Giải mã cấu trúc bên trong virus HIV

31/05/2013 14:37

Các nhà khoa học Đại học Pittsburgh (Mỹ) lần đầu tiên giải mã thành công cấu trúc phức tạp của lớp vỏ protein (capsid) bên trong virus HIV.

Họ cũng tìm ra cách các thành phần của lớp vỏ này kết dính với nhau chính xác như thế nào ở cấp độ nguyên tử.

Virus HIV đang tẩu thoát khỏi 1 tế bào bạch cầu. Ảnh: SPL

Capsid là một lớp vỏ hình nón nằm bên trong màng phía ngoài của virus HIV. Cấu tạo của capsid bao gồm các tiểu đơn vị protein kết dính theo dạng lưới. Do cấu trúc trên khá lớn, lại không đối xứng và không đồng bộ nên các kỹ thuật trước đó nhằm giải mã cấu trúc này đã thất bại.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Pittsburgh đã tạo nên kỳ tích khi sử dụng những kỹ thuật quét ảnh tân tiến và một siêu máy tính để tính toán ra cách 1.300 protein kết nối với nhau như thế nào để hình thành lớp vỏ capsid hình nón. Chính các tương tác trọng yếu, mới được phát hiện giữa các phân tử đã giúp tạo nên sự kết dính và ổn định của lớp vỏ bảo vệ capsid.

Tiến sĩ Peijun Zhang, giáo sư chuyên ngành sinh học cấu trúc Đại học Pittsburgh, người đứng đầu nghiên cứu, nhấn mạnh: "Capsid vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của HIV trong cơ thể, vì vậy, hiểu rõ cấu trúc chi tiết của nó có thể giúp tạo ra được những dược phẩm mới, có khả năng chữa trị hoặc ngăn chặn lây nhiễm HIV".

Giáo sư Zhang giải thích thêm rằng, lớp vỏ capsid luôn phải duy trì trạng thái nguyên vẹn để bảo vệ bộ gen của HIV và đưa nó thâm nhập vào tế bào của con người. Dẫu vậy, một khi lọt vào được bên trong tế bào của con người, capsid sẽ phân chia để giải phóng các thành phần, giúp virus tái tạo. Các loại thuốc vô hiệu hóa capsid bằng cách ngăn chặn nó tổ hợp hoặc phân tách có thể ngăn chặn virus HIV gia tăng số lượng trong cơ thể bệnh nhân.

Bà Zhang cho rằng, công trình nghiên cứu của bà cùng các cộng sự mở ra triển vọng về một phương pháp chữa trị thay thế mạnh mẽ cho các liệu pháp điều trị HIV phổ biến hiện nay, vốn hoạt động nhờ tấn công những enzym nhất định.

Top