Cơ sở nào áp dụng Toà ma tuý ở Việt Nam?

10/10/2018 16:44

Tuy Tòa ma túy mới chỉ được nhắc đến ở Việt Nam trong thời gian gần đây và còn khá xa lạ cả với giới chuyên môn và học giả, song với những ưu điểm, Tòa ma túy có thể sẽ là chìa khóa thành công cho công tác cai nghiện ở Việt Nam hiện nay. Vậy cơ sở nào cho việc nghiên cứu thí điểm Tòa ma túy tại Việt Nam?

Ông Terrence Walton, Giám đốc điều hành Hiệp hội chuyên gia Toà ma tuý Hoa Kỳ tại buổi tập huấn mô hình toà ma tuý do Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐTB&XH) tổ chức tháng 10/2018

Mô hình thành công tại Mỹ

Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy (hay còn gọi là Toà ma tuý) được ra đời ở Miami, Florida, Hoa Kỳ vào năm 1989 để giải quyết vấn đề quá tải trong các nhà tù, nhưng quan trọng hơn cả là xử lý tận gốc nguyên nhân phạm tội do nghiện ma túy gây ra. Đây được coi là một bước tiến trong nền Tư pháp Hoa Kỳ.

Thay vì xét xử những người nghiện ma túy phạm tội phi bạo lực (tàng trữ ma túy bất hợp pháp, lừa đảo, trộm cắp...) tại Tòa hình sự thông thường, người phạm tội được Cơ quan tiền xét xử căn cứ trên các tiêu chí phân loại (phạm tội lần đầu, tội phạm ít nghiêm trọng, tiền sử nghiện ma túy...) để tham gia Chương trình Tòa ma túy (hướng dẫn, giám sát, hỗ trợ người nghiện điều trị nghiện ma túy) với sự tham gia của thẩm phán, cảnh sát, dịch vụ tư vấn điều trị nghiện, tư vấn tâm lý, giám sát cộng đồng để giảm tỉ lệ tái nghiện và tái phạm tội, bảo đảm tối đa quyền của người nghiện ma túy nhưng đồng thời có chế tài xử lý nghiêm khắc nếu họ không tuân thủ quyết định điều trị nghiện của Tòa ma túy.

Ông Terrence Walton, Giám đốc điều hành Hiệp hội chuyên gia Toà ma tuý Hoa Kỳ (NADCP) cho biết, vào giữa những năm 1980, việc sử dụng ma tuý ở Mỹ lan tràn do nạn dịch cocain. Điều này đã khiến tỷ lệ tội phạm ở Miami và các thành phố khác gia tăng chóng mặt, làm cho hệ thống tòa án và nhà tù ở các nơi này bị quá tải. Trong khi đó, việc chỉ áp dụng các biện pháp tư pháp hình sự truyền thống như: phạt giam, phạt tù hay quản thúc đã không còn hiệu quả và không thể phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa sử dụng ma túy và tội phạm.

Theo Hiệp hội chuyên gia Tòa ma túy Mỹ (NADCP), sau 2 năm hoàn thành quá trình điều trị thông qua Tòa ma túy, 75% đối tượng không bị tái phạm tội và việc giảm tội phạm có thể  kéo dài từ 3-14 năm sau điều trị. Tòa ma túy giảm tới trên 45% tỷ lệ tội phạm so với các lựa chọn tuyên án khác và tiết kiệm 3,36 USD cho mỗi 1 USD đầu tư vào Tòa ma túy do giảm các chi phí liên quan đến tội phạm; lợi ích mang lại đến 27 USD cho 1 USD đầu tư do giảm các chi phí liên quan tới xung đột và các chi phí y tế. Tòa ma túy giúp tiết kiệm từ 3 nghìn USD đến 13 nghìn USD cho mỗi trường hợp tham gia. Khi đó ở Hoa Kỳ, hàng năm có hơn 142 nghìn người là thành viên của Tòa ma túy nên lợi ích kinh tế không nhỏ.

Với những hiệu quả trên, Tòa ma túy phát triển ra toàn Hoa Kỳ, thành phong trào mang tính quốc gia và được đánh giá là “sáng kiến tư pháp có ý nghĩa nhất” tại Hoa Kỳ trong thế kỷ XX. Năm 2014, có 3.057 Tòa ma túy trên toàn nước Mỹ (tăng 24% so với 5 năm trước) và hơn 40 Tòa ma túy ở 23 quốc gia khác nhau như: Úc, Bỉ, Canada, Anh, Brazil, Chile, Costa Rica, Cộng hòa Dominica, Ireland, Jamaica, Mexico, Na Uy, Scotland...

