Giải pháp nào ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới?

31/07/2015 12:16

Trong nhiều năm qua hoạt động mua bán vận chuyển trái phép các chất ma tuý từ khu vực “Tam giác vàng” qua các tỉnh Bắc Lào về Việt Nam tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp. Hoạt động này đã thành nguồn sống chính, mang lại thu nhập khổng lồ cho một số đối tượng.

Bộ đội Biên phòng dẫn giải các đối tượng buôn bán ma túy. Ảnh minh họa

Hình thành đường dây ma túy nội tộc ở vùng biên

Huyện Mộc Châu và Vân Hồ thuộc tỉnh Sơn La có đường biên giới dài hơn 40 km chạy dọc trên dãy núi Pha Luông, tiếp giáp với 12 bản của cụm Pa Háng – Huổi Hiềng thuộc huyện Sốp Bâu của tỉnh Hủa Phăn/Lào. Đoạn biên giới này có Cửa khẩu Quốc tế Lóng Sập và nhiều đường mòn lối mở qua lại biên giới. Dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, sống khép kín theo từng bản làng, dòng họ; có mối quan hệ dân tộc, thân tộc rất gắn bó từ lâu đời với nhau và với các bản người Mông trong nội địa và bên kia biên giới.

Địa bàn ngoại biên đối diện, trọng điểm các bản: Muống, Pưng, Huổi Hiềng, Pa Háng và Pa Khôm Pết, thuộc cụm Pa Háng – Huổi Hiềng/huyện Sốp Bâu/Hủa Phăn/Lào. Nhiều đối tượng người Mông kinh tế rất khá giả, đặc biệt là bản Muống, Huổi Hiềng. Từ việc lợi dụng quan hệ thân tộc, dân tộc, dòng họ giữa các bản người Mông ở hai biên giới và nội địa, các đối tượng phạm tội về ma túy đã hình thành nhiều đường dây mua bán vận chuyển trái phép ma túy từ các bản ngoại biên (tập trung các bản: Muống, Pưng, Huổi Hiềng, Pa Háng và Pa Khôm Pết) qua biên giới (đoạn biên giới từ Mốc 262 đến 268) vào các địa bàn thuộc các xã Chiềng Sơn, Chiềng Xuân và Tân Xuân, tập kết tại các bản Lũng Xá, Tà Dê/Lóng Luông/Vân Hồ và bản Cóc thuộc xã Đông Sang/Mộc Châu sau đó tiếp tục vận chuyển vào “tổng kho” thuộc xã Hang Kia, Pà Cò/Mai Châu của tỉnh Hòa Bình.

Theo Cục Phòng, chống tội phạm ma túy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, tại đây các đối tượng móc nối với đối tượng trong địa bàn nội địa để tiến hành mua bán vận chuyển tiêu thụ ở các địa bàn trong nước và phần lớn sang nước thứ ba. Để thực hiện hoạt động mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, các chủ đầu nậu đã thiết lập hoặc thuê đối tượng trong và ngoài địa bàn, hình thành các toán nhóm được trang bị vũ khí quân dụng (phố biến là súng AK, K54 và lựu đạn) lợi dụng địa hình trên rẫy núi Pha Luông vượt biên giới, xâm phạm biên giới, cấu kết với một số đối tượng ở khu vực biên giới và nội địa tiếp giáp để vận chuyển ma túy. Quá trình vận chuyển hoạt động mang tính chuyên nghiệp, manh động, liều lĩnh, sẵn sàng bắn trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện bắt giữ, gây rất nhiều khó khăn cho việc đấu tranh ngăn chặn và trực tiếp ảnh hưởng đến an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.

Trong những năm qua, các lực lượng phòng chống ma túy của Bộ đội biên phòng và Công an đã thực hiện nhiều phương án, kế hoạch (Điển hình là Kế hoạch 1048 năm 2011 của Cục PCTP ma túy/BĐBP và C47/Bộ Công an, Kế hoạch SH09 của UBND tỉnh Sơn La, Phương án 279 của Công an tỉnh Sơn La) thực hiện các biện pháp nghiệp vụ tích cực, xác lập đấu tranh hàng trăm chuyên án, vụ án; có thời điểm BĐBP đã sử dụng cả biện pháp vũ trang và chó nghiệp vụ đánh bắt tội phạm ma túy.

Kết quả mỗi năm đã phát hiện bắt giữ hàng trăm vụ, nhiều vụ thu giữ lượng ma túy rất lớn, số đối tượng phải thụ án chung thân, tử hình nhiều. Song tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến phức tạp, nhất là hoạt động vận chuyển trái phép ma túy có vũ trang qua biên giới không giảm mà có chiều hướng gia tăng, tính chất, quy mô nghiêm trọng.

Từ thực trạng trên cho thấy, việc sử dụng biện pháp trấn áp vũ trang chưa đủ mạnh để giải quyết được tận gốc vấn đề, nếu không có phương án cụ thể có thể gây đối đầu với một bộ phận quần chúng lạc hậu gây hậu quả chính trị xấu. Mặt khác, muốn áp dụng biện pháp mạnh trước hết phải kết hợp với các biện pháp nghiệp vụ và tuyên truyền vận động để được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân. Vì vậy, để đấu tranh ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang ở khu vực biên giới Mộc Châu, Vân Hồ cần một giải pháp tổng hợp và phải triển khai đồng bộ ở cả hai bên biên giới.

