‘Cánh cửa’ đầu tiên giúp người sử dụng ma tuý được tư vấn, điều trị

02/05/2019 10:42

Với mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”, công an khi tiếp cận với người sử dụng ma tuý thì việc đầu tiên là giới thiệu người đó tham gia mô hình thí điểm thay vì chỉ tập trung vào lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính hay lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc như cách làm truyền thống.

“Cánh cửa” đầu tiên

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 2596/QĐ-TTg ngày 27/12/2013 về phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma tuý ở Việt Nam đến năm 2020, ngày 4/9/2018, Bộ LĐTB&XH đã có công văn giao nhiệm vụ cho 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM triển khai thí điểm mô hình.

Ngày 12/2/2019, UBND TP. Hà Nội ban hành Kế hoạch số 40/KH-UBND triển khai thí điểm mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”. Địa phương được Thành phố Hà Nội lựa chọn thực hiện là quận Long Biên, quận Nam Từ Liêm. Thành phố xác định các nhiệm vụ chính cần thực hiện, đó là: Xây dựng nội dung và khung kỹ thuật của mô hình, triển khai và tuyên truyền giới thiệu mô hình tới các đối tượng, người dân, tạo sự tự nguyện và đồng thuận của người dân về nội dung kỹ thuật của mô hình.

Tập huấn, đào tạo cơ bản và chuyên sâu về chuyên môn cho nhân lực tham gia thực hiện mô hình ở 3 cấp: Thành phố, quận và đặc biệt là cấp phường.

Triển khai các hoạt động chuyên môn: Phát hiện, tiếp cận, sàng lọc, đánh giá người sử dụng ma tuý về mức độ sử dụng, nghiện ma tuý, mức độ rối loạn tâm thần, nguy cơ nhiễm HIV, viêm gan và một số bệnh khác để chuyển gửi đến các cơ sở dịch vụ điều trị nghiện ma tuý, dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ pháp lý và tâm lý xã hội, dự phòng tái nghiện.

Đánh giá kết quả hoạt động của mô hình trên cơ sở các tiêu chí khung kỹ thuật mô hình và hiệu quả bằng số người tham gia và thời gian người nghiện ma tuý, sử dụng ma tuý tham gia điều trị theo chương trình, số lượng và chất lượng các hoạt động mà người tham gia điều trị được chuyển gửi.

Theo ông Hoàng Thành Thái, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, trong các hoạt động trên, các hoạt động chuyên môn là hoạt động chủ đạo, trọng tâm, xuyên suốt, thể hiện sự quan tâm của  chính quyền cơ sở và gắn với quá trình điều trị lâu dài của đối tượng qua việc phát hiện sớm việc sử dụng ma tuý, xác định các nhu cầu theo thứ tự ưu tiên để thực hiện chuyển gửi đến các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ phù hợp. Khi sức khoẻ ổn định lại tiếp tục chuyển gửi tới các dịch vụ hỗ trợ xã hội để tiếp tục được hỗ trợ hoà nhập cộng đồng và dự phòng tái nghiện cho đến khi “đạt được kết quả cao nhất về thể chất và tâm thần”.

Tại Hà Nội, mô hình được thực hiện dưới sự phối hợp quản lý của Sở LĐTB&XH và Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội Hà Nội. Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển cộng đồng là đơn vị cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực cho mô hình và các điểm tư vấn, điều trị với sự hỗ trợ tài chính và đồng hành của Cơ quan quản lý dịch vụ điều trị nghiện và sức khỏe tâm thần Hoa Kỳ (SAMHSA).

Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Phát triển Cộng đồng (SCDI) cho biết, sự tham gia của lực lượng thực thi pháp luật đóng vai trò vô cùng ý nghĩa trong mô hình vì họ là bộ phận tiếp xúc với người sử dụng/nghiện ma tuý tại địa bàn nhiều nhất (bên cạnh các nhóm cộng đồng của người sử dụng ma tuý) nên họ là “cánh cửa” đầu tiên để người sử dụng ma tuý được tiếp xúc với những thông tin về hỗ trợ, tư vấn, điều trị nghiện…, sau đó được chuyển gửi đến các dịch vụ phù hợp với tình trạng và nhu cầu của họ.

Mô hình “Hỗ trợ tư vấn pháp lý và xã hội, chuyển gửi đối với người tham gia cai nghiện ma tuý”, là mô hình đầu tiên tại Việt Nam có sự tham gia của lực lượng công an hành chính cấp phường, xã trong việc giới thiệu, kết nối, chuyển gửi người sử dụng ma túy đến với các cơ sở tư vấn và hỗ trợ điều trị tự nguyện tại cộng đồng.

