Điều trị ARV qua BHYT: Bảo đảm điều trị bền vững cho người nhiễm HIV

11/03/2019 16:37

Với việc nguồn thuốc viện trợ đang bị cắt giảm, nhiều người nhiễm HIV/AIDS vui mừng khi được nhận thuốc điều trị ARV thông qua nguồn mới là BHYT.

Điều trị ARV giúp đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện

Chị Đoàn Thị Khuyên - Trưởng nhóm Sống tích cực tại Hải Phòng - bắt đầu điều trị ARV từ năm 2006. Trước khi điều trị, tế bào CD4 (tế bào miễn dịch) của chị Khuyên được xét nghiệm là 180, sau khi điều trị tế bào CD4 của chị được nâng dần lên là 600, cách đây khoảng 3 tháng thì kết quả xét nghiệm cho thấy tải lượng virus của chị đạt dưới ngưỡng phát hiện. Điều trị ARV không chỉ giúp cho chị Khuyên cải thiện sức khỏe tốt hơn, mà còn giúp cho chị sinh được một em bé khỏe mạnh, an toàn.

 Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV. Ảnh: Trà My

“Nếu như không được điều trị ARV nữa thì người nhiễm HIV sẽ rất hoang mang, lo lắng. Điều trị ARV không chỉ giúp người bệnh, mà còn giúp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh lây nhiễm HIV ra cộng đồng”, chị Khuyên cho hay.

Giống như chị Khuyên, anh N.T.T, Hà Nội cho biết, điều trị ARV không những giúp anh cải thiện sức khỏe mà còn giúp anh cải thiện tinh thần. Việc được nhận thuốc điều trị ARV thông qua BHYT khiến anh rất vui, vì giảm bớt gánh nặng, chi phí. Nhờ có thuốc điều trị, anh đã được tái hòa nhập với cộng đồng và đã tìm được công việc phù hợp với mình.

HIV/AIDS là bệnh mạn tính, phải điều trị liên tục, suốt đời với chi phí lớn. Điều trị sớm và tuân thủ điều trị sẽ giúp người nhiễm HIV sống lâu, khỏe mạnh và ngăn ngừa khả năng lây nhiễm HIV ra cộng đồng. Chính vì vậy, việc BHYT chi trả tiền thuốc ARV cho người nhiễm HIV, các xét nghiệm phục vụ điều trị và các dịch vụ đặc thù theo phạm vi, mức hưởng của người tham gia BHYT là cứu cánh cho người nhiễm HIV/AIDS.

Chi phí thuốc ARV phác đồ bậc 1 khoảng hơn 4 triệu đồng/năm/người, phác đồ bậc 2 đắt gấp 7-8 lần, các chi phí khám bệnh, các xét nghiệm định kỳ và các dịch vụ đặc thù cũng khá cao. Người nhiễm HIV có xác suất mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội cao hơn người không nhiễm. Vì vậy, BHYT giúp người nhiễm HIV giảm gánh nặng tài chính cho chăm sóc sức khỏe, giúp họ bảo đảm việc điều trị liên tục và lâu dài.

Đến nay, việc tham gia và sử dụng BHYT của người nhiễm HIV đã đơn giản, thuận lợi hơn. Người nhiễm HIV không nhất thiết phải tham gian BHYT theo hộ gia đình, đã có giải pháp khắc phục tình trạng thiếu giấy tờ tùy thân, đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, chuyển tuyến, chuyển tiếp…

Người nhiễm nên nhanh chóng tham gia BHYT để bảo đảm việc điều trị

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, BHYT sẽ thay thế nguồn viện trợ trong chi trả phần lớn các chi phí trong khám, điều trị HIV/AIDS. Việc tham gia và sử dụng BHYT của người nhiễm HIV có những thay đổi theo hướng tích cực, thuận lợi và bảo mật. Vì vậy, người nhiễm HIV nên nhanh chóng tham gia BHYT để bảo đảm việc điều trị liên tục và lâu dài.

Trong giai đoạn đầu, nguồn thuốc ARV của Việt Nam chủ yếu tới từ quốc tế. Trước năm 2008 thì nguồn thuốc từ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFA). Sau đó phối hợp với PEPFA thì có Quỹ Toàn cầu và trong nước cũng có nguồn thuốc từ Chính phủ. Việc nguồn viện trợ từ các tổ chức bị bắt giảm, đồng nghĩa với việc nguồn thuốc bị cắt giảm đã được Chính phủ quan tâm và giải quyết theo từng giai đoạn, chính vì vậy từ 8/3/2019 đã có thêm nguồn thuốc từ BHYT. Việc này đã được ngành Y tế quyết liệt thực hiện trong hơn 3 năm qua để bảo đảm đến nay có thể đưa thuốc BHYT tới người bệnh.

