Giải quyết tình trạng thiếu hụt thuốc ARV trong bối cảnh dịch COVID

28/05/2021 10:00

(Chinhphu.vn) - Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu thuốc điều trị HIV, một phần do sự chậm trễ liên quan đến dịch COVID-19 trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, bệnh nhân HIV/AIDS thường nhận lượng thuốc dùng cho khoảng 3 tháng trong một lần cấp phát, tuy nhiên, do tình trạng thiếu hụt, thuốc điều trị hiện đang được chia theo định lượng và cấp phát cho bệnh nhân với số lượng ít hơn.

 * Bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị HIV/AIDS an toàn và hiệu quả

 TS Phan Thị Thu Hương,  Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Để làm rõ vấn đề này, phóng viên Trang Tiếng Chuông có buổi phóng vấn PGS. TS Phan Thị Thu Hương,  Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

Việt Nam đang gặp phải tình trạng thiếu hụt thuốc điều trị HIV, một phần do liên quan đến dịch COVID-19, làm chậm quá trình sản xuất và vận chuyển, xin bà chia sẻ nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu thuốc điều trị HIV?

PGS. TS Phan Thị Thu Hương: Năm 2021 cũng chính là năm thứ 21 bệnh nhân HIV/AIDS ở Việt Nam được dùng thuốc thuốc kháng HIV (thuốc ARV). Cả một chặng đường dài có những sự thay đổi, từ 2018 trở về trước, hầu hết người nhiễm HIV đều nhận thuốc từ các nguồn viện trợ quốc tế và một phần rất ít mua trong nước từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia. Đến nay, việc chuyển giao dần từ các nhà tài trợ cho các quốc gia tự chủ nên tại Việt Nam hiện đang được cung cấp từ 3 nguồn. Cụ thể, đó là nguồn từ quỹ bảo hiểm y tế, Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét viện trợ và ngân sách nhà nước thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số (2016 – 2020).

Trong số này thuốc ARV được cung cấp chủ yếu từ nguồn viện trợ, sau đến do Quỹ BHYT chi trả và một lượng nhỏ người bệnh từ ngân sách nhà nước. Quỹ BHYT bắt đầu chi trả thuốc ARV từ 8/3/2019. Đến hết tháng 12/2020, có trên 54.000 người nhiễm HIV sử dụng thuốc ARV do Quỹ BHYT chi trả trên tổng số 153.000 người nhiễm đang điều trị ARV trên toàn quốc.

Quỹ toàn cầu hiện là nhà tài trợ duy nhất thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV. Đặc biệt là thuốc ARV dạng dùng cho trẻ em thì chỉ có Quỹ Toàn cầu cung cấp do Việt Nam chưa có nhà cung ứng thuốc này.

Hiện nay, 153.000 người nhiễm đang điều trị từ 19 loại thuốc, trong đó có 16 loại thuốc do Ấn Độ sản xuất được cung ứng từ nguồn viện trợ của Quỹ Toàn cầu và mua bằng nguồn ngân sách của bảo hiểm y tế. Do tác động của dịch COVID - 19 bùng phát trong hơn 1 năm qua đã làm ảnh hưởng rất nặng nề ở Ấn Độ nên việc nhập thuốc có gặp khó khăn so với trước đây, thời gian nhập thuốc không đúng được theo kế hoạch. Việc này cũng khiến cho chúng ta bị thiếu thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV. Tác động nặng nề của dịch COVID - 19 dẫn đến chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất thuốc toàn cầu bị ảnh hưởng. Việc này dẫn đến một số thuốc ARV rất khó mua sắm hoặc cung ứng chậm so với kế hoạch.

Ngoài ra, việc chuyển đổi cơ chế mua sắm thuốc ARV từ nguồn viện trợ sang do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cũng làm ảnh hưởng. Đối với nguồn viện trợ, luôn có ngân sách và tồn kho thuốc bảo đảm cung ứng đủ trong năm kế hoạch và ít nhất 8-12 tháng tồn kho an toàn trong giai đoạn chờ phê duyệt kế hoạch năm sau. Lượng tồn kho an toàn này nhằm bảo đảm an ninh thuốc đề phòng các tình huống xấu dẫn đến thuốc không được cung ứng.

Tuy nhiên, đối với thuốc nguồn bảo hiểm y tế, cơ chế không cho phép được lập kế hoạch với lượng tồn kho gối đầu lớn được dự phòng năm sau. Việc thực hiện hợp đồng từng năm phải bảo đảm tối thiểu 80% kế hoạch mua sắm trong năm. Do đó, các cơ sở chỉ dự trù vừa đủ hoặc tồn kho 3 tháng gối sang năm sau. Theo quy định thì thuốc ARV mua nguồn bảo hiểm y tế phải về đến cơ sở điều trị trước ngày 1/1. Nếu thuốc nguồn bảo hiểm y tế không về trước thời điểm này thì nguy cơ thiếu thuốc sẽ rất lớn do lượng tồn kho gối đầu thấp. Đây là tình huống chúng ta đang gặp phải của năm nay (2021) khi một số thuốc ARV năm 2020 nguồn bảo hiểm y tế đã hết và thuốc ARV năm 2021 thì chưa mua sắm được.

Để giải quyết vấn đề, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đưa ra một số giải pháp như thay đổi chương trình, mục tiêu, thay thế sử dụng loại thuốc điều trị HIV mới, xin bà cho biết rõ hơn về những giải pháp này?

