Chăm sóc sức khỏe- nhiệm vụ trọng tâm của công tác cai nghiện

15/10/2018 10:18

Chăm sóc sức khỏe cho người cai nghiện ma túy là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu liên quan đến phần lớn các hoạt động trong suốt quá trình cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện ma túy (CSCN).

Chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện. Ảnh internet

Từ chính sách

Do đặc thù của người nghiện ma túy, việc chăm sóc sức khỏe phải đồng thời xử lý hai vấn đề: Cai nghiện, điều trị các rối loạn tâm thần do nghiện ma túy gây ra và nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh xã hội như HIV/AIDS, lao, bệnh lây truyền qua đường tình dục, viêm gan B,C...

Hai nhiệm vụ này hòa quyện, bổ sung cho nhau. Người nghiện thực tế là người mắc bệnh tâm thần (mãn tính) đặc biệt, phổ biến là trầm cảm, ảo giác, hoang tưởng… liên quan đến lịch sử sử dụng ma túy, tính chất và mức độ nghiện. Gần đây các loại ma túy tổng hợp (ATS) phát triển ồ ạt; tính chất, đặc điểm nghiện phức tạp, rối loạn tâm thần cấp chiếm tỷ lệ cao, trong khi chưa có phác đồ điều trị chính thức. Ngay cả các bệnh viện chuyên về sức khỏe tâm thần với đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, đầy tâm huyết và kinh nghiệm cũng gặp không ít khó khăn trong điều trị.

Mặt khác, cũng rất phổ biến, người vào cai nghiện phần lớn suy kiệt cơ thể, do hậu quả của sử dụng ma túy, do sinh hoạt thiếu điều độ, bê tha, mắc rất nhiều thứ bệnh khác, phần lớn đến mức độ trầm trọng. Nếu không nâng cao thể chất, chữa trị các bệnh khác thì điều trị sức khỏe tâm thần cũng không đạt được. Do vậy, nhiệm vụ đặt lên vai những cán bộ làm công tác cai nghiện hết sức nặng nề.

Chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy được quy định trong nhiều văn bản của Chính phủ, gần đây nhất là Nghị định 221/2013/NĐ-CP. Đó là học viên được sàng lọc, đánh giá mức độ nghiện để xây dựng và thực hiện kế hoạch cai nghiện phù hợp, được điều trị cắt cơn, giải độc; điều trị rối loạn tâm thần và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe và định kỳ 6 tháng được khám, kiểm tra sức khỏe; được tư vấn, được tham gia sinh hoạt nhóm nhằm giúp họ thay đổi hành vi, nâng cao kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết tình huống gặp phải trong quá trình cai nghiện và kỹ năng phòng chống tái nghiện.

Chăm sóc sức khỏe cho người nghiện ma túy được thể hiện trong cả 5 giai đoạn của quy trình cai nghiện: Giai đoạn tiếp nhận, phân loại; điều trị cắt cơn, giải độc, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội; giáo dục, tư vấn, phục hồi hành vi, nhân cách; lao động trị liệu, học nghề; phòng, chống tái nghiện, chuẩn bị tái hòa nhập cộng đồng.

Bộ Y tế và Bộ LĐTB&XH cũng hướng dẫn phòng chống Lao, HIV/AIDS và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc đào tạo, tập huấn về chăm sóc sức khỏe cũng được quy định rõ, như chế độ ăn, thuốc men, chăn màn, quần áo… cho học viên.

Đến thực hiện

Những năm qua, công tác khám, chữa bệnh đã được quan tâm thực hiện khá toàn diện. Điều trị cắt cơn nghiện ma túy mỗi năm hàng chục nghìn người nghiện ma túy (cả nghiện nhóm opiat và nhóm ATS) đều bảo đảm an toàn, không xảy ra tai biến. Phác đồ điều trị loạn thần cấp cũng được áp dụng cho những học viên mắc phải. Các cơ sở cai nghiện đã phối hợp với các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng của địa phương tư vấn, khám, điều trị bệnh cơ hội, chăm sóc sức khoẻ cho học viên theo định kỳ. Xét nghiệm HIV ngay từ khi tiếp nhận vào cơ sở cai nghiện. Số đang điều trị ARV từ trước được làm thủ tục tiếp tục điều trị. Số mới xét nghiệm nếu đã chuyển sang AIDS được làm các thủ tục nhận thuốc và điều trị theo phác đồ.

