Điều chỉnh để dự phòng và điều trị nghiện cho trẻ em một cách tốt nhất

02/12/2019 10:50

Theo thống kê khảo sát của Tổng cục Thống kê có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi là 15-25 tuổi. Và trong bối cảnh các loại ma túy tổng hợp dạng Amphetamine (ATS) xuất hiện ngày càng nhiều cùng với sự lôi kéo của bọn xấu, nhiều em 13-14 tuổi đã nghiện ma túy.

Ảnh minh họa. Nguồn internet
Trước năm 2014, người nghiện chưa thành niên (từ 12 đến dưới 18 tuổi) thuộc diện cai nghiện bắt buộc nhưng không phải là biện pháp xử lý hành chính. Ở các tỉnh, thành phố, cơ sở cai nghiện bố trí khu vực riêng dành cho các em và thực hiện 1 chương trình cai nghiện riêng phù hợp với đặc thù lứa tuổi. Sau 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính không quy định cai nghiện "bắt buộc" cho lứa tuổi này nữa. Từ đây, cai nghiện cho các em chủ yếu là cai nghiện tự nguyện với các hình thức: Cai tại gia đình, cai tự nguyện trong các cơ sở cai nghiện của Nhà nước, cai tự nguyện tại các cơ sở tư nhân…, một số ít cai tại các trường giáo dưỡng khi các em là đối tượng vào các trường này.

Tuy nhiên, quy định mới tạo ra một khoảng trống, hiện tại có nhiều gia đình không thể tiếp tục đưa con em đi cai nghiện do điều kiện kinh tế một phần mà chủ yếu do các em chống đối, bất hợp tác. Không ít trường hợp, để có tiền dùng ma túy nhiều trẻ em đã lừa đảo gia đình, người thân, ra đường ăn cắp, ăn trộm, bỏ nhà đi lang thang, tụ tập cãi nhau, đánh lộn, sử dụng ma túy trước mặt anh em trong nhà, "phê, ngáo" tại chỗ… và bỏ trốn, thậm chí đe dọa (đánh, giết bố mẹ, đốt nhà…) mỗi khi được khuyên nhủ đi cai nghiện

Nếu không được cai nghiện sớm thì liều lượng ma túy sử dụng hàng ngày tăng lên, sự lệ thuộc thể chất và tâm lý, tính chất bệnh lý tâm thần, sự lệch chuẩn hành vi ngày càng trầm trọng, các bệnh khác từ ma túy ngày càng phát triển nặng nề… khiến cho việc cai nghiên phục hồi hết sức khó khăn.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH cho biết: Theo thông tin từ các địa phương, một trong những vấn đề tồn tại trong công tác cai nghiện hiện nay là số người dưới 18 sử dụng ma túy tổng hợp gây ảo thanh, ảo giác loạn thần hướng thần gây ảnh hưởng cuộc sống chung của bản thân gia đình người đó cũng như cộng đồng và xã hội.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, hiện nay giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính đang có những bất cập, chắc chắn phải sửa để điều chỉnh để quản lý tốt nhóm đối tượng này. Đồng thời có biện pháp điều trị cai nghiện tốt hơn để đảm bảo an toàn xã hội.

Cần một chương chương trình dự phòng cho thanh thiếu niên


Thời gian vừa qua, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông với sự tham gia của lực lượng hùng hậu các phương tiện thông tin đại chúng, với nhiều hình thức đa dạng khác (pano, áp phích, tờ rơi, sách mỏng, triển lãm, chiếu phim, mít tinh, thi tìm hiểu chính sách, pháp luật…). Đặc biệt có sự vào cuộc của các Bộ, ngành, chính quyền các cấp, tổ chức chính trị xã hội truyền thông cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên, người lao động, bà con vùng biên giới…

Có thể thấy, đối tượng cần được cung cấp các thông tin và kỹ năng để có thể dự phòng được những cám dỗ của môi trường xung quanh quan trọng nhất là đối tượng học sinh từ cấp 2 đến cấp 3. Tuy nhiên, tại Việt Nam, công tác phòng ngừa mới thiên về truyền thông và tư vấn về tác hại của ma túy. So với nhiều nước, cách tiếp cận, các nội dung về dự phòng còn chưa có chiều sâu với nhiều hoạt động đa dạng về một loạt hoạt động can thiệp như giáo dục kỹ năng sống cho thanh thiếu niên, biện pháp can thiệp tại gia đình, nhà trường, nơi làm việc, hệ thống dịch vụ dự phòng…

Chuẩn dự phòng nghiện ma túy trong học đường trên toàn cầu đã được thí điểm tại Hoa Kỳ và được coi là một trong những bằng chứng hiệu quả nhất trong việc dự phòng nghiện ma túy trên toàn thế giới. Theo đó Chương trình này bao gồm 4 nhóm chính.

