Đưa người nghiện ma túy đi cai bắt buộc- Sự thay đổi thẩm quyền quyết định từ biện pháp hành chính sang biện pháp tư pháp

02/05/2014 09:22

Việc chuyển quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh sang Tòa án nhân dân quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh là một bước chuyển cơ bản từ các quyết định mang tính thủ tục hành chính sang việc thụ lý xem xét và phán quyết của một cơ quan thực thi pháp luật.

Theo các Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính được ban hành trước đây gồm Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10, Pháp lệnh số 31/2007/PL-UBTVQH11 sửa đổi một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh số 04/2008/UBTVQH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì lâu nay thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy thuộc về UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh.

Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính được Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ 1/1/2014 thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy được chuyển sang Tòa án nhân dân cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh. Ý nghĩa và tầm quan trọng của sự thay đổi đó là gì?

Những thay đổi căn bản

Trước hết, có thể nhận thấy rằng việc chuyển quyền quyết định đưa người nghiện ma túy từ UBND cấp quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là UBND cấp huyện) sang Tòa án nhân dân quận, huyện và thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là TAND cấp huyện) là một bước chuyển cơ bản từ các quyết định mang tính thủ tục hành chính sang việc thụ lý xem xét và phán quyết của một cơ quan thực thi pháp luật.

Đây cũng là điều hết sức quan trọng, đã được nâng lên thành một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, từ nay hiệu lực các phán quyết của TAND cấp huyện sẽ mang tính pháp lý cao hơn so với quyết định hành chính trước đây của các UBND cùng cấp.

Hơn thế nữa, Luật Xử lý vi phạm hành chính còn quy định các biện pháp bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính được thực thi sau khi TAND cấp huyện đã có Quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc như quyền tạm giữ người; áp giải người vi phạm (trong những trường hợp thật cần thiết); giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính và truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn…

Mặt khác, với sự chuyển giao quyền đưa người nghiện đi cai bắt buộc từ UBND cấp huyện sang TAND cùng cấp, luật pháp nước ta đã nâng cao hơn việc bảo đảm quyền con người trong quá trình xem xét quyết định đưa hay không đưa một người nghiện ma túy vào cai nghiện tập trung bắt buộc thông qua các bước thụ lý hồ sơ và họp xét quyết định chính thức theo đề nghị của các cơ quan chức năng (ở đây là cơ quan Tư pháp, Công an và cơ quan Lao động –Thương binh và Xã hội cấp huyện).

Trong đó, vai trò và trách nhiệm của người Thẩm phán được Tòa án giao nghiệm vụ là hết sức quan trọng. Đây chính là sự bảo đảm của công lý và công bằng trong việc xử lý các vi phạm hành chính đối với hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử lý. Luật Xử lý vi phạm hành chính đã đề ra một trong những nguyên tắc khi xem xét, quyết định áp dụng  biện pháp xử lý vi phạm hành chính là phải được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật.

Một điểm mới khác rất quan trọng là trong quá trình Tòa án xem xét ra quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc là bản thân họ hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại quyết định của Tòa án trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Để đảm bảo quyền khiếu nại này được xem xét thì Pháp lệnh đã quy định quyền được xem xét theo hai cấp trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Điều đó có nghĩa là khi có khiếu nại (của người bị đề nghị xử lý hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên), có kiến nghị (của các cơ quan chức năng như Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội) hoặc kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp thì việc xem xét và quyết định sẽ do Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định hoặc được chuyển lên Tòa án cấp trên xem xét và ra quyết định cuối cùng. Đây là điều không được đặt ra trong quá trình xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính của các Pháp lệnh trước đây.

Ảnh minh họa

Bảo đảm sự khách quan, công bằng và đúng pháp luật

Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13, ban hành ngày 20/1/2014 về quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã đề ra một số quy định để bảo đảm quá trình ra quyết định của Tòa an là khách quan, công bằng và đúng quy định của pháp luật như ngay khi lập Hồ sơ ban đầu đề nghị xử lý hành chính ngoài bản tóm tắt lý lịch; tài liệu chứng minh tình trạng nghiện ma túy hiện tại của người nào đó; tài liệu chứng minh người đó đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn về hành vi nghiện ma túy còn đòi hỏi có bản tường trình của người vi phạm hoặc của người đại diện hợp pháp của họ và các tài liệu khác có liên quan.

