Đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt-Trung

07/03/2017 10:16

Tính đến cuối năm 2016, 7 tỉnh biên giới với Trung Quốc có khoảng 25.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Số lượng người nghiện tại các tỉnh trên tuyến Việt-Trung chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là số người nghiện của Trung Quốc quá lớn, sẽ tạo ra nguồn cầu về ma túy và là một trong những nguyên nhân làm phức tạp thêm tình hình trên tuyến này.

Ảnh minh họa

70% ma tuý được thẩm lậu từ Trung Quốc


Tuyến biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc bao gồm 7 tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Được xác định là một trong những tuyến trọng điểm phức tạp về ma túy.

Với đặc điểm địa hình phần lớn là đồi núi hiểm trở, đường biên giới dài 1.463 km giáp với 2 tỉnh Vân Nam, Quảng Tây của Trung Quốc, trên toàn tuyến biên giới này hiện có 4 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia, 14 cửa khẩu địa phương và hàng trăm đường tiểu ngạch, đường mòn dân sinh, sông suối qua lại dễ dàng. Dân số toàn tuyến là 4.740.052 người bao gồm các dân tộc: Kinh, Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Hà Nhì, Dáy, Lào Lự, Hoa, Kháng, Mảng, Tày, Cống, Xi Mun, Lô Lô, Si La, La Chí, Nùng, Mường, Phù Lá, Sán Chay…

Nhân dân ở hai bên biên giới có mối quan hệ gia đình, dòng tộc từ lâu đời nên việc đi lại, giao lưu, tiếp xúc, thăm nhân dân diễn ra thường xuyên. Đời sống đồng bào các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp nên dễ bị các đối tượng phạm tội dụ dỗ, lợi dụng lôi kéo tham gia vào các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, từ Việt Nam sang Trung Quốc tiêu thụ và ngược lại.

Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống ma túy trong những năm qua cho thấy ma túy chủ yếu là heroin từ Lào về Việt Nam qua các tỉnh Tây Bắc và Bắc Miền Trung được mua bán, vận chuyển lên các tỉnh biên giới phía bắc sang Trung Quốc tiêu thụ. Ngược lại, các loại ma túy tổng hợp với đa dạng chủng loại (ma túy đá, ma túy ngụy trang dưới dạng trà sữa, nước vui, đông trùng hạ thảo…) được mua bán, vận chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam qua địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng… rồi tiếp tục được vận chuyển đi qua các tỉnh thành trong cả nước tiêu thụ. Qua công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy cho thấy số ma túy tổng hợp từ Trung Quốc thẩm lậu vào Việt Nam chiếm khoảng 70% lượng ma túy tiêu thụ trong cả nước.

Phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt, mạnh động và liều lĩnh. Chúng triệt để khai thác sự thông thương tại các cửa khẩu cũng như việc qua lại thuận tiện giữa hai nước qua tuyến đường bộ, đường hàng không, thông qua các đường mòn, đường tiểu ngạch để vận chuyển ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Các đối tượng phạm tội ở Việt Nam cũng như người Việt sinh sống ở Trung Quốc tìm cách móc nối với các đối tượng phạm tội người Trung Quốc để hình thành các đường dây ma túy xuyên quốc gia. Chúng lợi dụng những người nghèo, người lao động phổ thông, không nghề nghiệp, cư trú vùng giáp biên giới để vận chuyển ma túy thuê. Nhiều đối tượng người Trung Quốc tìm cách thâm nhập sâu vào nội địa Việt Nam móc nối với đối tượng người Việt Nam để buôn bán, vận chuyển ma túy sang Trung Quốc tiêu thụ.