Việt Nam là nước duy nhất huy động nguồn lực trong nước thông qua BHYT để chi trả cho các dịch vụ điều trị HIV/AIDS. Hiện nay, chưa có thống kê con số cụ thể bệnh nhân sử dụng bảo hiểm trong điều trị HIV/AIDS, bởi người bệnh không chỉ uống thuốc mà còn nhiều loại dịch vụ khác. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, mục tiêu của chính sách điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS thông qua nguồn bảo hiểm y tế vẫn đang được duy trì ổn định.

"Hiện tại, quỹ BHYT vẫn sử dụng nguồn từ đóng góp của Nhà nước, của người tham gia BHYT để sử dụng điều trị cho nhóm đối tượng này, cũng như những bệnh khác chưa có nguồn lực để sử dụng… Điều đó tất nhiên sẽ tăng gánh nặng cho quỹ bảo BHYT. Trong năm qua, quỹ BHYT cũng bị mất cân đối và phải dùng tới quỹ dự phòng để điều trị cho bệnh nhân. Như vậy, mỗi bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trong một năm sẽ sử dụng khoảng 6 triệu đồng. Hơn 100 nghìn bệnh nhân thì chúng ta cần hơn 600 tỷ đồng để điều trị cho nhóm đối tượng này", ông Lê Văn Phúc cho biết.

"Chính phủ đã có lộ trình để điều chỉnh mức đóng BHYT trong thời gian tới, có thể sau năm 2020 để bảo đảm điều trị cho nhiều nhóm bệnh nhân. Chúng ta cũng cần giải pháp để tăng thêm nguồn thu, bảo đảm đáp ứng điều trị cho người bệnh. Các nước khác từng có kinh nghiệm như tăng thuế từ rượu, bia hay thuốc lá để tăng nguồn BHYT", ông Lê Văn Phúc khẳng định.

Ông Daniel J. Kritenbrink, Đại sứ Hòa kỳ tại Việt Nam cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua PEPFAR và các đối tác Việt Nam đã cùng nhau nỗ lực trong suốt 15 năm qua nhằm ngăn chặn đại dịch HIV và kết quả đạt được đến nay là rất ấn tượng. Việc chuyển dần nguồn lực chi trả cho điều trị HIV sang quỹ BHYT là một chiến lược đúng đắn, thể hiện cam kết mãnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong quyết tâm chấm dứt đại dịch AIDS vào năm 2030. Từ nay, người nhiễm HIV tại Việt Nam có thể an tâm, tiếp tục duy trì điều trị HIV và sống khỏe ngay cả khi các nguồn lực quốc tế bị cắt giảm”.

Trên thế giới hiện nay rất ít các quốc gia có thể làm được việc sử dụng BHYT để chi trả cho dịch vụ điều trị HIV. Trong 15 nước có tỷ lệ lây nhiễm cao nằm trong chương trình PEPFAR hỗ trợ, Việt Nam là nước duy nhất và đi đầu trong việc sử dụng nguồn lực trong nước thông qua BHYT để hỗ trợ các dịch vụ điều trị HIV cho người dân. Có được điều này là nhờ có sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với công tác chăm sóc y tế nói chung và HIV nói riêng. Cụ thể, số người nhiễm HIV đang được điều trị ARV tham gia BHYT tăng từ 40% năm 2014 lên 89% cuối năm 2018, tăng hơn gấp đôi trong khoảng 4-5 năm trở lại đây.

Bênh cạnh đó, Việt Nam cũng đi đầu trong việc đạt được ức chế tải lượng virus với mức trên 93%. Đây là một kết quả ấn tượng bởi nếu người nhiễm HIV đạt được ngưỡng ức chế tải lượng virus thì không có khả năng lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.

Trong thời gian tới, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) sẽ phối hợp với các đối tác thuộc PEPFAR hỗ trợ địa phương tăng độ bao phủ và sử dụng BHYT cho người nhiễm HIV. Hy vọng với những nỗ lực đang thực hiện, Việt Nam sẽ là quốc gia điển hình về cung cấp dịch vụ bền vững bằng nguồn lực trong nước, đồng thời đạt được mục tiêu kiểm soát dịch HIV trong công tác phòng, chống AIDS.
Top