Các cơ sở cai nghiện đã xây dựng các phương án, kế hoạch phòng dịch bệnh theo mùa và dịch bệnh phát sinh, tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục về biện pháp phòng chống HIV/AIDS, lao, bệnh truyền nhiễm và các loại dịch bệnh khác, thường xuyên kiểm tra vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, vệ sinh công nghiệp… không có các dịch bệnh xảy.

Các hoạt động tư vấn, giáo dục được triển khai dưới nhiều hình thức, nội dung phong phú: Thành lập tổ giáo dục, sử dụng các bộ tài liệu tư vấn, giáo dục giá trị sống của chương trình LVEP. Một số cơ sở cai nghiện thực hiện tư vấn theo chương trình đào tạo từ dự án quốc tế. Tổ chức sinh hoạt nhóm, phát thanh, tuyên truyền, thi tìm hiểu về cai nghiện ma túy, hoạt động rèn luyện thể chất, thi văn hóa văn nghệ...với các hình thức giáo dục chuyên đề, giáo dục theo nhóm, giáo dục cá biệt nên nhận thức của đối tượng có nhiều chuyển biến, các hành vi vi phạm được uốn nắn, sửa đổi kịp thời.

Về nâng cao thể chất, với chính sách nhà nước và nỗ lực của nhiều cơ sở cai nghiện (tăng gia sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi, vệ sinh môi trường...), các nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, ở của học viên được bảo đảm. Cùng với cơ sở vật chất được đầu tư khang trang, sạch đẹp, có sân chơi thể thao, nhà ăn hóa, thiết bị nghe nhìn, có nguồn nước sạch đầy đủ. Nhiều cơ sở cai nghiện đã xây dựng mối quan hệ thân thiện giữa cán bộ và học viên, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, dân chủ, công khai tài chính học viên được hưởng tự thành quả lao động của mình, tạo ra không khí ấm áp, giúp người cai nghiện yên tâm điều trị. Nhiều học viên sức khỏe nâng lên rõ rệt, xây dựng được động cơ và ý thức tích cực về cai nghiện ma túy, lạc quan, tin tưởng nhìn về tương lai.Việc kết nối giữa cơ sở cai nghiện và cộng đồng nhằm tạo ra sự nối tiếp quản lý, tư vấn, sinh kế được thực hiện có kết quả.

Sớm khắc phục những hạn chế về chăm sóc sức khỏe

Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng việc chăm sóc sức khỏe cho người nghiện tại nhiều cơ sở cai nghiện còn bất cập. Giai đoạn tiếp nhận chưa thực hiện đánh giá mức độ rối loạn sức khỏe, hành vi do sử dụng ma túy, chưa lập kế hoạch điều trị cá nhân, toàn diện về sức khỏe, tâm lý, học nghề và tái hòa nhập. Hoạt động y tế mới chỉ tập trung chủ yếu vào cắt cơn, giải độc và phối hợp xét nghiệm HIV nếu có điều kiện; nhiều cơ sở chưa quan tâm khám sàng lọc bệnh lao, đặc biệt là khám ngay khi tiếp nhận vào; thiếu điều kiện xét nghiệm CD4 cho người nhiễm HIV để có thể được điều trị ARV; việc chuyển gửi học viên đi khám chữa bệnh ở tuyến trên còn hạn chế do thiếu cán bộ và chi phí.

Hoạt động hướng dẫn, tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm về các kỹ năng dự phòng tái nghiện còn sơ lược. Biện pháp giáo dục chủ yếu là trang bị các kiến thức chung, chưa tập trung vào chương trình đặc thù về trị liệu hành vi cho người cai nghiện ma túy. Việc tái hòa nhập cộng đồng mới chỉ tập trung làm các thủ tục trở về địa phương, thiếu hướng dẫn lập kế hoạch và chuẩn bị hành trang, tâm lý, kiến thức dự phòng tái nghiện khi trở về cộng đồng; việc kết nối với cộng đồng để tiếp quản lý, giúp đỡ,ổn định thu nhập và cuộc sống, nâng cao sức khỏe nhiều nơi chưa làm được hoặc mang tính hình thức.

