Chung tay giải quyết vấn đề ma túy thế giới

02/10/2019 10:57

Vấn đề ma tuý toàn cầu là trách nhiệm chung của các quốc gia, đòi hỏi phải cùng nhau hợp tác để giải quyết vấn đề ma tuý. Chủ trương, chính sách, pháp luật phòng, chống ma túy của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu; kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

 Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng các trưởng đoàn, Bộ trưởng các nước, đối tác dự Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia tại Hà Nội ngày 10/9/2019

Quan điểm phòng chống ma tuý của các nước trên thế giới

Sau hơn 50 năm thực hiện 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý, trước tình hình ma tuý còn diễn biến phức tạp, các nước Châu Âu (chủ yếu là Tây Bắc Âu), Nam Mỹ (Mexico, Brazil) và các tổ chức phi chính phủ cho rằng chính sách phòng, chống ma tuý toàn cầu hiện nay là “thất bại”, từ đó, kêu gọi thế giới thông qua chính sách tự do hoá ma tuý, hợp pháp hoá cần sa.

Hiện nay đã có một số nước hợp pháp hoá cần sa như: Canada, Uruguay, Jamaica… Các nước này cũng kêu gọi cần có sự thay đổi chuyển trọng tâm từ đấu tranh giảm cung (với mục đích loại trừ ma tuý) sang giảm cầu và coi con người là trọng tâm của chính sách kiểm soát ma tuý, từ đó kêu gọi giảm bớt hình phạt phi hình sự hoá), không xử lý người tàng trữ ma tuý với số lượng đủ để sử dụng cho cá nhân; đề nghị triển khai các biện pháp giảm hại, hợp pháp hoá việc sử dụng ma tuý nhẹ (như cần sa).

Với lập trường trên, các nước đã tích cực thúc đẩy việc đổi mới chính sách phòng, chống ma tuý toàn cầu cho phù hợp với những xu hướng mới thông qua các hội nghị, hội thảo và diễn đàn quốc tế. Việc đổi mới theo xu hướng này đang trái với các quy định và tinh thần của 3 Công ước quốc tế về phòng, chống ma tuý.

Trong khi đó, nhóm các nước khác đứng đầu là Nga, Trung Quốc, các nước Châu Á và một số nước châu Phi tiếp tục khẳng định tính chất nền tảng của 3 Công ước quốc tế, cho rằng Công ước cũng như các Tuyên bố Chính trị là phù hơp. Các quốc gia thành viên có thể căn cứ vào tình hình điều kiện của mình để vận dụng các quy định một cách linh hoạt cho phù hợp, đồng thời yêu cầu mọi đổi mới cần nằm trong khuôn khổ 3 Công ước và các Tuyên bố Chính trị trước đây.

Nhóm các nước đồng quan điểm (Nga, Trung Quốc, Pakistan, Ai Cập, Nigeria, Iran, ASEAN…) nhấn mạnh vai trò của 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma tuý, tính chất bổ sung và tương hỗ lẫn nhau của 3 văn kiện Tuyên bố chính trị 2009, Tuyên bố Bộ trưởng 2014 và văn kiện UNGASS 2017; nhấn mạnh mục tiêu hướng đến xã hội không ma tuý; không chấp nhận hợp pháp hoá việc sử dụng một số loại ma tuý; gạt bỏ sự tập trung của Uỷ ban vào các vấn đề của người nghiện và nhân quyền nói chung trong khi đã có các cơ chế khác của Liên Hợp Quốc đang giải quyết về vấn đề này.

Mỹ, Canada, EU và các nước Mỹ La-tinh tích cực đề cao văn kiện UNGASS 2017 và cách tiếp cận 7 đề mục, giảm vai trò của Tuyên bố chính trị 2009 bằng cách hạn chế hoặc không đề cập đến trong phát biểu và thảo luận; thúc đẩy các khía cạnh về chăm sóc y tế, bảo đảm quyền của người nghiện, mở rộng khái niệm chống kỳ thị từ phạm vi y tế, điều trị sang phòng, chống tội phạm ma tuý; nhấn mạnh bảo đảm quyền tiếp cận với tiền chất dùng cho mục đích y tế và khoa hoc; cải tiến Bộ câu hỏi thường niên ARQ, cập nhật các tiêu chí theo cách tiếp cận mới. Nhóm này tiếp tục lên án việc áp dụng án tử hình đối với tội phạm ma tuý, đưa ra các hình phạt thay thế hoặc áp dụng bản án tương xứng.

ASEAN không khoan nhượng với ma tuý

Tháng 10/2018, Tuyên bố ASEAN được các nước thành viên thông qua tại kỳ họp Hội nghị Bộ trưởng ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội đã gửi một thông điệp mạnh mẽ của các nước ASEAN về một xã hội không ma túy, khẳng định vai trò trụ cột của Ủy ban ma túy Liên Hợp Quốc và 3 Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy. Tuyên bố ASEAN một lần nữa khẳng định lập trường không khoan nhượng với ma túy và không ủng hộ việc hợp pháp hóa ma túy trên thế giới.

Bên cạnh đó, trước những thách thức và sự phức tạp của tình hình ma túy, ASEAN vẫn luôn kiên định cam kết cùng nhau đối phó với vấn đề ma túy trên thế giới.

