Giải mã ‘cứ điểm’ an toàn của tội phạm ma tuý ở biên giới

01/10/2018 16:16

Trước khi Bộ Công an triệt phá tụ điểm ma túy đặc biệt phức tạp tại Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông) thì các đối tượng người bản địa cùng các đối tượng trốn truy nã từ nơi khác đến đây tụ tập ẩn náu, cát cứ. Chúng đe dọa cán bộ cơ sở, lôi kéo người dân tham gia phạm tội, đào hầm cất giấu ma túy, chứa chấp các đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào sang, trang bị vũ khí cho tay chân cảnh giới và chống trả lực lượng chức năng…

Một nhóm vũ trang hoạt động trong đêm tại biên giới được bộ đội biên phòng ghi lại

Địa bàn đặc biệt phức tạp về vận chuyển ma tuý từ Lào

Trong nhiều năm qua, tỉnh Sơn La nói chung và huyện Mộc Châu và Vân Hồ nói riêng được xác định là địa bàn đặc biệt phức tạp về hoạt động vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam.

Lợi dụng địa hình rừng núi hiểm trở, độc đạo, các đối tượng tội phạm ma túy (TPMT) tăng cường móc nối với các đối tượng trong nước và đối tượng người Lào tổ chức các đường dây có vũ trang mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới, hoạt động manh động, sử dụng vũ khí chống trả khi bị truy bắt, gây thương vong cho các lực lượng chức năng. Ma túy chủ yếu là heroin và ma túy tổng hợp được vận chuyển từ khu vực “Tam giác vàng” qua Lào vào Việt Nam.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, ở ngoại biên, TPMT người Lào vận chuyển ma túy với số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” hoặc từ Bò Kẹo, U Đôm Xay về tập kết tại khu vực Sầm Nưa/tỉnh Hủa Phăn, từ đó vận chuyển tiếp đến các cụm bản sát biên giới để móc nối vận chuyển vào Việt Nam.

Một số bản giáp biên (bản Pưng, Muống, Huổi Hiềng/huyện Sốp Bâu) đã trở thành những điểm tập kết ma túy với số lượng lớn để vận chuyển qua biên giới. Tại đây, hệ thống chính trị cơ sở bị vô hiệu hóa, một số cán bộ bản trực tiếp tham gia mua bán, vận chuyển ma túy. Chúng tổ chức các toán từ 5-10 đối tượng, vận chuyển từ 40-80 bánh heroin vượt biên giới qua núi Pha Luông, cắt rừng vào bản Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ), hoặc sang Hang Kia, Pà Cò, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Các đối tượng đều được trang bị vũ khí quân dụng và sẵn sàng nổ súng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện.

Từ năm 2012-2017, mỗi tháng có từ 10-15 toán xâm nhập vào Việt Nam, do địa hình rừng núi Pha Luông rất hiểm trở, khó kiểm soát nên việc ngăn chặn, đấu tranh gặp nhiều khó khăn.

Căn cứ an toàn để ẩn náu, tập kết ma túy

Ở nội biên, địa bàn 4 xã biên giới (Chiềng Khừa, Lóng Sập, Chiềng Sơn, huyện Mộc Châu và Tân Xuân, huyện Vân Hồ) có nhiều bản người Mông với quan hệ dân tộc lâu đời với các bản Mông trong nội địa và bên kia biên giới. Nhìn chung đời sống kinh tế, văn hóa của nhân dân còn thấp, nhận thức hạn chế là điều kiện để TPMT lôi kéo.

Trên địa bàn hiện có hàng chục đối tượng quản lý nghiệp vụ, gần 700 người nghiện (chiếm 3,19 % dân số). Đây là “đội quân dự bị” bổ sung lực lượng cho TPMT. Một số đối tượng trực tiếp tham gia mua bán, vận chuyển ma túy từ ngoại biên vào nội địa hoặc theo dõi lực lượng chức năng để tiếp tay, giúp sức, dẫn đường cho các toán vận chuyển ma túy, gây khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh.

Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi, đối tượng cầm đầu ít khi bộc lộ mà thường dựa vào các quan hệ sẵn có giữa các dòng họ, anh em thân tộc trong nội địa và ngoại biên để tìm nguồn hàng và vận chuyển ma túy.

Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, trước khi Bộ Công an triệt phá tụ điểm ma túy đặc biệt phức tạp tại Lũng Xá, Tà Dê (xã Lóng Luông) thì các đối tượng TPMT người bản địa cùng các đối tượng trốn truy nã từ nơi khác đến đây tụ tập ẩn náu, cát cứ. Chúng đe dọa cán bộ cơ sở, lôi kéo người dân tham gia phạm tội, đào hầm cất giấu ma túy, chứa chấp các đối tượng vận chuyển ma túy từ Lào sang, trang bị vũ khí cho tay chân cảnh giới và chống trả lực lượng chức năng. Các toán nhóm TPMT người Lào coi đây là căn cứ an toàn để ẩn náu, tập kết ma túy nên khi tụ điểm này chưa bị triệt phá hoạt động vận chuyển ma túy có vũ trang qua biên giới rất manh động và phức tạp.

Từ năm 2012, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai nhiều kế hoạch, phương án đấu tranh với TPMT ở địa bàn này, điển hình là Kế hoạch 1048 và Phương án 3597. Đặc biệt, thực hiện Phương án 3597 từ 2014 đến 2016, BĐBP đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng hai bên biên giới tỉnh Sơn La đấu tranh 33 chuyên án, thu giữ 480 bánh heroin, 18,9 kg và 110.640 viên ma túy tổng hợp, 24 súng, 20 lựu đạn, triệt phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn từ ngoại biên vào khu vực biên giới.

Tuy đạt nhiều kết quả nhưng vẫn chưa tạo chuyển biến vững chắc, tần suất hoạt động của TPMT có vũ trang qua khu vực biên giới có giảm so với thời gian trước, nhưng vẫn tiềm ẩn phức tạp.

Trước tình hình phức tạp về TPMT, quán triệt chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chủ động xây dựng, triển khai thực hiện quyết liệt nhiều phương án, kế hoạch, chỉ thị để đấu tranh ngăn chặn hoạt động của TPMT; với chủ trương nắm chắc tình hình từ xa, từ ngoài biên giới, chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài nước, kiên quyết ngăn chặn, triệt phá các đường dây, tụ điểm ma túy phức tạp trên biên giới.

Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo BĐBP tỉnh Sơn La tham mưu cho chính quyền địa phương và phối hợp với lực lượng Công an Sơn La thực hiện Kế hoạch SH09, Phương án 279; chỉ đạo Cục phòng, chống ma túy và tội phạm xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch nghiệp vụ nắm tình hình, đấu tranh ngăn chặn ma túy, nhất là chủ động nắm tình hình TPMT địa bàn các tỉnh Bắc Lào, tập trung lực lượng, biện pháp ngăn chặn TPMT có vũ trang tại địa bàn huyện Mộc Châu, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La.

Đặc biệt, để tăng cường đấu tranh TPMT, nhất là TPMT có vũ trang tại địa bàn huyện Mộc Châu và Vân Hồ, tỉnh Sơn La, ngày 26/3/2018, Bộ Tư lệnh BĐBP đã xây dựng Kế hoạch số 892/KH-BTL đấu tranh ngăn chặn TPMT có vũ trang qua khu vực biên giới huyện Mộc Châu, Vân Hồ. Theo đó, các đơn vị có liên quan đã triển khai đồng bộ các biện pháp công tác biên phòng, từng bước hạn chế hoạt động vận chuyển ma túy từ “Tam giác vàng” về Hủa Phăn và các tụ điểm tập kết sát biên giới Việt Nam; công tác phối hợp với các lực lượng của Lào đấu tranh với các tổ chức TPMT ở ngoại biên đã đạt kết quả tích cực…

* Bài tiếp theo: 4 giải pháp ngăn chặn tội phạm ma tuý có vũ trang qua biên giới
Top