Cần một giải pháp tổng hợp

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1894/VPCP-NC ngày 07/10/2014 của Văn phòng Chính phủ) về việc chống tội phạm ma túy tại tỉnh Hòa Bình và tỉnh Sơn La; Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ đội Biên phòng xây dựng phương án đấu tranh ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới tỉnh Sơn La.

Tháng 11/2014, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã xây dựng Phương án số 3597, về việc đấu tranh ngăn chặn tội phạm vận chuyển ma túy có vũ trang trên khu vực biên giới (KVBG) tỉnh Sơn La, trình Bộ Quốc phòng phê duyệt thực hiện. Phương án tập trung thực hiện bốn nhóm giải pháp: Giải pháp về chính trị, kinh tế - xã hội; Giải pháp về hợp tác quốc tế và phối hợp với các lực lượng; Giải pháp về nghiệp vụ và Giải pháp vũ trang. Trong đó, lấy Giải pháp chính trị là cơ bản xuyên suốt, Giải pháp nghiệp vụ là mũi nhọn kết hợp biện pháp vũ trang khi cần thiết.

Sau hơn 06 tháng, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chủ trì xây dựng, in ấn 1.500 tờ rơi “Hãy nói không với ma túy” và 1.000 cuốn tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân cho nhân dân ở KVBG, cấp phát đến từng xã, bản, tiểu khu của 04 xã (Lóng Sập, Chiềng Khừa, Chiềng Sơn, Tân Xuân) để tuyên truyền phổ biến pháp luật, chuyên đề về quản lý bảo vệ biên giới ở KVBG cho cán bộ 04 xã và 55 bản được 82 buổi/2672 lượt người tham gia; vận động đưa 24 đối tượng đi cai nghiện tại Trung tâm cai nghiện của tỉnh. Đồng thời, vận động nhân dân giao nộp và thu giữ 294 khẩu súng tự chế các loại.

Thông qua tích cực, chủ động phối hợp với lực lượng công an, cũng như nước bạn Lào, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thu thập 70 nguồn tin có giá trị về hoạt động của các toán, nhóm vận chuyển ma túy trái phép có vũ trang từ các bản Muống, Pưng, Pa Khôm Pết thuộc cụm Pa Háng – Huổi Hiềng qua biên giới vào Việt Nam, phục vụ kịp thời cho tổ chức lực lượng mật phục đánh bắt và xua đuổi có hiệu quả.

Trên cơ sở công tác nghiệp vụ cơ bản, Bộ đội Biên phòng trực tiếp và phối hợp với lực lượng chức năng hai bên biên giới đấu tranh 43 chuyên án, vụ án, bắt giữ 68 đối tượng, thu giữ 233 bánh heroin, 6,431 kg heroin, 49.200 viên MTTH, 15 khẩu súng, 239 viên đạn, 01 quả lựu đạn, 18 xe máy, 21 ĐTDĐ, 53.820.000 VNĐ cùng nhiều tang vật có giá trị khác. Đối với giải pháp vũ trang, đã xác định 03 tuyến có 06 đường mà các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới; phát hiện 38 toán/274 đối tượng (từ Lào vào Việt Nam 20 toán/172 đối tượng; từ Việt Nam sang Lào 18 toán/102 đối tượng)…

Theo đánh giá chung của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hoạt động của các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ tỉnh Sơn La bước đầu đã được hạn chế, đối tượng không còn hoạt động manh động như trước, tần suất hoạt động của chúng có thời gian giảm (từ 50% đến 60% so với thời gian trước khi triển khai phương án).

Nhiều địa bàn trước đây được coi là "lãnh địa ma túy" bất khả xâm phạm như Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông/Vân Hồ), bản Muống, Huổi Hiềng (Sốp Bâu/Lào) thì sau khi triển khai vận động, tấn công chính trị đã có sự chuyển biến. Đặc biệt, các đối tượng "trùm ma túy" đã không manh động, công khai hoạt động như trước đây hoặc rời bỏ đi địa bàn khác để làm ăn sinh sống.

Tuy nhiên, do lực lượng Biên phòng và Công an tổ chức đánh mạnh khiến đối tượng chủ hàng ma túy ở ngoại biên thiệt hại lớn về người và ma túy (ước tính khoảng gần 03 triệu USD) và nhiều vũ khí quân dụng, nên trong thời gian tới chịu áp lực từ các chủ đầu nậu ma túy ở các tỉnh Bắc Lào, các đường dây, tổ chức tội phạm ma túy có vũ trang cảnh giác cao và có dấu hiệu thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động để đối phó với Bộ đội Biên phòng và các lực lượng chức năng.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Cảnh Hiền, Phó Tư lệnh BĐBP, Phương án 3597 có quy mô lớn và tương đối toàn diện, thể hiện sự quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong chiến lược Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ. Phương án cũng thể hiện tính sáng tạo và thể hiện tư tưởng kiên quyết tấn công tội phạm của lực lượng BĐBP. Để phát huy hiệu quả của PA 3597, Thiếu tướng đề nghị lực lượng tham gia thực hiện phương án cần tiếp tục bám sát thực tiễn, phối hợp nhịp nhàng với nhau trong chỉ đạo thực hiện để PA 3597 đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới.
Top