Sau khi hoàn thành việc lập Hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cơ quan lập hồ sơ phải gửi cho Chủ tịch UBND cấp xã, nơi người bị đề nghị xử lý hành chính cư trú, đồng thời thông báo cho người bị áp dụng biện pháp xử lý hoặc nếu là người chưa thành niên thì thông báo cho cha mẹ hoặc người giám hộ về việc lập hồ sơ. Những người này có quyền đọc hồ sơ và ghi chép các nội dung cần thiết trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo. Sau khi nhận được thông báo thụ lý cho đến thời điểm Tòa án mở phiên họp xem xét, người bị đề nghị xử lý hành chính, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị có quyền cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ giải trrình bản thân họ không có lỗi cho Tòa án đã thụ lý. 

Là cơ quan thực thi pháp luật nên Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền con người, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Trước hết, cho phép người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trước Tòa. Trong phiên họp của Tòa án xem xét ra quyết định đưa người nghiện đi cai bắt buộc tại các cơ sở cai nghiện tập trung, thành phần được mời tham dự bao gồm ngoài Thẩm phán, người điều hành phiên họp và Thư ký phiên họp còn có có đại diện cơ quan đề nghị, Kiểm sát viên của Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Tòa án còn bảo đảm quyền của người bị đề nghị xử lý được giải trình trước Tòa, tranh luận với cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Như vậy, trong quả trình xem xét và quyết định việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý hành chính có trách nhiệm chứng minh hành vi vi phạm hành chính của người bị xem xét và cá nhân bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp chứng minh mình không vi phạm hành chính. Nếu một công dân nào đó không mắc lỗi về vi phạm pháp luật. Tòa án sẽ không có quyền ra quyết định xử lý và ngược lại nếu người đó có hành vi vi phạm pháp luật thì đương nhiên phải bị áp dụng một biện pháp xử lý hành chính tùy theo mức độ đã vi phạm.

 Với những quy định mới của Luật Xử lý vi phạm hành chính trên đây, có thể nói rằng một mặt, chúng ta đã từng bước tăng cường tính dân chủ và bảo đảm quyền con người khi xem xét một hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội mà không phải là tội phạm theo nguyên tắc việc ra các quyết định của Tòa án chỉ căn cứ vào các quy định của Pháp luật mà không chịu sự chỉ đạo hoặc sức ép của cá nhân, tổ chức nào. Mặt khác, những quy định mới trên đây thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào có những hành vi vi phạm pháp luật. Khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật và mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức không được can thiệp trái pháp luật vào việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án.

Những khó khăn khi áp dụng những quy định mới

Ngày 19/7/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 81/2013/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy là văn bản dưới Luật chúng ta đã có Pháp lệnh quy định trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, Nghị định hướng dẫn chi tiết việc thi hành Luật. Tuy nhiên, trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn đòi hỏi một số Thông tư hướng dẫn cụ thể của các Bộ, Ngành Trung ương có liên quan. Vì vậy tuy Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 và riêng các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định thì có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 nhưng chắc chắn trong thực tế việc thi hành Luật sẽ có nhiều lúng túng, khó khăn. Đối với Tòa án nhân dân cấp huyện, đây là công việc hoàn toàn mới nên cũng cần một thời gian thích hợp để làm quen và từng bước hoàn thành được trọng trách mới được giao.

Một vấn đề mang tính thực tế là lâu nay, kể cả người nghiện ma túy và bản thân gia đình, người thân của họ đều ít, thậm chí  là không muốn hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc giải quyết những hành vi vi phạm pháp luật của họ, đặc biệt đối với người nghiện ma túy. Vì vậy với các thủ tục thụ lý, xem xét và tiến hành phiên họp để quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời hạn từ 15 ngày đến 30 ngày (với vụ việc phức tạp) như luật định có thể dẫn tới tình trạnh trốn tránh của người nghiện không tới dự phiên họp của Tòa để nhận quyết định áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với họ hoặc họ đến nhận quyết định nhưng lại không chấp hành sự phán quyết của Tòa án. Với những người nghiện không có nơi cư trú ổn định, việc yêu cầu họ tham gia quá trình thụ lý và dự phiên họp xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính lại càng khó khăn, phức tạp.

Hy vọng rằng quá trình cải cách hoạt động tư pháp trên đây của chúng ta có ý nghĩa hết sức quan trọng, sớm phát huy tác dụng tích cực trong cuộc sống, góp phần đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho mọi người, cho mỗi gia đình cũng như an ninh, trật tự xã hội với tinh thần “Mọi công dân, tổ chức hãy sống và làm việc theo Pháp luật, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp!”.

Top