Có thể cai nghiện được MTTH và các loại ma túy mới?

04/03/2019 17:16

Hiện nay, có khoảng hàng trăm loại MTTH khác nhau và trên thế giới vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có sinh phẩm xét nghiệm xác định đối với phần lớn ma túy mới xuất hiện. Do vậy các giải pháp can thiệp lạm dụng MTTH hiện nay đang triển khai chủ yếu tập trung vào các hoạt động truyền thông, hỗ trợ người sử dụng ma túy tại cộng đồng, điều trị cho các trường hợp rối loạn tâm thần và thực thi pháp luật đối với các trường hợp mua bán trái phép.

Cai nghiện MTTH rất khó khăn

Vì vậy, để can thiệp cho các trường hợp rối loạn tâm thần Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn về chẩn đoán và điều trị các rối loạn tâm thần thường gặp do sử dụng MTTH dạng Amphetamine tại Quyết định số 3556/ỌĐ-BYT ngày 10/9/2014, trong đó 2 can thiệp chủ yếu được thực hiện gồm điều trị hội chứng cai bằng thuốc và tư vấn tâm lý và xã hội cho người nghiện.

Về cai nghiện, cai nghiện MTTH là rất khó khăn. Hiện nay chưa có phác đồ điều trị cho người nghiện MTTH. Giải pháp vẫn là điều trị triệu chứng là chủ yếu. Chẳng hạn khi người nghiện bị kích động thì bác sĩ cho dùng thuốc an thần. Khi người nghiện bị trầm cảm thì cho dùng thuốc chống trầm cảm. Còn khi bị loạn thần thì cho dùng thuốc trị tâm thần phân liệt.

Phân tích cụ thể hơn cho thấy, thị trường có nhiều dạng MTTH mới với nhiều thành phần, dạng bào chế cũng như nhiều tên gọi khác nhau. Thông thường các dạng bào chế gồm hỗn hợp nhiều chất khác nhau nên gây khó khăn cho việc xác định cụ thể thành phần, hàm lượng. Mặt khác, các đối tượng thường sử dụng nhiều loại chất khác nhau, dẫn tới bệnh cảnh lâm sàng đa dạng, pha trộn lẫn nhau.

Trong khi đó trạng thái cai các chất ma túy này là khá mờ nhạt, dẫn tới quan niệm sai lầm cho rằng sử dụng các chất ma túy mới là không gây nghiện giống như các chất dạng thuốc phiện.

Các đối tượng có thể lạm dụng một cách không thường xuyên, tuy nhiên hậu quả về mặt tâm thần như các triệu chứng loạn thần, trầm cảm, tự sát, kích động… là rất nặng nề cho bản thân đối tượng sử dụng cũng như gây nguy hiểm cho cộng đồng.

Theo Bộ Y tế, hiện chưa có một phương pháp cận lâm sàng nào giúp chẩn đoán xác định nghiện các chất ma túy mới này. Các phương pháp phát hiện các chất ma túy này hiện nay chủ yếu được xác định qua định tính nồng độ trong nước tiểu.

Mặc dù vậy, một kết quả dương tính với chất chỉ phản ánh đối tượng có thể đã sử dụng chất trong vài ngày gần đây, không có ý nghĩa khẳng định đối tượng nghiện chất ma túy.

Hơn nữa, số lượng các chất có thể phát hiện cũng là hữu hạn (ketamin, thuốc lắc, cần sa và opiate). Do vậy, việc xác định các rối loạn tâm thần do sử dụng các chất MTTH chủ yếu dựa vào biểu hiện lâm sàng cũng như từ lời khai của đối tượng sử dụng chất.

Trong khi đó, việc điều trị nghiện amphetamin và các chất dạng amphetamin hiện nay rất khó khăn. Bởi tuy sự lệ thuộc vào cơ thể ở nghiện Amphetamine không nặng nề như nghiện chất ma túy khác…) song việc tái nghiện vẫn rất phổ biến vì tác động tâm thần của thuốc rất mạnh và được củng cố sau mỗi lần sử dụng, do vậy gây ra hiện tượng “đói chất ma túy” thường diễn ra trong não người nghiện.

Để giúp người nghiện vượt qua hội chứng cai và duy trì chống tái nghiện cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị (hóa dược, liệu pháp tâm lý cá nhân, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm, liệu pháp lao động tái thích ứng tại cộng đồng…).

TS. Nicole Lee, Viện nghiên cứu quốc gia Australia về ma túy, Giám đốc Trung tâm Edge 360, Australia cho rằng, người sử dụng MTTH phần lớn sẽ sử dụng giảm dần sau một thời gian, có nhiều người ngừng sử dụng. Nhóm người sử dụng nhưng chưa lệ thuộc sẽ chưa có các rối loạn tâm thần, tuy nhiên cần thiết phải có những biện pháp can thiệp sớm để họ không chuyển sang giai đoạn sử dụng thường xuyên và lệ thuộc, và giúp giảm tác hại của việc sử dụng, phòng tránh trường hợp sử dụng quá liều, “ngáo đá” và sốc thuốc.

Tuy nhiên, do kỳ thị xã hội và quan điểm tiêu cực của truyền thông về người sử dụng MTTH nên phải mất trung bình từ 5 - 6 năm, thậm chí lâu hơn khi tình trạng đã trở nên nghiêm trọng thì họ mới tìm đến hỗ trợ và điều trị. Điều trị cho người sử dụng MTTH phức tạp hơn so với điều trị người sử dụng heroin do thời gian cắt cơn, phục hồi dài hơn. Tại Australia, người sử dụng sẽ thực hiện cắt cơn trong 10 - 14 ngày dưới hỗ trợ của y tế, sau đó hàng loạt các can thiệp về tâm lý và xã hội được cung cấp cho bệnh nhân bao gồm tư vấn cá nhân, trị liệu theo nhóm và hỗ trợ về nhà ở cũng như đào tạo nghề.

Có thể thấy, yếu tố tâm lý - xã hội đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phục hồi của người sử dụng MTTH, do đó rất cần sự quan tâm, tham gia và hỗ trợ tích cực từ gia đình, truyền thông và xã hội.

Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, việc can thiệp cho những người sử dụng MTTH tại Việt Nam là vấn đề mới, khó khăn và đặc biệt cần sự chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện chính sách để triển khai các hoạt động can thiệp; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai cho người sử dụng MTTH  bao gồm các mô hình phù hợp với từng đối tượng tại cơ sở điều trị nghiện thay thế và tại cộng đồng; đồng thời sẽ xây dựng cơ chế phối hợp và triển khai đào tạo, tập huấn điều trị nghiện MTTH một cách phù hợp.

Top