ sở để những người có nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS dễ tiếp cận; tăng cường truyền thông, hiểu biết, giảm kỳ thị phân biệt đối xử;  mở rộng độ bao phủ dịch vụ điều trị, tăng nhanh số lượng bệnh nhân; chú trọng, theo dõi chặt chẽ chất lượng điều trị…Đồng thời, tiếp tục khống chế để dịch không tăng thông qua các biện pháp can thiệp giảm hại hiệu quả, tập trung vào các nhóm nguy cơ cao, địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS. 

Để đạt được mục tiêu 90 – 90- 90, công tác phòng chống HIV/AIDS phải được duy trì và tăng cường. Tiếp tục cam kết mạnh mẽ về chính trị, các nhà lãnh đạo các cấp phải nhập cuộc lãnh đạo công tác phòng chống AIDS;  Tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi, làm cho hành vi luôn luôn an toàn trong tất cả các hoạt động của nhân dân ta liên quan đến lây truyền HIV/AIDS; Truyền thông phòng chống AIDS cần hướng tới các nhóm đối tượng đích, những người sử dụng ma túy, những người mua, bán dâm, những người có quan hệ tình dục đồng giới, những người dân di biến động, thanh thiếu niên, đặc biệt là thanh thiếu niên ở vùng sâu, vùng dân tộc ít người…

Bên cạnh đó, tiếp tục làm giảm thiểu sự kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS bằng cách tăng cường việc hoàn thiện hệ thống pháp luật PC AIDS, tuyên truyền rộng rãi và tổ chức việc thực hiện các qui định pháp luật liên quan đến HIV/AIDS. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại, giáo dục đồng đẳng, tạo mọi điều kiện về tổ chức, về luật pháp, về kinh phí cho các tổ chức phòng chống AIDS dựa vào cộng đồng của người nhiễm HIV/AIDS, của các tôn giáo, của người sử dụng ma túy, của phụ nữ bán dâm được tham gia vào các hoạt động phòng chống HIV/AIDS. Về chăm sóc và điều trị, cần phấn đấu để tất cả người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc và điều trị bằng bảo hiểm y tế.

Nhằm chấm dứt đại dịch vào năm 2030, dù nguồn viện trợ quốc tế bị cắt giảm hoàn toàn, chính phủ phải huy động mọi nguồn lực để có được bình quân đầu người vào năm 2020 chí ít đạt 2 USD/người/năm, nghĩa là tổng đầu tư mỗi năm cho công cuộc phòng chống HIV/AIDS phải đạt được khoảng từ 180 đến 200 triệu USD.

Bằng nhiều biện pháp tổng hợp, với những kinh nghiệm và thành công đã đạt được trong những năm qua, chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch vào năm 2030.
Top