Nhóm đầu tiên là chương trình cung cấp thông tin về ma túy, giả định rằng thông tin đó sẽ dẫn đến những thay đổi trong hành vi.

Nhóm thứ hai là chương trình giảng dạy về năng lực xã hội dựa trên niềm tin. Bao gồm dạy chung các kỹ năng quản lý cá nhân và kỹ năng xã hội, chẳng hạn như thiết lập mục tiêu, giải quyết vấn đề và ra quyết định, cũng như các kỹ năng nhận thức để đối phó phương tiện truyền thông và ảnh hưởng giữa các cá nhân, tăng cường lòng tự trọng, đối phó với căng thẳng và lo lắng, để tăng tính quyết đoán và tương tác với người khác.

Nhóm thứ ba là các chuẩn mực xã hội tiếp cận sử dụng các phương pháp giáo dục tiêu chuẩn và đào tạo kỹ năng đối phó với ma túy. Chúng bao gồm việc điều chỉnh việc sử dụng quá liều thanh thiếu niên và người lớn, nhận biết các tình huống nguy hiểm, tăng cường nhận thức về truyền thông, bạn bè và và gia đình, học tập và thực hành kỹ năng từ chối.

Nhóm kiến thức cuối cùng là các phương pháp kết hợp giữa kiến thức chung và kiến thức năng lực xã hội và ảnh hưởng xã hội.

Chương trình dự phòng nghiện ma túy trong học đường này chỉ nằm trong 1 phần của khoa học dự phòng về nghiện ma túy (ngoài ra còn có can thiệp dự phòng từ gia đình, xã hội và truyền thông), nhưng môi trường học đường là nơi dễ dàng cung cấp thông tin để dự phòng với nghiện ma túy nhất.

Ông John Hamilton, Giám đốc điều hành Mạng lưới các Chương trình Hồi phục cho biết, trong vòng 50 năm qua, Mỹ đã thay đổi dự phòng nghiện từ đơn thuần là các chiến thuật đe dọa, giáo dục và thông tin về may túy tới cách tiếp cận dựa theo khoa học bằng giáo dục cảm xúc, nhân rộng các mô hình….

Trước đây, Mỹ đã tốn khoảng 600 triệu USD cho chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy tới thanh thiếu niên nhưng các nghiên cứu sau đó cho thấy việc tuyên truyền này không những không có tác dụng mà còn làm tăng sự tò mò, quan tâm về ma túy của thanh thiếu niên.

Theo kết quả của một số nghiên cứu, trẻ em không kiểm soát được cảm xúc là những trẻ có nguy cơ sử dụng ma túy cao và trẻ bắt đầu sử dụng ma túy thường vì lý do cảm xúc. Vì vậy, không chỉ giáo dục đơn thuần về tác hại của ma túy mà còn cần đào tạo cho giáo viên để giải quyết các xung đột, dạy trẻ biết kiểm soát cảm xúc. Những phương pháp tiếp cận khoa học này đã được sử dụng và có tác dụng tích cực ở Australia, Canada, Anh…

Nghiên cứu còn cho thấy, các chương trình dự phòng không chỉ tránh việc lạm dụng các chất gây nghiện mà còn là một cách tiết kiệm chi phí. Ở Mỹ, mỗi 1 USD chi cho dự phòng lạm dụng chất gây nghiện tiết kiệm từ 2-20 USD nhu cầu cho các dịch vụ y tế và xã hội.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng chống ma túy đến năm 2020, theo đó, xây dựng và triển khai hoạt động “dự phòng nghiện” chính thức được đưa vào chương trình.

Dự phòng nghiện là chương trình lớn của phòng chống ma túy, là công việc khoa học, công phu, bài bản, cần có sự kết hợp giữa các nhà khoa học, các viện nghiên cứu, các trường đại học, người làm chính sách và người làm thực tiễn phòng chống ma túy, đồng thời, việc triển khai phải tiến hành từng bước, liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, trực tiếp tác động hàng triệu người, đến từng gia đình, học sinh và phụ huynh, thanh thiếu niên, nhà trường, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp…, với nhiều hoạt động rất đa dạng, đòi hỏi sự thống nhất nhận thức và vào cuộc của cả xã hội, có cơ chế, chính sách, bố trí nguồn lực quốc gia cần thiết để thực hiện.
Top