Nhiều cơ sở cai nghiện đã xây dựng từ lâu, hiện đã xuống cấp,bố trí các khu vực bất hợp lý, không được tu bổ, các trang thiết bị thiếu thốn, chỗ ở chật chội không đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường.Với người cai nghiện tại cộng đồng còn rất nhiều hạn chế về chăm sóc sức khỏe do cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất và cán bộ.

Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe có nhiều việc phải làm. Ở đây chỉ nêu hai vấn đề cốt lõi cần khắc phục sớm.

Trước hết là cán bộ. Hai loại cán bộ trực tiếp liên quan đến chăm sóc sức khỏe học viên là cán bộ y tế và cán bộ điều trị tâm lý, giáo dục, hiện nay, tỷ lệ chỉ chiếm trên dưới 20% so với tổng cán bộ ở cơ sở cai nghiện, là quá thấp so với yêu cầu. Có thể nói, hai loại cán bộ này, không "làm xuể" các công việc chuyên môn theo quy định. Nhiều cơ sở cai nghiện, có chỉ tiêu nhưng hàng chục năm không tuyển được bác sỹ do thu nhập thấp so với làm việc ở các cơ quan khác, đã vậy lại vất vả hơn trong môi trường làm việc phức tạp, nhiều rủi ro, xa gia đình, không có điều kiện chăm sóc con cái...Số bác sỹ chuyên khoa tâm thần trong hệ thống cơ sở chữa bệnh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cán bộ tâm lý, giáo dục đã thiếu nhưng năng lực lại chưa đáng ứng yêu cầu.

Cũng phải nói rằng, có một lý do là sự hạn chế trong nhận thức, quan tâm, tạo điều kiện, động viên, khuyến khích của cán bộ lãnh đạo quản lývề chăm sóc sức khỏe cũng như việc đặt ra yêu cầu cao, bắt buộc cho cán bộ để họ nhiệt huyết với công việc, liên tục nghiên cứu, đúc kết thực tiễn, vượt qua gian khổ, bám sát học viên, khắc phục lối làm việc hành chính, mệnh lệnh, qua loa...

Trước mắt và lâu dài, cần có chính sách ưu đãi cho cán bộ y tế và tâm lý giáo dục và đổi mới cơ chế tuyển dụng, cơ cấu lại, tăng tỷ lệ cán bộ y tế và tư vấn trong cơ sở cai nghiện (không dưới 30%); thực hiện chế độ bắt buộc nâng cao trình độ chuyên môn, khuyến khích những cán bộ tâm huyết, có năng lực và kinh nghiệm. Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng từ Trung ương đến cơ sở cai nghiện, trong đó, nhiệm vụ của các cơ quan Trung ương là đổi mới chính sách, chế độ cho cán bộ và học viên, phác đồ điều trị, huấn luyện, chỉ đạo, giám sát,cung cấp tài liệu, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm của quốc tế, giữa các địa phương...

Thứ hai là cơ sở vật chất. Không thể triển khai tốt công tác chăm sóc sức khỏe trên nền tảng cơ sở vật chất xuống cấp, chật chội, không đảm bảo những nhu cầu tối thiểu về sinh hoạt, các trang thiết bị về khám chữa bệnh, tư vấn, thể dục thể thao, giải trí, dạy nghề...NN không thể mãi kìm nén bức xúc, yên tâm hay "yêu quý" nơi giúp mình bình phục trong một môi trường hoạt động chăm sóc sức khỏe nghèo nàn, thái độ khô cứng của cán bộ và xơ sở vật chất xập xệ.

Không nên so sánh chế độ cho người cai nghiện tại cơ sở cai nghiện cao hơn chế độ cho một số đối tượng bảo trợ xã hội khác để từ đó lưỡng lự trong việc đầu tư cơ sở vật chất hoàn thiện cơ sở cai nghiện. Bởi vì mục tiêu của cai nghiện là giúp người nghiện phục hồi, hòa nhập cộng đồng. Mà để phục hồi thì cốt lõi là chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh tâm thần, nâng cao thể chất, chữa các bệnh nhiễm trùng cơ hội, bệnh lây qua đường tình dục... Đó là nhiệm vụ hết sức phức tạp và khó khăn như đã nêu. Cở sở vật chất phải tương ứng với yêu cầu nhiệm vụ. Tất nhiên, hoàn thiện cơ sở vật chất phải gắn với quản lý, quy hoạch phù hợp với quy trình cai nghiện,sử dụng hết công năng, không để lãng phí.

Top