Cơ sở thực tiễn và pháp lý

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện cả nước có trên 224.000 người nghiện ma túy có hồ sơ kiểm soát, tăng trên 2.000 người so với 2017. Trong đó, 67,5% đang sinh sống ngoài xã hội (gồm cả khoảng 50.000 đang điều trị thay thế), 13,5% trong các cơ sở cai nghiện, 19% trong trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục. Tỷ lệ vi phạm pháp luật trong thanh niên nghiện ma túy chiếm trên 50%, cao gấp hơn 100 lần so với nhóm thanh niên không nghiện ma túy. Gần 2/3 số thanh niên nghiện ma túy không có việc làm hoặc việc làm bấp bênh. 2.100 tỷ đồng là con số người nghiện chi cho sử dụng ma túy mỗi năm. 

Trong công tác cai nghiện, có hai hình thức cai nghiện tự nguyện tại gia đình-cộng đồng và cai nghiện bắt buộc tại cơ sở cai nghiện thì phương thức cai nghiện bắt buộc tại trung tâm tuy đã đạt được mục tiêu góp phần ổn định an ninh trật tự do cách ly được người nghiện với xã hội, nhưng thực tế chứng minh là không hiệu quả và theo mô hình quản lý hơn là điều trị tận gốc. Trong khi đó, tỷ lệ tái nghiện luôn ở mức cao, có nơi lên đến 90%.

Về những cơ sở pháp lý cho việc nghiên cứu thí điểm Toà hỗ trợ cai nghiện ma tuý ở Việt Nam, theo Tiến sĩ Nguyễn Cửu Đức, hàm Phó Vụ trưởng Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ thì trên cơ sở luật pháp, chúng ta đã có những tiền đề thuận lợi cho khả năng đưa Tòa ma túy vào áp dụng.

Trước hết, đó là việc quyền con người ngày càng được khẳng định và đề cao trong Hiến Pháp năm 2013. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 49 ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020; Luật Phòng chống ma túy sửa đổi bổ sung năm 2008 có quy định: Người nghiện ma túy được được điều trị và được tiếp nhận các biện pháp nhằm làm giảm những tác hại do sử dụng chất gây nghiện gây ra; Bộ luật Hình sự: Bỏ điều luật về tội sử dụng trái phép chất ma túy.

Ngoài ra, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã chuyển thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc từ UBND cấp huyện sang cho Tòa án nhân dân cùng cấp.

Luật tổ chức Toà án nhân dân và Thông tư số 01/2016/TT-CA ngày 21/1/2016 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao quy định việc tổ chức các toà chuyên trách tại Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương. 

Đặc biệt, Đề án đổi mới công tác cai nghiện đến năm 2020 của Chính phủ nhấn mạnh việc tăng dần điều trị nghiện tự nguyện, giảm dần điều trị nghiện bắt buộc. Điều trị nghiện bắt buộc chỉ áp dụng đối với người nghiện ma túy có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của TAND.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống ma túy đến năm 2020, đã giao Bộ Công an có trách nhiệm hỗ trợ thí điểm mô hình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy (Tòa ma túy) tại Việt Nam; Bộ LĐTB&XH nghiên cứu, triển khai mô hình trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội theo mô hình “Tiền xét xử”, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao xây dựng và triển khai thí điểm, từng bước nhân rộng mô hình Tòa hỗ trợ cai nghiện ma túy; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu, tổ chức thực hiện thí điểm mô hình “Tòa ma túy”.

Cũng trong chương trình công tác năm 2018 của Uỷ ban quốc gia phòng chống AIDS, ma tuý, mại dâm, Bộ LĐTB&XH được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an, TAND tối cao, UBND TP. Hà Nội, TPHCM khảo sát nghiên cứu, triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý và phối hợp với TAND xây dựng Đề án Toà ma tuý.

Theo ông Nguyễn Cửu Đức, với bối cảnh cấp bách trong nước, ưu điểm của Toà ma tuý trên thế giới và những văn bản pháp lý quan trọng trên đã tạo ra những cơ sở để nghiên cứu mô hình Toà ma tuý nhằm xây dựng một mô hình có chức năng, nhiệm vụ tương tự, phù hợp với điều kiện Việt Nam, góp phần nâng cao hiệu quả công tác qủa lý và điều trị nghiện ma tuý, giảm tỷ lệ tái phạm tội, đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của công dân theo tinh thần cải cách tư pháp.

* Bài tiếp: Kết quả bước đầu trong nghiên cứu thí điểm Toà ma tuý tại Việt Nam và những khó khăn, thách thức

Top