PGS. TS Phan Thị Thu Hương: Để đảm bảo người nhiễm HIV không bị gián đoạn điều trị thuốc ARV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã phải triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều biện pháp. Chúng tôi đã đàm phán với Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và Sốt rét điều chỉnh kinh phí viện trợ đối với thuốc ARV theo hướng tăng số lượng thuốc được Quỹ Toàn cầu viện trợ tập trung cho năm 2020 và quý 1/2021 đối với các khoản thuốc ARV mà Quỹ bảo hiểm y tế chưa mua được. Đồng thời, làm việc với bộ phận mua sắm của Quỹ Toàn cầu để đặt các đơn hàng thuốc ARV khẩn cấp cho Việt Nam.

Thứ hai là trình Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng thuốc ARV nguồn Chương trình mục tiêu y tế dân số giai đoạn 2016 - 2020 được sử dụng trong năm 2021 cho tất cả các trường hợp đang sử dụng thuốc ARV nguồn Quỹ bảo hiểm y tế nhưng hết thuốc do chưa thuốc bảo hiểm y tế chưa mua được.

Thứ ba là huy động tổng lực toàn bộ lượng tồn kho an toàn trong nước, điều phối thuốc ARV các nguồn, chuyển thuốc từ cơ sở này sang cơ sở khác thiếu hơn nhằm bảo đảm cơ sở có thuốc để cấp cho người bệnh.

Thứ tư là, tạm thời giảm thời gian cấp thuốc ARV cho bệnh nhân thay vì từ 3 tháng xuống còn dưới 1 tháng để bảo đảm người nhiễm HIV vẫn có thuốc để điều trị. Ngoài ra, Cục cũng liên tục làm việc với các đơn vị liên quan để thúc đẩy tháo gỡ các vướng mắc trong mua sắm thuốc ARV do Quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Hiện nay Lãnh đạo Bộ Y tế đang tháo gỡ các vướng mắc trong việc mua sắm các thuốc ARV hiện vẫn chưa được mua này.

Do tình trạng thiếu thuốc, tại một số địa phương đã sử dụng thuốc điều trị TLD thay cho TLE. Tuy nhiên có một số bệnh nhân lo lắng sẽ không được điều trị miễn phí lâu dài và phải chuyển đổi phác đồ điều trị đối với loại thuốc này, vậy Cục sẽ có giải pháp gì để người bệnh yên tâm điều trị?

PGS. TS Phan Thị Thu Hương: Hiện thuốc TLD đã thuộc danh sách thuốc được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho nên người nhiễm HIV/AIDS có thể yên tâm điều trị. Đây là thuốc ARV phác đồ điều trị tối ưu, hiệu quả điều trị tốt, ít tác dụng phụ, ít tương tác thuốc, thời gian đạt được tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế ngắn. Theo số liệu thống kê, hiện có trên 76.000 người đang sử dụng thuốc TLD trên toàn quốc. Thuốc TLD đang trong quá trình mua sắm. Do đó, người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế sẽ tiếp tục được sử dụng thuốc này từ nguồn bảo hiểm y tế khi hết thuốc từ nguồn viện trợ. Chúng tôi cũng đã có các văn bản hướng dẫn, tập huấn cho nhân viên y tế tư vấn cho người bệnh khi người bệnh được chuyển đổi sang sử dụng thuốc TLD. Đồng thời, thông qua Mạng lưới người sống với HIV tại Việt Nam (VNP ), nhóm cộng đồng tiếp nhận các phản ánh băn khoăn từ người bệnh để giải quyết kịp thời.

Xin bà cho biết những kế hoạch và giải pháp để bảo đảm nguồn thuốc điều trị HIV cho bệnh nhân HIV/AIDS trong thời gian tới?

PGS. TS Phan Thị Thu Hương: Để giảm thiểu nguy cơ dẫn đến tình trạng thiếu thuốc ARV như hiện nay, chúng tôi đang triển khai các biện pháp sau:

Một là, đã lập kế hoạch cung ứng thuốc ARV cho hai năm 2022, 2023.

Hai là, giải quyết dứt điểm các vướng mắc dẫn đến việc chậm trễ trong mua sắm thuốc ARV do Quỹ bảo hiểm y tế năm 2021. Cục Phòng, chống HIV/AIDS phối hợp với Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia và các đơn vị liên quan đang tích cực triển khai công tác đấu thầu, mua sắm thuốc ARV do Quỹ bảo hiểm y tế để sử dụng cho năm 2022, 2023.

Ba là, phối hợp với Quỹ toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét đặt các đơn hàng thuốc ARV thuộc giai đoạn 2021 – 2023 nhằm giảm thiểu tác động của dịch COVID-19 đối với chuỗi cung ứng thuốc ARV trên toàn cầu.

Bốn là, phối hợp với Quỹ Toàn cầu và Quỹ PEPFAR khuyến khích các công ty dược phẩm cung ứng thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV, đặc biệt là thuốc ARV dạng dùng trẻ em đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam nhằm tạo thị trường cung ứng thuốc ARV ổn định.

Việc triển khai hàng loạt nhiệm vụ này đòi hỏi sự quan tâm và tham gia ủng hộ của không chỉ các cơ quan quản lý chức năng, các tổ chức quốc tế về chuyên môn kỹ thuật và cả cộng đồng người nhiễm HIV/AIDS để bảo đảm việc cung ứng được an toàn và hiệu quả.

Xin trân trọng cảm ơn bà!
Top