Mỗi năm, phía Trung Quốc bắt khoảng 30-40 người Việt Nam  mua bán, vận chuyển ma túy trái phép sang Trung Quốc. Ma túy được cất giấu trên phương tiện giao thông, giấu lẫn với các loại hàng hóa, hàng xuất, nhập khẩu qua biên giới chủ yếu bằng đường bộ đi theo các đường mòn, đường tàu hỏa, đường hàng không… Bên cạnh đó, các đối tượng còn lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất để vận chuyển ma túy qua Việt Nam đi đến nước thứ 3. Điển hình như năm 2008, C47 đã phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh bắt 5 đối tượng người Trung Quốc vận chuyển hơn 8 tấn nhựa cần sa được giấu trong các container quần áo bò vào cảng Hải Phòng để xuất khẩu đi Trung Quốc và Canada.

Tình trạng tái trồng cây thuốc phiện tại 7 tỉnh biên giới phía bắc vẫn diễn biến phức tạp. Mỗi năm các tỉnh đã phát hiện, phá nhổ khoảng 4-5 ha cây thuốc phiện được trồng chủ yếu ở huyện Mường Tè, huyện Phong Thổ, huyện Tân Uyên (tỉnh Lai Châu); huyện Mường Nhé, huyện Tuần Giáo, huyện Nậm Pồ, huyện Mường Ảng, huyện Mường Chà (tỉnh Điện Biên); huyện Nguyên Bình, Bảo Lâm, Phục Hòa (tỉnh Cao Bằng); huyện Đồng Văn, huyện Vị Xuyên, huyện Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang).

Tính đến cuối năm 2016, 7 tỉnh biên giới có khoảng 25.000 người nghiện có hồ sơ quản lý. Số lượng người nghiện tại các tỉnh trên tuyến chưa có xu hướng giảm, đặc biệt là số người nghiện của Trung Quốc quá lớn, sẽ tạo ra nguồn cầu về ma túy và là một trong những nguyên nhân làm phức tạp thêm tình hình trên tuyến này.

Vận chuyển heroin lên tới hàng trăm bánh

Từ năm 2012 đến nay, trên tuyến biên giới Việt-Trung xuất hiện nhiều đường dây mua bán ma túy lớn, liên tuyến, liên tỉnh và xuyên quốc gia. Ma túy được mua bán, vận chuyển với số lượng đặc biệt lớn (hàng trăm bánh heroine, hàng chục kg ma túy tổng hợp). Điển hình, ngày 26/7/2013, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Bộ Công an (C47) bắt Tráng A Tàng, thu 265 bánh heroine; ngày 25/7/2015, Cục C47 bắt Nguyễn Quốc Hùng, thu 490 bánh heroine; ngày 05/02/2015, Phòng PC47 – Công an tỉnh Cao Bằng phá chuyên án 115CB bắt Triệu Đức Hạnh ở Bắc Kạn thu giữ 156 bánh heroine; ngày 29/03/2014 tại trạm thu phí cầu Bãi Cháy, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, C47 phối hợp với PC47 – Công an tỉnh Quảng Ninh phá chuyên án 356T bắt quả tang Sình A Lâu, Sình A Minh trú tại Na Ư, Điện Biên và Bountkeut (quốc tịch Lào) vận chuyển 60 bánh heroine. Số heroine các đối tượng mua tại Mộc Châu, Sơn La vận chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ.

Trước tình hình tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt-Trung  phức tạp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cùng các lực lượng chức năng phối hợp với Cục Phòng chống ma túy Bộ Công an Trung Quốc, các tỉnh biên giới của hai nước hàng năm đều mở cao điểm tuyên truyền đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến, thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt-Trung đạt kết quả tốt. Bước đầu các đơn vị giữa hai nước đều có sự phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp đấu tranh với các chuyên án chung có công dân của hai nước tham gia mua bán, vận chuyển ma túy từ Việt Nam sang Trung Quốc và ngược lại.

Qua thông tin của Cảnh sát Trung Quốc trao đổi, tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy của Trung Quốc rất phức tạp, Trung Quốc là một trong những trung tâm sản xuất ma túy tổng hợp của thế giới. Tại các tỉnh của Trung Quốc  giáp với biên giới Việt Nam có hàng trăm các cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, có khu vực cả làng sản xuất ma túy tổng hợp (đã bị triệt xóa năm 2013).

