Để xã hội không bị ma túy ‘đánh úp’

22/09/2020 17:36

Hành vi sử dụng ma túy của một Hiệu phó phụ trách trường Tiểu học tại Bắc Kạn là hồi chuông cảnh tỉnh, khiến chúng ta tự đặt câu hỏi không biết tệ nạn ma tuý đã len lỏi tới những đâu, tiếp cận với những ai trong xã hội và liệu một lúc nào đó công chúng có tiếp tục bị bất ngờ, bị “đánh úp” bởi những thông tin, câu chuyện tương tự như thế này nữa hay không?

Phó Hiệu trưởng mở tiệc ma túy

Vào khoảng 22h ngày 17/9, Công an huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) bắt quả tang ông Dương Xuân Kiểm (SN 1968, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học và THCS xã An Thắng, huyện Pác Nặm, Bắc Kạn) có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ngay tại phòng làm việc.

Tại thời điểm kiểm tra, ngoài ông Kiểm còn 3 người khác cũng đang sử dụng ma túy gồm một giáo viên của Trường Tiểu học và THCS xã An Thắng và hai người địa phương.

Từ trước đến nay, đã từng có những vụ việc giáo viên bị bắt quả tang vì sử dụng ma túy, sự việc cũng gây chấn động dư luận xã hội. Tuy nhiên, việc Phó Hiệu trưởng cùng với giáo viên “mở tiệc” ma túy và sử dụng ngay trong phòng làm việc tại nhà trường thì đây là lần đầu tiên.

Về vấn đề này, theo Thiếu tá, Thạc sỹ Bùi Thị Liên, Tổ trưởng Tổ Tâm lý nghiệp vụ, Khoa Tâm lý, Học viện An ninh Nhân dân cho biết, sự việc vừa xảy ra thực sự khiến cá nhân bà cũng như nhiều đồng nghiệp công tác trong ngành giáo dục và cộng đồng cảm thấy “sốc”, phẫn nộ về hành vi nói trên. Đứng dưới góc nhìn đạo đức nghề nghiệp, hành vi này dĩ nhiên là một sự vi phạm nghiêm trọng và đáng bị lên án gay gắt. Về mặt pháp lý, sự việc có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật hình sự về sử dụng trái phép chất ma tuý. Còn dưới góc nhìn xã hội, hành vi trên còn là hồi chuông cảnh tỉnh, khiến chúng ta tự đặt câu hỏi không biết tệ nạn ma tuý đã len lỏi tới những đâu, tiếp cận với những ai trong xã hội và liệu một lúc nào đó công chúng có tiếp tục bị bất ngờ, bị “đánh úp” bởi những thông tin, câu chuyện tương tự như thế này nữa hay không? Với một người làm thầy giáo, lãnh đạo dạy bảo, đào tạo trưởng thành biết bao nhiêu thế hệ học trò lại không làm gương mà còn có những hành vi đi ngược lại các giá trị đạo đức, pháp luật và xã hội như vậy cần lên án mạnh mẽ và loại bỏ các hiện tượng tương tự trong xã hội.

Vì sao có chức, có quyền, thành đạt mà vẫn sử dụng ma túy?

Theo Thiếu tá, Ths Bùi Thị Liên, việc một người sử dụng ma tuý và nghiện ma tuý xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan cũng như chủ quan. Phần lớn các nguyên nhân đến từ phía cá nhân người nghiện, như: do sự suy thoái, trượt dài trong lối sống, sự thiếu rèn luyện về nhân cách, bản lĩnh cá nhân. Bên cạnh đó, một phần xuất phát từ hoàn cảnh, môi trường sống, những vấp váp, bi kịch cuộc đời hoặc do người khác rủ rê, lôi kéo, kích động.

Thiếu tá, Ths. Bùi Thị Liên. Ảnh NVCC

Với một cán bộ công chức, ở đây lại là một người giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng phụ trách một môi trường giáo dục thuần tuý, đương nhiên ông Kiểm nắm rõ về nội quy, quy định đối với công chức nhà nước, hiểu rõ tác hại của việc sử dụng ma tuý cũng như hiểu việc tổ chức sử dụng ma tuý là trái quy định pháp luật. Do vậy, giải thích về nguyên nhân dẫn tới sự việc trên, tôi cho rằng yếu tố cá nhân vẫn là chủ yếu. Cụ thể ở đây là do vấn đề suy thoái trong nhân cách, sự thiếu rèn luyện tư cách đạo đức cá nhân dẫn đến xu hướng lựa chọn hành vi, lối sống lệch lạc, sai lầm. Bản thân cá nhân bản lĩnh kém, không tránh được những cám dỗ, thích chơi bời hưởng thụ và thoả mãn những thú vui cá nhân bất chấp vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, pháp luật, xã hội.