Từ năm 2015, Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN về vấn đề ma túy đã được thể chế hóa theo Hiến chương ASEAN đã tạo động lực chính trị và định hướng chiến lược cho các nỗ lực của khu vực trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy ở khu vực.

Năm 2017, ASEAN đã khởi động Kế hoạch hợp tác ASEAN đấu tranh phòng chống sản xuất và mua bán ma túy trái phép ở khu vực Tam giác vàng giai đoạn 2017-2019. Kế hoạch hợp tác này nhằm vào việc ngăn chặn hoạt động mua bán ma túy và tiền chất từ Tam giác vàng vào khu vực ASEAN.

Để cải thiện việc chia sẻ thông tin giữa các quốc gia thành viên, ASEAN đã thành lập Trung tâm hợp tác phòng chống ma túy (ASEAN-NARCO), và sau đó đã hình thành Mạng lưới giám sát ma túy của ASEAN (ADMN).

Mạng lưới này được hỗ trợ cho việc chia sẻ thông tin cập nhật nhất về xu hướng ma túy trong khu vực thông qua một hệ cơ sở dữ liệu được thiết kế chuyên biệt. Tính đến nay, ASEAN-NARCO đã công bố thành công ba bản Báo cáo giám sát ma túy hàng năm của ASEAN, trong đó nêu rõ chi tiết về tình hình ma túy trong ASEAN.

Hoạt động của ASEAN cũng đã phát triển ngày càng gắn kết hơn. Hiện tại có một số cơ chế chia sẻ thông tin và điều phối các hoạt động tác chiến chung. Việc thành lập Tổ công tác ngăn chặn ma túy qua đường hàng không ASEAN và Tổ công tác ngăn chặn ma túy tại cảng biển ASEAN tiếp tục cải thiện việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan thực thi nhiệm vụ, khiến cho ma túy khó có thể xâm nhập vào biên giới của chúng tôi.

Trong lĩnh vực giảm cầu ma túy, ASEAN đã xây dựng một cổng thông tin ASEAN để chia sẻ các nguồn tư liệu hữu ích trong giáo dục phòng ngừa ma túy, bên cạnh đó, ASEAN dần dần mở rộng quy mô, diện bao phủ của các chương trình cai nghiện bao gồm các chương trình phục hồi tại cộng đồng. Mục tiêu của ASEAN là giúp người sử dụng ma túy được hòa nhập hoàn toàn với xã hội và sống một cuộc sống không có ma túy.

Các nước thành viên ASEAN đang tiếp tục đẩy mạnh năng lực hiện có để đảm bảo tính bền vững của các chương trình phát triển thay thế nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nông dân và giúp họ không tái trồng các cây có chứa chất ma túy bất hợp pháp. Các nước thành viên cũng tham gia vào chương trình phát triển tổng thể địa phương, đào tạo kỹ năng và các chương trình hướng nghiệp tạo thu nhập cho cả khu vực nông thôn và thành thị, nhằm cắt giảm nguồn cung và cầu của ma túy bất hợp pháp.

Chủ trương, chính sách, pháp luật phòng, chống ma túy của Việt Nam luôn nhất quán với quan điểm chung của ASEAN: không khoan nhượng với ma túy, không chấp nhận xu hướng hợp thức hóa sử dụng ma túy; cân bằng giữa các giải pháp giảm cung, giảm cầu; kiên định lộ trình hướng tới tầm nhìn xây dựng một cộng đồng ASEAN không có ma túy.

Nhằm phát huy vai trò Chủ tịch đương nhiệm ASEAN về phòng, chống ma túy, Bộ Công an Việt Nam có sáng kiến tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về nâng cao hiệu quả hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy xuyên quốc gia, từ ngày 10-12/9, tại Hà Nội. Đây là một cơ chế hợp tác bất thường được nhóm họp trước diễn biến phức tạp, khó lường của tội phạm ma túy, cảnh báo nguy cơ, thách thức mới, đòi hỏi các nước chung tay cùng Việt Nam và vì chính mình đối phó với hiểm họa ma túy.

Tại Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng, trong đó nhấn mạnh: Các nước khu vực cần tiếp tục nâng cao vai trò chủ đạo trong xây dựng các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy của quốc gia; chủ động đẩy mạnh các đợt truy quét tấn công trấn áp tội phạm ma túy trên diện rộng, tập trung vào các tuyển biên giới, tuyến vận chuyển ma túy và tiền chất trọng điểm từ khu vực Tam giác Vàng; nêu cao vai trò trách nhiệm trong việc trao đổi thông tin, phối hợp điều tra trấn áp tội phạm ma túy với cơ quan phòng, chống ma túy các nước và các đối tác; tăng cường hợp tác giữa các nước trong phòng, chống ma túy; đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương, hợp tác giữa các nước có chung đường biên giới; xây dựng các kế hoạch, sáng kiến và triển khai có hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có; giúp đỡ, hỗ trợ tăng cường năng lực thực thi pháp luật phòng, chống ma túy…

Hội nghị đã thể hiện rõ thiện chí và mong muốn cùng với các nước, các tổ chức quốc tế thực thi có hiệu quả cam kết chính trị mạnh mẽ, kiên quyết đấu tranh với tội phạm ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng cộng đồng ổn định, phát triển ở mỗi nước trong khu vực và trên thế giới.

Top