Hiện tại, Trung Quốc có trên 3 triệu người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của công an. Công tác cai nghiện cũng chưa có hiệu quả cao. Mục đích của cai nghiện của Trung Quốc là phòng chống các đối tượng nghiện tự tử, có hành vi vi phạm pháp luật và lây lan sang người khác. Riêng tỉnh Quảng Đông có 600.000 người nghiện. Đây là tỉnh có nhiều cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, năm 2014 đã bắt trên 300 cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp, năm 2015 bắt trên 200 vụ sản xuất ma túy tổng hợp, năm 2016 bắt 195 vụ sản xuất ma túy tổng hợp. Qua công tác điều tra cơ bản của Cảnh sát tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc phát hiện có khoảng 6.000 đối tượng nghi liên quan sản xuất trái phép chất ma túy tổng hợp. Có những vụ, Cảnh sát Trung Quốc bắt, thu giữ hàng tấn ma túy tổng hợp.

Nguyên nhân do đồng bào dân tộc của các tỉnh có chung biên giới còn nghèo khó, việc mua bán ma túy với lợi nhuận lớn, số người nghiện của hai nước liên tục gia tăng. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân ở khu vực biên giới hai nước còn hạn chế. Cấp ủy chính quyền địa phương các tỉnh còn khó khăn, nên chưa có điều kiện đầu tư cho công tác phòng, chống ma túy. Công tác phối hợp của các lực lượng chức năng ở khu vực biên giới bước đầu có kết quả nhưng còn hạn chế, chưa tương xứng với tình hình do lực lượng mỏng, kinh phí phương tiện còn khó khăn… Lợi nhuận mua bán ma túy rất lớn nên các đối tượng phạm tội ma túy rất dễ lừa gạt, lôi kéo người dân tham gia mua bán, vận chuyển ma túy.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Tình hình tội phạm ma túy ở khu vực biên giới Việt-Trung sẽ còn diễn biến phức tạp. Từ năm 2015 đến nay, ma túy “đá” từ Trung Quốc vào Việt Nam với số lượng lớn, đã gây tác hại nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội. Các đối tượng  nghiện ma túy tổng hợp sau khi “phê thuốc, ngáo đá” không làm chủ được bản thân đã gây ra một số vụ án đặc biệt phức tạp, thảm sát nhiều người, gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Nếu các lực lượng chức năng không được tăng cường đấu tranh ngăn chặn để ma túy tổng hợp nhất là ma túy tổng hợp “dạng đá” từ Trung Quốc vận chuyển vào Việt Nam mỗi ngày hàng chục kg sẽ gia tăng người nghiện gây phức tạp về ANTT.

Từ đầu năm 2017 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an và các địa phương đã bắt giữ những vụ mua bán, vận chuyển ma túy tổng hợp rất lớn, như ngày 23/01/2017, Công an tỉnh Nam Định bắt 2 đối tượng thu 45 kg ma túy tổng hợp, 30 bánh heroine; ngày 20/02/2017, Cục C47 bắt 2 đối tượng, thu giữ 8 kg ma túy tổng hợp…

Để giải quyết tình hình phức tạp về tội phạm ma túy, các ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cần tăng cường lực lượng, kinh phí, phương tiện, phải thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân rõ hậu quả quả, tác hại của ma túy. Các lực lượng chức năng tăng cường lực lượng kiểm soát biên giới, tích cực đấu tranh ngăn chặn bằng được ma túy từ Lào vào Việt Nam đi Trung Quốc và ma túy tổng hợp từ Trung Quốc vào Việt Nam. Đài truyền hình, Đài tiếng nói Việt Nam, các cơ quan báo chí cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những kiến thức về pháp luật, để quần chúng nhân dân có nhận thức sâu sắc về tác hại ma túy, không để tội phạm ma túy mua chuộc, lôi kéo vào mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy; đồng thời, tích cực tham gia phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống ma túy nói riêng.

Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục CSĐTTP về ma tuý, Bộ Công an

Top