Đặc điểm riêng có của mô hình là có sự tham gia chuyển gửi của công an đến các cơ sở điều trị thông qua chuyển gửi đến nhân viên xã hội tại xã phường thí điểm để sàng lọc, đánh giá, động viên vào điều trị. Công an khi tiếp cận với người sử dụng ma tuý thì việc đầu tiên là giới thiệu tham gia mô hình thí điểm thay vì chỉ tập trung vào lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính như cách làm truyền thống.

 Quy trình chuyển gửi

Hướng tới yếu tố thân thiện

Mới đây, ngày 26/4, UBND quận Long Biên (Hà Nội) đã tổ chức Lễ ra mắt Mô hình Hỗ trợ tư vấn pháp lý và chuyển gửi điều trị đối với người tham gia cai nghiện ma tuý.

Như vậy việc hỗ trợ dành cho người sử dụng/nghiện ma tuý nay đã có sự tham gia của lực lượng công an địa phương trong việc cung cấp thông tin về điều trị và giới thiệu đến cơ sở tư vấn ngay tại địa bàn, nhằm thúc mạnh mẽ việc thực hiện Đề án Đổi mới công tác cai nghiện: công nhận nghiện là bệnh mãn tính của não bộ cần được chữa trị lâu dài, tự nguyện tại cộng đồng.

Mô hình được thí điểm tại 3 phường Bồ Đề, Ngọc Lâm, Ngọc Thuỵ. Tại mỗi phường cũng thành lập Điểm Tư vấn và hỗ trợ điều trị đặt tại Trạm y tế. Các nhân viên y tế, xã hội cùng phối hợp điều trị, hỗ trợ người bệnh, nếu vượt quá khả năng thì chuyển gửi đến các cơ sở điều trị chuyên sâu như cơ sở methadone, cơ sở cai nghiện tự nguyện, bệnh viện ... chuyển gửi đến trung tâm trợ giúp pháp lý và có thể tham gia sinh hoạt tại các nhóm tự lực của người sử dụng ma tuý để giúp nhau hồi phục.

Mục tiêu của mô hình là nhằm tăng số người người nghiện ma tuý vào điều trị tự nguyện, tiếp cận toàn diện với các dịch vụ điều trị như cắt cơn giải độc, điều trị rối loạn tâm thần do sử dụng ma tuý, khám và điều trị viêm gan B, C, lao, HIV, tư vấn pháp lý, tâm lý xã hội như quan hệ gia đình, bạn bè, việc làm...

Điều phối viên tư vấn cho người sử dụng ma tuý tại điểm tư vấn phường Bồ Đề

Với mô hình này, người sử dụng ma tuý không chỉ được tiếp cận với dịch vụ y tế về điều trị nghiện mà còn được kết nối với các dịch vụ y tế khác và các dịch vụ pháp lý – xã hội phù hợp với nhu cầu, điều này giúp người sử dụng ma tuý giải quyết được các rào cản khiến họ gặp khó khăn trong quá trình điều trị nghiện và tái hoà nhập cộng đồng.

Mô hình cũng hướng tới yếu tố thân thiện, lực lượng công an địa phương bên cạnh trách nhiệm quản lý, thực thi pháp luật nay đóng vai trò hỗ trợ người sử dụng ma tuý, làm tăng sự cởi mở và tin tưởng của người sử dụng ma tuý đối với lực lượng thi hành pháp luật nói chung.

Điều này rất quan trọng trong việc khuyến khích người sử dụng ma tuý tiếp cận với các dịch vụ tư vấn và điều trị phù hợp với mong muốn, nhu cầu của từng cá nhân. Từ đó, mô hình sẽ cùng lúc giúp thúc đẩy các dịch vụ điều trị tự nguyện tại cộng đồng được phát triển và nhân rộng một cách chuyên nghiệp, bài bản. Sự phát triển này sẽ góp phần tạo điều kiện hơn nữa giúp người sử dụng ma tuý cũng như cộng đồng dân cư được tư vấn và tháo gỡ được các vấn đề liên quan đến sử dụng ma tuý trong bối cảnh phức tạp như hiện nay.

Trước đó, các mô hình tương tự đã được triển khai một số quốc gia đều thu được kết quả tích cực như: Giảm 60% tỷ lệ vi phạm pháp luật và tăng gần 30% tỷ lệ có việc làm trong cộng đồng người sử dụng ma tuý tham gia vào mô hình cũng như tăng cường bình ổn tại địa bàn triển khai…

Top