Như trên đã nói, có muôn vàn lý do dẫn dắt một người đến với ma tuý. Thực tế, ma tuý cũng không trừ một ai trong xã hội, kể cả những người có địa vị, giàu có hay thành đạt. Có thể do người khác dụ dỗ, lôi kéo họ, nhưng cũng có một số trường hợp mà tự bản thân họ muốn như vậy. Đối với cá biệt một số người, khi họ cảm thấy việc giải trí bằng những trò tiêu khiển thông thường trở nên nhàm chán, thiếu cảm xúc thì họ muốn tìm đến những gì mới lạ, kích thích mạnh hơn và ma tuý là một lựa chọn. Đôi khi, chính sự giàu có, thành đạt là cái cớ khiến họ lựa chọn lối sống buông thả, nuông chiều bản thân bằng việc hưởng thụ và tạo ra khoái cảm với ma tuý, đồng thời thông qua việc sử dụng ma tuý để thể hiện độ “chịu chơi”, độ “ngông” của mình với những người xung quanh. Ngoài ra, chúng ta cũng không loại trừ sự ảnh hưởng tiêu cực từ phía những “nhóm bạn” hay “hội kín” ưa thích những bữa tiệc thác loạn với việc sử dụng ma tuý như là yêu cầu bắt buộc đối với những người tham gia.

Hệ lụy nhãn tiền

Thiếu tá, Ths Bùi Thị Liên cho rằng, hiện tượng này mang tính cá biệt tuy nhiên vẫn có thể gây ảnh hưởng nhất định đến một số mặt.

Trước tiên, ở phạm vi ngôi trường nơi vị Phó Hiệu trưởng công tác và ngành giáo dục, sự việc trên thực sự là một cú sốc có thể khiến cho cả những người làm quản lý cũng như phụ huynh và học sinh cảm thấy hoang mang, lo lắng. Về tâm lý, sự lan nhiễm cảm giác thất vọng, phẫn nộ xen lẫn hoài nghi có thể gia tăng trong cộng đồng bởi sự việc có lẽ không thể và không nên xảy ra ở một môi trường giáo dục vốn luôn tôn thờ sự chuẩn mực, tốt đẹp. Từ đó có thể dẫn tới giảm sút uy tín, gây mất niềm tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan và cán bộ công chức nhà nước.

Ngoài ra, hệ luỵ đối với các cơ quan quản lý là có thể thấy rõ: Bộc lộ điểm yếu trong công tác quản lý, kiểm soát hoạt động tại các cơ sở giáo dục; công tác quản lý cán bộ công chức; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và phát hiện vi phạm, ngăn ngừa suy thoái đạo đức, thoái hoá biến chất trong cán bộ, đảng viên.

Qua vụ việc này, cần hết sức cảnh giác trước sự xâm nhập, len lỏi âm thầm nhưng ngày càng mạnh mẽ của tệ nạn ma tuý trong các trường học và môi trường, lĩnh vực làm việc đa dạng khác. Sự cảnh tỉnh từ một trường hợp cho thấy, ở bất cứ nơi nào, với bất cứ ai, tệ nạn ma tuý có thể vẫn đang diễn ra. Cần tăng cường sự quản lý từ các cơ quan nhà nước và các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn ngừa từ mầm mống sự việc.

Để không bị ma túy ‘đánh úp’

Để phòng, chống ma túy nói chung và tránh những vụ việc tương tự, theo Thiếu tá, Ths Bùi Thị Liên, trước tiên cần làm tốt công tác tuyên truyền về tác hại của ma tuý, các quy định của pháp luật cũng như từng môi trường công tác có liên quan đến vấn đề này.

Thứ hai, cần đẩy mạnh sự quản lý của cấp trên và sự góp ý, đấu tranh của tập thể các đơn vị với những biểu hiện suy thoái, lệch lạc trong lối sống cũng như kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện yếu kém trong tu dưỡng rèn luyện đạo đức, thoái hoá về tư tưởng, phẩm chất, nhân cách.

Thứ ba, làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những dấu hiệu sớm của những hành vi lệch lạc, các biểu hiện bất thường ở những người đã hoặc có ý định sử dụng ma tuý trong môi trường công chức nhà nước.

Thứ tư, tạo môi trường làm việc thuận lợi, định hướng cán bộ, công chức tham gia các hoạt động tích cực, lành mạnh và đáp ứng các nhu cầu chính đáng của họ trong vui chơi, thể thao, giải trí; phòng ngừa các hành vi xấu, lệch lạc.

Thứ năm, có biện pháp can thiệp cá biệt với những cá nhân có biểu hiện nghiêm trọng, thậm chí xử lý về hình sự và nghiêm khắc kỷ luật về mặt hành chính nhằm răn đe, thanh lọc những thành phần xấu trong các môi trường làm việc.

Thứ sáu, đề cao các giá trị nhân văn, tránh việc quảng quá, tô vẽ cho lối sống vật chất, phù phiếm, hưởng thụ gây ảnh hưởng lệch lạc về  định hướng giá trị cho lớp trẻ hiện nay, tạo lá chắn phòng ngừa từ xa với các hiện tượng tiêu cực nêu trên.

 

Top